Con gà rẻ vì bê ô tê

Thứ Hai, 02/10/2017, 10:18
Anh tài xế cười ha hả: “Bác nắm bắt thông tin chậm quá! Từ lúc có cái BOT đến giờ, hàng hóa bà con bán ra thì rẻ mà mua vào lại đắt!”.


Lâu lắm rồi tôi mới đi chợ, lý do là con vợ nó gần đẻ rồi, cái bụng nó chình bình, làm sao mà đạp xe qua cánh đồng rộng với con đường nhỏ bé ngoằn ngoèo.

Cũng nói thêm, gia đình tôi thuộc diện nghèo bền vững, các đời trước thì tôi không biết. Nhưng đời ông nội, đời cha tôi và đến đời tôi đều thuộc diện nghèo.

Tôi không hiểu ông nội tôi chọn nơi sinh sống chi mà lạ, nhà chúng tôi nằm một mình lẻ loi trên một gò đất cao giữa các ruộng lúa, chỉ có một con đường nhỏ bé để vào nhà. Hồi nhỏ nghe cha nói, ông nội chọn nơi này vì dễ sinh sống, không lo thiếu gạo, thiếu cá, thiếu nước. Trong não trạng của những người nông dân xưa, những “miền đất hứa” là nào có thể vừa nuôi cá, vừa nuôi gà, vừa nuôi heo, vừa trồng lúa được.

Ảnh minh họa.

Do đó, với ngôi vườn của ông nội để lại, trên lý thuyết là nơi sống tốt. Mà đúng, nghe cha kể, đời ông nội không lo đói khổ bao giờ. Nhưng đến đời cha tôi và tôi cuộc sống khó khăn hơn nhiều, hầu như năm nào nhà tôi cũng bị ngập lũ. Sau những cơn mưa lớn, lũ lại về, mọi thứ tiết kiệm trong một năm đều theo nước ra đi.

Nghe đâu vùng quê tôi thường xuyên bị lũ trong những năm gần đây là do thủy điện mọc lên quá nhiều.

Tuy nghèo truyền kiếp, nghèo bền vững, nghèo lâu dài nhưng tôi không buồn mà trái lại còn tự hào vì cái nghèo. Mình nghèo thì không bị ăn trộm nhòm ngó, lỡ chẳng may chết sớm cũng không luyến tiếc của cải trên trần gian, không lo “dượng nó” hưởng.

Dạo này, tôi càng tự hào về cái nghèo của mình hơn khi được nghe một ông lãnh đạo về kinh tế ủng hộ quan điểm với tôi, đại khái nội dung như sau: “Người giàu thì đi ô tô, người nghèo thì đi xe máy, xe đạp, rõ ràng BOT không ảnh hưởng gì đến người nghèo”.

Lúc đầu tôi chả hiểu BOT là cái quái gì, đọc thêm tin tức trên mạng nên tôi biết nó là Bê ô tê, hay còn gọi là trạm thu phí. Mà ông này nói đúng thật! Gần đây, người ta mới xây một cái Bê ô tê chình ình gần nhà tôi, trên đường từ nhà tôi ra chợ hoặc lên phố đều phải qua cái này, tôi đạp xe qua lại mà chẳng bao giờ bị thu tiền, tôi chỉ thấy toàn là xe hơi bị thu phí.

Sáng nay, con vợ nó trói 5 con gà, đưa tôi ra chợ bán. Nó dặn kỹ là mỗi con giá 120.000 đồng, hồi giờ nó đều bán vậy. Tôi đạp xe ra chợ, chạy ngang qua trạm thu phí vừa đạp xe vừa hút gió và tự hào với cái nghèo của mình. Nhờ nghèo mà không tốn tiền qua chỗ này.

Vào chợ, tôi tìm đến mấy chỗ mua gà. Nhưng chỗ nào cũng chỉ trả giá 110.000 đồng/ con. Quái lạ, rõ ràng hồi trước giờ con vợ mình nó bán cao hơn 10 ngàn. Tôi xách 5 con gà chạy vòng vòng quanh chợ để tìm người mua đúng giá vợ dặn. Bán rẻ hơn về nhà nó đay nghiến chết mất.

Hết cả buổi, từ sáng đến trưa mà tôi vẫn không bán được. Có một anh tài xế xe tải thường chở hàng hóa vào Sài Gòn, thấy tôi cứ chạy tới chạy lui nên hỏi chuyện: “Anh làm gì mà cứ chở 5 con gà chạy vòng vòng quanh chợ vậy?”.

Tôi lau mồ hôi trán và hổn hển: “Con vợ nó dặn bán 120.000 đồng một con gà, trước giờ vẫn vậy, mà hôm nay người ta trả giá thấp quá, mình mà bán giá rẻ hơn là về chết với nó”.

Anh tài xế nghe vậy cười ha hả: “Bác nắm bắt thông tin chậm quá! Từ lúc có cái BOT đến giờ, hàng hóa bà con bán ra thì rẻ mà mua vào lại đắt!”.

Nghĩa Nam
.
.
.