Chuyện trên đỉnh Pù Hao

Thứ Ba, 02/10/2018, 10:31
Pù Hao là một bản xa nhất của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Độ này, cũng giống như mọi miền quê khác ở đất Tây Bắc, sương mù và khí lạnh vào hai cữ sáng, chiều đã "bò" ra, bao chiếm toàn bộ sắc cảnh, con người. Dưới ánh lửa bập bùng, đầy huyền thoại của một đêm cuối tháng ở nhà ông Giàng Nhị Dê - nguyên Trưởng bản, chúng tôi đã có một bữa cơm vui vẻ cùng những đứa con một thời lạc lối của bản.


Những người con một thời lạc lối

Người Tây Bắc có câu "Ăn Mông, ngủ Thái", cơm đãi khách quý của người Mông từ nơi xa đến ở đây được tổ chức khá to. Và bữa cơm hôm nay dường như tổ chức to hơn, vui hơn vì có sự góp mặt của những đứa con một thời được coi là “con hổ”, “con báo” của bản làng.

Vì vui nên cơm đãi khách của nhà ông Giàng Nhị Dê được tổ chức khá sớm. Khi mặt trời vẫn còn bịn rịn nơi góc núi thì cơm đã được dọn ra rồi. Xôi được đồ từ chiều, lợn được giết thịt, rượu được bày ra, tất thảy có tới 5 mâm cơm ngần ngật thức ăn, ai nấy vui vẻ cùng nhấc chén, chúc tụng nhau.

Trong những người khách được ông Dê mời, tôi được bố trí ngồi ở mâm của đám thanh niên một thời được coi là “con trâu bất kham”, “con bò mất nết” của bản. 

Với giọng to, thật, mang đậm nét người Mông, ông Dê chủ động giới thiệu họ với tôi: "Bọn nó một thời là con thú của bản đấy nhà báo ạ. Bỏ vợ, bỏ con, bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của người già đi theo bọn phỉ đấy. Thế nhưng, giờ bọn nó hiền rồi, cái chân một thời đi lạc đường của chúng nó đã giẫm đúng cái  đường mà người Mông, Đảng ta đã chọn đấy. Giờ thằng nào cũng sống tốt, sống hay lắm đấy...".

Nụ cười đã về với người dân Pù Hao trong đó có cả người vợ của những con người một thời lầm lỗi, lạc đường.

Sau vài vòng nâng chén, men rượu lâng lâng, tôi nhanh chóng bắt quen với đám thanh niên. Giàng A Thái - một thanh niên to khoẻ ngồi gần tôi lên tiếng: “Bọn tôi một thời cái đầu nó ngu quá! Cái tai chỉ thích nghe lời của kẻ xấu. Không có bộ đội biên phòng, không có bà con trong bản thì nếu có sống chúng tôi cũng chỉ thành những con khỉ hôi hám ở trên rừng mà thôi”.

Sinh năm 1976, Giàng A Thái là người đầy hy vọng với bản Pù Hao, với các thiếu nữ Mông ở đây. Tiểu học hết, quẩy quả vượt mấy chục cây số đường đèo dốc, Thái cắp cặp ra huyện học ở trường nội trú. Hết phổ thông trung học, theo chế độ ưu tiên với đồng bào thiểu số của Nhà nước, Thái được xuống tỉnh Thái Nguyên học cử tuyển Trường đại học Nông Lâm. Và Thái được ưu tiên nhiều lắm. Ngoài các chế độ đóng góp được miễn giảm, mỗi tháng Thái còn được nhà trường cấp cho 160 nghìn để tiêu.

Mùa hè cuối cùng đời sinh viên của Thái đã khép lại khi Thái về nhà nghỉ và đánh bạn với kẻ xấu vì lúc này ở Tây Bắc tình hình rất phức tạp. Đám phỉ bị bộ đội và công an ta cũng như nước bạn Lào dồn đuổi đang nhăm nhe lôi kéo những người Mông như Thái để xây dựng lực lượng. Với những hứa hẹn như cho gặp vua Mèo, phong danh tước và được hưởng 2.000 USD/ tháng nếu đi cùng họ nên Thái và 6 thanh niên ưu tú của bản Pù Hao đã nghe theo chúng, bỏ mặc lời can ngăn của người thân, cha mẹ.

Thế là hết hè năm ấy, nhẽ ra là Thái sẽ xuống trường để ôn thi tốt nghiệp thì lại cùng 6 người gồm: Giàng Dua Pó, Giàng Va Pó, Giàng A Phổng, Giàng A Của, Giàng Nỏ Mua, Giàng A Ly băng rừng tìm sang Pa Hốc huyện Sầm Na của nước bạn Lào đi gặp “vua”.

Sau hàng tháng trời băng rừng, vượt núi, lẩn trốn như một con thú bị săn đuổi, Thái và các bạn cũng đến được nơi cần đến. Lúc này bọn Thái mới biết là bị mắc lừa vì “vị vua” mà họ cần gặp chỉ là người thường, thậm chí còn khốn khổ hơn cả những người Mông ở bản Pù Hao của Thái.

Nhìn cảnh tượng ấy, Thái và các bạn định quay về bản nhưng không được. Tất cả bị giam lại, bị doạ giết, dọa bắn, người thân sẽ bị treo cổ nếu không đi theo bọn kia.

Ở với "vua" được 10 ngày thì Thái và các bạn cùng hơn 40 người Mông ở bên nước bạn Lào bị sai đi cướp vũ khí, lương thực ở huyện Sầm Na. Vụ việc bị phát hiện, Thái và mọi người bị truy đuổi. Lẩn trốn, ăn khe, nằm rừng nhưng bọn Thái vẫn bị khống chế. Thế rồi lợi dụng chúng sơ hở, 7 thanh niên người Mông ở bản Pù Hao trong đó có Thái đã bỏ chạy.

Mất hơn một tháng vừa lẩn trốn vừa tìm đường về Việt Nam, về bản Pù Hao. Thế nhưng, Thái không dám về nhà mình nữa vì sợ bộ đội, công an và sợ cả những người dân tốt bụng của chính bản mình. Thái đành phải chấp nhận cuộc sống của con chồn, con dúi. Ngày thì chui vào hang đá, hốc cây ngủ, tối lại mò ra nương, rẫy của người dân trộm cắp củ sắn, bắp ngô để cho vào bụng.

Sống chui lủi một cách tệ hại như vậy, Thái đã bị trúng đạn trong một lần đi trộm cắp. Vết thương vào phần mềm nhưng do không giữ vệ sinh nên Thái đã bị nhiễm trùng, sốt triền miên. Và cuối cùng Thái đã được Công an, Bộ đội Biên phòng và dân bản tìm thấy đưa xuống Hà Nội chữa trị, được dân bản Pù Hao mở rộng vòng tay đón nhận.     

Hồi sinh những mảnh đời

Giờ đây bản Pù Hao đã bình yên, đã hết những người con lạc lối như Thái, tình hình an ninh rất ổn định. Người Mông ở đây giờ không còn nghe theo lời xúi bậy của kẻ xấu nữa. Và cái đặc biệt là chính những người trở về như Thái đã thành những hạt nhân để tuyên truyền rất tốt cho bà con.

Hiện tại, Thái đang phấn đấu trở thành một công dân tốt để bù đắp lại những lỗi lầm một thời với dân bản. Nhờ kiến thức 4 năm Đại học Nông lâm Thái Nguyên, giờ Thái đang là người tiên phong xây dựng mô hình trang trại ở bản Pù Hao.

Chăm chút trẻ em của những gia đình có người lạc lối luôn là niềm vui của lính biên phòng Pù Hao

Ngoài ruộng vườn, Thái còn nuôi trâu và đào ao thả cá. Không chút giấu lòng, Thái thật thà: “Em ngu quá! Nhà nước dành cho bao ưu đãi, nếu không nghe lời kẻ xấu thì giờ chắc em đã trở thành kỹ sư nông lâm rồi. Thế nhưng vẫn chưa muộn, giờ em phải cố làm giàu, đem kiến thức có được ra giúp dân bản. Mình phải sống tốt để bù đắp lại cho những gì mà Công an, Bộ đội Biên phòng, cán bộ đã giúp em”.

Năm nay cũng là năm thứ hai mà hai người vợ trẻ là Vàng Thị Lầu và Sùng Dạ Mỷ thiếu vắng chồng. Chồng họ, hai anh Giàng Nỏ Mua và Giàng A Của là những người trong nhóm đi "tìm vua" của Thái. Họ đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy bản Pù Hao, thấy vợ con vì tên rơi đạn lạc trong những lần bị truy đuổi.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể và bà con dân bản hai người vợ trẻ này và những đứa con thơ của họ vẫn có điều kiện để vươn lên. Sùng Dạ Mỷ cho biết: “Bản Pù Hao giờ không còn đói và không còn sợ kẻ xấu nữa. Cái bụng chỉ buồn là chồng nghe theo kẻ xấu đã không về nhà nữa thôi...”.

Tây Bắc, nắng thu đổ vàng khắp các thung khe, đồi núi. Con đường khúc khuỷu, hoang vắng nối từ Pù Hao ra trung tâm huyện Sốp Cộp dạo nào đã được nhựa hóa, bon bon xe chạy. Tôi vui thêm vì được biết, ngoài những người con lầm đường lạc lối trở về thì bản Pù Hao hẻo lánh dạo nào nay đã hết đói. Thu nhập của người dân nơi đây đã đạt gần 500 kg thóc/người. Và cũng như Thái, nhiều mô hình trang trại của những người trẻ cũng đang được mở rộng trên đất này.

Lệ Linh
.
.
.