Không có gì mà ầm ĩ cả

Coi trời bằng vung

Thứ Tư, 23/03/2016, 07:49
Trong một cuộc thi dũng cảm toàn cầu, vòng chung kết chỉ còn 3 đấu thủ gan dạ nhất là Giao Chỉ, Mỹ và Nhật Bản. Mở đầu đêm chung kết là phần thi của tuyển Mỹ. Một lực sĩ lính thủy đánh bộ biểu diễn sức chịu đựng. Anh ta chào ban giám khảo rồi nằm ngửa. Một chiếc xe tăng M1 nặng 67 tấn nghiến lên người. Lực sĩ gồng mình hát một bài tặng ban giám khảo. Hết bài, xe tăng mới trườn qua. Lực sĩ đứng dậy phủi bụi cười nhe răng, da dẻ vẫn mịn màng như không. Khán giả vỗ tay ầm ầm. Ban giám khảo quyết định cho 9 điểm và mời đội tiếp theo. 

Đội Nhật Bản gồm hai võ sĩ bước vào, võ sĩ béo ôm đoản kiếm còn võ sĩ gầy mang theo hộp nữ công. Ngay sau khi cúi chào ban giám khảo thì võ sĩ béo phanh áo khoe bụng. Rồi nhanh như cắt ông ta tự rạch bụng bằng lưỡi kiếm cho khán giả ngắm. Võ sĩ gầy mở hộp nữ trang ra khâu vá bụng lại rất nhanh. Khán giả vỗ tay vỡ phòng. Ban giám khảo tái mặt cho 9,5 điểm rồi mời đội cuối cùng.

Đội Giao Chỉ có hai thanh niên lên sân khấu "Em đến đây là để cọ xát và học hỏi". Sau đó họ xuống khiêng một quả bom 200kg dính đầy đất lên sân khấu và bắt đầu cưa xoẹt xoẹt xoẹt. Khán phòng bỏ chạy tán loạn. Ban giám khảo lạy lục van xin đội Giao Chỉ dừng tay. Tiếp đó tổ chức trao chức vô địch cho đội Giao Chỉ ngay lập tức.

Minh họa: Lê Tâm.

Câu chuyện hài này kể trước để làm nhẹ nhàng đi những chuyện không vui. Thực tế là chúng ta ghi nhận quá nhiều trường hợp, người dân thu gom nhiều vật liệu nổ về cưa bán cả thuốc nổ và sắt thép kiếm thêm thu nhập. Tiền bán chẳng là bao nhưng không ít người đã thiệt mạng trong quá trình cưa cắt thần chết. Số lượng thương vong lớn do cứ một người cưa cắt thì chục người xem.

Gần đây vụ nổ lớn tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội có dấu hiệu là cưa vật liệu nổ gây thương vong và thiệt hại về vật chất không nhỏ. Người chủ động cưa đã không còn, nhưng những khách qua đường vô tội cũng chết oan. Những cư dân gần đó thì bị thương do sức ép. Thật đáng phẫn nộ.

Đây là kết quả của việc khu dân cư không tách rời nơi lao động. Đã bao giờ những căn hộ tập kết phế liệu này được rà soát để tách khỏi nơi sinh sống chưa? Đã có cơ quan chức năng nào dám đảm bảo trong các ngôi nhà tập kết phế liệu này không có vật liệu nổ, các hóa chất nguy hiểm và vật liệu phóng xạ chưa?

Cách đây nhiều năm, khi nhà nước chưa cấm hoàn toàn pháo thì việc tổ chức sản xuất pháo "chui" tại nhà khá phổ biến. Người sản xuất chả bao giờ quan tâm đến tiêu chuẩn an toàn nên thỉnh thoảng lại có vụ cháy nổ do thuốc pháo gây sập nhà chết người. Chuyện thương vong thì hàng xóm khó tránh. Tuy vậy, với phẩm chất gan dạ nhất địa cầu thì người ta vẫn bất chấp mà sản xuất "chui" tiếp tục. Có những vụ người mang thuốc pháo bí mật lên xe khách và khi xảy ra sự cố thì cả xe biến thành bó đuốc. Thật may mắn từ 1994, nhà nước cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nên hơn  hai chục năm nay, hết cầu thì cung cũng tịt. Việc sản xuất chui đã đi vào dĩ vãng. Một bộ phận không nhỏ vẫn luyến tiếc thời sử dụng pháo. Thật đúng câu chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Với người thu gom phế liệu thì khi gặp vật liệu nổ, phần lớn không báo cơ quan chức năng mà bí mật tự xử lý. Nên chăng mở đường dây nóng cho nhân dân báo với cơ quan chức năng mọi nghi vấn về vật liệu nổ để được xử lý kịp thời. Chúng ta không chỉ nói hay mà cần nhất là làm tốt.

Còn bạn. Bạn mà thấy sát vách mình có nhà tập kết phế liệu nổ thì bạn muốn báo cơ quan chức năng hay bán nhà cấp tốc? Bạn muốn cứu bản thân hay cả cộng đồng?

Lê Tâm
.
.
.