Con đường chum chóe

Chủ Nhật, 26/04/2015, 15:00
Cứ mỗi lần vào buôn tâm sự với già làng về cồng chiêng, chum chóe đều nghe tiếng chép miệng “Nhưng bây giờ nhiều nhà bán hết rồi còn đâu”. Ghé quán cà phê đồ cổ ngoài phố, ông chủ mang dây chuyền to bản bằng bạc gắn thêm một nanh heo rừng nhân tạo, khoe rằng: “Cái chiêng, cái chóe này mới mua đấy, có người đặt cọc rồi”. Nhìn thấy xe chở đi với tiếng cười của hai bên để lại nỗi buồn là gia bảo để lại lần lượt đội nón ra đi.

Người dân tộc ở Nam Tây Nguyên ăn tết đến hết tháng giêng, vì cuối năm lo thu trái, tỉa cành, tưới tắm cà phê mãi đến chiều 30. Mùa tết là mùa ăn nhậu, trong cơn say ngà ngà mắt người già nhắm lại, nhưng miệng vẫn thì thầm nhắc đến rượu cần, chum chóe, cồng chiêng.

Đi tìm thần muối

Sau tết ghé thăm nhà ông K’Hành, một trí thức Kờ Ho sinh năm 1937, ở buôn Bờ Đơ hỏi thăm về con đường giao thương của bà con trong quá khứ. Vợ ông, bà Ka Kim Thúy vui vẻ hẳn lên, vì có cơ hội được sống lại một thời tuổi trẻ. 

Bà trải lòng: “Ngày trước buôn làng ở trong rừng, đời sống của mọi người đều dựa vào thiên nhiên. Duy chỉ một thứ bà con không làm được là muối, có thời muối được phong đến chức thần ngang với thần sông, thần rừng... Nhớ năm 1960 trước mùa phát rẫy (tháng 2 âm lịch) cả buôn Bờ Đơ, Bờ Kọ, Bờ Tạch tập họp gần 50 người gùi sừng nai, ngà voi, mật ong ngày đi, đêm nghỉ về vùng biển đổi muối và chum chóe. Chuyến lữ hành  kéo dài tròn một con trăng. Khi gùi xuống đồng bằng Phan Thiết chờ người Kinh đánh xe bò chở muối đến, chờ người Chăm chở chum chóe lên. Sau khi thỏa thuận giá cả rồi đổi ngang mới gùi về núi”.

Ông K’Hành tiếp lời vợ: “Ngày ấy gùi đi trong rừng gian khổ lắm, trước những năm 60, từ buôn đi chưa có đường lộ, cũng không có đường mòn dài hàng trăm cây số, chỉ có đường đi rẫy, đường qua buôn này buôn kia. Chuyến hành trình tròn một con trăng (một tháng) giữa rừng già không có la bàn, máy định vị như bây giờ. Lúc ấy, bà con tìm hướng đông hướng tây không phải bằng mặt trời mà nhìn từ vỏ cây. Bề mặt thân cây nào trơn tru, vỏ phát triển bình thường là hướng đông, phía nào sần sùi có rêu mốc phủ lên là hướng tây. Dòng nước nào chảy xiết là vùng cao, dòng nước nào chảy chậm là đồng bằng. Các con đường chúng tôi đi qua đều phải bẻ cò (bẻ thân cây nhỏ cụp xuống làm dấu). Lực lượng gùi hàng chủ yếu là thanh niên và trẻ em trên 10 tuổi. Người già, trai tráng đều mang nỏ ná tẩm thuốc độc để làm vũ khí đối mặt với thú dữ, có khi dẫn cả chó và vác theo lửa để hút thuốc dọc đường, đến khi dừng lại không cần phải làm ra lửa nấu ăn”.

Việc làm ra lửa, ở buôn làng người già hướng dẫn cho trẻ con từ lúc lên 10 giống như người Nhật dạy cho học sinh cách đối phó với động đất, sóng thần, núi lửa phun trào. Người viết bài này cũng đã từng chế tác ra lửa do một cháu gái 12 tuổi dạy. 

Làm lửa rất dễ nhưng phải dùng đến sức mạnh cơ bắp. Đầu tiên tìm hai thanh tre khô rộng bằng 3 ngón tay dài 0,4m chẻ ra đặt ở giữa một lớp bùi nhùi được cạo ra từ vỏ tre. Sau đó tìm một thân tre khác kê làm đà rồi dùng hai tay đẩy lên xuống liên tục giữa thanh và cây tre khoảng 30 giây. Do ma sát vào nhau với cường độ mạnh nên tích nhiệt bốc khói, người làm chỉ cần thổi từ từ vào nơi phát sinh ra khói là lửa cháy bùng lên. Từ khi con người làm ra được lửa thì vai trò thần lửa cũng mờ dần.

Ở các buôn Konhin Blao và Djiring, con đường giao thương thời ấy được đi hai hướng, hướng Phan Thiết và Phan Rí. Theo ông K’Hành, ở Phan Rí  muối mặn hơn và chum chóe mua lại từ người Chăm kiểu dáng và hoa văn đẹp hơn. Người Tây Nguyên mãi cho đến bây giờ vẫn chưa đúc được chum chóe chỉ mua lại từ người Chăm. Còn cồng chiêng phải đổi trâu, muối với người Êđê, Banar do họ phỏng chế từ kỹ thuật của người Lào.

Bên bếp lửa hồng

Những người giàu có ở miền xuôi được quy ra bằng nhà cửa, đất đai, tiền vàng, còn đồng bào dân tộc được tính bằng cồng chiêng, chum chóe, vòng bạc, trâu dê... Ngày xưa, bà con gốc Tây Nguyên không có khái niệm sở hữu đất đai. Vì cuộc sống du cư, ở vùng này được vài năm rồi dẫn nhau đi tìm nơi mới khi đất rẫy bạc màu.

Vào nhà bếp của bà con trong buôn sẽ nhận ra sự giàu nghèo một cách trực quan, vì toàn bộ tài sản như cồng chiêng, chum chóe đều đặt cạnh bếp lửa hồng, nơi hội tụ trầm tích văn hóa và sự giàu có của một gia đình. Hiện nay rất ít nhà “nuôi” được những báu vật ấy bên bếp lửa nữa, hầu hết đã xây nhà cấp 4 hoặc làm nhà trệt, tài sản đã chuyển sang tích lũy dạng khác. Nhớ năm ngoái tại buôn Bờ Su Mang Ly, một gia đình người Mạ làm đơn báo bị mất trộm, Công an đến hiện trường xem xét, phát hiện dưới tấm chiếu rất nhiều tiền đến cả trăm triệu, khi được hỏi: “Sao không cất tiền cẩn thận, để như thế này sẽ bị mất tiếp”. Bà con trả lời “Tiền phải ngủ với mình chớ, nó nuôi mình mà!”

Cuối tháng giêng, tôi cùng vài người bạn ghé thăm ông K’ Pộp, người có nhiều chum chóe ở buôn Bờ Lá. Khi đến cửa nhà, ông K’Pộp trợn mắt hỏi tôi: “Ông dẫn người đi mua chum chóe à! Bây giờ đồng bào không bán nữa đâu, đừng năn nỉ mất công”. 

Lúc nhận ra chúng tôi chỉ là người ái mộ đồ cổ, nên ông mời xuống bếp vừa  ngồi nhìn cổ vật, vừa nói chuyện. Vợ ông vui vẻ: “Chum chóe nhà tôi cả trăm tuổi được ông bà để lại đó! Đối với người Kờ Ho, chóe cũng được coi là một loại tài sản quý. Chóe gắn liền với đời sống với lễ hội. Chóe thể hiện giàu nghèo của gia chủ, được xem như linh vật. Xưa kia, gia đình Kờ Ho dẫu nghèo khó nhưng cũng phải có tối thiểu một chiếc. Gia đình khá giả có đến vài chục chiếc.

Nhìn vào cách bài trí chum chóe tại nhà ông K’Pộp, mới thấy các vật thể này gắn liền với đời sống tâm linh. Nghe bà kể, mấy chiếc chóe lớn cao gần cả mét được nhiều người đến hỏi mua trả giá đến chục triệu nhưng ông bà không bán. Được hỏi lý do giữ lại, bà K’Pộp trả lời: Những chiếc này đã được bôi máu của vật hiến sinh từ mấy đời trước. Trong tâm thức người Kờ Ho, ngoài giá trị vật chất còn mang thêm giá trị dòng tộc và tâm linh nữa. Bà giải thích: “Nghe ông bà kể, để có được chum chóe, dòng họ phải đổi nhiều trâu, dê mới có được nó đó”.

Chóe về rồi, bà con tổ chức cúng thần linh, lễ vật cúng mừng chóe mới, bao gồm: Một con gà trống, một ché rượu cần, trứng gà, cơm lúa mới. Sau đó, gia chủ tiến hành cắt tiết gà rồi lấy máu bôi lên miệng chóe, tiếp đến, chủ nhà (đàn ông) đọc bài khấn, rước thần linh nhập hồn. Nghi thức rước thần chóe hoàn tất, gia đình mới mang chóe  đặt vào nơi trang trọng rồi mọi người cùng nhau ăn mừng chúc tụng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là những gia bảo này đang từng ngày mai một. Trong buôn, chỉ còn vài nhà giữ được chóe, phần đông họ bán đi để mua xe máy, để xây nhà. Lớp trẻ bây giờ yêu chuộng cái mới, rượu cần được thay thế bằng rượu đế, rượu ngoại, về tín ngưỡng theo các lời khuyên của các vị tu sĩ. Vì thế, các phong tục xưa cũng dần dần biến mất trong đời sống cộng đồng.

* * *

Nhìn những thanh niên trong buôn và ông chủ đồ cổ ở phố chào bán chum chóe, cồng chiêng cho du khách ở xa, tôi nhớ  trên Báo Vietnamnet, chuyện một “cậu chủ” tuổi tin pha thuốc ngủ cho ông bà nội uống để mang đồ cổ gia tộc đi bán. Nhớ  đến chính phủ Hàn Quốc treo hàng chục quốc kỳ, từ lá cờ mang chim Phụng Hoàng lửa của Hoàng đế Jumong lập quốc kéo dài đến bây giờ để tiếp đón Tổng Bí thư nước mình. Văn hóa là sự thừa kế từ đời này sang đời khác, mất đi văn hóa, mất bản sắc của dân tộc là mất nội lực quốc gia”.

Trần Đại
.
.
.