Công bằng với sự dũng cảm

Thứ Ba, 14/05/2019, 22:09
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ diễn ra bình yên không có nghĩa là sự bình yên sẵn có. Để có sự bình yên đó, những cán bộ chiến sĩ Công an đã tác nghiệp rất nỗ lực.


Một kẻ nghi ngáo đá đã dùng dao tấn công vô cớ người đi đường và một người đàn ông 58 tuổi. Tên ngáo lao đến túm áo người đàn ông này, chém nhiều nhát, gây thương tích ở má, lưng, vùng đầu và một nhát chém ở cổ tay phải khiến đứt gân cổ tay, máu chảy nhiều. Nạn nhân nằm ngửa kiệt sức. Những người chứng kiến vô cùng lo ngại, họ giữ khoảng cách an toàn và dùng điện thoại ghi hình và livestream.

Tổ công tác của Công an phường Lạch Tray đến hiện trường rất khẩn trương. Không quản ngại kẻ cầm hung khí, người cảnh sát trẻ quật ngã được hung thủ. Tên ngáo này rất khỏe. Mặc dù bị đè, kẹp chặt nhưng hắn không ngừng chống cự và làm bị thương người thi hành công vụ. 

Thượng úy Đỗ Thế Văn, người trực tiếp tham gia khống chế, bắt giữ đối tượng đã bị thương. Khi hung thủ bị cảnh sát khống chế, một số người dân đã xông vào đấm đạp kẻ ngáo cho hả giận. Cán bộ chiến sĩ Công an phải vất vả ngăn chặn để giữ tính mạng cho nghi phạm.

Nhiều bình luận bày tỏ sự cảm động trước hình ảnh dũng cảm của người cảnh sát nhân dân. Có Facebooker viết "Nghề nào cũng ăn lương, cũng đóng thuế nhưng có một số nghề đối mặt với hiểm nguy cao hơn những nghề khác. Bấy nhiêu thôi cũng là lý do chúng ta nên trân trọng họ".

Chứng kiến những hình ảnh trên, các "anh hùng cào phím" im thin thít. Chúng ta chưa quên có "cào phím viên" còn dạy cảnh sát phải dũng cảm thế nào. "Anh hùng bàn phím" còn dạy cảnh sát cách cầm gạch chọi vào đầu tội phạm ra sao. Có "cào phím viên" còn liên tục khiêu khích cán bộ chiến sĩ cảnh sát và dùng điện thoại ghi hình kèm nhiều lời lẽ xúc phạm…

Minh họa Tả Từ.

Hành động quả cảm của người cảnh sát nói trên đã ngăn chặn hiệu quả kẻ dùng dao điên loạn tấn công nhiều người khác nhưng cũng có một câu hỏi rằng, cái gì đảm bảo an toàn cho người cảnh sát? Dù là đặc thù nghề nghiệp thì cũng phải được đối xử công bằng. 

Người cảnh sát cũng là một thành viên trong một gia đình. Họ là con, là em, là chồng, là bố… Nếu có sơ sảy thì làm sao bù đắp được cho người thân của họ? Lý do nào người cảnh sát luôn phải dùng tay không và vũ thuật để khống chế kẻ gian? Tại sao những công cụ hỗ trợ mạnh và mạnh nhất không được triển khai. Phải chăng có sự ngần ngại khi dùng công cụ mạnh?

Đã đến lúc, những kẻ sát nhân gây nguy hại cho cộng đồng cần coi là một loại giặc. Chúng ta giữ bình yên cho nhân dân chứ không đảm bảo bình yên cho giặc. Những rào cản về việc sử dụng công cụ hỗ trợ được rộng mở bao nhiêu thì tính mạng cán bộ chiến sĩ sẽ được đảm bảo bấy nhiêu. Qua đó tính mạng nhân dân sẽ được bảo vệ tốt hơn nhiều.

Một cư dân mạng cho rằng, nếu có nguyện vọng, với tư cách một người dân tôi mong ước các anh em được trao quyền nhiều hơn… Cảnh sát giao thông chỉ chào nhân dân ở trụ sở làm việc, không việc gì phải chào những người đã vi phạm còn dí camera vào mặt các anh và vênh váo "Đồng chí chưa chào tôi".

Chợt nhớ rằng, cảnh sát nước ngoài chỉ chào các công dân bình thường chứ không cần chào người vi phạm giao thông.

Người dân bức xúc có quyền bày tỏ sự cảm thông với lực lượng cảnh sát. Lắng nghe ý kiến của dân cũng là nguồn tham khảo tốt.

Còn bạn. Bạn muốn ứng xử với những kẻ gây hại cộng đồng bằng cách nào, dùng vũ khí mạnh hay tặng hoa?

Lê Tâm
.
.
.