"Cõng chữ" lên đỉnh Lũng Oong

Thứ Ba, 27/01/2015, 10:00
Được coi là một trong 3 điểm trường khó khăn nhất thuộc Trường Tiểu học xã Công Trừng, huyện Hòa An (Cao Bằng), tuy nhiên tại điểm trường xóm Lũng Oong nằm giữa thung lũng đá bản người Dao quanh năm mây phủ, các giáo viên vẫn miệt mài, cần mẫn với việc "gieo chữ" trên non cao. Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, bởi vậy con đường tìm đến cái chữ của học sinh rất gian nan. Trong khi những đứa trẻ ở nơi khác được cha mẹ đưa đón đến trường thì những đứa trẻ chỉ tầm 5 tuổi phải đeo gùi theo sau mẹ vượt các vách đá lên nương rẫy khi đến mùa trồng trọt.

Gian nan thử sức người

Cách trung tâm xã Trương Lương, huyện Hòa An khoảng 10km, con đường vào xóm Lũng Oong phải leo bộ vượt những đỉnh núi gập ghềnh, lởm chởm đá tai mèo. Sau khi gửi xe máy ở nhà người dân, may mắn chúng tôi gặp được một em học sinh tốt nghiệp lớp 12 người bản địa vừa đi chợ về dẫn đường đến trường tiểu học. Lúc này đã gần 1h trưa, nhưng em bước đi lên các bậc đá mấp mô như chạy bộ, phải rất cố gắng chúng tôi mới theo kịp gót chân em.

Sau khi đã leo qua những đỉnh núi, vượt những con dốc, xóm Lũng Oong hiện ra với những mái nhà đơn sơ nằm giữa những hốc đá lớn ở dưới chân núi. Ngôi trường tiểu học nằm ngay phía cuối làng với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong thung lũng yên ắng, tĩnh mịch. Nghe chúng tôi giới thiệu, hai nữ giáo viên đang đứng ngoài trời sưởi nắng ấm ngạc nhiên và tỏ ra rất vui mừng vì đã mong muốn giới báo chí đến đây từ lâu.

Trường Tiểu học tại xóm Lũng Oong còn rất sơ sài.

Cô Liêu Thị Phụng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 ở điểm trường Lũng Oong cho biết: "Ngôi trường này có tất cả 24 em học sinh tiểu học và 14 em học mầm non, 100% là dân tộc Dao. Các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơm lo từng bữa một, mùa đông mà chỉ có hai mảnh áo mỏng manh dơ bẩn hầu như mặc quanh năm suốt tháng. Ngồi học được một lúc lại đòi về nhà vì không chịu được lạnh. Nhìn các em run cầm cập, lúc đó phải đành cho các em nghỉ học".

Cơ sở hạ tầng của điểm trường Tiểu học Lũng Oong còn rất tồi tàn với lớp tre nứa đan bao quanh, gió lạnh có thể lùa vào trong thông qua những khe hở. Dãy trường chỉ có 4 gian, do ít học sinh nên giáo viên cho hai lớp ngồi chung một phòng. Trong đó, một gian phòng chật hẹp dành riêng cho các giáo viên nghỉ ngơi, sinh hoạt và làm việc. Mặc dù đường sá đi lại khó khăn nhưng vào mùa này, các thầy cô giáo thỉnh thoảng mới ngủ lại trường, đêm gió thốc vào phòng không thể chợp mắt vì lạnh.

Cô Lương Thị Niềm (52 tuổi) đã có thâm niên 31 năm trong nghề, chia sẻ: "Trước đây có một vài cô giáo trẻ vào đây dạy được một thời gian, nhưng vì không quen chịu khổ, sinh hoạt thiếu thốn nên đã bỏ cuộc. Ở thung lũng này không thiếu gì củi đốt nhưng lại không có nước để đun. Sóng điện thoại không có nên không thể liên lạc, tâm sự với người thân. Thầy cô giáo nào xa nhà thì phải ở lại đây, vì thế phải sắm sửa đồ dùng và đi chợ mua thức ăn tận ngoài trung tâm xã về dự trữ. Các thầy cô ở đây đều là người trong huyện thỉnh thoảng mới ở lại, nên mới trụ được đến bây giờ".

Theo các thầy cô giáo ở đây cho biết, trước đây khi chưa mở rộng con đường mòn đi tắt ra trung tâm xã Trương Lương, họ phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị xuất phát. Còn hiện giờ con đường đã không đi bộ khó khăn như trước, vì thế khoảng 5h30’ thì bắt đầu đi dạy. Nhiều khi đến nơi lại không thấy bóng dáng học sinh ở trường, nhìn lên trên những sườn núi mới biết các em đã theo bố mẹ đi làm nương rẫy. Trong suy nghĩ của đồng bào nơi đây vẫn chưa hiểu được sự quan trọng của việc học hành, bởi vậy các giáo viên phải thường xuyên đến nhà vận động để họ đưa con em tới trường. Thậm chí, các thầy cô giáo còn phải sử dụng "chiêu thuật" là mua sẵn bánh kẹo về để dụ dỗ học sinh đến lớp. Cứ một tuần hai buổi chiều, thầy cô phải dạy thêm không công cho các em học sinh để củng cố thêm kiến thức và theo kịp chương trình học.

Các thầy cô giáo hằng ngày phải vượt núi, leo dốc vì công cuộc "gieo chữ".

Mong ước của những người "gieo chữ"

Theo các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lũng Oong cho biết, cái khó của việc "gieo chữ" nơi thung lũng này không chỉ là khó khăn về cơ sở vật chất, đướng sá hiểm trở mà còn là việc tiếp xúc và vận động bà con đưa con em họ đến trường. Học sinh ở đây thường xuyên nghỉ học, ý thức tự giác học tập còn rất kém. Một phần cũng do các bậc phụ huynh tác động, bắt ép con cái họ lên nương rẫy khi đến mùa trồng trọt. Chính vì thế, các giáo viên phải thường xuyên lặn lội đến từng nhà vận động học sinh đến trường học. Nhưng bù lại, nỗ lực cùng công sức của các thầy cô giáo cũng được an ủi, động viên phần nào bằng kết quả và thành tích của một vài em, nổi bật là Bàn Tòn Mình, Bàn Mùi Sểnh. Năm vừa rồi, hai em đã được học bổng của Hội Thanh niên tình nguyện tỉnh Cao Bằng vì có thành tích học tập tốt.

Thầy Bế Ích Bưu, giáo viên dạy lớp 3 ở Trường Tiểu học Lũng Oong tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên nhưng mỗi người một nơi. Vợ tôi vào tận huyện Bảo Lâm dạy học, còn tôi thì vào đây đã nhiều năm, vì vậy con cái phải để cho người thân trông nom. Vì công việc nên phải chấp nhận thôi. Đến đây mới biết còn bao nhiêu người thiệt thòi, khổ sở gấp nhiều lần. Mùa đông lạnh buốt nhưng trẻ con ở đây không có quần áo ấm để mặc. Hai mảnh áo nhàu nát mà mặc suốt ngày này qua ngày khác không thấy thay. Trong buổi học, mới vào được tiết đầu tự dưng có một học sinh bảo: "Thầy cô ơi, chuông tai a, duổn a" (thầy cô ơi, lạnh lắm về nhà thôi). Lúc đó, chúng tôi cảm thấy rất nghẹn lòng".

Cô Phụng chia sẻ: "Giáo viên ở đây có cái thiệt thòi, đáng buồn và tủi thân ở chỗ, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thầy cô giáo được học sinh tặng hoa cùng những lời chúc mừng, nhưng những giáo viên như chúng tôi thì ngược lại, ngay cả bông hoa rừng cũng không có bởi vì học sinh không hiểu ý nghĩa của ngày quan trọng đó cũng như nhận thức vẫn còn thấp hơn so với nơi khác". Có một lần cô rất thất vọng, cảm thấy bị tổn thương khi vào năm ngoái, cô bị phụ huynh học sinh hiểu nhầm mang con họ đi bán. Đó là dịp cô đưa em Bàn Tòn Mình ra thành phố nhận học bổng của bên thanh niên tình nguyện tỉnh. Vì đường xa, gia đình không có phương tiện đi lại nên cô đã chở em Mình đi.

Cảnh sinh hoạt thường ngày của các giáo viên.

Tuy nhiên, khi đến thành phố, bà nội em lại nhờ người gọi theo sau và bảo "Mau đưa cháu tôi về ngay, cháu nó hay khóc lắm, không ở đó lâu được đâu". Lúc đó, cô chỉ biết trấn an gia đình không nên lo lắng. Sau khi nhận tiền, quà thưởng cô liền đưa em về nhà. Vừa đến đầu làng, đã thấy mẹ đứng chờ sẵn ở đó. Mẹ em vui mừng lắm. Sau đó, mẹ em mới kể lại mọi chuyện cho cô nghe nên mới biết. Thực sự lúc đó, cô thấy bị tổn thương lắm. Nhưng vì công cuộc "gieo chữ" mà phải biết gạt đi tất cả để hướng đến điều tốt đẹp sau này.

Trong quá trình giảng dạy, ở nơi thung lũng đá này, điều mà các giáo viên thực sự mong muốn và trăn trở nhất, đó là làm sao để phòng học không bị gió rét lùa vào, diện tích phòng học đủ để các em ngồi học một cách thoải mái. Cuộc sống đồng bào nơi đây được cải thiện phần nào để có điều kiện đầu tư, quan tâm đến cái chữ nhiều hơn, mùa rét có đủ quần áo ấm để mặc. Chỉ như vậy, học sinh mới thêm yêu trường, yêu lớp, ham cái chữ, quý trọng bạn bè và thầy cô hơn. Tương lai các em nơi thung lũng hẻo lánh, chắc chắn sẽ tươi sáng hơn khi có những người miệt mài, tận tâm như các thầy cô giáo đang ngày ngày "cõng chữ" lên đỉnh Lũng Oong.

Lưu Vĩnh - Minh Phượng
.
.
.