Không có gì mà ầm ĩ cả

Cứ phải có... "bước ngoặt"

Thứ Ba, 24/09/2019, 22:37
Ngày 16-9, trong phát biểu về sự phát triển của Trường Đại học Y Dược TP HCM nhân lễ khai giảng ở trường này, Bộ trưởng Y tế đề nghị nhà trường sớm có đề án đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP HCM. Chỉ đạo nói trên ngay sau đó tạo sóng ý kiến trái chiều trong cả đội ngũ chuyên gia cũng như dân ngoại đạo.


Phần lớn thì cho rằng tên cũ dễ hiểu quá, đổi tên làm gì cho mơ hồ.

Người ủng hộ đổi tên thì viện dẫn ra hàng loạt đơn vị tương tự. Mô hình trường Khoa học Sức khỏe trên thế giới đã làm từ cả thế kỷ trước rồi. Nay Việt Nam làm theo là tốt chứ sao. 

Rồi đưa nhiều đường dẫn như: https://publichealth.yale.edu/ Trường Y tế công cộng trong trường Đại học Yale danh tiếng số 1 nước Mỹ và nhiều đường dẫn về nơi đào tạo có chữ health (sức khỏe).

Nhóm thận trọng thì tỏ ra băn khoăn. Họ bị ám ảnh tiền lệ đổi trạm thu "phí" thành thu "giá".

Học sinh kém toán cứ đổi tên thành Ngô Bảo Châu thì sẽ đều đoạt giải thưởng Fields ngay sao? Thế thì tiến bộ dễ quá.

Để bắt chước Âu, Mỹ thì có khi phải đổi tên kiểu ngành dọc từ trường đào tạo đến tên bộ nhỉ. có lẽ Bộ Y tế cũng nên đổi tên thành Bộ Sức khỏe (Ministry of Health).

Minh họa Lê Tâm.

Chữ Y là đã bao gồm các ngành về y tế. Y tế mà không lo cho sức khỏe thì lo cái gì nhỉ? Dược nghĩa là các ngành về thuốc men, dược phẩm; tên cũ chuẩn rồi. 

Nếu cứ khăng khăng bám nghĩa sức khỏe thì thể dục thế thao, môi trường, thực phẩm chức năng... cũng là khoa học về sức khỏe mà. Hay là nhập chung với Đại học Thể dục Thể thao nữa thì quá tốt. Cứ gọi là khỏe như vâm. 

Tiếp nữa, nhập thêm các nhạc viện, trường múa, sân khấu điện ảnh, văn học nghệ thuật cũng không thừa. Nhân dân ta lao động mệt mỏi, tối về đi nghe ca múa nhạc, hoặc ngồi gào karaoke tại nhà thấy người thư giãn, quá khỏe.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thương hiệu nước ngọt Coca Cola tự nhiên đổi tên thành "nước giải khác có ga".

Cái tên thường mang chức năng, nhưng nói chung nó gợi mở như một biểu tượng. Hãy hỏi Hãng Apple canh tác táo và bán táo ở đâu vậy. Nhân viên của Apple sẽ sốc 15 phút không biết giả nhời ra sao. 

À. rượu Napoleon có phải vì ngâm cả ông Napoleon vào đó không thưa quý vị? Khi chúng ta cứ bắt mọi thứ phải cụ thể thì câu chuyện mới rùng rợn làm sao.

Trong khi đó nhiều trường chỉ cần một cái tên giản dị như Đại học Bách Khoa, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ không? Chẳng cần đổi tên thì đó vẫn là những nơi đào tạo có uy tín. Cái thương hiệu mã hóa mọi chức năng.

Chắc nước Mỹ cũng chẳng cần đổi tên Đại học Harvard thành chuyên ngành gì cụ thể cho khó hiểu ra. Đúng thế, cái tên không nói lên bản chất giảng viên chất lượng, và quản trị đại học. Hy vọng các vị lãnh đạo sẽ có quyết định sáng suốt đổi tên hay giữ thương hiệu trường Đại học Y dược TP HCM như hiện nay.

Việc đổi tên xưa này bao giờ cũng được bảo vệ bằng những luận cứ tưởng như là tất yếu phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới nhưng nghĩ kỹ ra thì thấy nó giống như một thói quen hành động. Khi đã là thói quen thì không cần nghĩ nữa. Tân quan tân chính sách. Đã là lãnh đạo là phải có dấu ấn. Thế là guồng máy đang hoạt động trôi chảy lại bị đảo như rang lạc. 

Chúng ta rất thích "bước ngoặt". Sếp trước đã ngoặt rồi. Hôm sau, chính sếp lại ngoặt cái nữa thành ra lại như cũ chứ không có gì mới. Xây dựng thương hiệu là một quá trình công sức và tiền bạc không đếm nổi. Đổi tên là phải làm thương hiệu từ con số 0. Vậy có đáng không?

Nếu Y - Dược mà gần nghĩa với chữ sức khỏe thì chắc cũng có thể có lời chúc "Chúc bác một năm mới tràn đầy Y - DƯỢC!".

Còn bạn, bạn có thích câu chúc trên không?

Lê Tâm
.
.
.