Chuyện tình người hát rong trên phà sông Hậu

Thứ Tư, 10/05/2017, 15:51
Đôi mắt ông dính khít vào hai hốc sâu hoắm, đỏ au. Khuôn mặt ông đen cháy trên nền da rạm rỗ đầy những vết chân chim. Với cái thân như thế này, nghĩ chẳng ai dám tán tỉnh, nhưng không hiểu sao cô ấy tự nhiên "tán" ông.


Dân làng thấy vậy cùng nhau "cáp vào". Lần đầu tiên được người con gái nắm tay, ông run đến thảng thốt, tim như vỡ tung. Rồi cô ấy nguyện gắn cả cuộc đời với ông, cùng ông đi trên con đường "hành khất" kiếm cơm.

Bất hạnh từ tuổi lên 3

Giữa những ngày nắng đỏ lửa, con phà từ phía Vĩnh Long sang Cần Thơ vẫn dập dìu chở khách sang sông. Xen giữa dòng người hối hả ngược xuôi theo con nước, ông lão mù đánh đàn tự chế Trương Thanh Liêm (66 tuổi) vẫn cần mẫn với đạo cụ kiếm cơm của mình. Dáng ông liêu xiêu đổ vào bóng nước, tiếng đàn cũng vì thế mà da thiết, sầu thảm kéo lê bước chân mò mẫm của ông trên những thanh ván nhuộm đầy cát bụi. 

Ông Liêm quê gốc ở Năm Căn (Cà Mau). Năm 3 tuổi ông bị bệnh ban đỏ, gia đình không có tiền chữa chạy, khiến ông bị mù lòa vĩnh viễn. Bóng tối bao trùm lấy cuộc đời của cậu bé còn đang chập chững những bước đi đầu tiên. Nghe tiếng quẫy nước tắm sông của những đứa trẻ cùng trang lứa, cậu bé mù chỉ biết ngồi bó gối, buồn xo.

Năm ông lên 10 tuổi thì cha qua đời, để lại vợ và bốn người con nheo nhóc trong đói nghèo. Là con cả, lại bị mù, ông Liêm không thể làm gì hơn ngoài việc bám áo mẹ. Hai người em gái của ông lớn lên, lấy chồng rồi phiêu dạt khắp nơi, nghèo khó cản đường họ quay trở về thăm gia đình. Hy vọng trông cả vào người em trai sức dài vai rộng nhưng cậu em của ông đã bị chiến tranh cướp mất. Chỉ còn mẹ con ông còm cõi, đổ rạp vào nhau sống qua ngày.

Mẹ già, con mù, hai phận đời như hai chiếc lá trôi sông, mong manh, dễ chìm. Ông Liêm không biết làm gì và cũng không thể làm gì với đôi mắt đen thẫm một màu, ông kiếm một chiếc đài nghe nhạc và tập hát theo.

Được cái trời phú cho ông chất giọng trong trẻo, khỏe khoắn nên chỉ một thời gian ngắn ông đã sở hữu cho mình vài bài hát "tủ" mượt mà, ngọt bùi, lay động trái tim mọi người. Không có "đồ nghề" tập luyện, ông nghe qua tivi, băng đĩa. Đôi tai của ông rất thính, trí nhớ rất dai, nghe qua vài lần là thuộc lời.

Ông Liêm ôm đàn đi hát rong trên khu vực chờ phà.

Ông bắt đầu có "đơn hàng" hát đám cưới, đám ma. Cái nghề bất đắc dĩ bỗng nhiên gắn vào người ông như duyên trời định. Để cho cuộc vui thêm sôi động, ông về tập đánh đàn. Không có tiền sắm một cây guitar thực thụ, ông nảy ra ý tưởng sáng chế một loại đàn mà có lẽ giới nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải ngả mũ ngạc nhiên vì cách sáng tạo độc, dị này. 

Dây đàn ông làm bằng dây thắng xe đạp, thân đàn là miếng gỗ mỏng được cắt cưa nham nhở. Hộp đàn chế tác bằng chậu nhôm nhỏ nằm giữa dây phanh và tấm ván. Ông ôm đàn vào bụng đánh thử, âm thanh đầu tiên nghe như tiếng mưa rơi mái tôn, rất thô và buốt. Nghe vậy người ta sẽ bỏ chạy hết, ông vắt óc suy nghĩ thì hóa ra thiếu cái "lỗ hổng vầng trăng" phía trong thân đàn.

Ông lấy dao khoét rồi úp chậu vào đánh lại. Lần này, âm thanh có nét giống với tiếng guitar nhưng chưa réo rắt, êm tai. Ngày cũng như đêm, ông căng người ra tập đánh đàn, chỉnh âm thanh đến độ chuẩn của guitar. Ông gọi hàng xóm sang nghe, khi nào họ gật gù thì ông mới yên tâm đi "biểu diễn". Năm đó ông vừa ở ngưỡng cửa tuổi 18. 

Nhạc gì ông cũng hát được, nhưng các bài tủ vẫn là cải lương, nhạc vàng. Ông cho biết, vì nhạc loại đó não nề, da diết giống với cuộc đời của ông. Ông hát bằng cả tâm hồn với những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt mù. Ông trở thành người hát rong lênh đênh theo con nước.

Thời gian đầu ông hành nghề ở bến phà lớn Cà Mau. Được vài năm thì người ta xây cầu, xóa bỏ phà, ông trôi dạt qua Bạc Liêu. Ngày ông đánh đàn, đêm tìm quán xá nào đóng cửa ngả mình dưới mái hiên. Tiền người ta cho đủ để ông ăn cơm ngày ba bữa. Khi những cây cầu nườm nượp mọc lên, những dòng sông vắng hẳn tiếng đàn, ông Liêm có nguy cơ bị thất nghiệp. Ông lên bờ, rong ruổi ở những khu chợ sống lây lất bằng kiếp cầm ca.

Rồi ông trôi dạt về Vĩnh Long, có con phà hàng ngày qua lại đôi bờ sông Hậu. Ở đây, dù phía trên là cầu Cần Thơ sừng sững nhưng cư dân vẫn có thói quen đi phà nên ông còn chỗ để duy trì kiếm sống. Ngày nào cũng vậy, bộ tóc của ông bù xù, bê bết mồ hôi vì dầm mình với nắng. Trên phà sông Hậu, ông là hình ảnh bi thương xúc động.

Tiếng đàn của ông lay động lòng người bởi âm thanh da diết.

Sống như hai nửa vầng trăng

Đời ông sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện kết tóc se duyên với ai, cho đến một ngày ông gặp người con gái miền Tây da trắng má hồng Nguyễn Thị Nhiễu (63 tuổi). Với cái thân thế này, ông nào dám tán tỉnh, nhưng không hiểu nguyên nhân gì mà cô ấy tự nhiên "tán" ông. Dân làng thấy vậy cùng nhau "cáp vào".

Lần đầu tiên được người con gái nắm tay, ông run đến thảng thốt, tim như vỡ tung ra, người như đi mây về gió. Rồi cô ấy nguyện gắn cả cuộc đời cho ông, nguyện cùng ông đi trên con đường "hành khất" kiếm cơm. Khi ông đang lâng lâng hạnh phúc thì được tin vợ có thai. Ông sung sướng chỉ muốn nhảy ngay xuống sông mà la hét cho thỏa niềm hạnh phúc.

Những ngày sau đó, ông miệt mài đi hát ca. Ông hát từ trong nhà ra ngoài ngõ, hát như người điên. Những đồng tiền kiếm được từ lòng hảo tâm của mọi người không đủ để trang trải cho một gia đình nhỏ sắp có thêm thành viên mới. Vợ ông phải đi làm thuê làm mướn. Hôm đang đội đất thì bị sụp xuống mương, bà lăn mấy vòng rồi bất tỉnh. Mở mắt ra thấy nằm trong bệnh viện, toàn thân mình trắng toát, cơ thể đau thấu xương. Ông ngồi bên cạnh, nắm tay bà khóc: "Bà tỉnh lại tôi mừng lắm!".

Nhìn mắt ông, bà thấy hai dòng nước đục ứa ra. Khuôn mặt ông nhăn lại, thâm tím. Linh cảm có chuyện chẳng lành, mà lần mò xuống dưới bụng, mọi thứ im lìm mà thảng thốt. Cô y tá vào tiêm thuốc cho bà, nói giọng trầm buồn: "May mà cứu được mẹ, đưa vào muộn chút nữa là không kịp đâu". Bà kéo tay y tá hỏi dồn dập: "Con tôi đâu rồi". Không ai trả lời, bà gào thêm mấy tiếng nữa rồi ngất xỉu.

Từ ngày mất con, bà không thiết ăn uống gì, người gầy rộc. Ông bỏ hát ở nhà chăm vợ. Nỗi buồn mênh mông bao trùm căn nhà trọ lợp lá hiu quạnh, cô đơn của người hát rong mù. Những đêm nằm ôm nhau nghe tiếng côn trùng rỉ rả ngoài bờ sông, vợ ông lại khóc thút thít. Ông rủ rỉ an ủi: "Số trời đã định thế rồi, mình không thể làm khác đi. Biết đâu không có con lại tốt, chắc gì mình đã lo được cho con ăn học thành người, rồi cuộc đời nó cũng chẳng hơn cha mẹ. Thôi thì hãy sống như hai nửa vầng trăng, sáng tối có nhau".   

Bà Nhiễu khóc hết nước mắt vì nghịch cảnh cuộc đời.

Từ ngày tai nạn xảy ra cộng với chấn thương tâm lý quá nặng, bà Nhiễu không thể đi làm được. Ông Liêm gánh hết trách nhiệm mưu sinh vào mình. Ông bắt đầu xuống phà từ 5 giờ sáng cho tới 8 giờ tối mới kết thúc ngày làm việc. Cây đàn ông đeo giữa bụng, chiếc giỏ nhựa ông buộc ngay đầu đàn.

Trong cái nắng oi ả, phải chờ đợi qua phà, nghe được giọng ca của ông cũng thấy ấm lòng. Dường như khoảng cách giữa hai bờ sông ngắn lại, thời gian qua phà nhanh hơn. Ngay cả những nhân viên phục vụ trên phà, họ xem ông Liêm như một "đặc sản" tinh thần làm vơi bớt mệt nhọc trong công việc. Tiếng hát của ông, dù nghe quen nhưng chẳng ai chán. Ông hát ở đây, không làm phiền ai, không ngửa tay xin xỏ ai, họ thích thì cho, bao nhiêu cũng được. Nếu ai hứng chí muốn ca bài gì, ông sẵn sàng đờn hoặc yêu cầu hát, ông luôn đáp ứng. Mấy chục năm qua, cây đàn của ông đã "ngốn" hết vài chục chiếc thau nhựa.

Ông cho biết: "Khi mình đàn, hai dây thắng cọ vào thau lâu dần nó mòn rồi thủng. Thau thủng thì dây cũng đứt, mỗi năm phải thay cả chục lần".

Để nghệ thuật không mòn nhạt và sáo rỗng, ông phải thường xuyên tập dượt các bài nhạc đi theo thời đại cùng lối hát mới mẻ phục vụ hành khách trẻ trên phà. Ông tự hào khoe: "Bây giờ tôi có thể hát được cả nhạc trẻ và rock. Nhưng hát loại đó tôi không nhảy múa được, nghĩ cũng kỳ, mà trông dáng vẻ của tôi nó cũng không phù hợp. Tôi vẫn thích hợp nhạc vàng và vọng cổ".

Trong lúc chờ phà, ông ngồi thu mình trong góc tường, hút ngấu nghiến điếu thuốc lá, lặng đi một chút, ông kể: "Cách đây hai năm, có một vị khách từ TP Hồ Chí Minh đi trên phà cho tôi một trăm ngàn và yêu cầu hát bài "Áo mới Cà Mau". Trúng ngay bài tủ, tôi diễn tấu luôn. Vị khách nghe xong bấu vai tôi rất chặt tâm sự: "Ngày xưa tôi công tác ở Cà Mau, có yêu người con gái ở đó. Nay nghe ông hát tôi xúc động lắm".

Chạm phải nỗi nhớ quê cha đất mẹ, ông Liêm nghèn nghẹn nước mắt: "Hơn 20 năm biệt xứ, tôi chưa thể về thăm quê".

Ngọc Thiện
.
.
.