“Cuộc chiến giày cao gót” ở Nhật Bản

Chủ Nhật, 09/06/2019, 11:53
Nhiều phụ nữ Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ ban hành lệnh cấm các nhà tuyển dụng buộc phụ nữ phải mang giày cao gót khi đi làm. Những người này cho rằng, buộc phụ nữ đi giày cao gót là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại.


Đi giày cao gót giống như một kiểu buộc chân thời hiện đại

Chiến dịch có tên là “KuToo”, một cách chơi chữ, ghép giữa từ “kutsu” có nghĩa là “giày” với từ “kutsuu” nghĩa là “nỗi đau” trong tiếng Nhật. Chiến dịch do nữ diễn viên, nhà văn tự do Yumi Ishikawa phát động và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trên mạng xã hội.

“Tôi cùng một số phụ nữ Nhật Bản đã đệ trình kiến nghị lên Chính phủ để phản đối quy định của một số công ty buộc phụ nữ đi giày cao gót đến công sở. Đây là một thực tế đang diễn ra gây khó khăn không nhỏ cho phụ nữ. Đi giày cao gót được coi là quy định bắt buộc với phụ nữ khi tìm kiếm việc làm tại nhiều công ty Nhật Bản.

Nhà văn  Yumi Ishikawa, người khởi sướng phong trào “KuToo” ở Nhật Bản.

Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách có quy định cấm chủ lao động buộc phụ nữ phải đi giày cao gót. Buộc phụ nữ đi giày cao gót không khác gì hành vi phân biệt đối xử hoặc quấy rối tình dục đối với phụ nữ”, Yumi Ishikawa nói với phóng viên sau khi gặp các quan chức của Bộ Lao động.

Nữ diễn viên cho biết thêm rằng, một quan chức Chính phủ đã nói thấu hiểu với cuộc đấu tranh của cô và các đồng sự. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, giới chức Nhật Bản nhận được kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Lao động Nhật Bản chưa đưa ra bình luận chính thức.

Trước khi trở thành một chiến dịch kêu gọi có quy mô lớn trên toàn quốc, Ishikawa đã có vài lần lên tiếng về bất lợi khi mang giầy cao gót. Vào hồi đầu năm nay, Ishikawa đã viết trên mạng xã hội phàn nàn về việc các nhân viên khách sạn phải đi giày cao gót di chuyển trong thời gian dài.

“Tôi muốn “KuToo” cũng giống như phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo có sức lan tỏa trên quy mô rộng lớn. Tôi quyết định khởi động chiến dịch khi nhận thấy rằng, rất nhiều người đang phải đối mặt với cùng một vấn đề”, Ishikawa nói.

Các nhà vận động cho biết, đi giày cao gót giống như một kiểu buộc chân thời hiện đại. “Quy định cứng nhắc này cần phải được thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khi làm việc.

Điều này cũng tương tự như quy định về ăn mặc đối với nam giới Nhật Bản khi đến công sở ngày càng được nới lỏng”, một nhà vận động cho hay.

"Cuộc chiến giày cao gót" – Vấn đề không chỉ riêng ai

Ishikawa cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều người đang có sự nhầm lẫn hoặc nhìn nhận chưa đúng về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ. Năm ngoái, một nghị sĩ của đảng cầm quyền Nhật Bản nhận định, phụ nữ nên sinh nhiều con vì những phụ nữ thích sống độc thân sẽ trở thành gánh nặng cho nhà nước sau này.

Được biết, Nhật Bản không phải là quốc gia đầu tiên nhận được các kiến nghị bỏ yêu cầu phụ nữ đi giày cao gót đến công sở. Vào tháng 5-2016, nhân viên tiếp tân Nicola Thorp đã bị Công ty kế toán PwC (Anh) đuổi việc vào ngày đầu tiên đi làm vì đi giày đế bằng. Một kiến nghị đã được hơn 150.000 người Anh ký để ủng hộ Nicola Thorp.

Vụ việc đã khiến giới chức Anh thành lập một ủy ban điều tra về quy định trang phục nơi làm việc. Kết quả điều tra cho thấy, ở nhiều nơi, phụ nữ Anh được yêu cầu phải đi giày cao gót khi làm việc, ngay cả đối với một số công việc mang tính đặc thù như phải leo trèo lên cao, mang hành lý nặng, vận chuyển thức ăn, đồ uống lên xuống cầu thang hoặc đi bộ đường dài. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã từ chối thay đổi luật vì cho rằng, các quy định trong Đạo luật Bình đẳng năm 2010 đã điều chỉnh vấn đề này.

Năm 2017, British Columbia, Canada đã ban hành quy định cấm các công ty buộc nhân viên nữ đi giày cao gót vì cho rằng, hành vi này gây nguy hiểm và phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Gần đây, một hãng hàng không Na uy đã bị chỉ trích nặng nề vì yêu cầu các nữ thành viên phi hành đoàn phải mang theo cảnh báo của bác sĩ nếu muốn đi giày đế bằng. Một số nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, hãng hàng không này đã bị mắc kẹt trong “vũ trụ phân biệt đối xử” với phụ nữ một cách sâu sắc.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.