Chuyện về cô gái lạnh lùng với cuốn sổ ghi chép tội ác của người mẹ kế

Thứ Hai, 26/11/2012, 11:23
“Con Thoa! Mày có đi lau nhà không tao đập gẫy chân bây giờ” - Tiếng bà Hảo the thé bên nhà hàng xóm. Không ngày nào tôi không thấy bà Hảo quát mắng con gái với những từ ngữ độc địa. Thoa là hàng xóm, cũng là bạn tôi...

Bị mẹ mắng chửi, Thoa chỉ biết lầm lũi làm việc. Nó giải tỏa sự uất ức bằng cách thỉnh thoảng tâm sự với tôi. Mãi đến khi bố nó sắp mất vì ung thư, Thoa mới được bố cho biết: bà Hảo không phải là mẹ ruột của nó. Thoa thở phào nhẽ nhõm hớn hở khoe ngay thông tin đó với tôi. Thì ra từ trước đến giờ cái Thoa vẫn đau khổ với câu hỏi tại sao mẹ không yêu nó. Bây giờ thì nó đã biết nguyên do. Nó không còn cảm thấy bức xúc với những lời cay nghiệt của bà Hảo nữa, dù sao thì bà ta cũng chẳng phải là máu mủ ruột rà.

Thoa nói với tôi: “Tớ như được giải thoát. Bà ấy mà con hành hạ tớ, sau này tớ sẽ cho bà ta biết tay”. Sau khi bố qua đời, Thoa có một công việc hết sức kỳ quặc. Nó ghi chép tất cả những lời nói cay độc của bà Hảo dành cho nó vào một quyển sổ, ghi rõ ngày, giờ, phút như một cuốn nhật ký. Thỉnh thoảng nó lại mang sang cho tôi xem. Tôi thấy nó không buồn mà tỏ ra háo hức trước mỗi lần bị bà Hảo mạt sát, nó còn ghi âm lại những lời đó và lưu trữ trong máy tính. Thì ra Thoa đang chuẩn bị cho một cuộc trả thù người đàn bà mang danh nghĩa là mẹ của mình.

 

Trước khi mất, bố Thoa đã gọi nó vào và nói sự thật. Ông lấy bà Hảo đã 2 năm mà không có con. Trong một lần đi công tác, ông có quen một người phụ nữ xinh đẹp và họ trở thành tình nhân. Rồi người phụ nữ đó mang bầu, cô ta ép ông phải bỏ bà Hảo để lấy cô làm vợ. Đương nhiên là ông không đời nào chịu làm chuyện đó. Lúc đó ông đã là trưởng phòng của một đơn vị xây dựng với rất nhiều bổng lộc. Chuyện mà vỡ lở sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công danh sự nghiệp của ông. Người phụ nữ kia cũng không phải dạng vừa, cô ta tuyên bố sẽ giữ cái thai kia và dọa sẽ đến nơi ông công tác để làm to chuyện. Trong lúc nguy khốn, ông đành phải thú nhận toàn bộ câu chuyện với vợ. Bà Hảo sau một thời gian sốc và đau khổ đã ra tay hiệp nghĩa. Bà từ bỏ công việc làm nhân viên với đồng lương ít ỏi, ở nhà để thực hiện kế hoạch cứu chồng...

Ông bố Thoa tìm gặp cô nhân tình ghê gớm và giữa họ đã có một thỏa thuận. Khi cô ta sinh, ông sẽ chu cấp cho cô một khoản tiền lớn đủ để cô mở một cửa hàng kinh doanh. Ông sẽ nuôi đứa con và cô ta sẽ rảnh rang tìm hạnh phúc mới. Người phụ nữ đó đã chấp thuận và ông được 2 cái lợi. Cái lợi thứ nhất là ông sẽ có một đứa con mà ông khao khát. Cái lợi thứ hai: ông sẽ không bị ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp đang rộng mở của mình. Có được cả hai điều đó, ông không thể quên ơn bà Hảo, người đã phải chịu hy sinh, khổ sở vì chồng.

Trong thời gian chờ người phụ nữ kia sinh, bà Hảo ru rú trong nhà. Thỉnh thoảng lắm, hàng xóm mới thấy bà xuất hiện ở trước cổng căn nhà khang trang với một cái bụng lùm lùm. Bà Hảo đã phải độn bụng để đánh lừa sự chú ý của hàng xóm.

Ngày Thoa chào đời cũng là ngày bà Hảo sung sướng nhất. Bà vui không phải vì chồng đã có một đứa con mà vì bà đã được tự do thoát khỏi sự tù túng trong 4 bức tường. Thoa được nuôi bằng sữa hộp nên thường xuyên ốm đau quặt quẹo, bà Hảo phải thuê 1 người giúp việc và một người nhà ở quê lên để chăm sóc Thoa và lo việc nhà. Cũng từ công sức đó mà bà Hảo ngày càng có uy quyền trước chồng. Bà bắt ông phải xin cho mình một công việc nhàn nhã với tiêu chí làm cho vui. Bà nắm toàn bộ tiền của do ông kiếm về và thả sức với những nhu cầu của một người đàn bà rủng rỉnh tiền và thời gian. Bà thường xuyên đến các trung tâm làm đẹp, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ và thả cửa mua sắm áo váy tại những cửa hàng thời trang. Trong khi đó, ông bố Thoa làm việc quần quật để kiếm tiền và đêm về ngủ gật khi đang bế trên tay cô con gái diệu.

Thoa lớn lên trong nhung lụa và luôn nghĩ bà Hảo là mẹ ruột của mình. Chỉ có điều những lúc nó làm nũng mẹ như những đứa trẻ khác thì luôn bị bà Hảo đẩy ra. Chính vì vậy mà tính cách của nó rất ương bướng và lạnh lùng. Tôi đã từng thấy Thoa đá văng con mèo nhà tôi vào tường khi con mèo tìm cách dụi đầu vào chân Thoa. Cái tính cách này là do Thoa được bà Hảo “rèn luyện” từ những ngày còn bé xíu.

Bà Hảo càng ngày càng khắc nghiệt với Thoa hơn, một phần vì Thoa không phải là con bà, phần nữa là bà không thể có con. Những người phụ nữ không có con thường mất đi cái cảm giác yêu thương, bao dung trước lỗi lầm của con trẻ. Cứ mỗi lần Thoa mắc sai lầm là bà Hảo mắng nhiếc nó rất thậm tệ, nhất là khi ông bố Thoa suốt ngày bận rộn với công việc của một vị giám đốc. Ông rất quý Thoa, nhưng khi ông về đến nhà thì thường đã muộn, cộng với sự mệt mỏi của bia rượu, của những cuộc tiếp khách, ông vội vã lịm đi trong vòng tay chiều chuộng của bà Hảo. Chẳng mấy khi ông có thời gian trò chuyện hoặc lắng nghe những tâm sự của cô con gái. Dần dần Thoa cũng ít tiếp xúc với bố. Nó sống ẩn mình trong căn phòng riêng với thú vui duy nhất là vào mạng tán gẫu.

Đến khi bố Thoa bị ung thư gan thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Ông đã bán đi một căn nhà dự định để dành cho Thoa, lấy tiền đi sang Singapore chạy chữa, nhưng tất cả chỉ giúp ông kéo dài sự sống thêm một thời gian. Ông muốn giấu bệnh tật để giữ chiếc ghế giám đốc nên thường bay đi bay lại để điều trị. Như vậy càng thêm tốn kém. Khi ông phải vật lộn với những cơn đau thì bà Hảo không còn ở bên chăm sóc ông như trước nữa. Bà mặc kệ 2 bố con ông và dành thời gian cho những bữa tiệc, những buổi khiêu vũ...

Thoa đau khổ vì nghĩ rằng mẹ không còn yêu bố nữa. Nó đã từng cùng đám bạn theo dõi và phát hiện ra bà Hảo đi cùng người đàn ông khác. Thoa chụp ảnh đem về làm bằng chứng để khi thích hợp sẽ đưa cho bố xem. Nó sợ ông bị sốc nên nói gần nói xa chuyện mẹ có bồ để bố chuẩn bị tinh thần. Nhưng ông bố Thoa chỉ cười và nói: “Mẹ đã hy sinh vì bố rất nhiều. Bố chẳng còn sống được lâu nữa nên chuyện mẹ có người đàn ông khác thì bố cũng chẳng buồn”.

Bố Thoa mất đi, tài sản chỉ còn lại căn nhà 5 tầng khang trang mà Thoa đang ở. Cũng từ đó, bà Hảo mặc sức chèn ép Thoa. Những gì ghi chép trong cuốn “nhật ký” mà Thoa đưa tôi xem đã nói lên những nỗi uất ức mà Thoa phải chịu. Tôi hỏi Thoa: “Cậu ghi chép thế để làm gì? Đọc vào chỉ tổ thêm bực mình”. Thoa nói: “Để tớ không bao giờ quên sự hành hạ của bà ấy. Bà ấy liệu còn khỏe được bao nhiêu năm nữa? Đến lúc ấy, tớ sẽ cho bà ta nếm mùi đau khổ”.

Cơ hội trả thù của Thoa đến nhanh hơn dự kiến. Khi nó vừa tốt nghiệp đại học thì bà Hảo bị tai biến. Đêm hôm đó, Thoa giật mình tỉnh giấc vì một tiếng động mạnh. Mở cửa ra ngoài, nó phát hiện ra bà Hảo nằm vật ở cầu thang, đầu dốc xuống phía dưới. Bà ta vẫn mặc bộ váy rất đẹp và nồng nặc mùi rượu. Nghĩ rằng bà Hảo bị say, Thoa mặc kệ bà ta và trở lại giường ngủ. Nhưng kỳ lạ, nó mơ thấy bố về cứ nhìn nó mà cười tủm tỉm. Sợ quá, cái Thoa tỉnh dậy bật đèn sáng trưng và tìm nước uống. Ra đến cầu thang, nó vẫn thấy bà Hảo nằm ở vị trí cũ, mắt trợn ngược, mồm méo xệch. Nó sợ quá, gọi người đưa bà Hảo đến bệnh viện.

Bà Hảo bị tai biến, nằm liệt giường. Cái Thoa lúc đầu cũng hả lòng hả dạ lắm, nhưng sau nó phải phục vụ bà mệt quá. Lục hết sổ sách tiền nong mà bà Hảo cất giữ nhưng cũng chỉ còn vài chục triệu, nó thuê người về phục vụ bà. Từ khi bà bị nạn, những người bạn thân thiết của bà đến thăm được 1 lần rồi lặn mất tăm. Cái phòng của bà Hảo tanh ngòm xen lẫn mùi khăn khẳn của những lần phóng uế không tự chủ. Cái Thoa rất sợ cái mùi đó, nhưng nó vẫn cố vào để chứng kiến điều mà nó cho là “sự quả báo”.

Bà Hảo bị liệt toàn thân chỉ nói được rất ít và ngọng nghịu, rất khó nghe. Một lần bà ú ớ gọi Thoa lại gần. Bà nói gì đó có vẻ rất quan trọng và nhìn về phía ngăn kéo tủ quần áo, nơi bà vẫn để đồ lót. Nhìn ánh mắt cầu khẩn của bà Hảo, Thoa mở ngăn kéo, nó bới hết đống đồ lót của bà Hảo ra ngoài. Ngăn kéo đã trống trơn mà Thoa chẳng phát hiện được gì. Bà Hảo ú ớ bảo nó phải rút cả cái ngăn kéo ra ngoài. Thoa làm theo, nó phát hiện ra dưới ngăn kéo là một khoang trống, ở dưới đó có một chiếc hộp sắt. Thoa mở chiếc hộp đó ra và phát hiện 3 cuốn sổ tiết kiệm và cuốn sổ đỏ sở hữu một căn nhà với diện tích gần 100m2. Thoa quay lại nhìn bà Hảo. Người đàn bà khẽ chớp chớp mắt, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Bà Hảo nói rằng số tiền và căn nhà bà đang cho thuê kia, bà có được nhờ buôn bán bất động sản. Những tài sản đó, bố của Thoa cũng không biết đến. Bà Hảo muốn trao lại cho Thoa quản lý, lấy lãi tiết kiệm để chi phí sinh hoạt hàng ngày. Khi nào bà qua đời, bà chỉ có một ước vọng là được thờ chung với bố Thoa tại chính ngôi nhà này.

Cái Thoa đã khóc. Mọi sự thù hận trong lòng nó bỗng tan biến. Nó cầm cuốn sổ “nhật ký tội ác” sang nhà tôi hỏi ý kiến. Rồi chẳng đợi tôi kịp khuyên nhủ, nó lầm bầm tự trả lời: “Trả thù thì cũng được lợi lộc gì đâu? Xét cho cùng thì bà ấy cũng gặp nhiều bất hạnh. Tớ sẽ đốt cuốn sổ này đi. Bà ấy cũng chỉ còn trông cậy vào tớ”. Thoa ngước mắt nhìn ra ngoài trời, chưa bao giờ tôi cảm thấy nó đẹp và dịu dàng đến thế

Minh Thảo
.
.
.