Có một nơi hàng hóa đều bán giá 2.000 đồng

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:16
Đó là chuỗi gian hàng đặc biệt do một nhóm người trẻ thành lập từ cuối năm 2015.


Gian hàng của nụ cười

Ở TP Hồ Chí Minh từ lâu đã có chuỗi quán cơm 2.000 đồng, sách biếu, trà đá, bánh mì cho không. Tiếp nối giá trị những tấm lòng thơm thảo đó, một nhóm các bạn trẻ đã thành lập dự án tên “Hello Sunbox”vào tháng 7-2015, mục đích gom góp đồ từ thiện, sau đó mở những chợ phiên, hoặc bày gian hàng bán tất cả mọi thứ quyên được, “tả pí lù”những vật dụng sinh hoạt cần thiết cho người nghèo với giá ngang bằng như một suất cơm từ thiện: 2.000 đồng.

Dự án bước những bước non trẻ đầu tiên với hoạt động của Sunbox - những chiếc hộp mặt trời được đặt tại một số nơi cố định như là địa điểm để quyên góp đồ cũ. Đó có thể là quán cafe, shop quần áo, nhà hàng, các địa điểm đông người, dễ thấy. Vật dụng có thể là quần áo, giày dép, sách vở, tranh truyện, còn mới hoặc đã qua sử dụng. Sau khi gom được nhiều vật dụng, các tình nguyện viên sẽ sàng lọc lại và mang đi tặng, hoặc phân chia ra cho các địa điểm trung gian để đến tay người nghèo.

Gian hàng 2.000 đồng, cả người bán và người mua đều mãn nguyện.

Giờ đây ở giữa thành phố, người nghèo chẳng những có thể ấm bụng với bữa ăn chưa tới chục ngàn đồng mà còn có thêm chiếc áo mới cho mình, quyển tập mới cho con mà không cần phải đong đếm giữa đắt đỏ cuộc sống.

Nhận được hỗ trợ từ chuỗi quán cơm từ thiện Nụ Cười (quán cơm 2.000 đồng), gian hàng đầu tiên đã diễn ra vào ngày 28-3. Sau đó, định kỳ hàng tuần, gian hàng sẽ được tổ chức vào một ngày. Hiện tại chủ yếu những gian hàng này mở tại quán cơm Nụ Cười 3 ở quận 7 và quán Nụ Cười 2 ở quận Bình Thạnh.

Ở mỗi địa điểm, gian hàng sẽ bày bán ngay phía trước quán ăn. Từ 10h sáng, hai tình nguyện viên nữ của Sunbox đã lục đục đến dọn hàng. Các gian hàng đặt ngay trước quán để khách ăn xong khi trở ra có thể mua đồ. Có hơn 100 bộ quần áo đủ loại treo trên giá. Một kệ sách nhỏ đặt sát bên với các loại truyện tranh, sách giáo khoa, sách ảnh, tiểu thuyết, có cả mới lẫn cũ. Quá nửa trong số sách là số cũ nhưng qua tay những người tình nguyện viên, chúng đều được bọc nhựa sạch sẽ, vuốt thẳng tinh tươm, đặt ngay hàng thẳng lối.

Bạn Thanh Viễn (sinh năm 1990, làm nghề tự do) và một tình nguyện viên khác tên Ngọc (sinh năm 1994) đeo chiếc tạp dề đính ký hiệu của Sunbox, cặm cụi móc quần áo từ các bao trong góc lên giá treo. Khoảng 5-6 bao quần áo khác xếp gọn trong căn phòng của quản lý quán ăn, vài bao sách, một vài đôi giày cũ để trong góc. Cứ bán hết món đồ này thì món khác lại được móc lên cho người khác lựa tiếp.

Nếu như vào ăn cơm, số tiền bỏ ra cho mỗi phần ăn bao nhiêu thì người lao động cũng được mua đồ với chừng ấy tiền. Nhìn một vòng quán, rất dễ nhận ra nghề nghiệp của mỗi người bởi đủ loại đồng phục, lẫn trong vài bộ đồng phục lem luốc của những đứa trẻ vùng ven da cháy nắng. Người đến đây ăn cơm có khi còn dựng nguyên chiếc xe ve chai, xe rác trước cửa.

Theo anh Ngọc Linh, một trong những người sáng lập dự án, lẽ ra gian hàng chỉ bán vào khoảng 10h-12h30 nhưng do lượng người đông, cứ khi nào còn người mua là sẽ còn bán. Vì vậy, đến sau 12h trưa, vẫn còn nhiều người quẩn quanh mấy chiếc giá treo quần áo, lui tới lựa chọn.

“Thời buổi mà cầm 2.000 đồng ra chợ không mua nổi bó rau thì với số tiền đó, mua được xấp vở trắng tinh cho con trai là điều không thể tưởng tượng nổi với tụi tôi”, chị Nhường, ngụ huyện Nhà Bè, tươi cười lật tới lật lui mấy quyển truyện tranh nước ngoài ở chỗ kệ sách. “Lần trước tôi mua được mấy cuốn vở tốt cho nhóc con, nó mừng lắm, đòi mẹ bữa nay tìm thêm truyện để nó đọc cho vui”, chị nói, tay vuốt đầu cậu bé tầm 7,8 tuổi đang bấu vạt áo mẹ.

Vợ chồng ông bà Mai Thị Thứ, quê ở Bình Định từ tốn trả 2.000 đồng khi mua được chiếc áo vest cũ.

Ngồi thẫn thờ ở băng ghế ngoài hiên, bà Đậm (64 tuổi), bằng giọng Bình Định đặc sệt huyên thuyên với nhóm bạn đồng hương vào đây bán vé số. “Thằng con tôi ốm lắm, lựa hoài không có cái nào vừa với nó hết”, bà nói. Chia sẻ rằng mấy cậu con trai và con dâu cùng các cháu đều ở quê, chỉ có mình bà vào đây cùng người quen bán vé số. Đi từ sáng đến trưa dọc theo con đường Huỳnh Tấn Phát nắng gắt, bà nói, đi xa mấy cũng ráng về đây đúng giờ cơm trưa để ăn cho đỡ tiền. Chỉ khi được một tình nguyện viên lựa cho chiếc áo thun trắng, bà mới tấm tắc khen rồi xếp làm bốn, nhét vào trong chiếc túi đựng vé số, “cái áo đẹp như vầy, chắc nó mừng lắm”, bà lẩm bẩm.

Đồng hương của bà Đậm, bà Mai Thị Thứ (65 tuổi) quê ở Hoài Ân, Bình Định chậm rãi dắt tay chồng đi dọc theo giá đồ ướm thử từng cái áo. Hai vợ chồng dáng người khắc khổ, bà kéo tay ông lui vào trong góc để ông mặc thử một chiếc áo vest nam nâu đen. Mắt người chồng bừng sáng, tay run run cài thử cái nút áo, nói với vợ: “Không biết mặc cái này vào dịp nào bà ha”, không để ý những vết rách li chi phía trong áo.

Bà Thứ khoe, vừa kéo chiếc áo bà ba bên ngoài vừa chỉ vào chiếc áo thun nâu mặc ở lớp trong, bà nói: “Cái này là tôi mua bữa trước nè, 2.000 đồng đó”. Hỏi sao bà không lựa cho mình thêm cái nào, bà khoát tay: “Lần trước tôi có áo rồi, lần này kiếm áo cho ổng”. Người chồng cẩn thận xếp chiếc áo vào trong túi nilon, vuốt thẳng tờ tiền 2.000 đồng nhàu nhĩ đưa cho người bán.

Lẫn trong nhóm người loay hoay mua đồ, chị Hồng (35 tuổi), người còn vận nguyên bộ đồng phục công ty cây cảnh, thái dương lấm tấm mồ hôi vội vã lựa cho nhanh một chiếc áo rồi đi, cho biết mình làm việc ở Phú Mỹ Hưng, chị giơ chiếc áo trẻ con lên, nói: “Áo này là cho con bé con chị đó. Từ chỗ chị làm qua đây chạy xe đạp tới 30 phút nhưng mà chị ráng đi, tiết kiệm được một bữa là dành dụm được một bữa cho con. Mà hên quá, bữa nay còn được mua áo rẻ cho con bé nữa”. Rồi chị băng vội qua đường xách xe về nhà ở tận Nhà Bè.

Khách của gian hàng không chỉ là người lớn mà còn có nhiều trẻ nhỏ. Sớm mưu sinh, cậu bé bán vé số tên Tí tuy chỉ mới 11 tuổi nhưng nhìn vết sạm đen trên khuôn mặt già dặn tưởng như cậu đã 15, 16 tuổi. Tí nói, là anh cả của hai đứa em gái, được một người bán chung chỉ cho chỗ này, “để mua bộ quần áo cho em gái, con gái cần mặc sạch và đẹp, mình là con trai thì mặc sao cũng được”, Tí khẳng khái. Không chỉ là Tí, nội trong buổi trưa ngày hôm đó còn có em Minh, em Út theo cha mẹ tất tả trên những chuyến xe gom rác, xe đẩy hàng rong mắt dán chặt bên mấy món đồ chơi xinh xinh.

Sau giờ cơm ở quán ăn từ thiện, gian hàng đông nghẹt người.

Không gấp gáp như những người phải tiếp tục cuộc mưu sinh, bà Lê Thị Hai (77 tuổi) cho biết nhà bà ở khu gần bờ sông, cách đó không xa. Chỉ tay vào một phụ nữ trung niên đang lựa quần áo, bà nói: “Người đội nón xanh là con gái tôi đó. Nó có 4 đứa con. Quần áo, tập vở, đồ chơi, mua biết sao cho xiết, nên qua đây lựa được cái nào cho tụi nhỏ là đỡ cái đó”. Đi theo bà, một cậu bé mặc đồng phục một trường tiểu học đang cắm cúi vào cuốn truyện Harry Potter không rời. Một tình nguyện viên nói, trẻ con thường là khách hàng thường xuyên của kệ sách này.

Tấm lòng người trẻ

Đến khoảng gần 1 giờ trưa, khi khách vơi dần, chiếc cặp táp đeo trước bụng của hai tình nguyện viên đã đầy ắp những tờ tiền lẻ. “Số tiền bán được qua mỗi phiên, dù chỉ là tượng trưng, cuối buổi tụi mình tổng kết và ký sổ, rồi trao hết cho quản lý quán cơm”, bạn Thanh Viễn quệt mồ hôi, chia sẻ. Nhín chút thời gian quý báu của mình ra dành trọn cho một ngày tiếp xúc với người lao động, Thanh Viễn cũng như một số tình nguyện viên khác, có cùng mục tiêu cho thiện nguyện để không phí ngày tháng tuổi trẻ.

Dự án Sunbox là ý tưởng của sáu bạn trẻ làm trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung tấm lòng thiện nguyện, đứng đầu là Lương Ngọc Linh (đại học Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh), người bao quát hết hoạt động của nhóm. Hầu hết các bạn trẻ trong nhóm đều là người thuộc thế hệ 9X, tình nguyện viên có khoảng 10 người, chia nhau thay phiên hoạt động tại từng điểm.

Từ chối nói về mình, e dè với tất cả cuộc hẹn phỏng vấn, sự quan tâm từ những đầu mối truyền thông, các bạn trẻ Sunbox chỉ đón nhận sự viếng thăm với tư cách tình nguyện viên để trải nghiệm một ngày với người lao động. Ngày diễn ra buổi bán hàng, Linh đang tất bật phụ trách ở quán Nụ Cười 2, là điểm thứ nhì dự án được triển khai.

“Không một món đồ nào đáng phải vứt đi, thứ chạm đáy âm giá trị với bạn có thể là cả một gia tài đáng quý với người khác”, tiêu chí được đưa ra khi Sunbox chớm hoạt động, như lời người sáng lập, là nguồn cơn động lực cho những người trẻ biết sẻ chia, đem những gì mình có được xoay vòng tiếp nối để đến trực tiếp tay người nghèo.

Hiện Sunbox có tổng cộng 8 điểm để tập kết đồ dùng quyên góp. Có địa điểm được tận dụng là nhà người thân của một thành viên trong nhóm ở tận Thủ Đức để phủ rộng điểm tiếp nhận. Lương Ngọc Linh nói, dự định tiếp theo trong tương lai gần của nhóm là mở rộng gian hàng 2.000 đồng đến các quán khác trong chuỗi quán Nụ Cười. Trong tương lai xa, gian hàng 2.000 đồng sẽ tìm cách đến với những khu công nhân một cách hợp lý nhất. “Ngoài ra, tham vọng của nhóm sắp tới là sẽ mở thêm tủ sách cho thiếu nhi, dự định này vẫn còn nằm trên giấy, chưa bật mí được”, Linh hóm hỉnh.

Huỳnh Duyên
.
.
.