Cuộc sống đầy nước mắt của những Waria ở Indonesia

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:00
Waria (được tạo thành từ sự kết hợp giữa "wanita" (phụ nữ) và "pria" (đàn ông) trong tiếng Indonesia) là thuật ngữ được sử dụng để nói về cộng đồng người chuyển giới ở Indonesia.

Cuộc sống của những Waria phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự kỳ thị rất lớn của cộng đồng. Đa số người dân cho rằng, sự xuất hiện của Waria là một điều xấu xa, không thể chấp nhận trong xã hội.

Thạc sĩ luật đầu tiên của cộng đồng Waria

Mama Yuli là phụ nữ chuyển giới khá nổi tiếng ở Indonesia. Cô là người đứng đầu một tổ chức nhân quyền bảo vệ phụ nữ chuyển giới. Với khuôn mặt được trang điểm kỹ lưỡng, son môi đỏ và đeo mi giả, Mama Yuli kể lại câu chuyện về cuộc đời mình.

Mama Yuli, tên đầy đủ là Yulianus Rettoblaut được sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng xa xôi trên đảo Papua, phía đông Indonesia.

Mama Yuli (giữa) là thạc sĩ luật đầu tiên của cộng đồng Waria ở Indonesia.

"Năm 11 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy cô độc vì những cảm xúc không giống ai. Tôi bị thu hút bởi người đồng giới. Tôi luôn tự hỏi: đây là cảm giác gì hay là tôi mắc bệnh?. Ở Papua, không có khái niệm chuyển giới hay đồng tính.

Khi tôi 18 tuổi, một người bạn chuyển giới ở trường đại học đã đưa tôi đến Jakarta. Tôi nhận ra rằng, có một thế giới khác đang tồn tại. Ở đây, tôi tự do mặc quần áo đẹp và trang điểm để thu hút các chàng trai", Mama Yuli nói.

Mama Yuli cho biết thêm, một trong những lý do khiến bố mẹ cô buồn chán, sinh bệnh rồi chết là do thất vọng vì cô. Khi cô về nhà dự tang lễ của bố, anh trai cô - một nhân viên cảnh sát đã gí súng vào đầu đe dọa sẽ giết chết cô.

"Anh ấy nói rằng, tôi là sự sỉ nhục với gia đình. Mọi người định cạo trọc đầu tôi nhưng may mắn, tôi đã trốn thoát. Tôi nghĩ rằng, cần phải chứng minh cho mọi người thấy, tôi không phải là người vô ích", Mama Yuli nói.

Bây giờ, Mama Yuli là Waria đầu tiên ở Indonesia có bằng thạc sĩ luật. Và là người sáng lập nhà dưỡng lão cho người chuyển giới đầu tiên ở Indonesia. Mama Yuli đã tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Waria" hàng năm.

"Cuộc thi Hoa hậu Waria là sự nỗ lực rất lớn của chúng tôi. Vài năm trước, cuộc thi được tổ chức khá rầm rộ nhưng gần đây bị cảnh sát "hỏi thăm" nên phải tổ chức bí mật", Mama Yuli cho biết.

Điểm "kết thúc" của hầu hết Waria là gái mại dâm

Mama Yuli nói rằng, Waria phải đối mặt với nhiều cám dỗ trong cuộc sống. Nhiều người chuyển giới bị gia đình từ chối. Trong một xã hội Hồi giáo như Indonesia, những Waria bị khinh thường, thậm chí bị tấn công bởi những người đàn ông khác.

Hầu hết, điểm "kết thúc" của Waria là gái mại dâm. Mama Yuli nói rằng, cô không đủ xinh đẹp để trở thành một gái mại dâm. Thay vào đó, cô trở thành người bảo vệ họ.

Irna, một phụ nữ chuyển giới nói rằng, phẫu thuật chuyển giới quá đắt đối với hầu hết Waria. Để tiết kiệm, một số người chỉ tiến hành phẫu thuật chuyển đổi "phần trên", thậm chí là chưa qua phẫu thuật, vẫn giữ nguyên cơ thể của một người đàn ông. Nhiều người tiến hành đặt silicon dưới da để tạo ngực.

"Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với bạo lực. Có lần, tôi bị một nhóm đàn ông bắt, lột quần áo, đánh đập và dùng dao rạch mặt. Trong khi tấn công tôi, nhóm thanh niên hô to "Allahu Akbar". Tìm kiếm bạn đời cho riêng mình có lẽ vẫn là ước mơ quá xa xỉ đối với những Waria như chúng tôi", Irna chia sẻ.

Để đảm bảo sự an toàn cho bản thân cũng như tìm sự đồng cảm từ những người cùng cảnh ngộ, không ít người chuyển giới chuyển đến sống trong một cộng đồng dành riêng cho họ thuộc tỉnh Yogyakarta, đảo Java.

Tại đây, Waria có thể theo học tại một ngôi trường Hồi giáo dành cho người chuyển giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ngôi trường này đã buộc phải đóng cửa vào năm ngoái.

Thái độ của cộng đồng ở Indonesia với các Waria rất khắc nghiệt. Nhiều người kêu gọi ban bố lệnh cấm những người thuộc nhóm LGBT (những người đồng tính nam (gay), đồng tính nữ (lesbian), song tính (bi sexual), chuyển giới (transgender)) đến trường vì cho rằng, họ đi ngược lại những giá trị truyền thống.

Nhiều chính trị gia nước này còn kêu gọi, nên coi những người thuộc cộng đồng LGBT là vi phạm pháp luật và đề xuất chủ trương đưa các Waria đi chữa trị như người mắc bệnh.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.