Cô gái bé nhỏ và khát vọng văn chương

Thứ Hai, 17/08/2015, 10:00
Cô gái bé nhỏ, chỉ hơn 30kg, mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, đã sống đến kiệt cùng sức lực của mình cho những trang viết. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết "Nổi loạn" của Phan Thị Kiều Oanh (bút danh Phan Nhân), tôi rất ngạc nhiên. Và tôi càng ngạc nhiên hơn,  cuốn sách này xuất bản khi cô bé đã bước sang một cõi khác. Một cuộc đời ngắn ngủi, chóng vánh, nhưng tinh thần và khát vọng của Oanh thì còn mãi.

Trong lời đề tựa cho cuốn sách, Oanh viết: "Đừng bỏ lỡ bất kỳ điều gì khi bạn còn trẻ. Không ai sống hai lần xuân xanh. Đây là một câu chuyện do chính cuộc sống viết nên, một câu chuyện được soi chiếu qua lăng kính tâm hồn tuổi trẻ. Nó từ chính bạn". Một câu chuyện về tuổi trẻ, về những va đập trong cuộc sống của những người trẻ, ngồn ngộn đời sống và chất liệu. 

Tác giả Kiều Oanh - Phan Nhân.

Ông Lý Hoàng Dương- Phó Giám đốc Công ty Sách Bắc Hà chia sẻ: ''Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận được bản thảo của bạn Oanh, đọc và thấy rất thú vị, nên đưa vào kế hoạch in. Rất tiếc khi ra sách thì bạn mất rồi. Nhưng đó cũng là tâm nguyện của Oanh khi còn sống, sách sẽ được nhiều người đọc". Cuốn sách lôi cuốn người đọc bởi lối viết trữ tình sâu lắng. Những câu chuyện của tuổi trẻ bế tắc, tuổi trẻ muốn khẳng định sự tự do, khẳng định bản thân xuyên suốt tác phẩm của Oanh. Đó là câu chuyện đời, từ những người bạn, từ đời sống.

Oanh viết để giải tỏa những tháng ngày buồn bã, cô độc, chống chọi với bệnh tật. Oanh viết với ý thức trách nhiệm của một người làm nghề, theo đuổi giấc mộng văn chương mà có lần, chị gái của Oanh nhìn thấy trong lưu bút Oanh viết: "Tôi mơ ước sau này sẽ trở thành nhà văn, và tác phẩm phải có con cháu đọc".

 Dù bây giờ linh hồn Oanh đã phiêu diêu ở cõi nào, nhưng có lẽ, em đã chạm tới giấc mộng văn chương của mình. Oanh quan niệm: Chúng ta không thể viết khi chúng ta không hiểu con người. Một người bạn của tôi đã khuyên tôi đọc thật nhiều tác phẩm của những nhà văn tên tuổi trước khi viết. Cậu ấy muốn tôi học kỹ thuật viết của họ. Và tôi cũng hiểu nếu tác phẩm của tôi thiếu kỹ thuật, tôi sẽ chết ngay trên bàn biên tập ngay cả khi nó chưa chào đời. Vì thế, tôi chọn đọc các bạn trẻ. Tôi muốn biết các bạn trẻ nghĩ gì, ước mong gì, buồn vui ra sao, sống và yêu như thế nào. Tôi muốn nhân vật của tôi cũng là chính bạn, gần các bạn…".

Oanh đã viết "Nổi loạn", giữa những cơn thở khó nhọc, giữa sự đập thoi thóp của quả tim đã yếu và mệt, giữa niềm đam mê theo đuổi đến cùng giấc mộng văn chương. Cảm giác như, Oanh đánh cược cả mạng sống của mình, chạy đua với thời gian để thực hiện những khát vọng ấy. Và không chỉ tiểu thuyết, Oanh đã viết hơn 200 bài thơ, in rải rác trong nhiều tuyển tập thơ của những người trẻ "Một lẻ tám"- 2013. Rồi truyện ngắn, bút ký, tản văn...

Hơn 20 cuốn sách in chung và rất nhiều bài báo trên Văn nghệ trẻ, Phụ nữ Việt Nam, Hoa học trò... Một kịch bản phim hơn 30 tập cũng đã hoàn thành những trang cuối cùng. Tất cả những lao động miệt mài đó, đều được viết ra từ một cô gái bé nhỏ, gầy yếu, cơ thể chỉ bằng một em bé lớp 5, phải duy trì cuộc sống bằng thuốc vì cơ tim phì đại, y học không thể can thiệp.

Nhiều lần tôi đến nhà chị gái của Oanh, nhìn thấy cô gái bé tẹo, ngồi ở một góc nhà. Oanh không nói chuyện mà chỉ cười, nụ cười lành hiền, nhân hậu. Gương mặt trong sáng, trẻ thơ như chưa từng vướng bận những buồn đau. Tôi chỉ nghĩ, đó là một đứa em cần được bảo vệ, được chăm sóc theo một chế độ đặc biệt. Vậy mà, lặng lẽ từ lúc nào, Oanh đã viết, đã âm thầm chạy đua với thời gian để thực hiện giấc mơ của mình.

Chị Quyên- chị gái của Oanh kể: "Ngày Oanh mất, chị lục lại máy tính, và kinh ngạc trước những gì em gái đã làm. Nếu không có đam mê, không có một tâm thế sống tích cực thì Oanh không thể miệt mài như vậy. Một người bình thường với sức đập 100% của quả tim đã khó làm chứ nói gì đến Oanh".

Oanh sinh ra ở Quảng Trị. Ngay từ nhỏ, Oanh đã bộc lộ năng khiếu văn chương. Và Oanh đã cố gắng học để thực hiện ước mơ của mình bằng cách trở thành sinh viên khoa văn Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Những năm tháng đó, Oanh bắt đầu làm thơ và có truyện ngắn in trên các báo. Chị Quyên kể, Oanh bé nhỏ, gầy yếu, nhưng lúc nào cũng lạc quan, yêu cuộc sống. Không ai biết được, Oanh buồn lúc nào. Và cũng không mấy ai biết Oanh bị bệnh, ngay cả những người bạn hằng ngày vẫn chia sẻ trò chuyện với Oanh câu chuyện văn chương.

Đến năm 2010, Oanh phát bệnh. Căn bệnh không có cơ hội cứu chữa. Bác sĩ khuyên Oanh không nên làm việc, đặc biệt là những việc liên quan đến máy tính, suy nghĩ nhiều như sáng tác. Thế nhưng, trong tâm hồn cô bé ấy vẫn ẩn chứa nhiều khát vọng, sống sao cho ý nghĩa với cuộc đời này, dù có thể thời gian sống không nhiều. Gia đình chăm sóc Oanh như một người bệnh nhưng Oanh không bao giờ coi mình là bệnh nhân. Hằng ngày, hằng đêm, khi mọi người đã đi làm, đi ngủ, Oanh lại lặng lẽ ngồi vào bàn viết. Các tác phẩm ra đời từ những tháng ngày cô độc đó. Oanh đã vắt kiệt sức mình để viết. Oanh luôn sống và làm việc quá sức đập của một quả tim yếu ớt, chỉ bằng 30% người bình thường và có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào.

Bìa cuốn tiểu thuyết của Phan Thị Kiều Oanh (bút danh Phan Nhân).

Tôi đã đọc một mạch "Nổi loạn" của Oanh, những trang viết ám ảnh về tuổi trẻ, ngạc nhiên về sức viết, về sự dụng công và tâm huyết của Oanh. Tôi ngạc nhiên trước những kế hoạch làm khoa học, bản thảo, biên tập và cả đề cương tiểu thuyết được vạch ra nghiêm ngắn, trách nhiệm. Kể cả những bài thơ của Oanh của được đánh dấu cẩn thận từ 1 đến 200. Một ý thức làm nghề trách nhiệm, khoa học. Chị Quyên kể: "Nhiều lần vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ khuyên Oanh phải nghỉ ngơi hoàn toàn. Thế rồi về nhà, Oanh lại lao vào máy tính, rút hết sức lực của mình để viết".

Oanh đã  chuẩn bị cho sự ra đi của mình, bởi em đã sống trọn vẹn những ngày tháng trên cõi đời này. Một tháng trước khi mất, Oanh mang toàn bộ sách đã in ra khoe với mẹ, rất nhiều truyện ngắn, thơ và tùy bút in chung với các cây bút trẻ. Và trong đó, có một bài viết về mẹ rất xúc động. Oanh nói với mẹ đọc hoặc để dưới gối. Nhiều đêm, Oanh ngồi dậy, chắp tay bảo mẹ ơi đừng giận con. Dường như Oanh linh cảm sự ra đi của mình.

Và Oanh đã ra đi, những trang viết vẫn còn dang dở trên máy tính. Buổi sáng hôm đó, Oanh mặc rất đẹp, cô gái này vốn dĩ rất duy mỹ, yêu cái đẹp.

Lê Quốc Hiếu- Viện Văn học - một người bạn thân mà Oanh thường chia sẻ câu chuyện văn chương, nhận xét: "Oanh là một cô gái kỳ lạ. Tôi chơi với Oanh từ rất lâu rồi, nhưng không hề biết Oanh bị bệnh tim. Đó là một cô gái có khả năng làm việc phi thường, theo đuổi đến tận cùng đam mê của mình, sống chết với giấc mộng văn chương.

Tiểu thuyết ''Nổi loạn'' là tiểu thuyết đầu tay của Oanh, câu chuyện về những người trẻ, những bế tắc, sự nổi loạn của họ khi bị kìm nén. Oanh có thế mạnh văn phong nhẹ nhàng, trữ tình, dễ đi vào lòng người. Có những đoạn viết rất hay, như đoạn viết về Nguyên. Tôi cũng đã góp ý cho Oanh nhiều về kỹ thuật viết. Oanh rất cầu thị và nghiêm túc với công việc. Ngoài tiểu thuyết, Oanh còn hoàn thành cả kịch bản phim truyền hình, viết tóm tắt cho từng tập một. Oanh làm việc miệt mài, có trách nhiệm hết sức với đam mê của mình, sống chết với nó. Nhưng có lẽ, điều đọng lại nhất ở Oanh là thơ. Mọi người biết đến Oanh nhiều hơn ở mảng thơ, những bài thơ khắc khoải về tình yêu, nỗi nhớ. Cái cảm thức đàn bà trong Oanh khiến tôi liên tưởng đến nữ sĩ Xuân Quỳnh. Một người đàn bà dám yêu, mạnh mẽ trong tình yêu và muốn đi đến tận cùng tình yêu của mình.

Phan nhân

Cuối cùng cho một tình yêu

Khẽ khàng
trái tim buông cảm xúc
Quyết niêm phong yêu ghét giận hờn
Không hò hẹn vẫn gặp trên phố cũ
Môi lại cười và mắt biếc trong hơn.

Dịu dàng
cúc vàng thay áo mới
Như mùa Thu chưa góa bụa bao giờ
Vô tư thả ánh nhìn xanh nỗi nhớ
Chạm phím đàn buông giọt ngả vào mơ.

Chiều nay lối cũ xưa yêu dấu
Hỏi em còn thương nhớ tình đầu?
Bữa ấy mưa buồn trên phố lấm
Phút tạ từ không giữ được môi nhau.

Xa từ đó
đến giờ em bỗng lạ
tiếng đàn trong thức động cả tranh chiều
câu thơ cũ gõ thầm lên lồng ngực
khởi đầu cho một tình yêu.

18/03/2013

Việt Hà
.
.
.