Chuyện về ông lão hơn 30 năm "cướp cơm" Hà Bá

Thứ Hai, 07/12/2020, 18:40
74 tuổi, ông Nguyễn Đăng Được (sống tại Bãi Giữa, sông Hồng) không nhớ nổi mình đã "cướp" bao nhiêu suất cơm của Hà Bá. Hơn 30 năm sống lênh đênh trên sông nước cũng là bấy nhiêu năm ông Được hành nghề "vớt xác" và cứu người. Ông tếu táo cười bảo: "Cái nghiệp nó dính vào người thì phải theo thôi".


Giấc mơ mách bảo nơi thi thể trôi sông

Căn nhà tạm bợ của ông Được dựng dưới bãi giữa sông Hồng, đoạn gần chân cầu Long Biên (Hà Nội), bao năm chính là nơi "bấu víu" của những gia đình bất hạnh khi có người thân tự vẫn hoặc đuối nước. Bởi thường thì trong những hoàn cảnh ấy họ sẽ gõ cửa nhà ông và nhờ ông tìm thi thể người thân giúp họ.

Nhờ trời ban cho sức khỏe, lão Được "đen" làm đủ mọi việc miễn sao không phải đói. Cuối cùng ông quyết định mò ra bãi giữa sông Hồng kiếm mảnh đất cắm dùi. Nhớ về cơ duyên đến với công việc không giống ai của mình, ông Được kể, cách đây hơn 30 năm, một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng, không may một cậu bé trong nhóm bị tụt xuống hố cát và bị dòng nước hung dữ cuốn đi. Ròng rã cả ngày trời, gia đình nạn nhân thuê người ngụp lặn khắp sông Hồng tìm kiếm nhưng thi thể cậu bé vẫn "bặt vô âm tín". 

"Hôm đó tôi cũng trong đội tìm kiếm xác cháu bé. Không hiểu sao linh tính như mách bảo, khoảng 4h sáng hôm sau, tôi bất chợt tỉnh giấc như có tiếng gọi bên tai. Tôi cứ đinh ninh là cháu bé vẫn nằm ở chỗ cũ chờ tôi đến vớt chứ chưa trôi ra xa. Quả đúng như vậy! Khi chèo thuyền ra đó, vừa đến nơi thì đầu cháu bé nổi nhô lên khỏi mặt nước làm tôi giật mình thảng thốt" - ông Được nhớ lại.

Ông Được coi việc vớt xác như một cái nghiệp gắn với đời mình.

Theo ông Được, vớt xác người chết ngoài cái duyên còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà Bá mang đi. Việc quan sát dòng nước chảy, xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên xuống rất quan trọng để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi, phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn nếu nạn nhân là đàn ông thì sẽ nằm úp.

Dù quá quen với nghề vớt xác suốt mấy chục năm qua nhưng có những trường hợp cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh ông Được, khiến mỗi khi nhớ lại ông không khỏi rùng mình. Đó là trường hợp của một cô gái trẻ xinh đẹp nhảy cầu tự tử. Ông kể, lúc cô gái mới trẫm mình, ông đã không tham gia vào cuộc tìm kiếm, bởi theo kinh nghiệm của ông phải sau 3 ngày cái xác mới nổi. Thế nên đúng 3 ngày sau, ông Được dong thuyền thúng dọc sông Hồng tìm kiếm. Suốt nửa ngày thả thuyền hướng Thái Bình vẫn chưa có tăm hơi gì. Mệt lả, ông Được bèn ngả lưng nghỉ trưa trên chiếc thuyền thúng của mình. "Khi tôi ngủ say, hai tay thả thõng xuống mặt nước. Không thể tin được khi vừa chợp mắt thì đã mơ thấy cánh tay mình quờ phải xác chết của cô gái đó" - ông Được kể lại.

Không thể chợp mắt thêm một phút nào nữa, ông Được tiếp tục chèo thuyền tìm kiếm. Khoảng vài phút sau, ông phát hiện vật gì đó lập lờ, lúc chìm, lúc nổi. Bất ngờ ông phát hiện ra đó là xác của cô gái xấu số đang trong tình trạng phân hủy. "Cô gái đó mặc một chiếc quần bò, áo sơ mi trắng. Do ngâm nước nhiều ngày nên xác chết trương phình, mặt ngắn lại. Sau khi vớt được xác cô gái trẻ, cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác định được danh tính của nạn nhân.

Sẽ vẫn theo "nghiệp" khi còn có thể

Nhiều năm qua, người ta vẫn quen gọi ông Được là "Ông Được hiệp sĩ" hay "Người cướp cơm Hà Bá". Việc ông vớt xác làm phúc cũng được vợ và các con ủng hộ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thấy sức khoẻ của ông yếu đi dần nên vợ con ông đã khuyên ông "rửa tay gác kiếm". Mỗi lần như thế ông Được chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ông lý giải rằng: "Đã gọi là nghiệp thì nó sẽ bám lấy mình khi nào mình chết mới thôi. Cứ bảo là không làm nữa, hay làm nốt ca này thì thôi nhưng đến khi chứng kiến cảnh thân nhân của người tự tử đau đớn đến khóc lóc nhờ mình tìm giúp thì tôi lại không cầm lòng được. Thế là lại lên đường".

Chân cầu Long Biên nơi có những ngôi mộ vô danh.

Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra, bởi họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá. Riêng ông Được lại khác, mỗi lần vớt được xác người, ông lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định "bỏ mặc" nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.

Có nhiều xác chết trên người có giấy tờ tùy thân, ông Được tìm cách liên hệ để người nhà đến nhận lại, đưa về làm đám tang. Nhưng có những người ông vớt lên vô thừa nhận, ông mang chôn cất, hương khói. Nhiều năm trước, nghĩa trang bãi giữa đã chôn đến 40-50 người nhưng do đất lở, lũ tạt nên không còn nữa. Nay chỉ còn mộ 3 người là 2 cô gái trẻ, giờ người ta xây thành miếu hai cô và mộ anh thanh niên ở trong bụi chuối.

Theo ông Được chia sẻ thì giờ đây hằng năm, cứ đến ngày rằm, mùng một, lễ Tết, rất nhiều người dân vẫn xuống khu mộ miếu hai cô thắp hương, cầu bình an. Ngôi miếu cũng thường xuyên được quét dọn sạch sẽ.

Không chỉ "cướp cơm" của Hà Bá, mà ông Được còn nhiều lần trực tiếp cứu người thoát chết. Có lần, ông được một gia đình đến tận nhà dúi vào tay ông 30 triệu với lời cảm ơn ông đã cứu sống con gái của họ. Nhưng trong những trường hợp như thế ông Được luôn nói lời từ chối. Ông bảo: "Tôi làm thế là xuất phát từ cái tâm chứ không mong được người khác trả ơn". Và thường thì mỗi lần như thế ông Được chỉ nhận của người ta vài ba trăm nghìn để làm lễ "hình nhân thế mạng" vì đã cướp miếng cơm của Hà Bá.

Suốt buổi trò chuyện, chúng tôi mới được nhìn thấy nụ cười hiếm hoi của ông Được khi kể lại kỷ niệm cứu người mà còn bị chửi. Hôm đó là một đêm giữa mùa đông lạnh cắt da thịt. Khoảng 9 giờ tối, vừa ăn xong bữa cơm tối, ông Được nghe tiếng kêu cứu thất thanh phía cầu Long Biên. Như một phản xạ tự nhiên, ông lấy chiếc thuyền nan lao ra giữa dòng sông Hồng chảy xiết.

Thấy đôi nam nữ đang vùng vẫy giữa dòng, để nguyên bộ quần áo rét, ông lao thẳng xuống sông lôi được họ lên trong tình trạng thoi thóp. "Chỉ chậm một phút nữa thôi là họ đã mất mạng. Thế nhưng đưa vào bờ rồi cậu trai còn sặc nước đã vội vùng vằng với tôi: "Ông cứu chúng tôi làm gì? Sao không để chúng tôi chết đi!" - ông Được nhớ lại.

Khi được hỏi ông sẽ hành nghề vớt xác đến khi nào thì ông Được cười bảo rằng: "Tôi sẽ làm đến khi đôi tay này không thể tự chèo thuyền được nữa. Lúc ấy nếu phải buông "nghiệp", tôi cũng sẽ thấy thanh thản hơn rồi".

Phong Anh
.
.
.