Không có gì mà ầm ĩ cả

"Cơm" - "phở" truyện

Thứ Năm, 24/09/2020, 07:47
Bồ bịch có bao nhiêu cách gọi? Trong bài hát chế: "Ai trên đời từng có bồ. Bồ được gọi là cưng. Vợ thì sống công khai, cưng thì sống bí mật. Cưng được chiều hơn vợ. Vợ được một thì cưng được hai…". Quan hệ này cũng gọi là quan hệ "cơm - phở".


Người thứ ba xen vào hạnh phúc người khác được nói giảm nói tránh là "tiểu tam" hoặc Tuesday (thứ ba). Thường thấy các vụ đánh ghen xảy ra thì người được che chở là Tuesday. Theo góc nhìn đạo đức thì hành động “chen ngang” này của phở đáng bị trừng phạt. Về thói quen thì người ta coi đây là chuyện riêng tư,  anh chị tự giáo dục nhau, ai hơi đâu. Có anh chồng thẳng tay đấm vào mặt, cắn vào tay "cơm" để cứu "phở".

Nhân chuyện thế sự đang xảy ra, mấy cao nhân cùng chung cư  nhâm nhi vại bia ở tầng 1, vừa tổ chức "hội thảo" về hôn nhân:

- Thưa các huynh đệ. Nhân loại đã áp dụng các tiến bộ mô hình gia đình từ quần hôn đến đa phu, đa thê và bây giờ là văn minh một vợ một chồng. Vậy tại sao vẫn có chuyện cơm phở phá hoại những hôn nhân đang "lảo đảo". Chúng ta cùng uống và làm rõ.

- Một vợ một chồng là mô hình của chim uyên ương. Một con chết thì con kia bỏ ăn mà chết theo. Huynh đệ chúng ta có ai dám làm thế đâu. Vì sao chia đều mà ly hôn nhiều thế? Ở châu Âu thì số cặp ly hôn chiếm tới 50%. Xứ Việt ta nhu cầu ly hôn đang gia tăng. Ngày càng đông người chọn sống độc thân do không đủ năng lực tài chính, do khát vọng tự do và tất nhiên cũng do ế. Ở Nhật thì 1 trên 4 nam, hoặc 1 trên 7 nữ rơi vào tình trạng trên anh em ạ.

- Bây giờ các em sống thật luôn (bỏ qua giai đoạn sống thử) không giá thú để thoát mọi ràng buộc pháp lý.

Minh họa Tả Từ.

- Xu hướng mất cân bằng giới tính nam thừa nữ thiếu ở châu Á làm cho một nhóm nam bị thừa không biết xếp vào đâu. Tính đến 2020, đàn ông không thể kiếm được vợ ở Trung quốc là trên 30 triệu người. 

Tình hình ế còn ảm đạm kéo dài. Việc lấy vợ của những nhóm này nhiều khi xuyên quốc gia và gây ra những hoạt động bất hợp pháp. Cách xếp theo cặp đôi đang sinh ra tình trạng thừa ế. Vậy cách xếp theo cặp có phải là tối ưu không?

- Tôi nghĩ khí không phải chứ cứ theo năng lực hôn nhân thay vì ta chỉ có một người bạn đời thì ta có một tập thể bạn đời không vui à? Việc không xếp theo cặp sẽ phân phối lại các nhân sự ế. Các cụ ngày xưa đã từng làm thế bởi chứng minh được qua gia thế, thành tích bản thân thông qua tài sản. 

Ngày nay có thể đánh giá năng lực con người qua phân tích dữ liệu Big data rồi cấp chứng nhận năng lực hôn nhân cho mỗi người. Khi ấy mỗi anh chị sẽ biết hạn mức số người bạn đời của mình là bao nhiêu. 

Như vậy nạn ế sẽ được giải quyết một cách triệt để, quyết liệt. Hôn nhân vừa sức loại bỏ hoàn toàn tâm lý bất mãn , thích phá hoại hạnh phúc người khác. Đàn ông hết ế và phụ nữ có thể nhiều chồng hơn. Không loại trừ thời mẫu hệ sẽ được tái lập.

- Phương cách xếp nhân sự thông minh sẽ điều chỉnh số lượng bạn đời từ nơi "lồi" sang nơi "lõm" để đảm bảo không bị tùng bê người ăn không hết người lần chẳng ra. Dùng điện thoại với một app thông minh có thể cho biết năng lực hôn nhân của người xung quanh mình thế nào.

- Hoan hô. Kiểu chiếm hữu độc quyền nhân sự, trói xong là thôi không còn nữa.

- Khi tổ chức hợp lý về cơ cấu thì các vụ đánh ghen như "cơm" đánh "phở" được giải quyết tận gốc. Hình thái mới này được gọi là chế độ hôn nhân thông minh theo năng lực thưa các huynh đệ.

Bỗng nghe thanh âm quát lớn phía sau: - Chém gió vừa thôi. Có cái chế độ ấy thì hồ sơ năng lực hôn nhân của các ông cũng không khá khẩm gì đâu! Nhà bao việc…

Các huynh đệ quay lại thấy các bà chống nạnh thì rụng rời, đứng lên gạt lệ chia tay.

Bài hát chế có câu: "Ai trên đời chẳng sợ vợ, mà chẳng sợ vợ thì sợ ai"... "Vào những lúc nan nguy, cưng lúc tiến lúc lặn. Hóa ra vợ chồng mình, mới là năm bở oăn (number one)”.

Lê Tâm
.
.
.