Cực nhọc như nghề báo

Thứ Năm, 25/06/2015, 16:30
Cách đây không lâu, một tổ chức nước ngoài đứng ra nghiên cứu, khảo sát, điều tra… rồi đưa ra kết luận xanh rờn rằng, nghề báo cực nhọc như nghề chăn bò, rồi nghề báo vất vả chỉ sau nghề thợ mỏ khiến nhiều người bật cười. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khiên cưỡng, nhưng có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận: Nghề báo thật sự nguy hiểm và tổn hại sức khỏe.

Hầu như các viên chức sau 8 giờ vàng ngọc ở công sở, họ trở về nhà với cái đầu nhẹ tênh, không gợn chút lo âu cho công việc ngày mai. Họ có thời gian chơi thể thao, đưa gia đình đi mua sắm, ngồi tán gẫu với bạn bè trong quán bia hay phụ giúp công việc gia đình.

Với người làm báo giấy vào thời khắc đó, sự bận rộn bắt đầu và bị đẩy lên tới đỉnh điểm. Cả một guồng máy vận hành với công suất tối đa cho đến nửa đêm để mọi thông tin cần thiết sẽ có mặt trên trang báo sáng hôm sau. Rồi các ngày lễ tết cũng vậy. Lúc thiên hạ rủ nhau vi vu đây đó thì những người làm báo lại phải lăn ra đường, lùng sục những thông tin mới nhất.

Vậy đấy. Nghề báo đã biến bạn thành một người khác, sinh hoạt chẳng giống ai, để rồi làm đảo lộn sinh hoạt của cả gia đình. Tôi thật sự cảm phục những gia đình có vợ hoặc chồng làm báo. Họ chấp nhận hy sinh cá nhân để người kia hoàn thành tốt phận sự của mình, nhẫn nại hết ngày này sang ngày khác và chắc chắn hơn một lần, những kế hoạch trong gia đình bị đổ vỡ.

Bữa cơm tối nguội ngắt vẫn chờ người kia đi làm về được hâm lại nhiều lần trong những ngày đông lạnh giá. Không biết bạn sẽ nghĩ gì về hình ảnh đó, với tôi, đó là một bức tranh đẹp được tạo nên từ tình yêu thương và sự nhẫn nại, trong đó có cả sự hy sinh lặng lẽ của những hậu phương nhà báo.

Minh họa Lê Tâm.

Có lần trò chuyện với một bác sĩ, khi biết tôi là nhà báo, ông lắc đầu cười: hầu như nhà báo nào cũng sinh hoạt… bừa bãi. Bia rượu, cà phê, thuốc lá, trà đặc… đa số các nhà báo đều sử dụng, thậm chí sử dụng rất nhiều.

Tóm lại, nghiện các chất kích thích ở các nhà báo có lẽ là tỉ lệ cao nhất nếu so với cộng đồng. Giờ giấc làm việc đảo lộn, trong khi luôn cần một cái đầu tỉnh táo để tạo nên những bài báo sâu sắc nhất trong thời gian nhanh nhất đã khiến các nhà báo phải dùng đến các chất kích thích này. Và chính họ là người đầu tiên hủy hoại sức khỏe của mình.

Chẳng thế mà các chàng trai, cô gái sinh viên báo chí ra trường mấy năm đầu nhìn tươi tắn, phong độ lắm, nhưng chỉ vài năm sau là biết tay nhau ngay. "Dung nhan" bị tàn phá không thương tiếc và họ chấp nhận điều này như một lẽ đương nhiên.

Chưa hết, ngày làm việc triền miên, đêm lại thức khuya đọc tài liệu; liều lĩnh thâm nhập vào những môi trường ô nhiễm, độc hại; sự đe dọa, trả thù từ một số đối tượng xấu… thật sự trở thành áp lực rất lớn với người làm báo. Và trong "cuộc chiến" đầy cạm bẫy và cám dỗ đó, có nhà báo đã gục ngã.

Còn điều này nữa, mỗi sáng thức dậy, món điểm tâm của một số nhà báo không phải là bát phở thơm ngậy, đĩa trứng ốp la hấp dẫn, mà là những viên thuốc nhỏ xíu để giữ cho huyết áp, nhịp tim được bình thường.

Một thống kê mới đây cho thấy, ở Mỹ, nghề báo chí đang bị xem là một trong những nghề nghiệp tệ nhất, xếp hạng sau nghề rửa bát đến 75 bậc, nghề quản lý xử lý nước thải 57 bậc. Theo trang Career Cast, một trong những trang thông tin nghề nghiệp và việc làm lớn nhất của Mỹ, báo chí đang bị đánh giá là một trong những nghề nghiệp tệ nhất trong bảng xếp hạng 200 nghề nghiệp tốt và tồi tệ nhất nước Mỹ năm 2014. Trong bảng xếp hạng này, nghề làm báo đứng thứ 199/200, chỉ đứng trên nghề khai thác gỗ trong rừng đang đội sổ với thứ hạng 200.

Nói vậy không phải chúng tôi "kể khổ" về công việc thường ngày. Gạt qua mọi bộn bề, âu lo, chúng tôi luôn thấy mình hạnh phúc và may mắn khi dấn thân vào nghề báo. Hơn ai hết, chúng tôi biết làm tròn sứ mệnh của mình để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, sạch sẽ hơn và tình người hơn.

Như đoàn người băng qua đêm tối, trong giá buốt, chúng tôi cần mẫn với từng con chữ vì hiểu rằng, phía trước là bình minh, là những tia nắng ấm áp cho một ngày mới bắt đầu.

Tuấn Nguyễn
.
.
.