Không có gì mà ẫm ĩ cả

Công nghệ chạy bằng "cơm"

Thứ Tư, 03/08/2016, 16:51
Cách đây vài ngày, sân bay Nội  Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công. Không thể làm thủ tục bay bằng máy và mọi thủ tục được làm kiểu thủ công. Điều lạ là không ai mất bình tĩnh. Sự nhốn nháo thường ngày biến mất. Sự lịch lãm kiên nhẫn lên ngôi. Thật lạ, cộng đồng ta chỉ thể hiện sự tuyệt vời khi gặp thử thách nào đó. Nếu hết thử thách là trở về ngay với thói quen nhốn vô cùng là nháo ngay. Chẳng lẽ sự sẻ chia chỉ xuất hiện khi gặp khốn.

Trước chúng ta, nhiều trung tâm công cộng trên thế giới đã từng bị tin tặc "hỏi thăm sức khỏe". Trang web của sân bay quốc tế Norwich, Mỹ bó tay khi tin tặc xâm nhập 2 lần.

Anh quốc cũng chẳng khá hơn, hệ thống của sở cảnh sát Manchester đã “thất thủ” trước tin tặc vào tháng 9-2015. Website của Sở Cảnh sát bị đánh sập hoàn toàn chỉ trong một đêm.

Ngày 10-10-2015, tin tặc nổi tiếng Anonymous đã tấn công vào trang web hai sân bay Narita và Chubu của Nhật Bản. May là không có chuyến bay nào bị ảnh hưởng, dù trang web bị sập suốt 8 giờ đồng hồ.

Minh họa: Lê Tâm.

Năm 2013, trang web sân bay Delhi của Ấn Độ bị tin tặc tấn công. Tin tặc tải lên đó lời thách thức: "Đảm bảo an ninh hoặc tôi sẽ hack nó lần nữa!".

Tháng 11-2013, trang web của sân bay Seletar, Singapore thất thủ trước tin tặc. Sự cố được khắc phục sau 30 phút.

Tháng 8-2015, trang web sân bay tại thủ đô Cairo của Ai Cập cũng bị tin tặc ghé thăm suốt 8 tiếng đồng hồ.

Các nước công nghệ mạnh mà vẫn bị tin tặc xỏ mũi cả đêm hoặc cả chục tiếng đồng hồ mới khôi phục được thì có thể mừng thầm là hệ thống cửa xứ ta khắc phục khá nhanh, chỉ chưa tới 2 giờ đồng hồ. Trước đó thì các thủ tục buộc phải chạy bằng "cơm" tức là kiểm tra và viết bằng tay tất tật.

Lệ thuộc vào công nghệ mới dễ bị chiếm quyền điều khiển chứ "chạy bằng cơm" thì sợ gì giặc công nghệ. Chiến tranh điện tử không với tay được tới xe đạp nhé. Không tin tặc nào chiếm được quyền điều khiển cái xe đạp cả. Lại nhớ, cả thế giới đau đầu sáng tạo ra cây bút cho phi hành gia sao cho ở trạng thái không trọng lượng thì mực vẫn ra đều. Trong khi đó, người Nga dùng bút chì. Không ít người lo lắng việc cất hạ cánh bởi cách đây ít lâu, Iran đã “bắt sống” 1 máy bay không người lái của Mỹ bằng cách chiếm quyền điều khiển. Đừng lo nhé, máy bay của ta còn có bác phi công.

Ngay khi xảy ra sự cố tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì toàn bộ hệ thống đã được tắt để làm thủ tục kiểu thủ công. Không bị rơi vào thế gà mắc tóc, chứng tỏ đội ngũ kỹ thuật đã chuẩn bị tập dượt. Sự cố này cho chúng ta thấy không thể coi nhẹ lỗ hổng an ninh mạng từ bất kỳ cơ quan nào.

Chúng ta không lạ khi hầu hết các cơ quan đều coi mình không thuộc đối tượng bị tin tặc hỏi thăm. Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ, họ cho rằng mình có cái gì mà đáng trộm đâu. Vẽ chuyện. Kinh phí dành cho bảo mật được ngầm hiểu là lãng phí. Không ít cơ quan, đội ngũ quan trọng này lại là giải quyết chính sách việc làm cho con ông cháu cha.

Cho dù đội ngũ an ninh mạng là hoàn hảo có làm việc với 200% sức lực thì họ cũng chỉ vá được giỏi lắm là một nửa nguy cơ. Nửa còn lại thuộc về ý thức bảo mật của từng cán bộ, nhân viên. Tin tặc có thể lợi dụng bất kỳ nguồn thông tin nào để vào hệ thống. Có điều dễ xâm nhập nhất là thông qua sơ hở của người dùng. Mỗi người hãy thay đổi thói quen cho dù lặt vặt. Khóa máy tính khi rời vị trí. Không nể nang cho mượn quyền sử dụng máy tính… và đừng tin tưởng hoàn toàn các phần mềm diệt virus.

Còn bạn. Bạn có thường hào phóng cho mượn máy tính và hiến dâng mật khẩu không? Bạn có tin rằng mình sẽ giúp cho bảo mật vá 50% nguy cơ không?

Lê Tâm
.
.
.