Chuyện tình đẹp của chàng trai khuyết tật

Chủ Nhật, 24/06/2018, 14:01
Người đời thường bảo, chỉ có ba mẹ mới yêu thương con cái mình vô điều kiện. Tình yêu nam nữ, dù đẹp nhất, vẫn len lỏi đâu đó sự tính toán thiệt hơn! Nhưng khi gặp đôi vợ chồng Nguyễn Xuân Trung, Lê Thị Bốn, ở thôn Giàng Phao, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị, tôi đã không tin vào điều đó!


Trong một lần trà dư tửu hậu, mọi người đang tranh luận nhau sôi nổi về chuyện tình yêu, bạn tôi, một nhà kinh doanh hàng mộc mỹ nghệ có tiếng ở miền Trung, từng lấy vợ nhiều lần và ly hôn, bỗng phán một câu như sấm: "Tình yêu không có chỗ cho những toan tính đâu!".

Anh Trung chăm chỉ làm việc ở xưởng cưa.

Tất nhiên, câu nói đó chúng tôi đã từng nghe rất quen. Nhưng lần này khi bạn tôi nói, đáng chú ý, anh đưa ra ngay một bằng chứng cụ thể. Sau này, cũng có thể coi đây là một lời khuyên cho việc giữ gìn hạnh phúc gia đình: "Các anh không tin đến gia đình chị Bốn Đà Nẵng, anh Trung cụt chân, ở thôn Giàng Phao, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh thì biết!".

Giàng Phao nằm ở vùng gò đồi. Đến đầu làng, mới hỏi tên vợ chồng họ, thấy ai cũng hồ hởi, chỉ đường rất nhiệt tình. Tuy nhiên, tôi vẫn ngạc nhiên, nên ghé tai một bà cụ hỏi nhỏ: "Chị Bốn Đà Nẵng và anh Trung cụt chân có gì đặc biệt mà bà con ai cũng vui khi được hỏi về họ thế bà!?".

Bà cụ khẽ trả lời: "Bà con ở đây quý mến, cảm phục vợ chồng chúng nó lắm! Một đứa không may bị cụt chân, lại hay đau ốm, tưởng đã tàn phế, nhưng nó đã vượt lên mọi khó khăn bằng nghị lực rất phi thường. Một đứa vừa đẹp người vừa đẹp nết, nhưng lại yêu và lấy một thanh niên có thân thể không được lành lặn. Vợ chồng chúng nó còn là tấm gương sáng về sự tử tế; sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn xung quanh mình!".

Bày ra bàn mời khách món mít quả ngọt lịm, thơm phức vừa hái ở vườn nhà, anh Trung trông rất hạnh phúc, bảo đó là một trong những công sức lao động không biết mệt mỏi của vợ chồng trong những năm qua.

Cách đây hơn 20 năm, Trung là một thanh thiếu niên cường tráng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cậu đành phải gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học, ở nhà cùng ba mẹ hằng ngày làm lụng cật lực trên đồng ruộng quê mình.

Ít năm sau, ba mẹ Trung hướng cho con đi nghề thợ nề, bởi lúc đó nghề này khá đắt khách ở quê. Sau vài năm làm nghề, Trung dành dụm được đồng tiền công kha khá, nên tính đến chuyện lập gia đình cho ba mẹ được an vui.

Nhưng rồi không ai biết trước được chữ ngờ. Một ngày khi thôn xóm đang rất bình yên, một tai nạn bất ngờ đã xảy đến với Trung, khiến không chỉ anh đau đớn, mà bà con làng xóm ai nấy bàng hoàng.

"Hôm đó, khi em đang cùng với mấy bạn thợ đào móng, xây nhà cho một gia đình ở cùng xã, thì một tiếng nổ bất ngờ từ trong đất, ngay dưới nhát cuốc em vừa bổ xuống, hất em văng ra xa khỏi chỗ đó.

Sau tiếng nổ là một màn khói đen dày đặc trùm lên tất cả xung quanh. Em cố đứng dậy, nhưng không được. Sau đó thì em không còn biết gì nữa", giọng anh bỗng chùng hẳn xuống khi kể về vụ tai nạn. Tiếng nổ của quả bom bi sót lại sau chiến tranh đã làm toàn bộ người làng Giàng Phao đau nhói.

Với họ, chiến tranh đã qua đi hàng chục năm. Một ngôi làng nhỏ bé nằm sát bên bờ sông Bến Hải giới tuyến, vốn gánh chịu hàng chục nghìn tấn bom đạn giặc, nay vẫn còn nỗi đau lớn do bom đạn sót lại sau chiến tranh.

Trung tỉnh lại sau hơn 2 ngày đêm ở bệnh viện tỉnh. Việc đầu tiên anh muốn làm là cố bật người dậy để hỏi han về những người bạn thợ, nhưng anh đã không thể.

"Cú bật người ấy đã làm em ngã chúi. Em định thần lại và đưa tay sờ lên chân phải của mình, nhưng cái chân đã không còn nữa. Một cảm giác hụt hẫng đã nhanh chóng lan khắp cơ thể em. Em gục xuống trên chiếc giường bệnh và khóc rất nhiều. Lúc đó, em nghĩ từ nay mình đã không còn có thể đi lại, chạy nhảy như trước đây được nữa", Trung nhớ lại. 

"Đang tuổi thanh niên khỏe mạnh bỗng thành người tàn tật, em buồn chán lắm! Những ngày sau đó, tâm trạng em luôn trong tuyệt vọng. Có không ít lần em đã nghĩ đến cái chết.

Nhưng khi nhìn mẹ em đã già, lại phải rất vất vả lo cho con; ngày nào mẹ cũng quăng quật tấm thân gầy gò, đen cháy, hết trên đồng khô, lại xuống đồng trũng, gieo cấy đủ các loại giống lúa có trong xã. Thương mẹ, em quyết tâm gượng dậy. Em tìm tòi thông tin và quyết định vào Bệnh viện 268 ở TP. Huế để lắp chân giả", Trung bùi ngùi kể.

Nhưng cuộc chỉnh hình lắp chân cho anh thất bại vì nhiều lí do. Hai năm sau, anh may mắn được một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng điều trị.

Tại đây, một cơ duyên đã đến, làm thay đổi cuộc đời anh. Đó là những ngày dài nằm ở bệnh viện, việc thường phải ở một mình do nhà neo người, phải tự lo mọi việc từ đi lại, mua thức ăn đồ uống, giặt giũ quần áo, đến các sinh hoạt cá nhân khác, đã khiến một cô gái chăm sóc em trai mình bị bệnh, cũng ở đây, động lòng trắc ẩn. Trước là mua giúp hộp cơm, chai nước; sau là giặt giúp chiếc áo, rồi không biết từ khi nào, cô gái ấy đã đem lòng yêu thương Trung, rất đỗi chân thành.

Nói về tình yêu giữa hai người, chị Bốn cười hiền, rụt rè kể: "Ngày đó, tui thấy anh hằng ngày lủi thủi với đôi nạng gỗ nặng nề, lộc cộc đi lại trong phòng bệnh và xuống căng tin mua đồ ăn.

Tui nghĩ, em mình ốm có người chăm sóc mà đã thấy vất vả rồi, đằng ni thấy anh ấy xa quê, lại một mình nhìn tội lắm. Mỗi ngày khi giặt giũ áo quần cho em trai, tui đều bảo anh, là đưa phần anh để giặt luôn thể. Lúc đầu anh cũng ngại, nhưng lâu thành thân quen. Rồi hai đứa có tình cảm với nhau lúc nào không hay".

Nghe vợ kể, anh Trung nhìn vợ âu yếm, kể thêm: "Lúc đó, tui biết cô ấy có tình cảm với mình, nói đúng hơn là nhìn thấy mình hoàn cảnh như thế nên thương. Lúc đầu thì tui vui lắm, cảm giác rất hạnh phúc, nhưng rồi nghĩ nếu mà duyên nên được vợ chồng, thì mình cũng không đành.

Vì mình không lành lặn, lúc về một nhà rồi sẽ trở thành gánh nặng cho cô ấy, trong khi con gái lấy chồng là cần một điểm tựa cho vững chãi. Nghĩ vậy, nên tui lúc đó đấu tranh mình dữ lắm; nhiều đêm tui thức trắng, đi lại trong hành lang bệnh viện, với hàng tá câu hỏi cứ ném vào khoảng không.

Vợ chồng anh Trung, chị Bốn vượt mọi khó khăn, sống hạnh phúc bên nhau.

Cuối cùng, tui không muốn cô ấy phải khổ, nên đã có lúc tui tìm cách tránh mặt cô ấy", anh chia sẻ. Nghe chồng kể chưa hết chuyện, chị Bốn đã thêm vào, như một lời khẳng định về tình yêu đẹp của họ: "Lúc đó, em đã nghĩ kỹ rồi, em yêu anh bằng trái tim chứ không phải bằng cái đầu toan tính. Khi đã yêu, em sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, miễn sao trên con đường về phía trước, hai đứa luôn nắm tay nhau, cùng nhau song hành thì sẽ vượt qua".

Nói vậy, nhưng ngày chị đưa anh về ra mắt gia đình, họ không tránh khỏi sự phản đối ra mặt của gia đình bên chị. Đấy cũng là lẽ thường tình. Bởi cha mẹ sinh con ra, yêu thương con hết mình, chăm nuôi con khôn lớn, có ai muốn con mình lấy một người không lành lặn bao giờ!

Họ nhìn anh thanh niên khập khiễng đôi chân mà nghĩ về cảnh con gái mình đang chăn ấm, gối êm, vừa đẹp người vừa đẹp nết, có hàng chục đứa con trai tử tế ở thành phố với công ăn việc làm ổn định đang đeo đuổi, nay bỗng về quê một đứa con trai với thân thể đã không còn lành lặn, quê quán lại cách xa trăm cây số, mọi việc rồi đây không biết sẽ ra sao.

Trung lén nhìn những giọt nước mắt của họ âm thầm nhỏ xuống mà trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Thương họ, thương người con gái yêu mình, nên anh quyết định bàn lui: "Hay thôi em ạ, yêu thương cứ để trong lòng! Vì anh hiểu những khó khăn phía trước rất khó vượt qua. Nếu mình làm cha làm mẹ, mình cũng nghĩ và lo cho con vậy thôi!".

Nhưng chị Bốn lúc đó rất cương quyết: "Ba mẹ ơi, con biết con có lỗi, nhưng con không phụ lòng yêu thương của ba mẹ; ba mẹ sinh con ra, dành hết tình yêu thương cho con và nuôi con khôn lớn, song về phần cuộc sống của con khi đã trưởng thành, con muốn được tự mình quyết định. Hơn nữa, con có niềm tin vào trái tim và sự lựa chọn của mình".

Thấy con gái quá cương quyết, ba mẹ chị đành phải chiều theo con. Một đám cưới nhỏ đầm ấm được tổ chức. Và, có lẽ hiếm có đám cưới nào trên bục hôn trường cả hai gia đình đều khóc.

Họ khóc không phải vì sự xót xa, đau khổ mà vì sự xúc động trước lời nói của đứa con trai, con rể mình: "Ba mẹ ạ! Kể từ sau vụ tai nạn kinh hoàng, đau đớn của 5 năm về trước, thân thể con đã mãi mãi khiếm khuyết như thế này. Nhưng bây giờ, hạnh phúc của con đã vẹn tròn, về sau và mãi mãi! Vì con lấy được người vợ hết đỗi yêu thương con và luôn nghị lực cùng con vượt khó!"…

Để bắt đầu với cuộc sống ở quê, anh bàn với vợ mở một cái quán tạp hóa nhỏ. Ngày ngày, vợ anh bán quán, chăm lo bữa cơm còn anh làm thợ cắt tóc. Cuộc sống của họ qua ngày đoạn tháng nhờ khoản thu nhập ít ỏi đôi ba chục ngàn từ hàng quán đó. Rồi những đứa trẻ chào đời.

Hạnh phúc nhọc nhằn gõ cửa ngôi nhà riêng của họ. Mười hai năm ở quê chồng, chị Bốn tất bật với cuộc sống áo cơm, thực hiện nghĩa vụ của người con dâu hiếu thảo, người vợ ngoan hiền. Đôi khi gia cảnh cũng lâm vào khốn khó bởi sự thiếu thốn triền miên, bởi chồng ốm đau đến khổ sở mỗi lúc trái gió trở trời.

Nhiều đêm thức để xoa bóp vết thương cho chồng, chị chợt nhận ra rằng, giữa tất bật cơm áo mưu sinh với tình yêu đời mình có cái gì đó vất vả ngang nhau. Những lúc đó, chị len lén nắm lấy đôi tay gầy của anh thật chặt. Rồi khi bình minh thức giấc, nhìn nụ cười của anh, chị như được truyền thêm sức mạnh!...

Vợ chồng họ quyết định chuyển nghề từ gần 6 năm nay, xin vào làm công nhân cho một xưởng cưa trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Thông cảm với hoàn cảnh của anh chị, chủ xưởng tốt bụng đầu tư cho anh một chiếc xe thùng ba bánh để tạo điều kiện cho anh kiếm thêm thu nhập bằng cách chở củi đi nhập cho các cơ sở trong vùng.

Mỗi buổi sớm, bất kể nắng mưa, chiếc xe thùng ba bánh lại lạch tạch nổ máy đưa hai vợ chồng họ đến xưởng gỗ. Chị Bốn tâm sự: "Vì cuộc sống, anh ấy phải đi làm, nhưng đôi chân anh ấy thực sự không khỏe. Mỗi đêm về, nhất là khi trở trời, anh đều thức trắng vì đầu gối chân trái sưng to, đau nhức nhìn xót lắm".

Nắng chiều nhuộm vàng cả một khúc sông Bến Hải. Làng Giàng Phao hắt bóng xuống dòng sông, nhưng nằm sóng sánh dưới lớp ánh nắng mà không che khuất. Quang cảnh đẹp như một bức tranh trong truyện cổ tích! Tôi theo vợ chồng anh Trung, chị Bốn ra phía bờ sông.

Họ sánh bước bên nhau vào ngày chủ xưởng cưa cho nghỉ xả hơi cuối tuần, vừa đi vừa nói cho tôi nghe về một dự định trong tương gần. Ở đó, trong vài năm tới, với gần 3 sào ruộng lúa, họ sẽ dựng xây nên một trang trại khép kín, trong đó việc trồng sen lấy hạt và nuôi cá nước ngọt sẽ đóng vai trò chủ đạo. Tôi rất mong cho dự án của họ sẽ sớm thành công!

Phan Thanh Bình
.
.
.