Cơ hội làng dù

Thứ Năm, 01/11/2018, 10:57
Tôi sinh ra trong một làng nghề truyền thống ở miền Trung, chuyên làm dù, lọng các kiểu.


Ngày xưa, khi người ta còn đi bằng xe ngựa hay đi bộ nhiều, làng nghề của tôi rất phát triển, thương lái tới đặt hàng nườm nượp, làm bao nhiêu cũng không đủ.

Nghe nói khi đó, thanh niên trai tráng ở bốn làng chung quanh đều đổ về làng tôi để làm công, do nhu cầu quá lớn mà nhân lực ở làng tôi thì có hạn.

Tuy nhiên, “sông có khúc, làng có lúc”. Đến khi cuộc cách mạng công nghiệp lan tới nước ta, người ta đi ô tô, xe máy nhiều, nhu cầu ô dù võng lọng rớt không phanh, làng nghề của chúng tôi điêu đứng.

Ảnh minh họa.

Thời gian đầu, thanh niên của bốn làng chung quanh rời bỏ làng tôi để về làng họ làm ăn. Thêm một thời gian, thanh niên làng tôi lại bỏ làng sang bốn làng bên cạnh làm thuê.

Sau đó, thỉnh thoảng về quê nhân ngày giỗ chạp, tôi hầu như không bắt gặp thanh niên nào trong làng, chỉ còn toàn người già và trẻ con. Tất cả thanh niên đã đi lập nghiệp xứ xa. Nghe đâu bây giờ họ không còn qua làm thuê ở bốn làng bên cạnh, mà đi hẳn ra thành phố lớn nhất miền Trung, hay vào tận miền Nam, hoặc ra tuốt ngoài Bắc.

Cũng phải thôi, càng đi nhiều, càng đi xa sẽ càng có nhiều cơ hội.

Tôi thì đã “thoát ly” khỏi làng từ khi thanh niên bốn làng bên cạnh còn kéo về làm thuê cho làng tôi.

Số là từ nhỏ tôi đã ôm mộng đèn sách để thoát khỏi cái nghề ô dù võng lọng cực tay cực chân khổ thân hành xác. Dù bị nhiều người nói ra nói vào, tôi vẫn quyết tâm học hết cấp ba, rồi vào đại học.

Hiện tôi là giáo viên tại một ngôi trường có tiếng ở thành phố lớn nhất miền Nam. Dù không được giàu có như kỳ vọng của cha mẹ, nhưng tôi khá hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Một hôm mới sáng sớm, đang chuẩn bị cặp sách để lên lớp, tôi nhận được điện thoại của cha từ quê gọi vào: “Về gấp! Ở nhà có việc!”.

Cha tôi chỉ nói đến đó thì cúp máy. Tôi cuống cuồng không biết ở nhà có việc gì, nên điện thoại cho hiệu trưởng xin nghỉ phép rồi ra sân bay lấy vé tức tốc bay về quề.

Vừa tới đầu làng, tôi có cảm giác khang khác. Dường như ngôi làng của tôi đã có một sự thay đổi lớn: xe cộ đông đúc, thanh niên trai tráng đi ra đi vào như trẩy hội.

Tôi chạy vội về nhà, hỏi cha: “Nhà mình có việc gì hả cha? Mà làng mình sao hôm nay tấp nập thế?”.

“Mày không biết gì sao? Làng mình hôm nay làm lễ phục hồi nghề truyền thống”, cha tôi đáp.

Thấy tôi mắt chữ A, mồm chữ O, ông giải thích: “Gần đây tỉnh mình làm đường cao tốc lớn lắm, nên nghề làm dù lọng của làng cũng phất theo”.

Tôi nghe xong càng khó hiểu: “Đường cao tốc thì liên quan gì tới nghề dù lọng của làng mình? Chẳng lẽ xe đi vào cao tốc phải… che dù?!”.

“Mày đúng là có ăn học mà đầu chưa sáng”, cha tôi mắng. “Tao nghe đâu người ta cần dù lọng để che mưa cho đường cao tốc khỏi hư đó! Tôi sợ cha nên không dám cự lại. Nhưng nghĩ, dù lọng to cỡ nào cũng không thể che được sự thật. Phép công sẽ chẳng loại trừ một ai, nếu làm sai bằng động cơ không trong sáng.

Út Ngông
.
.
.