Chuyện tình nghĩa 66 năm của cặp vợ chồng già gốc Việt ở Mỹ

Thứ Hai, 03/09/2012, 09:47
Cặp vợ chồng già người Việt sinh sống tại Mỹ đã cùng nhau đi được 66 năm cuộc đời, có với nhau 13 người con, đấy là kết quả của cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, ân tình tròn đầy. Trong 66 năm đó là hơn 20 năm từ khi bà gặp bạo bệnh, trí nhớ không còn, khuôn mặt biến dạng nhưng ông vẫn luôn ở bên cạnh bà, động viên bà vượt qua nỗi đau thể xác. Câu chuyện tình cảm động của họ đã được nhiều người chứng kiến và cảm kích.

66 năm tình nghĩa vợ chồng cùng 13 người con

Xuất thân từ một gia đình buôn bán nhỏ theo đạo Thiên Chúa giáo ở một vùng quê miền Bắc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh đã cùng gia đình bôn ba từ nhỏ. Vì gia đình neo người, chỉ có mình ông là con trai nên ông đã lấy vợ từ rất sớm, khi kết hôn ông mới 16 tuổi còn bà chỉ mới 14. Mặc dù chuyện hôn nhân do hai bên gia đình sắp đặt nhưng hai ông bà đã sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau suốt những năm tháng qua mà không có một lời than vãn trách móc về nhau.

Họ đều cảm thấy hài lòng về tất cả những gì mà cha mẹ sắp đặt cho dù cuộc sống thời đó khó khăn bộn bề. Cả hai ông bà luôn sát cánh bên nhau trên mọi nẻo đường đời. Có với nhau 11 người con, gia đình đã đầm ấm lại càng hạnh phúc hơn khi trong nhà luôn rộn rã tiếng trẻ thơ. Vì đông con nên đời sống kinh tế không khỏi khó khăn, nhưng không vì thế mà ông bà to tiếng với nhau, ngược lại vì tình yêu dành cho nhau và tình thương dành cho các con, hai ông bà càng cố gắng để vượt qua.

Hai ông bà cùng các con phải chạy ăn từng bữa, sống trong một căn lều rách nát nay sập mai lại bị gió cuốn phăng nhưng chưa bao giờ họ xảy ra mâu thuẫn. Đến giờ phút này ông vẫn tự hào rằng mình thật may mắn khi có vợ và những người con bên cạnh. Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng họ luôn sống vì nhau, chia sẻ cho nhau cả những nỗi buồn, nỗi lo.

Sang Mỹ định cư đã gần 40 năm qua nhưng cuộc sống tình cảm của ông bà vẫn không thay đổi. Cả hai ông bà vẫn sát cánh bên nhau, nguyện sống chết cùng nhau mặc dù cuộc sống nơi xứ người có biết bao khó khăn, vất vả lại đầy những cạm bẫy luôn rình rập. Sinh thêm 2 người con nữa tại đất Mỹ như là một minh chứng cho tình cảm sắt son mà hai người dành cho nhau. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng hai ông bà vẫn bằng mọi cách nuôi dạy các con ăn học thành người.

Nhớ lại những ngày tháng vừa bước chân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, ông Thịnh không khỏi xúc động khi nói về những ngày tháng đó. Tiền mang dự trữ không nhiều để có thể nằm chờ đợi cơ hội đến. Nhà thì hàng loạt miệng ăn, chữ nghĩa, ngôn ngữ không có khiến ông hoảng sợ, không biết phải làm gì để sống. Trong lúc ông lo lắng nhất thì bà đã động viên ông mặc dù trong lòng bà cũng đang hoang mang không kém. Bà nói rằng có sức khỏe sẽ làm được tất cả, chính vì vậy mà ông đã tự tin hơn, đứng lên chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt nơi xứ người.

Đầu tiên là ông đi làm thuê tại nhiều cửa hàng để mong học được chút kinh nghiệm sống, chút ít tiếng Anh đủ để có thể giao tiếp, bà cũng vậy, lân la khắp nơi để tìm kiếm việc làm. Ông bà nhân hậu, hiền lành, thật thà chất phác nên đã được nhiều người quý mến tạo cơ hội cho làm việc. Cứ dần dần ông bà cùng các con đã có thể trụ lại được trên mảnh đất này.

Nuôi dạy trưởng thành được 13 người con quả là một kỳ tích mà không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ riêng điều này đã khiến nhiều người phải tỏ lòng cảm kích nghị lực cũng như tình yêu của hai ông bà. Cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp nơi đất khách quê người không làm hai người mất đi vẻ chân chất, quê mùa. Bản tính của họ là vậy, không muốn thay đổi theo thế giới xung quanh, họ muốn được sống bằng con người thật của chính mình chứ không muốn bị chi phối bởi những thứ bên ngoài. Cả hai ông bà cùng đồng quan điểm nên họ đã nuôi dạy con theo đúng những suy nghĩ của mình. Các con của họ cũng sống thực giống như cha mẹ, không phô trương mặc dù có người rất thành đạt.

Người chồng hơn 20 năm chăm vợ liệt

Mọi chuyện cứ diễn ra êm đềm cho đến khi bà Thịnh bước vào tuổi 62, con cháu đề huề, đông đủ và thành đạt thì bỗng nhiên bà gặp phải cơn bạo bệnh. Bà bị choáng ngất khi nghe tin con trai cả mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và qua đời. Được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng căn bệnh tai biến mạch máu não đã để lại di chứng suốt đời cho bà. Không còn nhớ được điều gì, không tự đi lại cũng như phục vụ được bản thân, bà phải ở lại trung tâm điều dưỡng để ngày ngày được các bác sỹ ở đấy chăm sóc, thuốc men.

Bà bị ốm nằm liệt giường, ông Thịnh đau đớn như chính bản thân ông bị bệnh vậy, lúc nào ông cũng mong mình gánh được bệnh tật cho bà để bà bớt đi phần nào nỗi đau. Suy nghĩ, đau buồn rồi cũng phải qua đi, ông tự động viên mình đứng vững để còn làm chỗ dựa cho bà.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thịnh.

Hai mươi năm trôi đi, bà vẫn mỗi ngày sống lặng lẽ trong thế giới của riêng mình. Không cất được tiếng nói để chia sẻ bớt nỗi đau, không tự làm được những việc tối thiểu mà con người phải làm, bà càng im lặng ông càng thương bà nhiều hơn. Hai mươi năm, ông chưa một ngày nào không ở bên cạnh bà. Ông đến thăm bà thường xuyên, đúng giờ đến mức các bác sỹ ở đây thực sự cảm động trước tấm chân tình của ông. Mặc dù bà chỉ nằm đó nhìn ông, hai người không thể chia sẻ với nhau một lời nào nhưng ông biết trong lòng bà luôn nghĩ đến ông bởi ông cũng vậy, ông không bao giờ muốn rời xa bà.

Hình dáng bà không còn được nguyên vẹn như xưa, nhìn bà già hơn ông cả chục tuổi, trí nhớ lại không còn nhưng ông vẫn luôn cảm nhận được những tình cảm mà bà dành cho ông chỉ qua ánh mắt nhìn. Mỗi lần được ở bên cạnh bà ông thường đọc Kinh Thánh cho bà nghe, cũng có thể ông đọc cho bà nghe một mẩu chuyện vui hay kể cho bà một câu chuyện thú vị mà ông vừa được nghe. Ông không biết bà nghe được đến đâu, hiểu được đến đâu và cảm nhận những câu chuyện của ông thế nào nhưng ông vẫn cần mẫn, ngày ngày tiếp thêm sức lực sống cho bà.

Dường như chỉ có ông cảm nhận được niềm vui của bà bởi ông hiểu bà. Những lúc ông phải xa bà, ông cũng cảm nhận được nỗi buồn, sự luyến tiếc hiện lên trên khuôn mặt bà. Chẳng nói được điều gì với ông nhưng ông vẫn hiểu bà muốn gì, vẫn biết bà vui khi có ông ở bên cạnh, bà buồn khi hết giờ thăm ông phải ra về. Mọi người ở đây ví ông như một chiếc kim đồng hồ cứ đều đặn mỗi ngày quay mà không hề bị sai lệch giờ.

Các con cháu của ông bà đều đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Nhà cửa khang trang, công việc làm ăn thuận lợi, con cái đề huề và họ đều muốn ở cùng ông để chăm sóc cho ông nhưng ông không đồng ý. Ông thuê một căn phòng nhỏ cạnh bệnh viện bà đang ở để ngày ngày ông được ở bên bà, được chăm sóc, động viên bà.

Ông Thịnh nói rằng ông không muốn bà phải chờ đợi ông dù chỉ là một phút nên ông không thể ở xa chỗ bà. Suốt hai mươi năm qua, đúng 9h sáng ông có mặt tại giường bà, 12h trưa sau khi bà ăn uống xong ông lại ra về, buổi chiều ông lại tiếp tục hành trình như vậy. Ông lúc nào cũng lo sợ bà bị cô đơn, không thể giúp bà chữa khỏi bệnh thì ông chỉ còn một cách duy nhất là ở bên cạnh để che chở cho bà lúc đau ốm.

Ông Thịnh luôn băn khoăn và lo sợ rằng ông sẽ chết trước bà, nếu như vậy thì bà sẽ buồn và cô đơn lắm vì không có ai chăm sóc cho bà. Các con cháu thì đông nhưng chắc chắn bà sẽ chẳng vui nếu không có ông, không ai có thể sớm hôm ở bên cạnh để an ủi bà giống như ông đã làm.

Tuy đã 82 tuổi nhưng ông Thịnh vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Chính vì điều này mà ông càng yêu thương vợ ông hơn bởi ông nói vợ ông đã hy sinh, dành toàn bộ sức lực cho ông nên ông mới khỏe mạnh như vậy. Vợ ông đã phải chịu thiệt thòi vì ông thì những bù đắp của ông như vậy chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau của bà.

Ông Thịnh biết những người bị bệnh tai biến giống như bà cứ nằm vậy nhưng không dễ chết, chính vì vậy mà ông luôn lo sợ mình không đủ sức để chờ đợi bà. “Tôi có biết một cụ bà năm nay đã 90 tuổi cũng bị tai biến mạch máu não như vợ tôi, đã nằm liệt 28 năm, tưởng không thể qua khỏi nhưng bà vẫn sống cho đến ngày nay. Tuy tất cả mọi chuyện đã có nhà nước lo nhưng không thể để họ chết trong cô đơn được. Tôi phải cố gắng sống để được ở bên cạnh bà ấy”.

Ông Nguyễn Na, một người chuyên trách những bệnh nhân người Việt cho biết: “Bệnh nhân mắc bệnh tai biến còn nằm ở đây hầu hết là phụ nữ, chỉ có 30% trong số họ là nam giới hoặc có thể ít hơn.” Ông Thịnh đã sợ nay lại càng lo lắng hơn khi biết được thông tin này nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi, con người vẫn phải cuốn theo dòng trôi ấy mà không có cách nào khác. Ông cũng vậy, cứ lo lắng, chăm sóc cho bà đến ngày tháng năm nào thì ông không thể biết trước, ông chỉ biết rằng ông sẽ là nguồn sống cho bà đến tận hơi thở cuối cùng

Hải Anh – Trung Hiếu
.
.
.