Con người đang hủy diệt lẫn nhau

Thứ Tư, 17/08/2016, 11:15
Phát triển kinh tế đất nước là mục tiêu quan trọng, nhưng theo tôi, để người dân được sống trong một môi trường trong lành, thân thiện với thiên nhiên còn quan trọng hơn nhiều.

1.Trong số những người bạn đồng nghiệp, tôi khá nể H. Tốt nghiệp đại học, H không đầu quân về các công ty liên doanh, tập đoàn kinh tế như bạn bè trong lớp mà quyết định nhảy sang làm báo. Vừa làm vừa học, lấy chồng sinh con, công tác triền miên… khiến H như già trước tuổi. 

Công bằng mà nói, những bài viết của H không phải dạng mượt mà dễ đọc, múa may câu chữ nhưng lại khiến người ta nhớ bởi diễn đạt khôn khéo, bình luận sắc sảo và đặc biệt là H luôn có một góc nhìn của riêng mình. Tất nhiên, cô có lợi thế hơn đồng nghiệp vì được học chuyên ngành một cách bài bản nên nắm bắt vấn đề nhanh cộng với cái duyên trời cho nên H luôn được đồng nghiệp đánh giá cao.

Gặp nhau dịp đầu năm, H vui mừng báo cho tôi biết nếu không có gì thay đổi, cô sẽ được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập. Cũng tưởng mọi việc suôn sẻ, mấy tháng sau gặp mặt, tôi không thể nhận ra H nữa. Trông cô như một cái xác không hồn với khuôn mặt nhợt nhạt, hai mắt thâm quầng, người rúm ró trong bộ quần áo rộng. 

Hỏi ra mới biết thấy người mệt, sụt cân liên tục, H đi khám tổng thể và bác sĩ kết luận cô bị ung thư dạ dày. "Em đã hóa trị được 6 lần, mỗi lần truyền xong tưởng như không thể sống nổi nhưng nghĩ đến chồng con lại cố phải sống. Suốt nửa năm qua, nhà em lúc nào cũng u ám như có tang. Nhìn anh ấy và con mỗi buổi chiều, em phải quay đi để họ không thấy mình khóc. Em không biết mình còn sống được bao lâu nữa nhưng còn sống thì phải lạc quan thôi anh à. Với em, được sống thêm ngày nào là tốt ngày ấy" - H đã nói với tôi như thế, đôi mắt buồn đẫm nước.

Mới đây thôi, cơ quan tôi vừa đưa tiễn bố vợ một đồng nghiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông bị ung thư phổi, khi phát hiện bệnh cũng là lúc vào giai đoạn cuối. Vì tuổi cao và biết có chữa cũng không thể khỏi, ông quyết định về nhà nghỉ ngơi, sống thanh thản những ngày cuối đời mà không qua bất kỳ một đợt hóa trị hay xạ trị nào. 

Nửa năm sau, một sáng thức dậy, ông kêu tức ngực, khó thở nên gọi con cháu đến. Ông đưa mắt nhìn khuôn mặt từng người rồi nấc lên. Ngay sau đó, từng đợt, từng đợt máu vón cục từ miệng ông vọt ra lênh láng căn phòng. Nhiều người hét lên vì có lẽ, lần đầu tiên trong đời họ được chứng kiến những hình ảnh khủng khiếp đến như thế. Năm phút sau, ông trút hơi thở cuối cùng.

Cũng là cái chết nhưng chết vì ung thư quả là đau đớn và kinh khủng. Nó khiến cho những người tận mắt nhìn cảnh đó bị ám ảnh, sợ hãi trong nhiều ngày sau đó.

Vâng, nếu căn bệnh thế kỷ HIV vẫn còn mang lại cho người bệnh cuộc sống trong nhiều năm thì bệnh ung thư tàn phá con người khốc liệt hơn. Ai đã dính vào K (ung thư) thì chỉ còn sống được 5, 7 tháng, may mắn lắm là một vài năm nếu phát hiện sớm. Bi kịch ở chỗ, giờ đây, đi đến đâu, ngồi chỗ nào người ta cũng nói về căn bệnh quái ác này và hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một người bị. Mắc ung thư nghĩa là tử thần đã gọi tên, sự chống trọi chỉ mang tính hình thức bởi người thua cuộc luôn là bệnh nhân.

2.Nhiều người hoài cổ hay so sánh, ngày xưa nghèo khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng sức người thật dẻo dai, lại ít mắc bệnh hiểm nghèo. Còn giờ đây, cuộc sống hiện đại, văn minh, con người hiểu biết nhiều hơn nhưng lại có thêm nhiều bệnh nguy hiểm. Trớ trêu ở chỗ, càng ở những nơi văn minh, hiện đại thì con người càng dễ mắc và tất nhiên, bệnh tật không loại trừ một ai. 

Một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Chúng ta hẳn sẽ giật mình khi nghe những con số thống kê từ Dự án phòng chống ung thư quốc gia mới được công bố: mỗi năm Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 nghìn người mắc mới. Đó là con số đáng báo động về tình hình mắc bệnh ung thư ở nước ta. Theo dự đoán của các chuyên gia, con số này sẽ không dừng lại ở đó mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo.

So với khu vực Đông Nam Á, nước ta có tỷ lệ mắc ung thư đứng hàng thứ 3, còn trên thế giới chúng ta thuộc nhóm "cầm đèn đỏ" - đứng top 2. Ung thư đang là căn bệnh "giết người", chỉ sau bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết các căn bệnh ung thư hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh, mà chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Việt Nam đứng thứ 78 trong 172 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng. Theo đó, trong số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 78 với tỷ lệ chết vì ung thư là 110 ca/100.000 người. Các quốc gia có tỷ lệ chết vì ung thư tương tự như Việt Nam gồm có Somalia, Phần Lan và Turmenistan.

Các yếu tố mang tính nguy cơ quá nhiều và vẫn hiển hiện trước mắt chúng ta mỗi ngày: thức ăn bị tẩm ướp chất bảo quản, không khí bị ô nhiễm, nước sinh hoạt có nhiều độc tố..., tất cả những yếu tố này ít nhiều tác động đến cuộc sống của con người, làm suy giảm khả năng miễn dịch và việc nhiễm những căn bệnh lạ, nguy hiểm cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng trớ trêu ở chỗ, hầu hết những yếu tố mang tính nguy cơ trên đều có sự can thiệp của bàn tay con người. Các khu công nghiệp dựng lên, chất thải độc hại không qua xử lý mà đổ thẳng ra sông, ra biển; các loại hoa quả, thực phẩm được tẩm ướp hóa chất để tươi lâu hơn, giá cả cao hơn tràn ngập thị trường; hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng từ bàn tay hủy diệt của con người… Vậy đấy, vì đồng tiền, kẻ xấu sẵn sàng làm tất cả và thật đau xót, tính mạng con người khi bị đẩy vào những hoàn cảnh đó đều trở nên nhỏ bé, bất lực.

3. Dù muốn hay không, tôi và bạn, chúng ta đều phải bước chân vào bệnh viện để khám khi thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường hoặc vào thăm bệnh nhân là người thân, bạn bè. Cảm giác thật nặng nề khi tới Bệnh viện K hay Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Huyết học Trung ương khi quá nhiều bệnh nhân ung thư điều trị ở đây mỗi ngày. 

Cuộc sống với họ giờ đây chỉ được tính bằng ngày với một khoản tiền điều trị không hề nhỏ. Trong khi đó, ở ngoài kia, có những kẻ xấu vẫn cố tình hãm hại nhau bằng mọi cách; những kẻ làm ăn chộp giật vẫn đầu độc con người bằng muôn vàn thủ đoạn khác nhau và khi những khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên, đời sống người dân nơi đây có thể khấm khá hơn nhưng rồi chính họ lại phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của mình.

Bệnh nhi ung thư trong lớp học Nhân ái tại Viện Huyết học Trung ương.

Khi phóng sự trên truyền hình miêu tả chi tiết ống xả thải của Formosa xả thẳng nước thải công nghiệp xuống biển khiến cá tôm chết trắng bãi biển 4 tỉnh miền Trung, rồi chất thải rắn cũng của công ty này được chôn tạm bợ trong công viên hay khu vực đông dân cư sinh sống, hơn một lần tôi rùng mình ghê sợ. 

Không hiểu sao, tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh những đứa trẻ ngớ ngẩn, điên loạn, gào thét trong căn phòng ẩm tối khi cơ thể chúng bị nhiễm chất độc da cam. Chúng sống đó nhưng khổ hơn là chết bởi không nhận thức được bất cứ điều gì, không chia sẻ được với bất kỳ ai. Vâng, khi hóa chất độc hại ngấm vào cơ thể, nó tàn phá như vậy đấy và thật đau đớn khi nạn nhân là những đứa trẻ.

Ảnh hưởng từ những chất thải đó là có thật và nó sẽ phát bệnh vào những thời điểm nhất định. Đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, ngăn chặn từ đầu, rất tiếc chúng ta đã không làm. 

Phát triển kinh tế đất nước là mục tiêu quan trọng, nhưng theo tôi, để người dân được sống trong một môi trường trong lành, thân thiện với thiên nhiên còn quan trọng hơn nhiều. 

Bởi tôi quan niệm rất đơn giản, những điều tốt đẹp, những ý tưởng đột phá, những giá trị nhân văn chỉ được nảy mầm và lan tỏa từ những bộ óc khỏe mạnh. Đó chính là tiền đề để chúng ta xây dựng một xã hội văn minh và hạnh phúc.

Nguyễn Tuấn
.
.
.