Cố quá thành quá cố

Thứ Tư, 04/07/2018, 15:23
Trước khi bị ám sát, cố Tổng thống John F. Kennedy thích nhiều loại cocktail nhưng ông thích nhất là "bloody mary" chế biến từ vodka. Câu trên này cho thấy sự trớ trêu. Người đã chưa chết mới có thể thích cocktail, chứ người có chữ “cố” tức là qua đời rồi thì thích đồ uống làm sao được.


Đôi khi không thể không viết bài mang tính chất “dọn vườn” chữ. Bắt đầu từ một thí dụ sau. Trước khi bị ám sát, cố Tổng thống John F. Kennedy thích nhiều loại cocktail nhưng ông thích nhất là "bloody mary" chế biến từ vodka. Câu trên này cho thấy sự trớ trêu. Người đã chưa chết mới có thể thích cocktail, chứ người có chữ “cố” tức là qua đời rồi thì thích đồ uống làm sao được.

Có lần, người viết bài này nhìn trên một trang báo điện tử thấy ảnh một cô gái cười rạng rỡ kèm dòng chú thích là cô X trước khi bị giết chết. Khổ. Cười tươi thế kia thì ai chả biết là lúc còn sống cơ chứ. Chết rồi cười làm sao? Tại sao phải ghi một dòng thừa như vậy. Chỉ cần ghi cô X là đủ. Đây là một thí dụ thừa vô ý và vô duyên.

Những người chuộng từ “cố” này nhất thường rơi vào cánh nhà báo. Tít bài nhan nhản đăng rằng cố tổng thống A đã thăm Bắc Phi... Cố nhạc sĩ B đã vượt qua mặt trận...

Thế đấy. “Cố” là từ chỉ trạng thái đã chết. Chết rồi thì làm sao mà thăm thú với vượt mặt trận được cơ chứ.

Không ít người cho rằng cần phải đưa thông tin đấy, rằng nhân vật bài báo đã chết hay còn sống. Lại nhớ cách đây mấy chục năm, công tác xuất bản có những điều kỳ lạ lắm. Tên các tác giả đã qua đời sẽ có đường kẻ hoặc đóng khung. Có anh họa sĩ thiết kế muốn nổi bật tên tác giả nên cho tên tác giả vào khung chữ nhật. Lập tức tác giả gọi điện đến bất bình: “Tôi đã chết đâu mà các ông đóng khung tôi thế hả?”.

Minh họa của Tả Từ.

Không biết ai nghĩ ra cái quy ước là phải đóng khung người đã qua đời trong các ấn phẩm sách báo. Đằng nào thì tất cả chúng ta, những người bình thường tới các vĩ nhân rồi thì cũng đều rủ nhau “đi ngủ với giun” cả. Đều phải đóng khung tất tần tật vậy sao? Vậy tại sao những cái tên như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chẳng có ai đóng khung?

Rõ ràng, 7 tỷ người sống trên trái đất chỉ là hạt cát so với số lượng khổng lồ người đã qua đời từ thời tiền sử trở đi. Nhưng sự bất tử của các vĩ nhân đã làm cho chúng ta biết tới những đỉnh cao của văn minh loài người với những cái tên như Archimedes, Pythagore, Descartes, Lenin, Karl Marx. Không có bất kỳ ai trong chúng ta hỏi nhau xem họ đã chết hay chưa. Thực ra, chính họ mới là người sống mãi. Chẳng ai gọi là cố Hai Bà Trưng, cố Hưng Đạo vương, cố Lê Thánh Tông, cố Tố Như cả... Tại sao chúng ta là những người hiện đại mà say sưa với việc gọi là cố nhà thơ X, cố nhạc sĩ Y?...

Có lần, tôi đọc được một văn bản thấy thế này: "Bà là vợ của cố nhạc sĩ...". Đã “cố” rồi, có lấy được vợ không? Không, chỉ đơn giản, bà là vợ của nhạc sĩ mà thôi. Việc nhạc sĩ đã quá cố hay chưa không có ý nghĩa gì. Câu chuyện trong bài toàn là chuyện dương thế cả cơ mà.

Việc nỗ lực viết thêm những từ thừa vào văn bản mới thực sự là “cố”.

Có câu hài hước của dân gian là “Đừng cố quá mà thành quá cố”.

Còn bạn. Bạn có thích dùng từ “cố” một cách cẩu thả không?

Lê Tâm
.
.
.