Công nghệ thời trang… chống công nghệ giám sát

Thứ Tư, 23/01/2019, 07:00
Trong khi những người nổi tiếng như Kim Kardashian thích được phơi bày cuộc sống cá nhân theo cấp độ ngày càng tăng thêm thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn muốn gìn giữ sự riêng tư bản thân.


Và trong khi trên Internet tràn ngập các thủ thuật bảo vệ an ninh trong thời kỹ thuật số, thì các nhà thiết kế lao vào nghiên cứu "công nghệ" bảo vệ một môi trường khác - đó  là cơ thể. Dĩ nhiên, các phát minh của họ là sự phối hợp hài hòa giữa thời trang, nghệ thuật và công nghệ.

Hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một môi trường tương lai hết sức tệ hại mà ở đó mạng lưới camera giám sát dày đặc trên đường phố nhận diện và ghi hình mọi gương mặt của người qua đường. Thế nhưng, bạn đang choàng một chiếc khăn quàng cổ HyperFace do nghệ sĩ Đức Adam Harvey thiết kế. 

Giữa cấu trúc động học dạng lưới in trên nền vải, những hình vuông nhỏ màu đen cho thấy những đôi mắt, mũi và miệng siêu nhỏ. Thuật toán nhận diện gương mặt của camera giám sát đã bị rối. Và thế là danh tính của bạn được an toàn, sự riêng tư của bạn đã được bảo vệ. 

Hành vi theo dõi, giám sát là một chủ đề gây tranh cãi dữ dội vào giữa năm 2013, khi Edward Snowden - cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - tiết lộ cho giới truyền thông về việc tình báo Mỹ thành lập nhiều chương trình gián điệp để moi móc thông tin cá nhân mọi người như thế nào. 

Kể từ đó, những tiết lộ từ Edward Snowden ngày càng nhiều hơn và nhanh hơn: Facebook, Google và Microsoft đã tự nguyện chuyển giao dữ liệu người dùng phục vụ cho các chương trình bí mật của NSA. 

Gemalto, một trong những nhà sản xuất sim điện thoại lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố hệ thống của họ đã bị tấn công bởi các cơ quan tình báo mạng của Mỹ và Anh. 

Ở cấp độ thực tiễn hơn, cặp đôi thiết kế người Hà Lan - Leo Baauw và Marcha Schagen - trong Dự án KOVR tập trung vào các phương pháp bảo vệ mọi thông tin cá nhân mà chúng ta thường mang theo bên mình mỗi ngày: từ dữ liệu trong điện thoại cho đến chip máy tính siêu nhỏ thường được tích hợp vào hộ chiếu, thẻ căn cước và thẻ ngân hàng, cho tới từng tiểu tiết của cuộc sống chúng ta. 

Cách phản ứng của Dự án KOVR là chế tạo ra áo khoác chống bị theo dõi, một áo khoác phủ bạc cắt may từ vật liệu vải kim loại có tác dụng như chiếc lồng Faraday được trang trí, khiến cho không ai có thể đọc được chip máy tính trong thẻ ngân hàng và thẻ căn cước cũng như không thể dò tìm được tín hiệu điện thoại di động. 

Các nhà thiết kế gọi tác phẩm của họ là "sự phản kháng được khoác lên người" đồng thời cảnh báo chúng ta "phải luôn là con người trong môi trường bị chi phối bởi thông tin".

Phụ kiện Anti-NIS của Fabrica chính là các vật dụng nghệ thuật đồng thời mang tính thời trang, có mục đích bảo vệ ranh giới cuối cùng - đó là quyền riêng tư trong ý nghĩ.

Trong tình hình hiện nay, công nghệ nhận diện gương mặt và scan kỹ thuật số được coi là đỉnh cao của hoạt động do thám mà chưa nói đến những công nghệ khác còn nguy hiểm hơn đang được cộng đồng tình báo ấp ủ. 

Ví dụ trong một dự án của mình, trung tâm nghiên cứu truyền thông Fabrica đặt trụ sở tại Treviso giả định trong tương lai sẽ xuất hiện công nghệ hình ảnh thần kinh có thể scan tâm trí để truy tìm những ý nghĩ đáng ngờ. 

Trong tương lai tưởng tượng đó, chỉ một ý nghĩ đơn giản về sự chống đối cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối. Phụ kiện Anti-NIS của Fabrica chính là các vật dụng nghệ thuật đồng thời mang tính thời trang, có mục đích bảo vệ ranh giới cuối cùng - đó là quyền riêng tư trong ý nghĩ. 

Mỗi một phụ kiện của Fabrica sẽ kích thích một phản ứng giác quan thu hút sự chú ý của người đeo món đồ đó và từ đó bất thình lình thay đổi hoạt động của não bộ. Nhờ thế, nếu đến một ngày thiết bị scan não bộ trở thành hiện thực, thì các phụ kiện này sẽ giúp tâm trí chúng ta không bị săm soi. 

Bộ phụ kiện mẫu - được làm từ nỉ và gỗ cắt từ tia laser - bao gồm một chiếc mũ có tác dụng truyền sóng âm thanh qua sọ não, một cổ cồn điều khiển thiết bị gây sốc điện nhẹ, và một mặt nạ khiến người dùng bị phân tâm qua việc tạo ra những ánh đèn flash lóa sáng. Do đó, nếu có một thiết bị scan não tiến hành kiểm tra thì cũng không thể đọc được chính xác ý nghĩ người dùng.

Nếu viễn cảnh của việc bị dò xét bất chợt vào bất cứ lúc nào có vẻ như không chắc xảy ra, thì tác phẩm của Fabrica dự đoán về một xã hội tương lai mà ở đó công nghệ thay thế khác còn nguy hiểm hơn nhiều. 

Ý tưởng về công nghệ giám sát hệ thần kinh vẫn còn có vẻ hơi giống khoa học giả tưởng, nhưng các thiết kế của Fabrica cũng như thành quả sáng tạo của nghệ sĩ Đức Adam Harvey và Dự án KOVR đã thể hiện những mối quan ngại thật sự về một viễn cảnh tương lai không an toàn cho sự riêng tư con người. 

Nói một cách khác, Adam Harvey tuyên bố khăn choàng HyperFace chỉ là "một bước đi mở màn cho một dự án lớn hơn về khả năng ngụy trang trước máy tính". 

Mano ten Napel, biên tập viên trang web thời trang công nghệ FashNerd, bình luận: "Khi nói tới công nghệ mới, một số người tiêu dùng ngay lập tức cảm thấy các công ty công nghệ đã thất bại trong việc thực hiện các biện pháp an ninh và bảo vệ quyền riêng tư". 

Điều này khơi dậy nhu cầu chúng ta cần tự vệ - cụ thể thông qua các thiết kế công nghệ mà ta mặc trên người. Từ đó dễ để hình dung về một tương lai mà ở đó dù chúng ta có kết nối cũng không bị xâm phạm quyền riêng tư.

Thiên Minh
.
.
.