Chuyện "xoá mù" của người đàn bà vướng vòng lao lý vì tội buôn người

Thứ Hai, 09/09/2019, 15:23
Phải trả giá bằng bản án 15 năm tù, Lương Thị Dạng, SN 1960 còn làm con trai liên lụy. Tuy nhiên, niềm an ủi đối với người đàn bà này là trại giam lại chính là nơi lần đầu tiên bà ta biết đọc, biết viết.


Vất vả mới kiếm được tiền nên Lương Thị Dạng, SN 1960 ở Móng Cái, Quảng Ninh đã mềm lòng trước khoản tiền hậu hĩnh mà người phụ nữ ở bên kia biên giới đưa ra về việc nhận và đưa trẻ sơ sinh qua biên giới. Hai lần thực hiện trót lọt, Dạng được trả công 10 triệu đồng. Đến lần thứ ba thì bị bắt. Phải trả giá bằng bản án 15 năm tù, Dạng còn làm con trai liên lụy. Tuy nhiên, niềm an ủi đối với người đàn bà này là trại giam lại chính là nơi lần đầu tiên bà ta biết đọc, biết viết.

Đưa cả nhà vào tù 

Trong số 40 phạm nhân bao gồm cả phạm nhân nam nữ theo học lớp xóa mù chữ được Trại giam Hoàng Tiến tổ chức vừa qua, Dạng là người cao tuổi nhất. Mái tóc nhuốm màu sương khói nghiêng nghiêng bên cuốn vở, đôi tay gân guốc nắn nót cầm bút viết, Dạng trông như một đứa trẻ lần đầu làm quen với chữ cái.

Nhìn bà ta lúc này, nếu không vì bộ quần áo in chữ phạm nhân phía sau lưng, chẳng ai nghĩ người đàn bà này từng gây chấn động dư luận khi tham gia vào một đường dây đưa trẻ sơ sinh bán qua biên giới.

Lương Thị Dạng nắn nót tập viết.

Chia sẻ cảm giác lần đầu viết được tên mình, Lương Thị Dạng hồ hởi: "Cứ nghĩ cả đời tôi sống trong tăm tối, mù chữ, đâu ngờ có ngày được cầm bút, cầm sách để đọc, để viết. Từ giờ tôi đã có thể viết họ tên mình, không còn phải điểm chỉ ngón tay như trước nữa".

Dường như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, Dạng tỏ ra dè dặt. Bà ta thẽ thọt nửa như phân bua: "Tại hoàn cảnh cả thôi. Tôi cũng không có hiểu biết, suy nghĩ nông cạn. Cứ nghĩ người thừa thì đem cho người thiếu, ngày xưa vẫn cho nhận con nuôi mà có sao đâu, ai ngờ… ".

Rồi không đợi chúng tôi hỏi thêm, người đàn bà này sa nước mắt, giọng sụt sịt: "Tôi đi tù, con trai, con dâu cũng vào cả đây. Chắc giờ này chúng nó cũng đang được học chữ như tôi".

Theo cáo trạng, trong thời gian đi làm thuê cho các đại lý bán vải ở chợ Móng Cái, Dạng được một phụ nữ tên là Dung, sinh sống ở Đông Hưng (Trung Quốc) nhờ đón hộ trẻ sơ sinh do người nhà Dung ở TP Hồ Chí Minh đưa ra. Nhiệm vụ của Dạng sẽ là đón trẻ, sau đó mang sang Trung Quốc giao cho Dung, Dung sẽ trả công hậu hĩnh.

Dạng đồng ý nên đã 3 lần cùng chồng và con trai, lúc thì đi Hải Phòng, khi thì về Hải Dương và một lần ở ngay thị xã Móng Cái, đón các bé sơ sinh, sau đó đưa sang Trung Quốc cho Dung. Mỗi lần như thế, Dạng được Dung trả công 2.000 NDT. Theo lời Dạng thì có lần nhận trẻ xong, Dung mới đưa song cũng có lần, bà ta chuyển tiền trước để Dạng chi phí cho những người cùng tham gia. Tổng cộng hai lần, Dạng được Dung trả công là 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Với hành vi này, Dạng bị kết án 15 năm tù. Con trai bà ta là Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1982, quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng bị kết án 10 năm tù. Hoàng Văn Ngọc, sinh năm 1955 ở Ba Chẽ, Quảng Ninh, chồng hờ của Dạng cũng phải trả giá bằng bản án 13 năm tù.

"Cũng vì tôi nghèo lại kém hiểu biết nên mới thế. Mỗi ngày làm thuê, tôi cũng chỉ kiếm được khoảng 200 ngàn nên được trả công 5 triệu đồng cho việc bế một đứa trẻ qua biên giới, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Vì thế nên tôi mới tham, cũng vì muốn hưởng trọn số tiền ấy nên mới rủ cả con trai cùng tham gia", nữ phạm nhân phân trần.

Nói đến đây, Dạng khẽ đưa vạt áo lên thấm nước mắt. Bà ta cho biết từ ngày vào trại giam, được nghe cán bộ phân tích, giảng giải, bà ta mới thấy tội của mình là quá lớn. Dạng bảo ngày xưa ở nhà, thấy nhiều gia đình không có con cái, đi xin con về nuôi cũng chẳng mất tiền gì nên nghĩ việc làm của mình chỉ là "nhón tay làm phúc, đem con ở nhà nghèo khó đặt vào cửa nhà giàu sang cho chúng nó sung sướng".

Dạng ngắc ngứ: "Ngày đầu tôi không nghĩ được nhiều như thế đâu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là chúng được sinh ra trong những gia đình nghèo khó hoặc của những cô gái lỡ làng, giờ được đưa đi làm con nuôi. Còn tiền mình nhận chẳng qua là người ta trả công cho mình để đứa trẻ được an toàn, thế thôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế cho đến khi vào trại giam. Giờ thì tôi mới thấy tội mình to quá. Tôi ân hận lắm rồi".

Mong được người đời tha thứ

Theo lời Dạng kể thì bà ta vốn là người Hải Phòng, sinh ra trong một gia đình đông con và nghèo khó. Cuộc sống của gia đình Dạng chủ yếu trông vào làm ruộng, cái ăn, cái mặc còn không đủ thành ra việc đi học là một ước mơ xa xỉ đối với chị em Dạng.

Do nhan sắc không có, gia đình lại nghèo nên xấp xỉ tuổi ba mươi, Dạng mới lấy được chồng. Vợ mù chữ, chồng cũng chưa một lần cắp sách tới trường. Hai đứa con sinh ra cũng không hơn gì cha mẹ chúng. Hỏi Dạng sao không cho con đi học, bà ta thủng thẳng: "Ngày đó làm lấm mặt còn chẳng đủ ăn, nghĩ gì tới chuyện học hành".

Lấy chồng khoảng 10 năm thì Dạng trở thành quả phụ. Không thể một mình làm ruộng nuôi con, Dạng bán ruộng, dắt 2 con khăn gói ra Móng Cái sinh sống. Chính tại nơi đây, người đàn bà này có thêm người chồng thứ hai chính là Hoàng Văn Ngọc, một người đàn ông cũng cảnh góa vợ, nghèo khó. Thương Dạng vất vả, Ngọc đến ở chung và coi hai con của Dạng như con mình, cùng lo kiếm tiền nuôi con vợ.

Hỏi Dạng về người chồng hiện giờ cũng đang trong trại cải tạo, bà ta tỏ vẻ khổ sở: "Tôi làm hại ông ấy. Ông ấy là người hiền lành, không con cái, vì thương tôi mà giờ liên lụy". Theo lời Dạng thì ngày chưa phạm tội, Ngọc làm nghề chạy xe ôm nên thu nhập cũng thất thường. Từ ngày chung sống với người đàn ông này, cuộc sống của Dạng cũng đỡ chật vật hơn nhưng nói là dư dả thì chưa phải.

"Mấy năm gần đây, tôi thường mắc bệnh về xương khớp nên chỉ làm được những việc nhẹ như quét dọn, rửa bát. Nhiều khi ốm nằm nhà, thèm một miếng cháo mà không dám nói ra vì sợ con trai, con dâu suy nghĩ. Chúng nó cũng nghèo khó lại nuôi con nhỏ, mình không đỡ đần thì thôi, còn mè nheo làm gì", Dạng nhớ lại. Đó cũng là lý do Dạng nhận lời chuyển giúp trẻ em cho người đàn bà bên kia biên giới.

Dạng kể rằng ngày ở Móng Cái không có việc làm gì cố định, cứ ra chợ, ai thuê gì làm nấy. Từ gánh nước, dọn hàng, bốc vác, thậm chí đi mua cơm cho chủ sạp, đưa hàng cho khách... bà ta đều làm cả, miễn là có tiền song cũng chỉ là kiếm miếng ăn qua ngày.

Nói về cảm giác lần được được cầm quyển sách, đánh vần, đôi mắt nữ phạm nhân luống tuổi bỗng nhiên hấp háy: "Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được tâm trạng của mình khi đó. Có một cảm giác gì đấy khó tả lắm, như thể vừa vui, vừa tủi nhưng có lẽ mừng thì nhiều hơn. Hôm đầu tiên đi học, tối về buồng giam tôi thao thức không sao ngủ được, cứ vác sách ra xem cho đến khi buồng giam tắt điện. Nhưng mà tuổi cao rồi, học khó vào đầu lắm".

Về Trại giam Hoàng Tiến cải tạo từ năm 2015, Dạng được bố trí lao động ở đội làm vàng mã. Thấy Dạng mắt kém nên cán bộ quản giáo cho lao động ở bộ phận đóng gói. Dạng bảo công việc đó không phải ngồi nhiều, hay được đứng lên đi lại nên không ảnh hưởng nhiều tới căn bệnh xương khớp. Dạng khoe từ ngày vào trại tăng được 5 cân và giờ đang phải "hãm ăn vì sợ béo quá lại thêm bệnh". Theo lời Dạng thì từ ngày vào trại cải tạo, bà ta không còn nơm nớp nỗi lo bệnh tật nữa vì đã có bệnh xá của trại giam.

"Tôi bị đau lưng, thoái hóa đốt sống nên ngày nào cũng phải dùng thuốc. Cũng may là con gái tôi lấy được người chồng tử tế, tháng nào cũng mua thuốc gửi vào cho mẹ", Dạng kể. Bà ta khoe con gái may mắn được người tử tế yêu thương, kinh tế cũng khá giả nên không phải lo nghĩ. Từ ngày vào trại giam, Dạng được con gái lên thăm 3 lần, còn thuốc thì gửi vào qua đường bưu điện.

Lớp xóa mù chữ ở Trại giam Hoàng Tiến.

Nói về đứa cháu nội, Dạng bảo con gái muốn đón về chăm nhưng Dạng không đồng ý vì sợ "ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của con nên cứ để cho nhà ngoại chăm sóc, khi nào về sẽ tạ lỗi với thông gia sau".

"Con gái tôi khá xinh gái, vợ chồng cũng biết làm kinh tế nên tôi rất yên tâm về nó. Mấy lần lên thăm tôi, nó bày tỏ ý định đón cháu nội của tôi về nuôi nhưng tôi sợ gia đình chồng nó hiểu sai đi. Tôi chỉ nhờ nó thi thoảng sang thăm cháu, xem thiếu thốn gì thì mua cho cháu", Dạng bộc bạch. Nói đến đây, người đàn bà mù chữ quay mặt đi rồi lén lấy tay lau khóe mắt.

Rồi như tự an ủi chính mình, Dạng cười bảo mỗi khi học một chữ khó, chính con gái là nguồn động viên để cố gắng học hành. Dạng bảo thời gian cải tạo vẫn còn dài nên trước mắt chỉ chuyên tâm nghĩ tới chuyện học chữ và giữ gìn sức khỏe.

"Ngày xưa nhà nghèo khó, cứ ao ước được đi học. Giờ vào đây, được học thì chả nghĩ nữa, cố gắng học cho tốt thôi", Dạng kể.

Dạng bảo ước mong lớn nhất của bà ta bây giờ là được mọi người thông cảm và tha thứ để sau này trở về được sống an yên bên con cháu.

Vĩnh Hà
.
.
.