Cuộc chiến khó có hồi kết

Thứ Ba, 30/06/2020, 04:34
Mẹ chồng, con dâu với con giai, hai người đàn bà với một người đàn ông, nếu lập như quẻ Dịch, hai âm một dương vẫn tạo thành một hào dương. Hào dương thì cương, phù hợp với xung đột, còn đâu tính âm nhu nội liễm của tính âm nữa?


Mỗi khi một gia đình mới được hình thành, thông thường sẽ dẫn đến sự tồn tại cùng lúc của bốn bậc cha mẹ. Gia đình mới nảy sinh những mối quan hệ quan trọng mới: bố chồng- con dâu, bố vợ - con rể, mẹ chồng- nàng dâu, mẹ vợ - chàng rể.

Điều kỳ lạ là, trong bốn mối quan hệ lớn này, chỉ duy nhất mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu là hay được nhắc tới, thường trực gây mâu thuẫn, kéo dài triền miên như khó dứt, mà giá kể có làm một bộ phim truyền hình dài tập dài gấp mười lần bộ "Cô dâu tám tuổi"- bộ phim truyền hình dài 2.196 tập, chiếu trong suốt 8 năm - cũng khó lòng có thể kể hết sự tình. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tận cùng là có gì mà lại đặc sắc đến thế?

Các ông bố thường hiếm khi có mâu thuẫn phổ biến với con dâu, con rể. Điều này đến từ bản năng gốc của giới, đàn ông thường thích chinh phục hơn là chi phối, thích giải quyết vấn đề hơn là than thở bộc lộc cảm xúc, tính dương lại chủ yếu vươn ra ngoài, cho đi. 

Vì thế các ông bố thường không có nhu cầu nhúng tay vào gia đình nhỏ của con cái với cường độ thường xuyên, không ép buộc, áp đặt, lấy đâu ra mâu thuẫn? Chẳng khác nào luôn có lằn ranh tôn trọng, nước sông không phạm nước giếng ở những vấn đề nhỏ nhặt thường ngày.

Ảnh minh họa.

Ngược lại, phụ nữ có bản năng chăm sóc, bao bọc, quan tâm từng li từng tí, đặc biệt với con cái huyết nhục tương liên, sự gắn bó chở che ấy càng mãnh liệt. Sự chăm sóc, tương tác giữa mẹ và con gái tạo nên hoặc là sự đồng cảm, thương xót, sẻ chia, xuất phát từ việc có chung thiên chức về giới, hoặc là sự mâu thuẫn kéo dài do sự khác biệt. 

Còn sự chăm sóc giữa mẹ và con trai lại đi liền với bản năng chiếm hữu. Chiếm hữu sẽ sinh ra nhu cầu chi phối, áp đặt. Với khả năng quan tâm chân tơ kẽ tóc, đủ chuyện lông gà vỏ tỏi, đi kèm với sự uốn nắn áp đặt theo thói quen của mẹ với con trai từ tấm bé, giờ lại có thêm cả với con dâu, thì gia đình bình yên nào cũng sẽ có lúc nổi cơn bình địa. 

Trên đời này, loại xung đột hiển hiện dữ dội lại không đáng sợ bằng dạng xung đột âm thầm tích tiểu thành đại. Chẳng khác nào nước chảy thì đá cũng phải mòn, mỗi ngày từng chút từng chút gặm nhấm như tằm ăn dâu. 

Thế nên xung đột mẹ chồng nàng dâu thoạt nhìn thì có gì đáng nói đâu. Không hài lòng nhau vì một lời nói, một cái váy mặc không đúng mực, một cái tủ giày có vẻ hơi dư thừa, một bữa cơm hình như chưa đạt tiêu chuẩn, một ánh mắt không ra sao.. 

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com). 

Rộng ra là chính là mâu thuẫn vì sự khác biệt thế hệ, khác biệt trong văn hoá sinh hoạt, giao tiếp giữa hai gia đình. Phụ nữ vốn có tính âm, tính âm hay thu liễm vào bên trong, nên khi gặp vấn đề về đời sống, tình cảm, thường khó giải quyết hơn nam giới, mà có xu hướng muốn tâm tình giãi bày cho vơi bớt gánh nặng xúc cảm, với các bà mẹ chồng, còn cộng thêm nhu cầu chi phối.

Thế nên một bà mẹ chồng trong nhà, nhiều khi có khả năng trở thành một cảnh sát trưởng ngày đêm cần mẫn bắt lỗi, cằn nhằn, việc gì cũng nói, chuyện gì cũng kể, cái gì cũng mắng, thực chất cuối cùng cũng là vì muốn dạy lại đứa con dâu mới kia về nền nếp thói quen của gia đình bà, mà thực chất là của bà. 

Hoá ra, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, tất cả bắt nguồn từ sự khác biệt, từ ham muốn chi phối và sở hữu. Nhưng vẫn còn một nguyên nhân nữa: nỗi sợ. Người ta thường chỉ muốn áp đặt, gây nên áp lực về tinh thần, khi người ta sợ. Các bà mẹ chồng sợ gì? Ôi nhiều chứ! 

Sợ đứa con trai dứt ruột đẻ ra kia không được người phụ nữ mới chăm sóc cẩn thận được như bà đã từng. Sợ tiếng nói, tầm ảnh hưởng với con trai không còn là vị trí độc tôn. Sợ tình yêu lớn trong cuộc đời đã được chăm bẵm suốt mấy chục năm lại phải đem chia sẻ. Sợ con trai vì vợ mà lao tâm lao lực không có đời sống yên nhàn mà hưởng thụ như trong vòng tay bà. Đủ mọi nỗi sợ. Trong nỗi sợ còn sinh ra sự so sánh. 

Thời đại về lý lúc nào chẳng hơn thời đại trước, người nay sướng hơn người xưa là cái lý phát triển. Nhưng con dâu sướng hơn mẹ chồng lại là cái gai trong mắt. Mẹ chồng nào mà chẳng từng là con dâu. Mà phận làm dâu vài chục năm trước, há chẳng phải nhiều ràng buộc, quy củ hơn, kinh tế vất vả hơn, đời sống lại chẳng thể bằng hay sao? Sướng hơn mà không làm dâu tốt hơn, thì chẳng phải không được, theo lý lẽ của mỗi bà mẹ chồng, hay sao?

Một cuộc chiến không thể làm thành một cuộc chiến, nếu chỉ có một bên nổ súng. Đối thủ của các bà mẹ chồng, đáng lo ngại thay, lại là các nàng dâu, nhất là các nàng dâu thời đại mới. Về lý âm dương, hai người đàn bà, âm với âm, sẽ tạo ra dương. 

Mẹ chồng, con dâu với con giai, hai người đàn bà với một người đàn ông, nếu lập như quẻ Dịch, hai âm một dương vẫn tạo thành một hào dương. Hào dương thì cương, phù hợp với xung đột, còn đâu tính âm nhu nội liễm của tính âm nữa? 

Nhiều cô dâu ôm nỗi ấm ức trong lòng vì mẹ chồng (ảnh minh họa)

Vì thế mà cuộc chiến khó có hồi kết, đôi bên đều ra sức nước chảy đá mòn, tỉ tê khóc lóc, dậm chân dậm tay, thở ngắn than dài, một anh con giai ở giữa đôi bên đã trở thành mô hình điển hình của mối bi kịch mẹ chồng - nàng dâu. Tuyệt hiếm thấy sự góp mặt thêm của ông bố chồng vào mối quan hệ tay ba khủng hoảng này.

Ngày nay, người ta đề cao bình đẳng, người phụ nữ có vị trí khác hẳn, có sự nghiệp riêng, có thu nhập riêng, các nàng dâu bây giờ không còn chỉ là người đàn bà ru rú góc nhà, hay còn bị ràng buộc bởi đạo tam tòng như thế hệ trước. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vì thế mà càng kịch liệt. 

Không hiếm cuộc mâu thuẫn làm suy yếu, huỷ hoại luôn cuộc hôn nhân của cậu con giai. Chưa kể, câu chuyện khác biệt thế hệ còn được thăng cấp trong cuộc đua chăm sóc thế hệ mới của gia đình. Chuyện nuôi con chăm cháu, cho ăn cho mặc thế nào, phương pháp dạy dỗ ra sao, kiểu truyền thống hay kiểu Tây, kiểu Tàu, kiểu Nhật, kiểu Do Thái.. càng làm mâu thuẫn vốn có thêm phức tạp. 

Sự gắn kết các thế hệ trong một gia đình với mô hình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường ở các nước châu Á, cùng với sự gắn bó đặc biệt giữa mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình khiến cho mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trở nên quen thuộc tới mức người ta mặc định thừa nhận mâu thuẫn ấy như một lẽ thường. 

Coi là lẽ thường đâm ra lại không có tâm lý giải quyết triệt để vấn đề, cùng tôn trọng cùng nhìn lại như những mối quan hệ thông thường khác. Nên mọi sự cứ để đến cho lúc lên ung lên mủ, dằn vặt đủ lâu, dồn nén đủ nặng rồi bùng lên thành xung đột. Những chuyện be bé hằng ngày được lôi ra, gắn cho đủ loại tội, kẹp anh con giai ở giữa trong câu chuyện muôn thuở bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn. 

Tôi cứ băn khoăn mãi, cùng là chữ tình lớn trong đời, yêu thương với vợ, hiếu kính với mẹ, sao phải đem ra để lựa chọn. Bắt đầu từ lúc phải lựa chọn, là lúc cả ba người đều thua cuộc. 

Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, lẽ ra nên là sự tương tác đẹp, biết ơn người đã sinh ra nuôi dưỡng chồng mình, biết ơn người sẽ yêu thương chăm sóc con trai mình, lẽ ra nên là sự yêu thương cảm thông che chở của tính âm, lại trở thành mâu thuẫn muôn đời. 

Có phải hay không là bởi vì yêu không đúng cách, bề trên lo áp đặt, bề dưới lo thiệt thòi, có phải hay không là bởi ta không được dạy và học và cách tôn trọng nhau để gìn giữ một mối quan hệ, có phải hay không là bởi cái tôi cá nhân, sự ích kỷ, và cả nền nếp lề thói đạo đức đang suy yếu dần trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái? Mỗi nàng dâu, liệu có bao giờ tự hỏi, chữ hiếu tại sao lại quan trọng đối với việc làm người, cũng chữ hiếu ấy cần và nên được thể hiện thế nào hay không?

Nhà văn An Hạ
.
.
.