Không có gì mà ầm ĩ cả

Coi chừng "lính dù" thành phỉ

Thứ Sáu, 17/01/2020, 16:50
Vì sao gọi là "đầu trộm đuôi cướp". Thoạt tiên là trộm, bị lộ thì chống cự và cướp. Có một loại trộm đất gọi là lực lượng "nhảy dù". Hãy thử nhìn quanh nhà mình, khu tập thể, ngõ, phố kiểm kê xem láng giềng có bao nhiêu "lính dù".


Đặc điểm của "lính dù" ranh ma giống nhau, đều áp dụng chiến thuật quen mắt. Kìa ông hàng xóm thấy khoảng sân trống, xếp dăm bảy chậu cây cảnh. Vài năm cũng lấn rộng thành cái vườn. "Lính dù" nào cũng "sống Xanh", yêu môi trường như Singapore. 

Quen mắt rồi xây tường, đổ trần cơi rộng, lên tầng. Kia bà láng giềng mỗi đêm xuống lại cho mấy thằng con trai đẩy xe cải tiến đất lấp hồ sau nhà. Tự nhiên có thêm trăm mét. Xem lại các dự án mở đường thì bọn này xuất hiện đông như chuột. Dạng "lính dù" cũng có thể là cán bộ, Đảng viên biến chất hay rao giảng đạo lý.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, thời ở cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu: "Ở Thủ đô rất nhiều. Ban đầu cứ liều nhảy vào chiếm đất, rồi ở, rồi cắt ra bán, hưởng lợi rất lớn. Họ chỉ cần không tranh chấp với ai, nhưng thực tế đó là đất của nhà nước. Khi đền bù lại phải thực hiện ngang với giá đền bù đất tổ tiên ông bà. Việc đó, vô hình chung lại thừa nhận quyền cho những người chiếm đất bất hợp pháp.".

Gặm nhấm quy mô nhỏ như trên cũng chỉ là dạng "chuột nhắt". Có nơi, bọn nhảy dù chiếm cả đất quốc phòng lên đến hàng chục héc ta. Loại cướp này có máu mặt tại địa phương nên thạo văn lẫn võ, luôn tập hợp băng nhóm. Liên đới thì một số cán bộ địa phương cũng thiếu trách nhiệm hoặc cũng vụ lợi vào chia phần.

Minh họa Lê Tâm.

Việc chiếm đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn đã được giải quyết có lớp lang thấu lý đạt tình nên đại bộ phận nhân dân đều ủng hộ. Đặc biệt lời trần tình của anh hùng Phạm Phú Thái về xây dựng sân bay Miếu Môn từ năm 1968 đã đanh thép khép lại câu chuyện. Của quốc phòng phải trả quốc phòng. Không phận sự miễn ăn vạ.

Tuy vậy nhóm phản loạn cầm đầu được sự hò reo của các thế lực thù địch hải ngoại và trong nước vẫn khinh thường kỷ cương phép nước. Năm 2017, băng nhóm này bắt giữ 38 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm con tin, ngày 9-1-2020 đã sát hại 3 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát một cách tàn ác.

Làm gì có dân nào vũ trang vũ khí nóng, lựu đạn, bom xăng và thủ đoạn tàn độc. Chữ "dân" làm tấm lá chắn kiên cố thôi miên. Chúng ta luôn "Vì nước quên thân" nên kiềm chế để có giải pháp trong ấm ngoài êm chứ rắn như một số quốc gia khác thì phản loạn không có cơ hội. 

Chắc chúng ta còn nhớ năm 1985, thành phố Philadelphia thất bại trong việc trục xuất tổ chức MOVE (tổ chức đấu tranh vì người Phi, vì động vật có các thành viên cố thủ dùng súng) rời khỏi căn nhà của họ. Nhà chức trách đã sơ tán toàn bộ dân lân cận, cho một trực thăng thả 2 quả bom xuống nhà của MOVE. Bom thổi bay 65 ngôi nhà khiến 250 công dân mất nhà ở. 9 thành viên của MOVE chết. Tham khảo để biết chứ chúng ta quyết không đồng ý cách làm cực đoan này.

Về vụ Đồng Tâm, đã đến lúc lột mặt nạ xem người hay ma? Không thể đánh đồng lương dân với điêu dân, ác dân. Những kẻ xúi giục và ra tay giết người đến cùng như vậy có thể gọi là ác dân, giặc hay phỉ? Lương dân thì tuyên truyền còn phỉ thì phải đền tội. Xét về gốc, bọn này sinh sôi cũng vì quản lý lỏng lẻo từ việc nhỏ nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn: "Không được coi thường những đốm lửa nhỏ, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ bùng lên thành đống lửa lớn mà chúng ta phải thông qua công tác dân vận để người dân hiểu, ủng hộ". Ngăn chặn những trò tham vặt cũng là cách giúp từ gốc ngăn dân "nhảy dù" thành ác dân hay phỉ.

Còn bạn. Bạn có nhìn thấy "lính dù" quanh nơi ở không? Coi chừng "lính dù" một ngày thành phỉ.

Lê Tâm
.
.
.