Cổ tích một chuyện tình

Thứ Hai, 27/02/2017, 18:12
Cả bầu trời tưởng như đổ ập xuống cuộc đời bà. Bà khóc ngày khóc đêm. Ông phải nghỉ bán vé số chăm sóc bà. Ông an ủi, động viên như cái lần biết tin vợ mình vô sinh.


Mình yêu nhau, như thế là đủ rồi

Bốn tuổi cha bế vào Nam tìm miền đất hứa nên bà chỉ nhớ mang máng là mình được sinh ra ở ngôi làng ven đê sông Hồng (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc, gia đình bà trôi dạt khắp nơi trú tránh bom đạn. Cuộc sống bấp bênh, nổi trôi rồi cũng nuôi bà lớn lên thành thiếu nữ xuân thì.

Ngày đó, Phạm Thị Lan (SN 1950) đẹp lắm, nước da trắng ngần, đôi mắt long lanh và đầy hoài bão. Bà từng mơ sau này sẽ làm thương nhân, đi khắp nơi buôn bán và sẽ kiếm một chàng hoàng tử bạch mã giàu có lấy làm chồng. Nhưng rồi số trời sắp đặt, năm 23 tuổi, bà gặp người đàn ông cụt hai chân tên Nguyễn Văn Năng (quê Long An), hơn bà 2 tuổi.

Ông đã nhận phần chăm sóc bà hơn ba năm nay.

Nhìn thấy ông lần đầu, với dáng hình của một chú lùn, chỉ đứng tới bụng mình khiến bà lắc đầu ngao ngán. Biết thân phận hẩm hiu, lại là đàn ông nghèo nên ông không dám nói gì. Ông cứ lặng lẽ theo dõi. Bà đi buôn thúng bán bưng khắp các chợ trời, ông cũng "lăn xả" ngồi xe lăn dọc dài thành phố.

Ngày nào cũng nhìn thấy nhau nên bà dần quên đi cái cảm giác lệch lạc về cơ thể. Đôi khi nhìn kỹ thì người đàn ông này cũng có nét đẹp trai, có nụ cười duyên. Thế là, bà đỡ ghét ông hơn, đồng ý làm bạn với ông.

Nhân cơ hội "vườn hồng mở cửa", ông tấn công tới tấp, dồn dập và chỉ hơn một năm sau bà đã "đổ ngả đổ nghiêng". Tưởng như cuộc chinh phục đã đến đích thì gia đình bà phản đối kịch liệt. Cha mẹ không chấp nhận để con gái lấy người đàn ông cụt hai chân.

Mẹ bà nói: "Lấy nó về thì làm ăn thế nào? Sinh con ra sao?". Cha thì nói một câu ngắn gọn: "Khổ cả đời đó con gái". Nhưng bà đã trót yêu rồi, không sao bỏ được. Cái thứ "ma lực" của tình yêu lạ lắm, càng phản đối lại càng yêu mãnh liệt và sâu nặng hơn.

Bà giãi bày: "Đó là duyên phận, con cũng từng chọn lựa rất nhiều nhưng đều không thành. Giờ ông trời đưa anh ấy đến, để dành cho con". Cảm thấy không thể ngăn cản được ngọn lửa yêu đương cuồng nhiệt của đôi trẻ, gia đình tặc lưỡi để con gái lấy chồng.

Cuộc sống mới với muôn vàn ngã rẽ và bất trắc. Với kinh nghiệm buôn bán nhiều năm, ông bà quyết định chọn theo nghề "chợ đen". Bà bán tất cả những gì có thể, ông ngồi xe lăn phía sau, vợ cần gì thì giúp.

Bà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, chân đi lại thoăn thoắt nên dành hết phần nặng nhọc về mình. Dọc con đường từ Biên Hòa lên Thủ Đức, bước chân của bà đã quen thuộc đến chai mòn. Bám theo vợ, đôi đầu gối cụt của ông nhiều hôm tóe máu, mưng mủ.

Mỗi ngày, ông đi bán vé số bằng xe đạp

Ngày chạy việc, đêm bà lại chạy tìm chỗ để hai vợ chồng ngả lưng. Hơn một năm sống trong cảnh "giường chiếu" chợ trời, bà vẫn không thấy dấu hiệu gì khác lạ trong bụng. Ông nóng ruột hỏi suốt. Sau có đôi vợ chồng chủ sạp ở chợ cho vợ chồng bà đến nhà ở nhờ với mong muốn có chỗ kín đáo, ấm áp để "kiếm con".

Bà dắt ông dọn đồ về căn phòng "hạnh phúc" nuôi dưỡng hy vọng. Bẵng đi hơn năm nữa, cũng không có kết quả gì. Vợ chồng chủ nhà nói ra nói vào, bà thấy không thoải mái lại dắt chồng bỏ đi "hoang". Miệt mài kiếm cơm, mỏi mòn kiếm con đã vắt kiệt sức lực và hy vọng của hai vợ chồng.

Ông thì nóng lòng nhiều lần quát bà đi khám xem thế nào. Bác sĩ cho biết bà có vấn đề về buồng trứng, xác suất có con là quá thấp. Cộng với điều kiện sống và sinh hoạt vợ chồng không khoa học nên có thể bà sẽ "tịt" luôn.

Bà khóc hết nước mắt, về bảo ông đi lấy bà khác mà kiếm đứa con. Ông giận lắm, quát vào mặt bảo bà điên rồ, hết yêu rồi mới nói thế. Và ông lại là người vỗ về, an ủi vợ. Ông động viên: "Con ai chẳng thích, nhưng trời không cho phải chịu thôi. Mình yêu nhau, như thế là đủ rồi".

Suốt một thời gian dài, bà tự ti, mặc cảm, xấu hổ với bản thân mình. Bà chán nản, không muốn bán buôn, không thiết làm gì cả. Đêm nào bà cũng khóc, mắt bà sưng như trái cà chua, cuộc sống bế tắc tưởng như không có lối thoát.

Chỉ còn lại… tình yêu

Nỗi buồn không con dần dà nguôi ngoai, bà "sốc" lại tinh thần, ông vực dậy lòng tự trọng. Là dân buôn bán, bà tự nhận mình đanh đá, chẳng sợ trời đất gì cả. Chỉ cần ai đụng đến chồng là bà điên tiết "lồng lộn" lên, chửi banh xác ra giữa chợ, nên cánh đầu gấu, giang hồ đều e dè bà.

Đôi chân của ông phải lót rất nhiều giẻ để chống sưng và đau.

Nhưng dường như là số phận, ông bà có làm lụng vất vả thế nào, có kiếm được bao nhiêu tiền rồi cùng hết veo, cũng trở về với thân phận "con cò" trong đêm.

Nửa đời người phiêu dạt, một tấc đất cắm dùi không có, ông bà dắt nhau về P. Linh Đông (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) xin nhà thờ một miếng đất dựng túp lều. Lều tranh, vách đất, gió thông thốc tứ bề, mưa tạt vào xối xả. Bức tranh tương lai tăm tối chẳng khác nào cuộc đời họ.

Mỗi lần mưa to gió lớn một chút, là hai vợ chồng dắt nhau phi ra khỏi nhà. Có hôm cây cột lung lay mạnh quá, mà ông thì loay hoay mãi không xuống được giường, bà liền bế thốc ông  vào lòng vụt ra khỏi nhà. Cái cảnh vợ bế chồng chạy mưa trong đêm là chuyện như cơm bữa.

Chật vật với cuộc sống và những nỗi lo không tên khiến ông bà quên luôn ước mơ con trẻ. Sực nhớ ra thì tuổi đời đã xế bóng, không còn cơ hội chạy chữa nữa. Bà do làm việc quá sức và do ngày xưa khóc nhiều nên đôi mắt mờ đục đi. Góp nhặt được ít tiền, ông đưa bà đi mổ.

Khi chiếc băng trắng tháo khỏi mắt, người đầu tiên bà nhìn thấy là ông, nhưng khuôn mặt ông mờ ảo như sương trắng. Bà hỏi bác sĩ, vì sao mắt mổ rồi mà vẫn không nhìn rõ chồng tôi? Bác sĩ trả lời phải chờ đợi. Về nhà ngày nào bà cũng nhìn lên bàn thờ chờ đợi. Nhưng mỗi ngày, hai ngọn nến đỏ rực trên bàn thờ càng mờ đi, cho đến một buổi sáng nhìn lên đã tắt lịm. Bà hoảng quá, gọi ông thắp nến lên.

Ông bảo nến vẫn đang đỏ lửa, có ai tắt đâu. Bà lấy tay cấu vào mắt rồi gào khóc thảm thiết nói với ông: "Mắt tôi bị mù rồi". Ông đưa bà vào bệnh viện, bác sĩ xem rồi lắc đầu trả về.

Cả bầu trời tưởng như đổ ập xuống cuộc đời của bà. Ông phải nghỉ bán vé số chăm sóc bà. Ông an ủi, động viên như cái lần biết tin vợ mình vô sinh. Nhưng lần này bà đau quá, tuyệt vọng quá nên chỉ muốn chết thôi. Lúc nào không thấy ông nắm tay là bà kêu gào ầm ĩ lên, bà đập đầu vào tường, cào cấu tóc tai.

Đau đớn, bế tắc và hoảng loạn trước bóng tối khiến bà trầm cảm trong một thời gian dài. Ông nghỉ làm, đồng nghĩa với việc đói ăn. Hàng xóm cho thứ gì là ông dành hết cho bà, ông chịu nhịn về phần mình. Người ông hốc hác, má tóp, tay run nhưng ráng chịu vì mắt bà bị mù nên không phát hiện ra thân hình tiều tụy, ốm đói của ông.

Với ông bà, chỉ tình yêu là đủ để vượt qua mọi chông gai, thử thách.

Đến khi đói quá không chịu nổi, ông thủ thỉ vào tai bà: "Bà chịu khó ở nhà để tôi đi bán kiếm tiền chữa đôi mắt. Bệnh của bà không nặng đâu, có người bảo sẽ chữa được". Nói mãi rồi bà cũng chịu nghe, để ông đi làm.

Một ngày, ông dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị cơm nước để sẵn vào vị trí cố định cho bà dậy là sẵn với tay lấy ăn. Sau đó ông ra đại lý vé số lấy vé rồi đạp xe ra khu công nghiệp Sóng Thần ngồi bán. Chân không đi lại được nên ông ngồi bệt một chỗ, ngày đầu bán được hơn chục tờ, ngày sau bán hơn một chút. Lâu dần có khách quen nên ông bán trung bình được 70 tờ mỗi ngày. Xong là ông tất tả đạp xe về chợ, mua đồ ăn nấu bữa trưa cho hai vợ chồng.

Một mình ở nhà, bà cứ ra cửa ngồi ngóng, hễ 11 giờ chưa thấy ông về là bà gọi tên rồi khóc. Chỉ cần ông về muộn một chút là bà giận hờn, trách móc. Ông nói nhỏ vào tai chúng tôi: "Bà ghen dữ lắm, cứ nghĩ tôi cặp bồ bên ngoài". Đề cập đến chuyện yêu đương, bà khoe: "Vừa rồi tôi giận ông ấy lắm. Tôi định lấy kéo cắt tóc rồi đâm một nhát vào đầu cho chảy máu ra, để ghi nhớ một ngày đau khổ".

Từ ngày mù hai mắt, bà càng thêm tủi thân tủi phận, khóc nhiều và la hét nhiều. Đến nỗi một bên tai của bà cũng điếc luôn, giờ chỉ còn một bên nhưng cũng phải hét vào mới nghe thấy. Bà bị vô hiệu hóa với màu sắc và âm thanh, nhưng bà có khả năng "ngửi" thấy "mùi" của ông từ rất xa.

Cũng từ ngày bị mù, tính tình bà thay đổi hẳn. Bà không đanh đá, nóng nảy như xưa. Chỉ là hay khóc hơn, hay hờn dỗi, ghen tuông vô cớ. Còn ông thì dành hết yêu thương cho vợ. Ông bảo, ngày còn sáng mắt bà đã chăm sóc che chở và bảo vệ ông, bây giờ ông phải có trách nhiệm lại. Đó đơn giản là quy luật vay trả của cuộc đời, huống hồ ông bà lại là chồng vợ đã ăn đời ở kiếp với nhau.

Ngọc Thiện
.
.
.