Chuyện về Dải Yếm

Thứ Tư, 22/07/2020, 08:26
Về già bỗng lẩn thẩn nhớ hồi xưa bé bám theo bà đi ăn cỗ. Bà tôi đi trước tôi chạy theo sau. Mỗi khi tiếng súc soách của cái dây sà tích của bà nhỏ dần là tôi phải chạy. Chạy đến bám váy bà. Tiếng súc soách rộn rã. Lại chơi lại bắt chuồn chuồn ngó Đông ngó Tây. Tiếng súc soách xa dần…


Nhớn tí nữa ngồi xem bà nội mài nâu nhuộm vải làm yếm. Thời ấy có vải vuông. Vuông vải như là những miếng vải nhỏ làm đơn chiếc, không như vải súc sau này. Hỏi bà, sao bà làm nhiều miếng thế? Bà cười, nhiều yếm thì nhuộm nhiều.

Ông bà nội tôi là người có của. Cái đận cải cách suýt nữa bị qui thành phần. Ông tôi cổ cày vai bừa sơn tràng vác vã giỏi đến đâu thì tổ tôm cũng giỏi đến đấy. Bà nội tôi một bước ra đường là áo tứ thân là thắt dây sà tích và cái bao của bà đến là dài. Bà vòng hai vòng rồi mới buông cái bao thõng sang bên phải. Cũng có hôm bà buông thõng bao về đằng trước. Có hôm bà mặc yếm nâu non, cũng có hôm bà mặc yếm nâu già và đặc biệt lắm bà cũng mặc yếm mầu trắng ngà ngà.

Yếm xưa và nay.

Bà tôi mất năm 1964. Sau ngày bà mất ít hôm máy bay Mĩ mới mang bom thả xuống Hồng Quảng. Từ ấy tôi không hề thấy trong họ hàng nhà tôi ai mặc yếm nữa. Sự tân tiến lan dần dần đến làng quê mang tên cooc xê.

Nhớn lên đi học, rồi đi ra ngoài với đời. Vẻ tân thời của đàn bà luôn làm tôi để ý nghĩ ngợi bần thần (bố khỉ!). Ngày còn học cấp 3 ở Thị xã Yên Bái thấy bạn gái cùng lớp thì thầm rồi com cóp tiền mua cooc xê thấy buồn cười. Nhớn tí nữa đi đại học nhìn bọn con gái thành phố hiên ngang mặc áo vải pha ni lon mỏng đáo để khoe cái cooc xê là nể gớm nể ghê. Nhưng những lúc ấy tôi luôn nhớ ngày bé và nhớ cái yếm của bà. Nhưng sự canh cánh trong lòng nghĩ về cái yếm thì đến luống tuổi mới tự mình lí giải với mình về cái chuyện con con buồn cười ấy. Sự con con ấy chính là cái "dải yếm".

Ngày xưa đi theo bà đi làm cỏ lạc. Nắng nóng quá bà cởi áo ngoài chỉ còn cái yếm nâu, dải yếm nâu buộc sau lưng trễ xuống. Bà thắt lại cho khít lên cao. Bà bảo, lúc còn con gái cái dải yếm thắt vào chỗ ong. Thì ra, "Lưng ong" con gái nhờ cái dải yếm mà nó có điểm nhấn, cái dải buông dọc sống lưng chỗ gẫy võng của người con gái nó gây hiệu ứng dã man. Nhờ cái dải yếm mà cái lưng con gái võng hẳn xuống. Hai sợi dây một ngắn một dài nằm dọc võng lõm trắng ngần. Người ta nhìn cái dây vải có hồn có tiếng chứ không phải thịt da người con gái lên tiếng.

Bây giờ tôi hay nghĩ đến câu người xưa nói "Khâu trầu dải yếm". Ôi giời đất ạ, miếng trầu giấu trong cái yếm để mà trao nhau lúc gặp gỡ nhập nhoạng tối thì làm sao mà không say chếnh say choáng cơ chứ. Ngày xưa các cụ ta giỏi giỏi. Các cụ "phê" nhau đến thế. Có lẽ trong tất cả các miếng trầu mời nhau không có miếng trầu nào linh thiêng như miếng trầu dải yếm.

Lại nghĩ ngợi chả thấy các cụ nhà mình nói về cái mặt yếm bao giờ? Nơi mà từ xưa đến nay lớp vải mỏng bao phủ mơ hồ nhưng lại khoe lồ lộ cặp nhũ của người đàn bà. Chính ra ở cái mặt yếm mới thật là sexy. Nhưng nó không lên tiếng như cái dải yếm. Nó mời gọi không nhời nhưng lộ liễu.

Càng về sau người ta càng thấy sức hút tinh thần của cái yếm Việt Nam. Người Việt ta khéo đến nỗi chỉ nói đến cái dải yếm thôi. Mà ngẫm ra các cụ chả phải lảng tránh điều gì, chính cái buông lõng thõng của dải rút quần hay dải yếm mới gợi cảm rấm rứt con người.

"Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân".
(ca dao)

Tôi thì chả dám mãnh liệt như các cụ đã nói trên. Nhưng quả thật đến bây giờ nhìn con gái mặc quần buộc dải rút áo ngắn hở rốn nhìn cái dải rút hay hơn chứ chả ai thèm nhìn vào rốn đeo cả khuyên bạc vàng nhóng nhánh. Thế mới ngẫm ra cái dải yếm nó buộc hồn con người là phải.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân_c.xtamthanhha@gmail.com

Ca dao xưa kể:

"Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền"

Rồi

"Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang".

Cái cây cầu dải yếm thì đàn ông ai mà chả biết, nhưng niềm mong muốn đến nỗi muốn người đàn bà cởi dải yếm bắc cầu cho anh sang thì …thú thật các cụ ngày xưa về mặt tình ái quá giỏi.

Tôi chợt nghĩ có người đã lí giải thật tuyệt vời về cái khe ngực đàn bà. Với cái khe ngực đàn bà thì sự sâu xa của bản năng sinh học sinh tồn về cái đẹp con người biểu hiện lên thành hình ảnh rồi chuyển thành hành động nuốt nước bọt đánh ực.

Còn dải yếm thì lại không thế, nó làm cho con người bần thần miên man và nuốt nước bọt... cũng rất từ từ.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân
.
.
.