Không có gì mà ầm ĩ cả

Cồng kềnh

Thứ Năm, 10/09/2020, 08:19
Chỉ vì xích mích giao thông, một giám đốc công ty vệ sỹ tên là Sướng có một pha ứng xử rất "cồng kềnh", cầm một vật được cho là súng dọa bắn người. Cơ quan chức năng lập tức triệu tập Sướng để xử lý.


Cộng đồng mạng than "Sướng ơi! khổ rồi!". Phải chăng, phần giáo dục mất cân bằng tạo ra những mẫu nhân vật "Mày biết tao là ai không?". Những cách hành xử tương tự có thể gặp bất kỳ đâu. Chỉ một va chạm không đáng, những thanh niên dễ đối xử với nhau kiểu một mất một còn. Không từ cả việc truy sát nạn nhân đang cấp cứu trong bệnh viện.

Chữ "lễ" giờ đây là một chữ xa xỉ. Dường như có nhiều việc quan trọng hơn là giải quyết  một thái độ vô lễ. Có một lỗ hổng nào đó trong đạo đức mà sách vở, nhà trường chưa giải quyết được.

Các phụ huynh cứ lo bộ sách giáo khoa hiện nay có khối lượng đồ sộ đè nặng lên cột sống của nhi đồng. Thực ra sách không quá nặng nhưng nội dung của sách mới thực sự cồng kềnh. Sách lớp 2, có thể thấy ngay cách phân loại khá "cồng kềnh". Sách nội dung khoa học thì đặt tên là "Tự nhiên và xã hội". Có những phần như bị trùng lặp với các cuốn khác như bài học về giao thông.

Cuốn "Giáo dục an toàn giao thông" là cuốn đáp ứng mong đợi, đáng ra cần làm thật hay như những trò chơi thì tiếc rằng cách diễn đạt vẫn khô khan như tài liệu trắc nghiệm dành cho thi lấy bằng ôtô.

Minh họa Tả Từ.

Cuốn "Mỹ thuật" lẽ ra cần hồn nhiên nhất thì ngôn ngữ y như đọc bảng mô tả quy trình. Thí dụ "trải nghiệm, liên kết với tác phẩm", "đánh giá", "trưng bày, giới thiệu sản phẩm". Tuổi nhi đồng đã nhiễm những ngôn ngữ khô khan đến vậy thì khi trưởng thành, đừng trách các cháu mất khả năng diễn thuyết, trở thành kẻ "ăn không nên đọi, nói không nên lời"…

Cuốn "Bài tập đạo đức" thì mỗi bài có hơn 10 câu hỏi trắc nghiệm để học sinh chỉ việc tích vào các ô vuông. Làm bài thế thì vô cùng nhanh và vô tận chán. Nếu bảo có gì sai? Không. Nhưng hỏi sách tẻ nhạt không? Có.

Đầu thế kỷ XX, sách giáo khoa đã khéo lồng luân lý. Sau 1945, các bộ sách của ngành giáo dục cách mạng có môn đạo đức rất dễ hiểu. Gần đây, việc cải cách liên tục khiến môn học đạo đức cũng phải gánh rất nhiều nội dung khác khiến nó trở nên phức tạp hơn.

Người viết bài nhớ như in cha mình hay đọc cho nghe một câu chuyện về đúng giờ, có 2 cậu bé Xuân và Thu: "Xuân đi học coi người hớn hở/Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng/ Hỏi rằng: "Sao đã vội vàng/ Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?/ Thôi, hãy hượm, đừng đi, anh ạ/ Này con khăng tôi đã sẵn rồi/ Cùng nhau ta hãy đánh chơi/ Lát rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa."/ Thu đáp lại: "Dẫu giờ còn sớm/ Cũng nên đi, kẻo chậm làm sao?/ Nếu chờ khi đánh trống vào/ Dẫu ta rảo bước, tài nào kịp cho/ Trễ giờ ta phải nên lo". Câu chuyện nhỏ, ngôn từ cổ nhưng dễ nhớ, không thể quên được. Bài này trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư (lớp sơ đẳng, tương đương lớp 2 hiện nay) xuất bản từ năm 1935. Các bài học luôn ẩn hiện phần luân lý.

Không nhất thiết phải copy dạng bài trên cho thời đại mới nhưng với thời đại internet, sách giáo dục cần thông minh hoạt bát hơn. Sách giáo khoa sau 1945 có nhiều bài thơ câu chuyện đầy nhân văn như bài thơ "U ốm" (U là mẹ) kể câu chuyện một học sinh đi học nhưng luôn canh cánh lo cho người mẹ ốm nằm nhà (người em ở lớp, lòng em ở nhà). Tan trường, em nhỏ về nhanh để nấu cháo cho mẹ: "… Củi lửa nhen rồi/ Nấu nồi cháo trắng/ Đạp trứng bỏ hành/ U ăn ngon lắm…". Một đứa trẻ lớn lên cân đối thì lúc nhỏ phải được bồi bổ về tình mẫu tử qua những câu chuyện chứ không phải tích vào những ô vuông lựa chọn đáp án.

Nhà giáo - nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng: "…Thích hợp nhất với mấy năm đầu học chữ chính là kho tàng ca dao, tục ngữ, chứa đựng trăm nghìn những áng văn đẹp nhất, hay nhất, bổ ích nhất… trẻ cần thuộc lòng để thấm nhuần những mẫu mực về hành văn chứa đựng linh hồn tiếng Việt dưới hình thức giản dị và súc tích nhất".

Lê Tâm
.
.
.