Có cái nắng, có cái gió, có cái quyết làm…

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:34
Buôn Ma Thuột “Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên…”, giờ thực sự khoác lên mình tầm vóc thủ phủ của cả cao nguyên phía tây. Phố xá tấp nập như những thành phố dưới xuôi. Ðường đôi thẳng dài, cột điện giữa dải ngăn cách được những bình hoa lớn màu vàng ôm lấy, buôn làng đường nhựa giang bàn cờ, lòng lề đường thoáng đẹp…


Chiếc xe tăng giải phóng vẫn ngẩng cao giữa trung tâm, trở thành một biểu tượng độc đáo. Ngày ấy, xe tăng bất ngờ xuất hiện, xông vào giải phóng thành phố, làm quân chế độ Sài Gòn tháo chạy tán loạn…

Trước đó, Buôn Ma Thuột xa xăm, rừng thiêng nước độc, chỉ để đày tù chính trị. Nhà đày, ngoài tường cao là hổ báo, cọp beo gầm gào với cây rừng ken dày.

Xứ “Buồn Muôn Thuở” như bị gán cái tên buồn, nay bùng vui. Phố xá nay tấp nập, quán nhậu tưng bừng. “Nhậu một chiều” cứ như không cho trào ngược. Nhiều nhà hàng nước ngoài giăng giăng. Hẳn nhiều chuyện làm ăn, nhiều mối giao lưu với các nhà đầu tư lên cao nguyên lộng nắng gió.

Đúng vào lúc chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, lòng lề đường đang dâng lên cao trào, tại Buôn Ma Thuột lại nghe điều khác lạ: Không nghe dẹp, mà bày ra, 22 tuyến đường nội ô được duyệt cho kinh doanh trên vỉa hè.

Tượng đài kỷ niệm chiến thắng ngày 11-3-1975 tại Quảng trường Ngã Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột. 

Những đoạn vỉa hè phù hợp được công bố cấp cho các cá nhân dùng kinh doanh, buôn bán… Tất nhiên, với điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn giao thông, trật tự, văn minh … Buôn Ma Thuột “đi trước thời đại” trong tư duy quản lý vỉa hè, như Tây.

Cũng giống như nhiều địa phương khác gọi bố thằng Tý, cha thằng Tèo, người dân tộc gọi tên theo con. Con tên Y Thuột, thì gọi bố là cha thằng Thuột. Ama là cha, Ama Thuột.

Chuyện kể rằng lúc đó dân bản sống ở khu vực Bản Đôn, cách Lào một con suối to. Dân bản quen ăn rau rừng, người Pháp đến quen ăn rau sống, muốn dân trồng rau sống cho họ. Điều kiện dân bản đặt ra là không được bắt dân đi lính. Trong buôn có ông Ama Thuột, một thủ lĩnh bộ tộc, đứng ra đàm phán với Pháp, giữ đúng các thỏa thuận.

Dân đông lên, cần đất làm ăn, Ama Thuột được giao dẫn dân tách ra lập buôn mới. Họ đi về hướng xuôi, cách Buôn Đôn khoảng 40 km và hạ lều dựng trại… Buôn mới được lập, lấy tên người thủ lĩnh: Buôn Ama Thuột.

Người Pháp líu lưỡi khi đọc tên, rồi đọc trại ra thành Ban Mê, rút gọn Ama thành Ma… rốt cuộc Buôn Ma Thuột thành tên chính thức, dù dân vẫn quen gọi chệch.

Điều gì thu hút bạn đến đây? Câu này đặt ra hỏi nhiều du khách. Và nhận được câu trả lời từ nhiều du khách nước ngoài: cà phê. Cà phê ở đây rất “phê”, thơm ngon, tinh khiết và rất… thứ thiệt cà phê.

Còn du khách Việt, nhất là các quý ông, lại chú tâm thêm điều khác: thuốc Ama Kông. Đó là bịch thuốc nam, cây lá rừng, ngâm rượu uống cho bà khen…

Ông  Ama Kông, được tôn làm vua voi, xưa ở trên nhà sàn Bản Đôn treo đầy dụng cụ bắt voi. Nhờ theo voi ông tìm ra cây rừng chữa bệnh để khỏe như voi.  Ông mất, truyền nhân là Khăm Phết, con thứ 11 trong số 21 người con của ông.

Khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên.

Khăm Phết nay chuyển về cây số 12, ngày ngày đi rừng kiếm thuốc, uống rượu vui với đời, tràn nhân cách lương y.

Sống vui với rừng, thích gì làm nấy, “lung tung” như cách nói của Khăm Phết, nhưng có tâm với người bệnh. Tràn trề sinh lực, căng sức sống với núi rừng, với đời, Khăm Phết cũng giống như Y Moan, như Siu Black, những người Tây Nguyên chân chất, rộn ràng…

Thủ phủ Tây Nguyên đang vươn thành trung tâm trung chuyển dịch vụ, du lịch chính. Cao tốc lên núi chưa có, những chuyến xe đò kĩu kịt ngược xuôi, những chuyến bay tấp nập, những con đường nối dần trong khu vực, lên Đà Lạt, xuôi Nha Trang, ra Đà Nẵng, ngược Bắc, xuôi Nam.

Mai mốt, khi hành lang Thái - Đà Nẵng hình thành, tạo nên những tour hội họp của ASEAN với thế giới, Buôn Ma Thuột với Tây Nguyên trở thành tuyến đường trên sườn Trường Sơn đón khách.

Buôn Ma Thuột đang hướng tới xây dựng du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, đưa du lịch thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ tiềm năng “Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên…”, kết nối giữa các điểm, tuyến trong khu vực.

Các nghị quyết mới của tỉnh, của TP Buôn Ma Thuột, không chỉ xác định các chủ trương, mục tiêu dài hạn này, mà còn kèm theo rất nhiều biện pháp cụ thể, từ quy hoạch, xây dựng, đào tạo, thu hút, quảng bá…

Hiện, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 15,05%/năm; tạo ra 16.300 việc làm, trong đó số lao động trực tiếp là 5.100 người. Một lần đến Buôn Đôn, nằm nhà sàn, ăn cơm lam, cưỡi voi vượt suối đi thăm thác đem lại cảm giác không quên với du khách nước ngoài.

Đêm, quanh đống lửa, những cô gái chàng trai trong trang phục các dân tộc Tây Nguyên, tay gõ cồng chiêng, chân nhảy uyển chuyển, ca những bài ca Tây Nguyên hùng tráng, múa quanh ché rượu cần… là những cảnh lãng mạn, độc đáo khó nơi nào có, là điểm nhấn thu hút du khách.

Buôn Ma Thuột được giao các nhiệm vụ trọng tâm: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh, lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch để đầu tư và kêu gọi đầu tư… với đề án: “Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch” và “ Thiết kế quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk”, hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia…

Một miền hoang dã còn sót lại ở Đông Nam Á. “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ trên đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ” là niềm cảm hứng, khát khao của du khách đã chán những tiện nghi hiện đại. Người ta thích, thú vị trên cao nguyên, nơi “Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng, mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau...”.

“Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Cha-pi” - những câu hát chất phác như tình người.

Quảng bá cho du lịch miền sơn cước đậm đà như lời ca: “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”. “Ở nơi ấy, họ đã sống cuộc sống yên bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Cha-pi”.

Nơi rừng xanh oai hùng và nghèo khó, đã thêm những tiện nghi chốn thị thành. Có cái nắng, có cái gió, nay có cả tư duy hiện đại, những cái quyết, những cái làm, những lời yêu thương…

Buôn Ma Thuột đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đón khoảng 900.000 lượt khách, và đến năm 2030 đón 2,3 triệu lượt khách. Tin tưởng mục tiêu ấy không hẳn vì xu hướng du lịch của thế hệ ngày nay đang hướng về du lịch thiên nhiên hoang dã, mà còn tin vào cái chất rất Tây Nguyên, của những người rất Tây Nguyên, nói là làm, làm quyết liệt…

Tây Nguyên có cái nắng, có cái gió, nay có cả cái quyết làm.

Hồng Ðào
.
.
.