Chuyện về ba người đàn bà đi tìm mộ chồng

Chủ Nhật, 09/08/2015, 19:00
Ba người đàn bà là ba mảnh đời khác biệt, song họ có cùng một điểm chung: chồng là liệt sĩ. Đã mười năm nay, Nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã như là mái nhà thứ hai của cả ba người. Họ quét dọn, săn sóc từng phần mộ liệt sĩ; chia sẻ, an ủi, động viên lẫn nhau khi cả ba cùng ngày đêm mong ngóng được đón chồng “trở về”.

Mất mát, đau thương

Bà Nguyễn Thị Nghĩa là vợ liệt sĩ Trần Văn Hải. Ngày mồng 2 Tết năm 1978, xóm làng vẫn đang trong tiếng pháo thì gia đình bà Nghĩa nhận giấy báo tử của chồng. Ông Hải hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Chẳng thể nói hết được cái ngày mồng 2 Tết năm ấy nó đau đớn, tang thương với gia đình bà Nghĩa như thế nào… Bà khóc ngất lên ngất xuống, mất người thân đã đau đớn, lại tận bên nước bạn Campuchia… bà biết tìm chồng như thế nào đây?

Khi ông Hải mất, con lớn của ông bà mới 2 tuổi đầu, còn đứa thứ 2 vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ. Phải đứng vững mà sống để còn nuôi con – bà Nghĩa đã tự tiếp thêm sức mạnh cho mình như thế. Nhà bà Nghĩa bấy giờ nghèo đói, ba mẹ con ở nhà mái gianh, cứ mưa là dột. 

Nhớ lại lúc khó khăn bấy giờ, bà kể: “Khi còn bé, cả hai đứa ốm đau quặt quẹo nay thuốc mai thang. Cả cái thời còn trẻ khỏe, bác chỉ nghĩ đến việc làm và làm quần quật để kiếm tiền nuôi ăn, nuôi thuốc cho chúng nó. Buông tay làm, nhìn đến hai đứa con là lại thương con, nhớ chồng, nước mắt cứ thế là rơi; vừa khóc, bác vừa cầu mong bác trai sống khôn chết thiêng phù hộ cho mấy mẹ con mạnh khỏe”.

Từ lâu, bà Hè, bà Nghĩa, bà Hột đã xem nhau như chị em một nhà.

Bà Nguyễn Thị Hột cũng là vợ liệt sĩ, ông Phạm Văn Thâu hy sinh năm 1974 ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng; bấy giờ ông mới 25 tuổi. Hai ông bà cưới nhau được 5 tháng thì ông nhập ngũ rồi hy sinh; và vĩnh viễn, ông Thâu không một lần nhìn thấy mặt cô con gái bé nhỏ. Ông Thâu hy sinh, bà Hột ở vậy nuôi nấng, dạy dỗ con gái và chăm sóc mẹ chồng, bà cụ năm nay đã 94 tuổi.

Bà Nghĩa, bà Hột mất chồng, nhưng vẫn may mắn hơn bà Nguyễn Thị Hè là các bà còn có những đứa con để mà tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương. Bà Hè lấy ông Đinh Văn Tâng, khi đôi vợ chồng còn chưa kịp có tin vui thì ông Tâng phải lên đường vào Nam chiến đấu. Ông Tâng ra đi rồi vĩnh viễn nằm lại trên đất Long An. Năm 1972, bà Hè nhận giấy báo tử của chồng. Chồng hy sinh khi chưa kịp có con, ai cũng động viên, mai mối để bà Hè đi bước nữa. Nhưng bà Hè không bao giờ có ý nghĩ sẽ đi lấy một người nào khác nữa, bà son sắt một lòng, ở vậy nuôi một đứa cháu – là con trai của chú em chồng.

Biết đâu, ở nơi nào đó trên đất Việt, cũng có những người đang chăm sóc mộ phần các ông ấy

Ba người đàn bà mất chồng khi tóc còn xanh, mắt còn trong. Bây giờ, mái tóc xanh ngày nào đã ngả muối tiêu, những vết chân chim đã hằn sâu nơi khóe mắt. Đã mười năm nay, niềm vui của họ là ngày ngày ra nghĩa trang quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cho 65 phần mộ liệt sĩ và cùng cầu mong sớm tìm được hài cốt của chồng. 

Bà Hè chỉ biết là ông Tâng hy sinh bên dòng sông Long Khốt của tỉnh Long An. Bà Hột cũng chỉ biết là chồng mình hy sinh trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng thôi. Còn bà Nghĩa thì có biết rõ hơn, rằng ông Hải đang được an táng ở một nghĩa trang tại tỉnh Tây Ninh. Biết thế thôi chứ mấy chục năm qua, các bà đã tìm được nắm xương tàn đau xót của chồng mình đâu…

Bà Hột thay hoa trên mộ liệt sĩ.

Mười năm trước, bà Nguyễn Thị Hột tự nguyện xin với xã nhà cho phép bà được chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Một thời gian ngắn sau, hai bà Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Nghĩa cũng xin được cùng làm quản trang. Bà Hột bảo đây là việc nghĩa tình cần làm với những người đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả sinh mạng của mình cho Tổ quốc. Vả lại, trong thâm tâm bà luôn mong ngóng cái ngày chồng mình được đưa về quê hương, yên nghỉ giữa cánh đồng làng để bà ngày ngày được săn sóc. Bà Hè, bà Nghĩa không nói ra đâu, nhưng xóm giềng ai cũng hiểu, tâm nguyện của các bà cũng giống như bà Hột thôi – họ đều mong sẽ có ngày được đón chồng về…

Mười năm qua, ba bà vẫn thường xuyên chăm sóc 65 mộ phần liệt sĩ trong nghĩa trang xã nhà, nghĩa trang lúc nào cũng sạch sẽ, ấm và thơm mùi nhang khói. Mười năm qua, chỉ trừ những lúc bà nào có việc riêng, còn đâu luôn luôn là ba bà cùng nhau làm mọi việc ở nghĩa trang: quét dọn đường đi lối lại, cắt tỉa cây cỏ, thay lọ hoa tươi trên các mộ phần, thắp nén nhang thơm để ấm lòng người ngã xuống. 

Các bà cùng nhau làm mà không cần, không nhận, cũng không trông chờ bất cứ một đồng thù lao nào cả. Ngược lại, một tháng hai lần sóc vọng, các bà còn tự bỏ tiền mua thêm nhang thơm, hoa, quả để dâng lên các anh. Bởi trong tâm niệm, các bà luôn nghĩ, luôn hy vọng rằng, biết đâu, ở nơi nào đó trên đất Việt, cũng có những người phụ nữ chăm sóc mộ phần của chồng các bà như các bà đã và đang làm đây. Các bà bảo mình làm những việc đó, trong lòng mình cũng thấy được an ủi phần nào, vì những liệt sĩ nằm lại đây cũng đã hi sinh trong chiến trận như người chồng của mình...

Trong 65 ngôi mộ trong nghĩa trang này, có 20 ngôi mộ vô danh. Vừa thay hoa trên mộ liệt sĩ, bà Hột vừa nghèn nghẹn: “Tất cả các anh, các chị đang nằm ở nghĩa trang này đều đã hy sinh vì Tổ quốc. Mỗi người một nơi, nhưng cuối cùng họ lại chọn cùng một chốn để nằm xuống. Chúng tôi, những người còn sống cũng muốn góp một chút công sức của mình để thân nhân các anh, các chị đỡ tủi”.

Như chị em một nhà

Đã xấp xỉ tuổi 70, bà Hột bảo: Mỗi người một cảnh nhưng chị em chúng tôi có nhiều điểm chung lắm, cùng xóm 7, cùng xã nên ba chị em chơi với nhau từ hồi còn bé tí, cùng lấy chồng trong cảnh bom đạn, chưa kịp quen hơi chồng thì chồng đã đi, đi mãi không về… Những bất hạnh, những mất mát đã khiến ba bà có sự đồng cảm, và những đồng cảm ấy đã khiến ba bà ngày một gần nhau hơn. Họ tâm sự với nhau lúc nhổ cỏ, lúc tỉa hoa… Rồi mỗi lúc gia đình bà nào có việc là hai bà còn lại đều xắn tay áo cùng lo liệu. Chẳng biết từ bao giờ, các bà xem nhau như chị em ruột thịt, cùng chia sẻ, che chở, đùm bọc nhau trong cuộc sống.

Ba người đàn bà nghèo, đều ở trong cái ngưỡng ngũ thập tri thiên mệnh, song họ vẫn vừa làm ruộng, vừa chăm sóc nghĩa trang. Nếu chỉ kể về công việc, thì những việc làm ấy cũng không có gì nặng nhọc; song, làng xã cảm động bởi cái tình của các bà trong những việc làm cẩn thận, tỉ mẩn kia. Cả ba bà vẫn thường dành dụm tiền từ những buổi chợ chiều để thêm lên phần mộ các anh những nén nhang thơm. 

Có lần, bà Hột đi chợ, thấy người ta ở đâu mang đến loại hoa đẹp quá mà bà chẳng đủ tiền để mua. Lại nghe người bán bảo loại này dễ trồng và nở nhiều hoa lắm. Bà hớt hải chạy về nói với bà Hè, bà Nghĩa; thế là ba bà góp tiền lại, mua được mấy cây hoa, mang ra nghĩa trang trồng. Các bà bảo sẽ dần dần nhân nó lên để phần mộ liệt sĩ nào cũng có một cây hoa, vừa lấy bóng mát che cho các anh, vừa có hoa tỏa hương thơm ngát.

Ba người đàn bà cùng chung một nỗi lòng thương nhớ, một sự chờ đợi và hy vọng. Họ vẫn hỏi nhau “không biết ông nhà em đang nằm ở phương nào?”. Và rồi họ lại tự động viên nhau, rằng các anh hùng liệt sĩ nằm ở đây sẽ phù hộ, độ trì, đưa đường, dẫn lối để chồng của các bà – cũng là đồng đội của các anh được trở về với đất mẹ, với gia đình…

Hoài An
.
.
.