Chuyến xe đò

Chủ Nhật, 23/12/2012, 14:41

Nếu ai đó ví cuộc sống là một mớ hỗn độn lùng bùng thì thế giới trên chuyến xe đò là mô hình thu nhỏ của nó.

Ánh nắng chiều dường như đã nhạt dần, sức nóng của tấm kính cũng nhả bớt đi hơi nóng hâm hấp sau chặng đường dài mấy trăm km. "Mầy cha nó nữa, biết bao giờ mới hết nóng đây” - tiếng làu bàu khẽ của một ông cụ ngồi kế bên làm tôi chợt tỉnh cơn ngủ vật vờ, mệt mỏi. Dường như lần nào trở về trên chuyến xe đò tôi đều bị đánh thức bởi những tiếng âm thanh na ná như vậy. Ban đầu thì cũng khó chịu nhưng nghe riết thành quen bởi nó là nét đặc trưng không thể chối bỏ của những chuyến xe kiểu này. Cách làm sáng suốt nhất là  quay sang phía ông cụ thoáng mỉm cười. Vậy là lại trở về với thế giới thực xung quanh một cách nhanh nhất.

Tôi không nhớ nổi mình đã đi trên chiếc xe đò này từ bao lâu nữa, chỉ thoáng lờ mờ rằng ngay khi lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe màu vàng sơn viền trắng này đã bị nó mê hoặc. Trở thành điều ước đầu tiên mỗi khi nghĩ đến trong bất cứ dịp nào mà ai đó tạo cho một tia hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi cũng chẳng hiểu nổi tại sao lại đi thích điều kì quặc như thế trong khi lũ trẻ quanh, đứa thì ước một chiếc ôtô, búp bê tóc vàng, một bữa cười tít mắt thèm thuồng trên cái xe đu quay nhô lên ụp xuống của mấy gánh xiếc hay đến khu này dựng ở khoảng bãi đất trống.

Không! Viển vông thế làm gì, có lẽ cuộc sống khó khăn đã cho những đứa trẻ xóm lao động nghèo, nhất là tôi - một bản năng đó là đừng ước mơ những thứ xa vời mà chỉ nghĩ đến thôi đã biết chắc chẳng bao giờ có thể là của mình. Vậy mà tôi lại ước được ngồi trên chuyến xe đò đi về trong ngày đó, thật khó hiểu.

Có thể chính vì những viển vông khó hiểu đó đã tiếp cho tôi một nghị lực phi thường ẩn sâu bên trong mà chính bản thân cũng không hề hay biết. Nó giúp tôi chăm chỉ học hành hơn là đi chơi với lũ bạn, thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh để làm đảo lộn mọi giá trị học hành ở xóm lao động nghèo đang sống. Ở đây, học chỉ cần biết chữ để ghi sổ, biết cộng, trừ nhân chia để tính tiền khỏi bị thiệt thì một thằng bé choắt con hàng ngày một mình đi trên chiếc xe đò rời thị trấn vào buổi sáng tinh mơ để theo đuổi con chữ cũng gieo vào lòng người lớn tia hi vọng le lói.

Tôi vẫn hình dung ra được gương mặt bố hôm tôi có giấy báo trúng tuyển vào trường chuyên của tỉnh. Ông vui lắm vì vào được ngôi trường đó đồng nghĩa với việc con đường vào đại học của tôi sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Nhưng lên phố đồng nghĩa với việc chi phí đắt đỏ, không nhà cửa, không bà con họ hàng lại đầy rẫy cạm bẫy mà nhiều chàng trai trẻ không vượt qua được đã khiến ông chùng lòng bỏ cuộc. Suy nghĩ đắn đo mất vài đêm, lời ra tiếng vào dữ dội với những người hàng xóm khi họ biết ông sẽ bỏ cuộc đã giúp tôi đều đặn năm giờ sáng lên xe đò liên tỉnh và trở về nhà trên đúng chiếc xe đó lúc bảy giờ tối. Lần đầu tiên trong đời tôi chính thức bước lên chuyến xe đò và thầm cảm ơn bố vì đã cho tôi một chuyến đi mạo hiểm đáng thử đến thế. Chiếc xe đò sáng lấp lánh ước mơ đi xa.

Chuyến xe đò màu vàng trắng đi qua thị trấn giống như bao chuyến xe đò khác: cũng giành giật khách, cũng cãi lộn, cũng kò kè từng xu từng hào một, ... Nhưng điểm khác duy nhất là ai lên chuyến xe đò này cũng biết nhau dù ít dù nhiều. Điều này cũng tốt nhưng thường làm tôi chẳng tự nhiên mỗi khi về nhà. Nhưng giữa hai lựa chọn một là đi chuyến xe duy nhất đi qua nhà, hai là đi một chiếc xe khác xịn hơn, thơm tho hơn, hành khách lịch sự hơn rồi xuống điểm cuối cùng đi bộ về nhà cách đấy 30km, thì tốt nhất tôi nên khôn ngoan tỏ ra ngoan ngoãn gật đầu chào những khuôn mặt lên xuống xe mà cả đời những người sống ở đây chẳng ưa nổi, chọn lấy một chỗ ngồi thật tử tế trong từ điển của những chiếc xe tuổi đời còn hơn tuổi mình.

Đi xe đò nhiều và chuyên nghiệp suốt từ hồi học phổ thông, lên đại học, ra trường đi làm và trở về thăm nhà hàng trăm cây số mỗi tuần khiến cho việc đi xe đò với tôi cũng trở thành một bộ môn nghệ thuật. Đầu tiên là lựa chọn ghế cho mình. Thú thực ban đầu tôi không bao giờ chia sẻ lý do tại sao mình lại luôn chọn bằng được hàng ghế một ở phía cửa lên xuống cho anh phụ xe quen thuộc luôn gặng hỏi. Nhiều khi bực quá, anh phụ xe hất hàm lên chê bai hàng ghế đấy không có rèm nắng chết, chẳng ai thèm ngồi. Ai ngồi chỗ đó thì ngốc quá, vẫn còn khối ghế tốt hơn thế kia mà không ngồi.  “Đúng là đại ngốc” - tiếng cười đầy mãn nguyện ấy của mấy người trên xe hồi đầu làm tôi cảm thấy lúng túng nhưng riết rồi thành quen.

Ngốc ư, dù đồng tình hay không vừa ý thì đi nhiều trên xe đò đã dạy tôi một điệu bộ quen thuộc thoả hiệp vui vẻ với cuộc sống. Một nụ cười nhỉnh mép vừa đủ sẽ chẳng làm mình phải mở miệng tranh luận nảy lửa như mọi khi. Ai cũng vui vì mình được thông minh hơn người khác thì cần nên phát huy. Giữa cái thế giới mà sự tranh giành luôn thường trực, mọi ý tưởng có thể ăn cắp của nhau chỉ trong nhoáng mắt. Biến một kẻ chẳng tài giỏi gì sẽ được hưởng một ví trí cao hơn với mức lương hợm hĩnh chỉ với một ý tưởng khôn vặt mà cả đời hắn ta chẳng nghĩ được thì đôi khi không phải cái gì cũng cần được nói ra.

Còn tôi lý do chọn hàng ghế một chẳng có gì cao siêu mà đơn giản chỉ là để tránh việc vì lợi nhuận chiếc xe đò không nỡ bỏ bất cứ hành khách nào nên bắt tất cả ngồi ghép khiến chiếc xe bé tẹo trở nên chật hỗn độn người thì  ít nhất tôi vẫn được ngồi thoải mái trọn chiếc ghế của mình mà chẳng sợ ai ngồi chèn vào. Còn nắng ư?  Lo gì cơ chứ với một chiếc áo kín tay, một chiếc mũ phớt, một gọng kính râm to bè liệu nắng đủ xuyên qua và khi ấy tôi vẫn có thể thoải mái quay sang bên cạnh với tư cách là người ngồi cạnh chứ không phải là người ngồi ghép ghế điên người bị phả hơi nóng vào sau gáy. Thật thú vị, chuyến xe đò đã dạy tôi những tiểu xảo thật nhỏ chẳng tìm thấy ở nơi nào khác.

Nếu ai đó ví cuộc sống là một mớ hỗn độn lùng bùng thì thế giới trên chuyến xe đò là mô hình thu nhỏ của nó. Cuộc sống ở đây thậm chí còn muôn màu hơn ấy chứ. Ở đây tôi được tiếp xúc với đủ loại người: tốt có, xấu có, loại ba phải có. Nhưng để biết ai là tốt, là xấu, không thật lòng thì thật không dễ chút nào.

Mỗi lần đi trên chuyến xe đò hai lượt đi – về đồng nghĩa là tôi được gặp kha khá kiểu người khác nhau nhưng nhiều khi vẫn bị những yếu tố khách quan khác làm nhiễu sóng. Có những người mới tiếp xúc đã thấy sự cởi mở giãn ra trên cơ mặt, có người thì bình lặng không muốn giao thiệp và có cả những người vẻ ngoài trông dữ tợn, nói năng bợm trợm nếu nhìn qua loa thì cứ tưởng đó là kiểu người xấu mà người đời tô vẽ. Và thiếu làm sao được những tin đồn, lời thoá mạ, cái rỉ tai đáng sợ sau mỗi hàng ghế của những người thân nhau đã lâu và mới quen trong chớp nhoáng.

Thế mới thấy chẳng ở đâu mà người ta lại dễ dàng trở thành bạn của nhau và trò chuyện với nhau nhiều như ở trên xe đò từ chuyện xã hội, chuyện vợ con, nhà hàng xóm mới sắm cái tivi treo tường,…Tất cả đều được hiện hữu ở đây và được họ đem ra thảo luận. Nếu sau này mà làm truyền thông cho một nhãn hàng tiêu dùng nào thì chắc chắn tôi sẽ chọn những chuyến xe đò làm nơi đầu tiên quảng cáo, tiếp thị. Vừa là cách đi vào lòng người dễ nhất, lại vừa không tốn một đống tiền quảng cáo lố bịch trên truyền hình.

Trên mỗi chặng đường xe đò đi qua là lại nhận thêm một con người du nhập vào chuyến hành trình giao thoa văn hóa bản địa. Họ đem tiếng nói mang nặng thổ ngữ nơi họ đang sống đến hàng hóa, vật phẩm lên xe nhét đầy hộc ghế để chân. Ở trên xe đò cũng tồn tại một dạng văn hóa rất quen thuộc. Những người trẻ thì nhảy lên xe là ngồi vào bất cứ chỗ nào còn trống nhưng những người có tuổi thì việc đầu tiên bước lên xe là họ phải nằn nì một câu với phụ xe: “Phải cho ngồi ghế đầu không tôi say lắm”, dù xe chật nêm người. Người đổi, người nhường, bước lên, bước xuống xao động cả chiếc xe nhưng cuối cùng người ói say thì vẫn là những người được nhường ngồi ghế đầu. Thay vì  tìm ra nguyên nhân khiến mình say là về thể trạng sức khỏe và cố gắng bồi bổ cơ thể trước chuyến đi thì cả đời họ luôn ngật ngưỡng trong cơn say dù có ngồi vị trí đẹp nhất.

Ôi cuộc sống trên đoạn đường mấy trăm cây số thật sống động. Mỗi ngày một cuộc sống mới, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm chẳng ngày nào giống ngày nào. Và giữa cái xô bồ ấy, tôi chỉ đóng vai trò là một hiệp sĩ tâm lý bí ẩn ngồi lắng nghe những bức bối của những bệnh nhân. Thâu góp sàng lọc nó và tự chế ra thứ kháng sinh tự miễn dịch cho tủ thuốc mỗi ngày một đầy thêm trong bán cầu não.

Con đường về nhà ngày càng rút ngắn lại. Khoảng cách của dữ dội và bình yên tự thoả hiệp với nhau trên dải ranh giới. Tôi lại nhìn ra phía xa nhìn ngắm thị trấn. Vẫn màu xanh của những búp chè non, vẫn màu nắng xanh của mặt trời trong ráng chiều vàng, vẫn ánh mắt xa xăm của ai đó chờ đợi làm tim tôi ấm lòng. Ước mơ của tôi từ bé đến giờ vẫn là được di chuyển trên những chiếc xe đò để đến được nơi mình muốn với chi phí rẻ nhất. Nhưng điều gì cũng có hai mặt, mỗi khi gần đến điểm cuối chính là lúc tôi muốn chạy xuống thật nhanh khỏi chiếc xe màu vàng viền trắng mà cả tuổi thơ mình đã từng mong ước. Xuống xe tôi sẽ cởi vỏ bọc của mình gửi lại trên chuyến xe đò, đến khi nào lại lên xe tiếp tục hành trình những chuyến đi

Thanh Bình
.
.
.