Cuộc đời buồn của người đàn bà sống ẩn khuất dưới chân cầu Long Biên

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:13
Mặc cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông, mặc cái nóng như đổ lửa của mùa hè, bà Lan vẫn ngày ngày vào nội thành nhặt ve chai kiếm sống. Cuộc đời bà là một chuỗi nỗi buồn khi lấy chồng, chồng bỏ, bị người thân đổ oan, uất ức nên đổi sang họ mẹ rồi 3 lần tự vẫn nhưng không thành…


Giữa chốn thủ đô hoa lệ, tưởng chừng như chỉ có cơm ngon áo đẹp nhưng không phải vậy, dưới chân cầu Long Biên vẫn còn những cảnh đời chỉ mong một ngày được ăn no, mặc ấm. Một trong những cảnh đời có mong muốn bé nhỏ đó là bà Chu Thị Lan, năm nay đã bước sang tuổi 75. Khi PV đến thăm, bà Lan còn đang mê mệt sau khi một mình sửa sang lại túp lều chỉ có thể nằm và khom người chứ không thể đứng.

Thấy có khách đến thăm, bà Lan vui mừng vì chả mấy khi bà được trò chuyện cùng ai. Bà Lan tâm sự, năm nay bà đã bước sang tuổi 75. Quê gốc bà ở Hưng Yên nhưng thời gian bà lang bạt khắp nơi còn nhiều hơn sống ở quê. Năm 14 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, bà lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề lượm ve chai.

Năm 17 tuổi, bà tham gia thanh niên xung phong trên Tây Bắc rồi lập gia đình nhưng do không có con nên hai vợ chồng ly dị. 25 tuổi, bà quay lại Hà Nội với nghề lượm ve chai, cũng theo người quen vào Nam tìm việc nhưng rồi tay trắng, bà quyết định trở về Hà Nội. Sau hơn 60 năm lang bạt, bà chọn bãi giữa sông Hồng làm nơi trú chân cuối cùng. Mấy người hàng xóm đã giúp bà dựng một túp lều tạm để lấy chỗ chui ra chui vào.

Bà Lan đau đớn kể về cuộc đời mình.

Túp lều chỉ rộng chừng 3m2, nằm ngay ven sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên. Ban ngày, bà đi bộ hàng chục kilômét vào nội thành để lượm ve chai; tối đêm hẳn, bà mới lầm lũi trở về. Mấy hôm nay bà tạm nghỉ công việc nhặt ve chai để ở nhà nâng nền "nhà". "Những năm trước, ban ngày tôi nghỉ ở lều này nhưng từ năm ngoái đến năm nay, mùa đông thì lạnh quá, mùa hè thì nóng quá nên tôi quyết định về ở hẳn đây. Ban ngày tôi tốc hết bạt lên, gió sông thổi vào mát lồng lộng còn mùa đông tôi lại kéo bạt xuống, che kín cả lều nên cũng không lạnh quá".

Theo chia sẻ của bà Lan, với công việc lượm ve chai, trung bình thu thập của bà chỉ 25.000-30.000 đồng/ngày, những hôm ốm yếu, bà buộc phải ở nhà nghỉ, không có tiền nên đành ăn uống qua bữa. "Ban ngày tôi ăn cháo, tối đến mới nấu cơm. Ăn cháo mát mà lại đỡ tốn gạo", bà Lan tâm sự. Hằng ngày, bên cạnh việc lượm ve chai, thấy có tấm ván hay chiếc cọc nào bỏ đi, bà đều xin hoặc nhặt về để tu sửa lều. Mỗi ngày một chút, dần dần nó cũng được gia cố hơn so với trước đây.

Vừa trò chuyện với PV, bà Lan vừa ho khù khụ, bà bảo mới đây mà mắc thêm chứng viêm phế quản, cộng với 2 căn bệnh cũ là yếu tim và dạ dày nên trong người rất khó chịu. Mỗi khi ho, hắt hơi là bà đau quặn người.

"Mới đây, có mấy cô sinh viên đến thăm tôi, cho tôi phiếu khám chữa bệnh miễn phí ở bệnh viện tim nên tôi cũng đỡ hơn nhiều rồi, nay chỉ còn bệnh dạ dày và phế quản là nặng thôi. Khi tôi vào thành phố nhặt ve chai, mấy người cứ hay hỏi tôi con cháu đâu mà để tôi lang thang, ốm dặt dẹo khổ sở thế này thì tôi chỉ biết im lặng, nói cảm ơn vì đã hỏi thăm rồi quay đi.

Nói ra thì dài lắm cô ạ. Bố mẹ tôi sinh được tôi và anh trai. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng hai. Rồi anh trai cũng mất sớm, tôi lấy chồng nhưng vợ chồng cũng không sống được với nhau lâu. Tôi về ở với chị dâu và các cháu nhưng em chồng- chị dâu có xuất hiện nhiều mâu thuẫn, sợ các cháu khó xử, một bên là mẹ, một bên là cô nên tôi bỏ nhà đi.

Thời gian trôi nhanh, giờ tôi đã ở dốc bên kia của cuộc đời rồi nhưng cũng không được sống thanh thản. Chuyện là những năm trước, tôi sống lang thang, được người ta đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng trong đó sống gò bó, tôi lại bị bệnh tim, hít phải khói thuốc trong đó nhiều quá nên có những lúc tôi không thở được. Tôi xin được ra ngoài ở, cháu trai đồng ý bảo lãnh cho tôi ra ngoài nhưng chị dâu và vợ nó không muốn. Họ sợ tôi ra ngoài lại ăn bám, ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Cuối cùng, tôi nhờ đến chính quyền địa phương, họ bảo lãnh cho tôi ra ngoài.

Khi tôi về, bà con làng xóm cũng thương tôi một thân một mình, hỏi han tôi này nọ nhưng người nhà thì tuyệt nhiên không, họ xua đuổi tôi, coi tôi như người ngoài. Cháu trai tôi lúc này bị dân làng, dư luận dèm pha rằng là chỉ có một bà cô chứ không nhiều nhặn gì mà không bảo lãnh được, không chăm sóc được, rằng là bố chết rồi, cô ruột là máu mủ mà lại để vợ, mẹ đối xử như vậy, không bằng người dưng nước lã, rằng cháu trai không nuôi được mà phải để cháu rể đón về nhà chăm sóc,…

Dư luận quá nhiều, thằng cháu tôi chắc không chịu nổi nên treo cổ tự tử. Khi người nhà phát hiện, đỡ nó xuống thì trong người nó rơi ra một bức thư tuyệt mệnh. Vợ nó giằng ngay đút vào túi áo rồi 3 ngày sau đem ra đọc trước toàn thể họ hàng.

Nội dung bức thư đổ hết tội cho tôi rằng vì tôi mà cháu tôi mới chọn con đường chết. Sau đó chị dâu tôi chửi tôi, nói rằng vì tôi nên con bà ấy mới chết. Cháu dâu tôi chửi tôi là vì tôi nên chồng nó mới chết. Cháu gọi tôi bằng bà thì nói rằng tại tôi mà chúng nó mất bố. Nhưng tôi cho rằng bức thư trên là hoàn toàn bịa đặt, không phải do cháu tôi để lại. Tại sao ngay lúc phát hiện bức thư, nó không đọc ngay hay nói ra với ai, đưa cho ai mà đến tận 3 ngày sau mới đọc", bà Lan kể.

Bà Lan trong căn lều.

Như hiểu được nỗi oan của bà Lan, hàng xóm cũng động viên, chia sẻ nhưng lòng bà thì mãi chưa nguôi ngoai. "Tôi thấy oan ức quá, tôi tự tử 3 lần nhưng có lẽ ông trời chưa cho tôi chết, diêm vương chưa nhận nên tôi lại được người ta đến ứng cứu. Những lúc đó, biết mình lại được cứu sống lại, tôi thấy cuộc đời sao quá trái ngang, sống đau khổ thì thà chết đi còn hơn. Tôi bỏ nhà đi lang thang kiếm sống cho đến tận bây giờ và có lẽ sẽ sống như vậy tới lúc chết…", bà Lan rớm nước mắt kể chuyện đời mình.

Sống lang thang giữa thành phố hoa lệ, bà Lan chỉ biết đứng từ xa nhìn những quán ăn ngon, nhìn những cốc nước mát bốc hơi đá mát rượi, hít hà mùi thức ăn từ xa chứ chẳng bao giờ dám đến gần. "Tôi chỉ ước có rau, cháo ăn qua ngày là đủ rồi. Mới đây, tôi bị mất sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tôi về lại quê Hưng Yên để làm lại.

Vừa về đến nhà, bà chị dâu tôi đã chửi rằng "Mày về đây làm gì, nhìn mày tao lại nhớ con tao, vì mày mà con tao mới chết, cháu dâu lại chửi tôi… Tôi nói với họ rằng tôi về làm lại chứng minh nhân dân chứ không ăn bám hay xin xỏ đồng nào của ai… Lại bị họ chửi bới, tôi hét to, đã thế tôi cũng chẳng cần làm chứng minh nhân dân nữa, tôi sẽ không bao giờ về đây nữa, tôi căm hận tất cả", bà Lan nói.

Lại lang thang lếch thếch lên bãi giữa sông Hồng, người ta thấy bà chạy ra giữa bãi sống, ngửa mặt lên trời mà than khóc, mà gào thét. Cũng kể từ hôm đó, bà bỏ tên cũng cơm Phạm Thị Lan mà đổi sang lấy họ của mẹ là Chu Thị Lan.

"Một thời gian dài, tôi đã lấy lại được tinh thần, bình tĩnh hơn để sống. Tôi cứ kiếm ve chai bán lấy tiền mua gạo, mắm, muối như thế. Tôi cũng trồng rau trước lều để hàng ngày hái luộc ăn qua bữa… Tôi nghĩ tôi cứ sống thế này thôi, có lẽ khi tôi chết nhà nước cũng sẽ cho tôi cỗ quan tài. Nhiều người hỏi tôi có muốn vào lại trung tâm bảo trợ xã hội không nhưng tôi bảo rằng cảm ơn lòng tốt của họ, nhưng tôi chắc chẳng sống được là bao, tôi muốn sống ở đây hơn… Xã hội vẫn còn nhiều người tốt với tôi, thi thoảng có người cho tôi gạo, cho tôi mỳ, cháo, cho cái búa, nắm đinh để kiên cố túp lều,…

Giờ nghĩ lại tất cả mọi chuyện đã qua, tôi thấy buồn lắm, ngày lễ tết đối với tôi cũng như bình thường thôi. Đời tôi giờ như cây lục bình kia, cứ trôi theo chiều gió mà thôi, khi nào nó tấp vào bờ thì chắc tôi cũng không còn trên cõi đời….", bà Lan khóc, nhìn ra mặt sông Hồng đang cuồn cuộn chảy và cây lục bình bị sóng đánh dập, gần như đã tả tơi…

Hải Miên
.
.
.