Chuyện tình giữa "đảo hoang"

Thứ Sáu, 14/11/2014, 10:30

Dù đến tuổi gần đất xa trời nhưng vợ chồng ông Thảo bà Xuân ở bãi giữa sông Hồng, phường Phúc Xá, quận Long Biên (Hà Nội) không một mụn con để nương tựa tuổi già. Hai phận già yếu, kẻ mù, người bệnh tìm đến nhau như kiếm tìm một sự bấu víu. Bằng ánh sáng tình yêu, họ đã dìu nhau đi qua bóng tối của số phận cuộc đời. Chuyện tình già giữa chốn đảo hoang của ông Thảo, bà Xuân khiến bao người cảm phục...

Hai con người bất hạnh ấy là hai số phận éo le, hai cảnh ngộ buồn tủi. Người vợ bỗng dưng mù lòa còn người chồng mắc bệnh tim. Mỗi người một số phận bi thương, một khoảng tối muộn phiền nhưng giống nhau ở một điểm, họ đều là những con người nghị lực và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Ở họ, sự sống là bất diệt, ánh sáng tình yêu không bao giờ tắt.

Gặp nhau trong bóng tối

Đến nhà ông Thảo vào giờ chính ngọ cũng là lúc hai vợ chồng ông đang lọ mọ tìm đường về. Ngày nào họ cũng chở nhau trên chiếc xe đạp đi nhặt rác quanh Hà Nội tới tối mịt mới về. Phía cuối đường, chưa rõ mặt người đã nghe tiếng nói cười rôm rả của hai vợ chồng ông Thảo. Từ ngày về xóm chài, vợ chồng ông Thảo chẳng khác nào "dân phường chèo" làm náo nhiệt cả chốn "đảo hoang".

Ở phía rìa sông, túp lều của gia đình ông Thảo cũ nát như xơ mướp và chưa từng gia cố một lần. Trong căn nhà ấy không một món đồ đáng giá ngoài con cún nhỏ. Dưới cái nắng khét da, ông Thảo đánh chiếc áo cộc tay để lộ bộ khung còm nhom, khắc khổ. Dắt "con ngựa sắt" qua cầu phao, ông Thảo cười nói "bữa ni chông vợ hài (hai vợ chồng) đi nhặt rác mà được ít hàng quá nên tranh thủ về nghỉ trưa". Nói rồi cụ ông dùng toàn bộ sức cõng người vợ mù vào nhà trên chiếc cầu phao dập dềnh nước. Trong túp lều của vợ chồng ông Thảo lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười, hạnh phúc.

Cả cuộc đời cật lực mưu sinh trên mảnh đất hoang nên vợ chồng ông Thảo già đi trông thấy. Cả hai năm nay đã ngoài 75, nom điệu bộ họ thật khắc khổ: từ bộ quần áo mặc trên người chằng chịt những mũi khâu, nước da đen nhẻm, gương mặt nhăn nheo, già nua. Chẳng ai có thể nghĩ rằng trong sự nghèo đói, túng thiếu lại sinh ra một đôi vợ chồng già thương yêu nhau đến như vậy. Từ lúc bước vào căn nhà nổi ấy, chúng tôi không kìm hãm tràng cười liên thanh từ câu chuyện "phiếm" của ông Thảo. Và xen lẫn là những câu chuyện "cười ra nước mắt" về cuộc đời của hai con người "bần cố nông".

Vợ chồng ông Thảo nở nụ cười tươi rói trong túp lều chật chội.

Vợ chồng ông Thảo người gốc Nam Định. Từ thời niên thiếu, anh Thảo, chị Xuân đã trở thành đôi bạn nối khố "chăn trâu, cắt cỏ" ở vùng quê nghèo Ý Yên. Mỗi chiều họ cùng chăn trâu, vi vu thả diều trên những đồng cỏ mênh mông. Và mối tình thời thơ ấu cứ thế lớn dần thành tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên tình yêu của họ chẳng mấy suôn sẻ chỉ vì lời thề nguyền của hai dòng họ Trần - Nguyễn. Hai gia đình cố tìm mọi cách để chia rẽ đôi trẻ. Anh Thảo lên đường nhập ngũ, còn chị Xuân ở nhà chăm chỉ làm lụng đồng áng. Suốt ba năm dài đằng đẵng họ vẫn thường xuyên ngóng tin nhau qua những lá thư nơi biên cương. Ngày anh Thảo ra quân trở về quê hương, hai người làm đám cưới ra mắt làng nước trong sự miễn cưỡng của gia đình. Cũng trong ngày trọng đại ấy, cả hai họ nội ngoại tuyên bố từ mặt con. Họ cưới nhau về bắt đầu từ con số không tròn trĩnh: không một tấc đất cắm dùi, không của hồi môn và cũng không họ hàng thân thích.

Ngoài 30 tuổi, hai vợ chồng anh Thảo quyết tâm rời bỏ quê hương khăn gói lên Hà Nội kiếm sống. "Thời đó ra đi với đôi bàn tay trắng, lên Thủ đô chúng tôi mưu sinh bằng đủ thứ nghề từ cửu vạn, chạy bàn, bán nước cho đến nhặt rác. Ban ngày lang thang khắp nơi kiếm sống và khi đêm xuống chúng tôi ngủ tạm ở dưới gầm cầu. Mặc dù nghèo đói túng thiếu nhưng được cái vợ chồng tâm đầu ý hợp, hiểu nhau nên mọi sự vất vả, khó khăn chúng tôi đều có thể vượt qua".

Lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô thị, vợ chồng anh Thảo cố tìm cho mình một nơi định cư lâu dài. Họ dắt nhau về bãi giữa sông Hồng xin gia nhập "xóm ngụ cư" cách đây hơn 30 năm về trước. Vốn là người chăm chỉ làm lụng, chịu thương chịu khó nên khi tới xóm chài, vợ chồng ông Thảo đã sớm bắt nhịp với cuộc sống ở đây. Họ dùng toàn bộ số vốn tích cóp trước đây để dựng tạm chiếc lều nổi ở mé sông lấy chỗ che nắng che mưa. Hạnh phúc lớn nhất của đôi "vợ chồng son" là có đủ cơm no, áo ấm nuôi nhau qua ngày. Nhưng cũng vì gia cảnh nghèo túng nên vợ chồng anh Thảo chưa một lần dám nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái.

Thiên cổ tích tình yêu

Trong túp lều nổi bên sông luôn thiếu vắng tiếng nói cười của trẻ thơ, đó là một sự bất hạnh, buồn tủi lớn đối với vợ chồng nghèo. "Cũng muốn sinh con đẻ cái như bao người để nương tựa tuổi già nhưng ngẫm đến cảnh sinh ra rồi để chúng nheo nhóc lại càng thấy tội hơn" - bà Xuân cho hay. Và mỗi lần ngẫm về những đứa con, vợ chồng ông Thảo càng thương yêu, quấn quýt nhau hơn. Vốn là người đàn ông vui tính lại giỏi chiều vợ, vì thế ngày nào ông cũng Thảo cũng ngâm thơ, hát chèo, kể truyện và diễn xướng cho vợ xem. Những tiếng cười hạnh phúc cứ thế át dần đi nỗi buồn "không con".

Cũng như những người dân bãi giữa, để có thể mưu sinh trên "đảo hoang", vợ chồng ông Thảo ngày ngày vùi đầu "bới rác" để kiếm tiền mưu sinh. Số tiền kiếm được từ nghề bới rác cũng chẳng dư giả nhưng đủ để họ mua mắm muối, rau cháo nuôi nhau qua ngày. Thế nhưng so với trước đây cuộc sống của vợ chồng ông Thảo cũng ngày càng sung túc đầm ấm hơn.

Chiếc lều nát bên rìa sông là nơi tá túc của vợ chồng ông Thảo.

Bước sang tuổi 50, với ông Thảo có một gia đình nhỏ êm ấm với người vợ hiền đã là đủ. Nào ngờ một năm sau, đôi mắt của bà Xuân cứ thế mờ đục rồi chuyển sang mù hẳn. Từ một người vợ hiền lành chăm chỉ làm lụng, bà Xuân trở thành kẻ mù lòa sống trong tăm tối trong suốt quãng đời còn lại. Ban đầu, bà Xuân rất mặc cảm, tuyệt vọng và tự ti với dân làng, nghĩ mình là kẻ vô dụng bởi đã mất đi thứ quý giá nhất của một con người là đôi mắt. "Lúc đó tôi chỉ muốn ngã sông một trận cho xong đời. Sống trong bóng tối còn sợ hơn. Nhưng nghĩ đến người chồng đã đầu gối tay ấp suốt bao nhiêu năm khiến tôi càng phải sống" - bà Xuân nghẹn ngào.

Mặc dù rất đau xót khi chứng kiến cảnh vợ mù nhưng với bản tính mạnh mẽ, thương vợ nên ông Thảo vẫn luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ cho vợ được vững lòng. Từ ngày vợ mù, ông Thảo chỉ quanh quẩn ở nhà để chăm vợ. Mọi chuyện từ giặt giũ, nấu cơm, xách nước đều do một tay ông Thảo gánh vác. Không những vậy, ông còn thường xuyên pha trò để động viên người vợ già của mình quên đi nỗi đau thể xác. Ngày ngày, ông Thảo dạy cho người vợ mù cách nhận biết những vật dụng trong nhà, cách đi lại… Và cứ như thế chẳng mấy chốc bà Xuân đã có thể tự đi đứng, sinh hoạt trở lại như một người bình thường, có điều không nhanh nhẹn như trước nữa. Ông Thảo cười khà khà: "Tôi chỉ sợ nhất là mỗi lúc vắng nhà, bà ấy mò mẫm lại trượt chân ngã xuống hồ nên tôi chẳng tài nào rời bà ấy được nửa bước. Vì thế dù đi đâu khỏi nhà tôi cũng mang bà ấy đi cùng, khi bận quá tôi lại nhờ hàng xóm trông nom. Thấy vợ bình phục dần, tôi cũng cảm thấy có thêm động lực sống". 

Bẵng đi một thời gian bỏ nghề "bới rác", cuộc sống của hai phận già càng trở nên túng thiếu. Ngay cả bát cháo trắng họ cũng phải cầu viện hàng xóm. Hai vợ chồng giờ đã tuổi cao sức yếu không thể đi bới rác được nữa, vì thế ông Thảo đã nghĩ tới ngay cái nghề gấp hình 12 con giáp bằng giấy màu của gia tiên để lại. Với bàn tay khéo léo mỗi ngày, ông Thảo có thể gấp được hàng trăm con giáp. Mỗi buổi chiều, ông đạp xe lên phố cổ nhập cho các cửa hàng đồ chơi, khi thì rao bán quanh các phố tới tối mịt mới về. Nhờ những hình con vật ngộ nghĩnh mà ông Thảo đã có thể nuôi người vợ mù suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, nghề gấp giấy nộm cũng chỉ mang tính chất thời vụ lại bấp bênh nên chỉ vài năm sau vợ chồng ông Thảo lại quay trở về với cái nghề "nhặt rác" truyền kiếp. Từ đó đến nay vợ chồng ông một lúc kiêm hai nghề: gấp giấy và bới rác. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng đôi vợ chồng già không hề nản chí bởi với họ đây chính là con đường đúng đắn giúp họ thoát được sự mặc cảm vì đã mất đi "cửa sổ tâm hồn". Và ngày ngày ông Thảo chở bà Xuân trên chiếc xe đạp đi nhặt rác quanh Hà Nội. Tối đến, bên ngọn đèn dầu leo lét, họ cần mẫn gấp những hình con giáp ngộ nghĩnh.

Có lẽ suốt cuộc đời vất vả mưu sinh mà giờ đây căn bệnh tim của ông Thảo cũng thường xuyên tái phát. Và mỗi cơn đau tim của ông được xoa dịu bởi sự quan tâm và tình thương vô bờ bến của người vợ mù. Và cứ như thế hết ngày nắng cho đến ngày mưa, tình cảm của đôi vợ chồng già càng khăng khít không thể nào chia lìa. Nhờ ánh sáng tình yêu họ đã có thể cảm hóa được số phận tăm tối của mình.

Ông Nguyễn Đăng Được - vị già làng ở xóm chài sông Hồng, phường Phúc Xá, quận Long Biên cho biết: "Ở bãi giữa gia đình ông Thảo, bà Xuân cái gì cũng nhất: nghèo nhất, khổ nhất, già nhất nhưng họ cũng là gia đình hạnh phúc nhất. Hai cụ ngày nào cũng chở nhau đi nhặt rác gầm cầu kiếm tiền mưu sinh. Nghèo khổ túng thiếu nhưng hai cụ rất tình cảm, đầm ấm và chưa khi nào to tiếng với nhau".

Rời khỏi "đảo hoang" khi trời nhá nhem tối, trong đầu tôi chợt nghĩ: Xưa nay những mảnh đời sứt mẻ thường được ghép vào nhau để tạo thành một khối vừa vặn, vẹn nguyên. Vợ chồng ông Thảo cũng vậy, sau những thời khắc tuyệt vọng, họ đã mạnh mẽ đứng lên, tìm cho mình một con đường đi, thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Và trên con đường đó, họ gặp nhau, yêu nhau và trở thành một đôi vợ chồng già đẹp như thiên cổ tích giữa chốn đảo hoang. Cầu chúc cho đôi vợ chồng ông Thảo sống trọn đời bên nhau cho tới khi đầu bạc, răng long

Vi Cầm
.
.
.