Cô gái trẻ và những bữa tiệc vô ngôn

Thứ Ba, 27/11/2012, 15:02
Một bữa tiệc chỉ có ánh sáng, cử chỉ và im lặng. Hơn hai tiếng đồng hồ, hàng trăm người đến tham dự chỉ nói với nhau bằng ánh mắt và cử chỉ... Những bữa tiệc vô ngôn mà chủ nhân là cô gái thuộc thế hệ 8x, Thanh Hoa. Có im lặng mới hiểu được giá trị của lời nói. Ý tưởng đó bắt nguồn từ những câu chuyện của cô gái trẻ Thanh Hoa về thế giới những người khiếm thính mà cô đã đồng hành cùng họ trong nhiều năm qua.

Những bữa tiệc vô ngôn

Thanh Hoa nói một bữa tiệc vô ngôn lần 3 sẽ được tổ chức tại Sài Gòn trong tháng 11 này. Nó tôn vinh ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ ký hiệu của một cộng đồng người điếc, ít được quan tâm ở Việt Nam. Ý tưởng về những "silent party" của Thanh Hoa xuất hiện trong một lần đi đường, nhìn thấy một đôi nam nữ, thế hệ 9x, nói chuyện với nhau. Ngôn ngữ rất kỳ quặc, thô lỗ. Thanh Hoa giật mình.

Cô đã có khoảng 2 năm sống cùng thế giới những người điếc ở Hà Nội. Họ sống đơn giản như một ngôi làng. Cởi mở và giản dị. Nhưng họ không bao giờ nghe được tiếng người. Vậy vì sao, cộng đồng những con người may mắn nghe và nói được tiếng người lại phung phí ngôn ngữ của mình như vậy.

Thanh Hoa và em bé khiếm thính.

Một ý tưởng lóe sáng trong đầu cô bé này. Thanh Hoa nghĩ, mình sẽ cùng các bạn tổ chức những silent party (Những bữa tiệc vô ngôn). Nơi ánh sáng làm MC dẫn mọi người đi khám phá thế giới. Tất cả các trò chơi, diễn viên của bữa tiệc đều là những người khiếm thính. Hơn 2 tiếng, chỉ có sự im lặng. Mọi người có thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Và tất nhiên, bữa tiệc đó không chỉ dành cho người khiếm thính.

Cuộc sống quá vội vã, mọi người cần một trải nghiệm trong im lặng, để giúp họ tĩnh tại hơn, biết cân bằng lại mình hơn. Cô nhớ, đêm tiệc vô ngôn đầu tiên năm 2010, sau hai tiếng im lặng, không khí chợt vỡ òa. Ánh đèn bật lên, và cô cảm nhận được niềm hạnh phúc của mọi người khi được cất tiếng nói. Sau lần đó, Hoa nhận được rất nhiều chia sẻ. Nhiều người đã nói rằng, khi được nói, họ phải suy nghĩ rất kỹ rằng mình nên nói câu gì đầu tiên. 

Nhưng sau những bữa tiệc, tôi hiểu mong muốn của cô gái bé nhỏ này, là sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng dành cho những người khiếm thính vốn nhiều thiệt thòi. "Chúng tôi là những người không nói được, chúng tôi trân trọng tiếng nói của mình. Vậy tại sao các bạn được nói, các bạn có một hệ thống ngôn ngữ phong phú, các bạn lại phung phí tiếng nói của mình?".

Thanh Hoa nói, nếu không có 4 năm đồng hành với cuộc sống của những người khiếm thính, có lẽ chính cô cũng không nhận ra những giá trị đó. Điều Thanh Hoa mong muốn, hơn tất cả là sự thấu hiểu và yêu thương của cộng đồng dành cho họ.

Ngôn ngữ ký hiệu và câu chuyện về người khiếm thính

Lần đầu tiên tiếp xúc với Thanh Hoa, tôi rất ngạc nhiên về cô gái này. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Thanh Hoa không thỏa mãn với công việc của một kế toán với lương cao và một tương lai hứa hẹn. Thanh Hoa tự hỏi, chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ xoay vòng trong một thế giới chật hẹp như vậy thôi ư. Cô dành một năm để trải nghiệm và tìm hiểu về cuộc sống.

Hoa phát hiện ra một thứ ngôn ngữ rất đặc biệt, ngôn ngữ ký hiệu. Và đó chính là cầu nối dẫn Hoa đến với thế giới những người điếc. Một điều gì đó đã cuốn cô vào thế giới của họ. Khi Hoa lò dò đến trung tâm những người khuyết tật để tìm hiểu, Hoa nhận được những cái nhìn ái ngại. Cô còn quá trẻ. Và họ nghĩ, đó cũng chỉ là một ý thích nhất thời. Lúc đó, Hoa tự hỏi, không hiểu họ có thể giao tiếp với nhau như thế nào.

Nếu người mù có chữ nổi, thì người điếc có ngôn ngữ của họ. Một khóa học về ngôn ngữ ký hiệu đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của cô gái trẻ này về thế giới, về sự dấn thân của người trẻ cho cộng đồng. Hoa bị hấp lực bỏi một thứ ngôn ngữ mới lạ, có văn hóa và tiếng nói riêng. Và chính ngôn ngữ đó đã dẫn Hoa vào thế giới của cộng đồng hơn 1 triệu người vẫn đang sống lặng lẽ và thiếu thốn ở Việt Nam. Và rào cản lớn nhất của họ, đó chính là ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp với cộng đồng. Hoa tình nguyện làm phiên dịch không lương cho họ trong hai năm trời.

Cô có mặt ở tất cả mọi nơi, từ bệnh viện, trụ sở công an, tòa án, nơi những người khiếm thính gặp khó khăn khi giao tiếp với cộng đồng. Thậm chí, nhiều lần Hoa đã phải có mặt ở tòa án, làm phiên dịch cho những vụ ly hôn hay những rắc rối về mặt pháp luật. Tất cả đều miễn phí. Để sống, cô gái này đã phải dùng đến những biệt tài của mình như làm deco, trang trí cho các công ty. Nhưng điều Hoa có được, là sự tĩnh lặng trong tâm hồn để nhận chân ra những giá trị của cuộc sống.

Hoa nói: "Càng đi sâu tiếp xúc với thế giới của những người khiếm thị, tôi càng thương và hiểu họ, họ chịu nhiều thiệt thòi quá, trong khi họ có thể làm được nhiều thứ hơn cuộc sống hiện tại của họ. Họ cũng là con người nhưng nhiều người sống dưới mức sống tối thiểu của một con người. Có điều gì đó ở họ khiến tôi không thể rời bỏ cộng đồng này". Nhiều bạn bè cùng lớp ngạc nhiên, thậm chí thấy cô gái này kỳ quặc. Hoa chỉ cười, mỗi người có một con đường riêng, và điều quan trọng là người ta thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Một câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu ra đời. Hoa trở thành nơi kết nối những tấm lòng yêu thương, giúp đỡ những người khiếm thính trong xã hội.  

Hai năm miệt mài làm phiên dịch, Thanh Hoa chợt nhận ra, tất cả những việc mình làm thật cỏn con so với những thiếu thốn, những thương tổn mà cộng đồng người khiếm thính đang phải gánh chịu. Và những việc làm của cô, chưa có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, khi họ cần vô cùng sự chung tay của mọi người. Một trung tâm ngôn ngữ ký hiệu ra đời, nơi đó, Hoa có thể mở các lớp dạy miễn phí cho những người khiếm thị, giúp họ mở rộng cách nhìn về cuộc sống, về văn hóa, xã hội. Một thế giới dần dần mở ra trước mắt họ.

Thanh Hoa nói, có một thực tế ở Việt Nam không hề có những cô giáo được đào tạo chuyên biệt để dạy các học sinh khiếm thính. Vì thế, các em có thể biết đọc, biết viết nhưng vẫn mù chữ, vì các em không hiểu gì. Ngay cả bố mẹ những em bé khiếm thính cũng không hiểu con mình muốn nói gì. Đó là một bi kịch. Hoa nhớ, ngày còn đi làm phiên dịch, có những câu chuyện khiến cô bị ám ảnh.

Có lần Hoa làm phiên dịch cho một cô gái khiếm thính muốn dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ. Cô muốn nói với mẹ rằng, người đàn ông này rất tử tế. Chứng kiến cảnh hai mẹ con muốn chia sẻ với nhau những điều sâu kín nhưng không thể nhìn vào mắt nhau, mà phải nhìn qua một phiên dịch, cô thấy đau lòng. Rào cản về ngôn ngữ đã đánh mất đi rất nhiều giá trị mà mọi người vô tình không nhận ra. Cô hỏi bà mẹ, tại sao bác yêu con gái mình mà không học ngôn ngữ của con gái mình, để có thể hiểu và trò chuyện với con hằng ngày.

Đó là một thực tế mà một cô gái trẻ như Thanh Hoa cảm thấy mất mát. Cô muốn thay đổi nhận thức của mọi người về những người khiếm thính. Họ không chỉ sinh ra để chỉ biết ăn, biết ngủ, mà họ cũng có thế giới của mình, có yêu thương, hờn giận, có nhu cầu được hiểu biết và khám phá cuộc sống. và khi có được điều đó, chắc họ sẽ biết hạnh phúc là gì. Họ, đáng được hưởng một cuộc sống cao hơn về tinh thần chứ không phải chỉ tồn tại trong cuộc đời.

Những trò chơi trong bữa tiệc vô ngôn.

Sau những lớp học dành cho bố mẹ và những người thân, Hoa đào tạo rất nhiều tình nguyện viên, những bạn trẻ muốn tìm hiểu và khám phá về cuộc sống. Hiện nay, câu lạc bộ của Hoa có hơn 100 tình nguyện viên, ởã Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, sẵn sàng giúp đỡ, làm phiên dịch cho những người khiếm thính khi họ cần. Và họ, đều phải sống bằng một nghề khác để duy trì công việc thiện nguyện của mình.

Điều cô gái 8x này mang đến cho cộng đồng người khiếm thính không cân đong đo đếm bằng đồng tiền, bát gạo. Mà đó thực sự là một thế giới mở ra trước mắt họ. Thế giới đó không quanh quẩn trong ngôi làng khiếm thính của họ, mà là cuộc sống muôn mầu sắc ở ngoài kia. Là nỗi buồn, niềm vui, là khát vọng được khám phá thế giới, và hơn hết, là mong mỏi được thoát khỏi đời sóng chật hẹp bằng những lao động chân tay nghèo nàn.

Dự án phim tài liệu dành cho người khiếm thính của Hoa nhận được nhiều sự sẻ chia từ chính cộng đồng này. Đó là những ngày tất bật với chiếc máy quay đơn sơ, Thanh Hoa cùng những tình nguyện viên đã kỳ công quay và dựng lại những bộ phim về Hồ Gươm, về Văn Miếu, Bát Tràng, và đêm Hà Nội. Cô muốn một thế giới của những sắc màu có thể mở ra trong mắt họ. Hì hục đi quay. Hì hục dựng. Những thước phim còn thô sơ, đơn giản, nhưng lần đầu tiên, dành riêng cho người khiếm thính được up lên Yotu, in thành đĩa phát cho các trường có trẻ em khiếm thính...

Hoa nói, cô sẽ làm một vở kịch về họ, một cộng đồng người chịu nhiều thiệt thòi trong nhóm những người khuyết tật. Vở kịch đang được dàn dựng, do chính những người khiếm thính kể về cuộc đời mình. Hoa không kỳ vọng nhiều về chất lượng của vở kịch, vì mọi thứ còn đơn sơ lắm. Nhưng đó sẽ là một góc nhìn về người điếc mà xã hội vô tình không biết.

Tôi thấy rất nhiều dự định mà cô gái này đang lặng lẽ làm cho cộng đồng người khiếm thính. Một công việc có thu nhập cao hơn, thay cho việc tay chân mà họ vẫn đang làm hằng ngày, như chép tranh, đồ họa, in ấn. Cuộc sống của họ còn quá bấp bênh, nghèo đói... Một đời sống tinh thần phong phú hơn. Hoa biết, để làm được điều đó, với một cô gái trẻ như cô không giản đơn. Và cô cần nhiều hơn nữa, sự chung tay của mọi người

Khánh Linh
.
.
.