Cô gái mất gần nửa khuôn mặt trở thành người truyền cảm hứng

Thứ Hai, 14/09/2020, 07:23
Căn bệnh u máu ngoài da bẩm sinh đã khiến Hà Bích Hảo, 26 tuổi (Nam Định) hỏng gần nửa khuôn mặt, mất một bên tai và gần như hỏng một bên mắt. Đã có lúc cô từng muốn quyên sinh vì không chịu nổi ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh. Nhưng khi đã vượt qua được cảm giác tự ti ấy, Hảo đã lập nên kỳ tích. Không chỉ đỗ đại học với số điểm rất cao, cô còn học lên thạc sĩ và trở thành người truyền cảm hứng khi tham gia rất nhiều các hoạt động thiện nguyện.


Tuổi thơ buồn

6 tháng tuổi, cô bé Hà Bích Hảo đã phải trải qua những cuộc phẫu thuật liên miên. Trong một lần điều trị cục u máu trên mặt, Hảo đã bị bỏng laser. Vết bỏng rỉ máu suốt nhiều ngày khiến cô bé khóc cả ngày lẫn đêm. Lúc này miệng Hảo bị méo nên em không thể bú mẹ. Sữa phải đút bằng thìa nhưng cứ đút vào lại chảy ra. Sau đó, gia đình Hảo đã nghĩ ra cách là sẽ cho cô bé uống nước cơm đặc. “Em uống nước cơm của bà nội từ 6 tháng đến năm 3 tuổi”, Hảo nhớ lại.

Hảo mong muốn thành lập một doanh nghiệp xã hội, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ.

Đến tuổi đi mẫu giáo, mẹ Hảo dẫn con đến trường nhưng bị cô giáo từ chối. Lý do là bởi khuôn mặt dị thường của Hảo đã khiến các bạn trong lớp hoảng sợ, khóc thét. Đến tuổi đi học lớp 1, bố mẹ cô cũng đưa con đi nhập học như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, các thầy cô đã liệt Hảo vào dạng học sinh khuyết tật nên họ không cho em vào danh sách lớp chính thức. Hảo chỉ là học sinh dự thính. Phải đến cuối năm lớp 2, với sự giúp đỡ nhiệt tình của một cô giáo trong trường, Hảo mới chính thức có học bạ.

Đi qua tuổi thơ bằng những ánh mắt kỳ thị của bạn bè và những biệt danh vô cùng đau đớn như “ma cà rồng”, “xác sống di động”, Hảo bảo nhiều lúc muốn nghỉ học. Cô chia sẻ: “Có lần em về hỏi bố mẹ là: “Con có tội gì đâu mà sao các bạn cứ xa lánh, không ai thèm chơi với con, không ai muốn ngồi cùng bàn với con”.

Mỗi lần như thế, bố em đều động viên: “Chỉ là con có ngoại hình khác các bạn một chút thôi. Con hãy cố gắng để cho các bạn thấy mình không thua kém gì các bạn”. Mỗi lần được bố động viên, Hảo lại như được tiếp thêm động lực. Hảo lao vào học vì muốn được thầy cô và bạn bè ghi nhận mình.

Hảo dần quen với những ánh mắt kỳ thị của bạn bè và trở nên chai lì. Cô bé như con nhím luôn xù lông, chống trả lại tất cả những người xúc phạm về ngoại hình của mình. Hảo cười nhớ lại: “Những năm học cấp 2, em sẵn sàng lao vào đánh nhau với bạn nếu bị trêu về ngoại hình. Chính vì thế nên em trở thành học sinh cá biệt, luôn phải xuống phòng Ban giám hiệu để làm bản tường trình”.

Khi bước vào năm học lớp 10, Hảo được xếp ngồi cạnh một bạn rất xinh. Dù không phản đối mạnh mẽ nhưng cả ngày học đầu tiên bạn gái ấy chỉ ngồi khóc. Biết được điều này, ngày hôm sau, cô giáo đã chuyển chỗ cho bạn gái đó. Chỉ còn lại mình Hảo 1 bàn. Những bạn trai trong lớp cũng chẳng ga lăng hơn. Họ tuyên bố thẳng là “không chấp nhận một đứa con gái xấu như thế học trong lớp của mình”.

Tinh thần lạc quan của Hà Bích Hảo đã trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ kém may mắn.

Hảo bảo: “Từ lúc biết nhận thức đến những năm học cấp 3, em luôn có cảm giác cả thế giới quay lưng với mình. Ai nhìn em cũng bằng ánh mắt kỳ thị, xa lánh giống như “người ngoài hành tinh”. Em cũng là con người mà, em cũng có những cảm xúc và tổn thương như bao người khác. Nhưng có vẻ như mọi người chưa bao giờ thông cảm cho những thiệt thòi này của em”.

Bế tắc vì luôn bị các bạn đối xử không công bằng nên Hảo đã tự động bỏ học. Hôm sau giáo viên chủ nhiệm đã mời bố mẹ Hảo lên trường gặp và mong muốn bố mẹ thuyết phục Hảo đi học trở lại. Tối hôm đó, mẹ Hảo đã vuốt ve lên khuôn mặt em. Mẹ khóc và nói rằng: “Nếu phải đổi cả tính mạng của mẹ để con có được một khuôn mặt bình thường, mẹ cũng sẵn sàng”. Nghe vậy, Hảo đã lao vào ôm mẹ khóc. Hảo hứa với mẹ từ giờ sẽ không quan tâm tới những lời chọc ghẹo của bạn bè nữa mà sẽ cố gắng học thật giỏi để bố mẹ được tự hào.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, người ta thấy một Hà Bích Hảo hoàn toàn khác, bàng quan trước mọi lời khích bác, khinh khi của bạn bè và cắm đầu vào học. Trong 3 năm học cấp 3, Hảo luôn đứng trong top đầu của lớp. Hảo cũng là học sinh duy nhất trong lớp có mặt trong đội tuyển Sử của trường đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Kết thúc năm học lớp 12, trong lúc nhiều bạn trúng tuyển và chuẩn bị hành trang vào đại học thì Hảo vẫn chờ đợi kết quả từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều người quen và hàng xóm đã nói với bố mẹ Hảo rằng: “Nếu đỗ thì chắc chắn đã có thông báo rồi. Thôi mua cho nó đôi bò để nó đi chăn dần là vừa”. Nghe vậy, bố mẹ Hảo chỉ biết cười nhưng vẫn không thôi hy vọng con đỗ đại học. Và cuối cùng, kết quả thi của Hảo đã nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Cô đỗ đại học với số điểm xuất sắc 25,5 điểm.

Gieo hạt mầm hy vọng

Đỗ đại học không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào đối với Hảo. Bởi cô gái nghị lực này đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng mình chỉ khiếm khuyết về thể xác chứ không khiếm khuyết về nhận thức. Nhưng bên cạnh niềm tự hào ấy, Hảo cũng không giấu được nỗi lo lắng về một môi trường mới.

Hảo là tình nguyện viên của nhiều chương trình thiện nguyện.

Hảo nhập học, sau đó đăng ký xin làm tình nguyện viên cho một trường mầm non dạy trẻ tự kỷ. “Làm được một thời gian ngắn thì em được một người quản lý của trường gọi lên. Trước mặt nhiều giáo viên khác, người này bảo em từ ngày mai không phải đến trường nữa vì nhiều phụ huynh phản ánh không muốn em tiếp xúc với con của họ. Đó thực sự là một cú sốc đối với em. Bao nhiêu tự ti em đã cố cất giấu giờ thì nó bung ra mạnh mẽ nhất”, Hảo kể lại.

Sau buổi hôm đó, Hảo đã đạp xe gần 20km ra giữa cầu Vĩnh Tuy với ý định sẽ kết thúc đời mình. Hảo cứ đứng đó nhiều tiếng đồng hồ với suy nghĩ: “Sao bao nhiêu nỗ lực của mình không được mọi người ghi nhận. Vậy thì sống trên cuộc đời này còn ý nghĩa gì nữa”. Khi Hảo đặt một chân bước lên thành cầu, thì hình ảnh mẹ khóc và bảo sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cho con một cuộc sống bình thường lại hiển hiện rõ mồm một. “Đó chính là hình ảnh đã cứu vớt cuộc đời em”, Hảo tâm sự.

Không tự tử nữa nhưng cũng kể từ hôm đó, ngoài việc lên giảng đường thì Hảo gần như không giao tiếp với ai. Cô chỉ ru rú trong phòng ký túc xá với nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Một lần tình cờ, Hảo xem bộ phim nói về một nhân vật nữ bị bại liệt nhưng đã cố gắng vươn lên trở thành kỹ sư công nghệ. Trong phim, cô gái này đã nói một câu rằng: “Khi còn đi được, bạn vẫn hạnh phúc hơn tôi”. Câu nói đó đã khiến Hảo thức tỉnh. Cô cảm thấy tiếc quãng thời gian sống trong u sầu của mình. Ngay sau đó, Hảo đã lên mạng để tìm hiểu về những chương trình thiện nguyện rồi đăng ký tham gia.

Lần đầu làm thiện nguyện, Hảo dẫn đoàn người khuyết tật, hầu hết ngồi xe lăn ở Đà Nẵng đi thăm Hà Nội. Không quản nắng nôi, cô sinh viên 22 tuổi hết đẩy xe rồi lo hậu cần, mồ hôi ướt sũng áo nhưng miệng vẫn nở nụ cười. Hảo từng giữ chức Phó ban chủ nhiệm CLB sinh viên người khuyết tật Hà Nội, làm tình nguyện tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Hiện nay, ngoài việc chính là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, Hảo đang học cao học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi được hỏi lý do gì khiến Hảo muốn học lên cao nữa thì cô vui vẻ đáp rằng: “Em muốn khẳng định năng lực của bản thân để được mọi người công nhận, chứ không phải thương hại”.

Hảo luôn mong muốn trong tương lai sẽ thành lập được một doanh nghiệp xã hội, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Hiện tại, Hảo là người sáng lập ra quỹ “Mầm và những người bạn” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hảo bảo, bản thân cô đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn nên cô hiểu hơn ai hết những bất hạnh mà nhiều bạn trẻ không may mắn đang phải trải qua. Hảo muốn mình sẽ là người truyền cảm hứng để các bạn trẻ có niềm tin vào chính bản thân mình. Bởi chỉ cần có niềm tin, con người sẽ lập nên kỳ tích.

Phong Anh
.
.
.