Chuyện tình lãng mạn của một thương binh nặng

Thứ Hai, 31/07/2017, 13:04
Suốt đêm, ông thao thức không sao chợp mắt được, ông đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới đi đến quyết định: “Sẽ không để lỡ duyên một lần nữa”. Ngày hôm sau, hai người đẩy xe lăn đi ngắm biển Vũng Tàu. Lần đầu tiên ông nắm tay người con gái bằng một cảm xúc yêu thật sự. Rồi hai ánh mắt chạm vào nhau, mơ về một hạnh phúc ngọt ngào.


Tình yêu như cổ tích

Những ngày này, Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhộn nhịp người đến thăm, tặng quà, tri ân các thương binh nặng. Mặt ai cũng rạng ngời, lấp lánh niềm vui ấm áp, trọn vẹn.

Bên hành lang hội trường lớn, có cặp vợ chồng cứ ríu rít bên nhau như đôi trẻ mới bập vào yêu. Người phụ nữ dáng đậm chắc, nước da trắng hồng, còn phảng phất đâu đó mùi hương thanh khiết của xứ “sen hồng” (Đồng Tháp Mười), tuy mới lần đầu gặp mà cứ ngỡ như đã quen từ rất lâu rồi.

Hơn 20 năm, bà lặng lẽ chăm sóc chồng.

Bà nở nụ cười đậm chất miệt vườn với tất cả chúng tôi, rồi cúi sát bờ má thì thầm với chồng câu gì đó mà nghe xong ông tủm tỉm cười đầy ngượng ngùng. Có lẽ phải lấy hết can đảm, ông mới nhờ chúng tôi một việc đầy “trịnh trọng” thế này: “Nhờ mấy anh chị chọn cho vợ chồng tôi một tấm ảnh thật đẹp, phóng to đóng khung để chúng tôi treo trên tường làm kỷ niệm. Trước giờ chẳng có tấm nào cả”. Như cởi được ao ước, ông nắm tay từng người cảm ơn. Quay sang nhìn vợ, ông cười thật tươi. Vợ ông là bà Trần Thị Thúy Hồng, đang ở tuổi 55.

Hơn 20 năm trước, có một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30 tình nguyện lên Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất làm hộ lý. Hỏi vì sao lại dứt áo rời quê như thế? Bà Hồng cười, đó là số phận và định mệnh của cuộc đời.

Trong môi trường toàn người không lành lặn, lại mang nỗi cô đơn trống vắng triền miên, thì sự hiển diện của Thúy Hồng như làn gió mát thơm mỗi buổi sáng thức dậy. Nhiều anh thương binh “điêu đứng” với cô nàng hộ lý.

Bao nhiêu ánh mắt mong mỏi về một cuộc tình, khát khao mái ấm gia đình với cô hộ lý bập bùng cháy, nhưng e dè, sợ sệt. Ranh giới giữa người lành lặn và người thương tật đã cản trở ước mong thầm kín của họ, để rồi lỡ hẹn với những nhu cầu rất đỗi con người.

Trong số những thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm, Thúy Hồng quan tâm và để ý đến ông Nguyễn Đình Chiểu hơn cả, bởi bà nhìn thấy trong ánh mắt của người thương binh này, ngoài nỗi đau thể xác còn là nỗi buồn thăm thẳm tự đáy lòng. 

18 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu rời quê Phú Thọ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông chiến đấu tại chiến trường K (Campuchia) những năm gian khổ nhất. Trong một lần đi tuần tra, ông giẫm phải trái mìn. Sau tiếng nổ như thể xé toang cánh rừng là một thân thể nát bươm.

Hai chân ông bị dập nát, xương sườn cũng nát, một con mắt lòi tròng. Tỉnh dậy trong bệnh viện, ông thảng thốt khi phát hiện ra đôi chân đã bị cưa cụt lên quá đầu gối, toàn thân băng bó chặt cứng và một con mắt đã vĩnh viễn hỏng. Ông đã khóc thật nhiều, khi nghĩ đến tương lai. 20 tuổi, ông đã không thể làm gì được nữa.

Đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng, nhìn thấy đồng đội của mình cũng thương tật nặng nề, ông phần nào được an ủi, đồng cảm. Nghĩ đến những người không thể trở về, ông thấy mình quá may mắn. Chiến tranh là vậy, đau thương, mất mát mới có được hòa bình, hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Trên cơ thể teo tóp, ông Chiểu cố gắng điều trị và sống thật lạc quan, yêu đời. Ông sống một mình trong căn phòng rộng thênh thang, với đầy đủ tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho thương binh nặng, nhưng vẫn có điều gì đó buồn tủi, trống vắng.

Ông nhớ nhà, nhớ xóm làng, nhớ bóng dáng một người con gái đã lỡ hẹn câu thề. Ngày ở chiến khu, ông từng có mối tình thật đẹp, thật trong sáng. Cả hai từng thề non hẹn biển khi nào hết chiến tranh sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm. Nhưng rồi ngày trở về, ông mặc cảm với thân thể của mình nên chủ động rút lui.

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất còn nhiều chuyện tình đẹp như cổ tích.

Ông biết người con gái đó đau khổ lắm và cũng trách ông rất nhiều, vì đã trốn chạy tình cảm của cô. Ông ít ăn hơn, suốt ngày lấy rượu giải khuây nỗi buồn, người ông ngày càng hom hem, chẳng còn sức sống nữa. Hộ lý Thúy Hồng nhìn ông mà thương đến quặn lòng.

Những buổi chăm sóc cho ông, bà thường nán lại lâu hơn để nghe ông nói chuyện. Qua thời gian, bà cảm nhận một tình cảm khác lạ của ông dành cho mình. Ông hay lén nhìn bà bằng ánh mắt si tình đầy khao khát. Những lúc va chạm bàn tay, bà thấy ông run bắn lên, rồi quay đi len lén cười.

Những cái va chạm ngày một nhiều hơn, trái tim người phụ nữ quá lứa lỡ thì bất chợt rung lên mãnh liệt. Bà chờ đợi một lời yêu từ người đàn ông thương tật kia, nhưng mãi chẳng thấy. Tuổi trẻ đã không còn, tương lai thì gắn bó ở nơi này, nếu yêu thì chỉ yêu thương binh và có lấy cũng chỉ lấy thương binh mà thôi.

Bà đã nghe ông kể về chuyện tình đầu đời, biết được lòng tự trọng của ông rất lớn và mặc cảm thân phận sẽ khiến ông lại đánh mất cơ hội của chính mình thêm một lần nữa, nên cô hộ lý đã lấy hết can đảm “tấn công” trước.

Một buổi tối trời trong gió mát, ngoài hiên chỉ nghe tiếng chim gọi bầy và tiếng gió thoảng qua thật nồng ấm, cô hộ lý đã nói lời yêu thương. Anh thương binh giật bắn mình, trái tim đập liên hồi, không nói nên lời. Hạnh phúc quá bất ngờ, ông Chiểu vẫn chưa tin đó là sự thật.

Thương binh Nguyễn Đình Chiểu vẫn đang chống chọi với thương tật mang trên mình.

Suốt đêm ông thao thức không sao chợp mắt được, ông đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới đi đến quyết định: “Sẽ không để lỡ duyên một lần nữa”. Ngày hôm sau, hai người đẩy xe lăn đi ngắm biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lần đầu tiên ông nắm tay người con gái bằng một cảm xúc yêu thật sự. Rồi hai ánh mắt chạm vào nhau, mơ về một hạnh phúc ngọt ngào.

Họ hàng nhà ông Chiểu nghe tin ông kiếm được vợ ai cũng vui mừng, hân hoan. Anh em bán gà lợn, gom góp tiền vào Vũng Tàu mừng đám cưới. Còn gia đình bà Hồng thì phản đối đến cùng.

Mẹ bà gào lên: “Là con gái lành lặn, xinh xắn thế này sao lại gắn đời mình với người đàn ông đã mất đến 90% sức khỏe. Tại sao lại tự làm khổ cuộc đời mình như vậy”. Nhưng khi tình yêu đủ chín, thì không một lực cản nào có thể ngăn nổi. Bà Hồng quyết tâm lên xe hoa, vui cười bên người chồng thương tật.

Ước gì được gặp sớm hơn

Từ ngày làm vợ, bà Hồng vất vả hơn nhiều. Ngoài chăm sóc chồng, thực hiện tròn trách nhiệm của một hộ lý, bà tranh thủ đi làm thêm bên ngoài. Khi đứa con trai đầu lòng chào đời, lo toan chất chồng lên đôi vai yếu đuối của bà. Nhưng thiên chức làm mẹ đã giúp bà vượt lên tất cả. Biết mình sắp được làm cha, ông Chiểu ngày nào cũng vui như tết.

Ông khỏe hơn, hay cười hơn và cố gắng giúp vợ làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà. Mọi người trong Trung tâm ghen tỵ với ông Chiểu lắm, vì tự nhiên lấy được vợ khỏe, vợ xinh lại còn “sản xuất” giỏi.

Ngày con cất tiếng khóc chào đời, ông Chiểu hạnh phúc đến phát khóc. Đời ông tưởng đã không còn gì, cảm giác có lỗi với cha mẹ khi không để lại “dòng dõi” cho dòng tộc. Cái ý nghĩ ấy đã bị xóa tan khi thiên thần bụ bẫm, lành lặn chào đời.

Thời gian và quy luật của bệnh tật không chừa một ai. Dù tinh thần vui khỏe, nhưng vết thương trên cơ thể của người thương binh nặng thì ngày càng hành hạ, mỗi khi trái gió trở trời ông phải gồng mình chống đỡ.

Những đêm đau quá, ông không muốn vợ con nghe thấy tiếng rên nên tự đẩy xe lăn ra ngoài hiên, một mình ngồi khóc. Con trai đến tuổi đi học, vợ phải “xé” thời gian ra để vừa chăm chồng, chăm con, vừa đi làm kiếm thêm tiền trang trải.

Những bài thơ xúc động về tình đồng chí, đồng đội được lưu lại trên tường của Trung tâm.

Từ ngày làm vợ, làm mẹ, bà Hồng không còn khái niệm về quê nữa. Hỏi bà có hối tiếc vì đã làm vợ thương binh nặng? Bà cười, rất hiền từ: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ ấy. Điều tôi hối tiếc nhất là đã làm vợ anh ấy quá muộn”. 

Nhìn con lớn lên từng ngày, lại nhìn cơ thể, sức khỏe của mình ngày càng sa sút, ông Chiểu bàn với vợ: “Mình sinh thêm đứa nữa nhé, để sau này chúng có anh có em nương tựa nhau”. Bà Hồng nguýt chồng một cái thật dài, nói yêu: “Người ta chả cười cho ông, già rồi còn ham”.

Nhưng rồi cũng chiều chồng, bà sinh thêm một bé gái. Vậy là “nếp, tẻ” đủ cả, ông Chiểu mãn nguyện lắm, ca hát suốt ngày và cũng ít uống rượu hơn để chăm lo cho con. Hạnh phúc một cuộc tình giữa đời thường như câu chuyện cổ tích vậy.

Ngọc Thiện
.
.
.