Cuộc sống đầy thách thức của những người Rohingya tị nạn ở Malaysia

Chủ Nhật, 22/09/2019, 14:56
Mohamudul Hasson và Tobarik Huson, hai người Rohingya đến từ Myanmar, gặp nhau ở Malaysia sau khi trải qua cuộc hành trình đầy gian khổ. Mohamudul Hasson, Tobarik Huson cùng nhiều người tị nạn trẻ tuổi khác đang nỗ lực để xây dựng cuộc sống mới ở Malaysia.


Những cuộc hành trình nguy hiểm

Vào buổi tối, trong khu nhà ở quận Batu Cave, bang Selangor, Malaysia, những người tị nạn Rohingya tụ tập ngoài trời, cùng trò chuyện, xem phim Bollywood qua chiếc tivi nhỏ. Gần đó, một số nam thanh niên trẻ tuổi chơi sepak takraw - một loại bóng chuyền phổ biến ở Đông Nam Á.

Cuộc sống khá sôi động vào dịp cuối tuần. Các gia đình tị nạn người Malay, Indonesia và người Rohingya sống ở đây. Một số phòng có diện tích nhỏ dành cho đàn ông độc thân có giá khoảng 118 USD/tháng.

Tobarik Huson và Mohamudul Hasson trở thành những người bạn tốt khi cùng sống ở quận Batu Cave, Malaysia.

Khu nhà là nơi Mohamudul Hasson và Tobarik Huson gặp nhau lần đầu và trở thành bạn bè. Cả hai đều là người Rohingya, nhóm thiểu số Hồi giáo không quốc tịch ở bang Rakhine, Myanmar nhưng đến Malaysia để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.

Mohamudul kể lại, năm 2015, khi mới 15 tuổi, anh rời trại tị nạn Nayapara ở Bangladesh nơi anh sinh ra, đến Malaysia mà không nói với bố mẹ. "Gia đình tôi có 5 anh em, tôi là con cả. Tôi biết, bố mẹ không muốn tôi đến một đất nước khác và tiếp tục phải chịu đựng đau khổ thêm lần nữa", Muhamudul nói. Đầu những năm 1990, trong một cuộc di cư của hơn 250.000 người, cha mẹ Muhamudul đã trốn sang Bangladesh từ bang Rakhine.

"Cuộc sống ở Nayapara khiến tôi luôn cảm thấy bế tắc. Không ai được phép bày tỏ cảm xúc của mình. Tôi không được phép làm bất cứ điều gì. Tôi nghĩ phải tìm kiếm lối thoát. Tôi đã nói chuyện với những người bạn ở Malaysia và quyết định phải đến đó", Mohamudul nói tiếp.

Mohamudul Hasson và những người tị nạn Rohingya chơi sepak takraw sau một ngày làm việc căng thẳng.

Vào tháng 2-2015, Muhamudul đã lên một chiếc thuyền của những kẻ buôn người ở Teknaf, Bangladesh. Theo kế hoạch, Muhamudul sẽ được đưa di chuyển qua biển Andaman, qua Thái Lan đến Malaysia trong vài ngày. Tuy nhiên, cuộc hành trình bị gián đoạn khi vào thời điểm đó, Chính quyền Thái Lan tiến hành trấn áp các mạng lưới buôn người nên chiếc thuyền không thể cập bến.

Hai tháng sau khi rời Nayapara, Muhamudul gọi cuộc gọi đầu tiên về gia đình qua điện thoại của một tay buôn người. Muhamudul nhờ mẹ trả khoản tiền 1.400 USD để có thể tiếp tục cuộc hành trình, bằng không, anh có thể bị đánh đập hoặc buộc lao động cưỡng bức.

Anh hứa sẽ trả lại tiền cho gia đình ngay sau khi tìm được việc làm ở Malaysia. Nhưng sau đó, cuộc hành trình vẫn không thể diễn ra theo kế hoạch. Một số quốc gia Đông Nam Á từ chối cho thuyền cập bến. Một cuộc chiến đã nổ ra và chiếc thuyền của Muhamudul bị chìm ngoài khơi, gần khu vực Aceh, Indonesia.

Trong 9 tháng, Muhamudul sống trong một trại tị nạn ở thành phố Langsa, Aceh. Anh sử dụng vốn tiếng Anh của mình để tìm việc làm phiên dịch cho nhân viên bệnh viện địa phương với người tị nạn Rohingya cần điều trị y tế.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ không bao giờ từ bỏ ý định đặt chân đến Malaysia. Cuối cùng, một kẻ buôn người khác đã đưa Muhamudul đến Malaysia bằng thuyền vào tháng 2/2016. Cuộc hành trình này khiến Muhamudul nợ thêm khoản tiền 475 USD.

Vào năm 2013, Tobarik Huson trốn khỏi bang Rakhine, Myanmar khi thị trấn Buthidaung bị thiêu rụi trong cuộc đụng độ dữ dội giữa người Hồi giáo Rohingya và các nhóm người thuộc dân tộc khác. Tobarik cùng em gái trốn chạy, trong khi cha mẹ và bảy anh chị em khác vẫn ở lại quê hương.

Giờ đây, ở tuổi 19 tuổi, Tobarik vẫn nhớ như in tình hình hỗn loạn xảy ra 6 năm về trước. "Hai anh em tôi đã bị tách khỏi gia đình. Trên đường đến Maungdaw, một thị trấn khác ở bang Rakhine, chúng tôi nhìn thấy một chiếc thuyền và lên đó để đến Malaysia", Tobarik kể lại.

Không giống như Mohamudul, Tobarik bị bắt khi vừa di chuyển qua biên giới Thái Lan trong một chiếc xe chở 10-15 người khác. Anh bị kết án ba tháng tù vì vào Malaysia bất hợp pháp. Sau đó, Tobarik bị giam giữ tại một trung tâm giam giữ người nhập cư hai năm, chờ UNHCR xác minh họ là người tị nạn.

Khát vọng vươn lên

Lần đầu tiên đến Malaysia, Mohamudul làm công việc đóng gói và giao cá tại một khu chợ ở thị trấn cảng Klang. Anh ở chung phòng với ba người Rohingya khác. Sau đó, anh chuyển đến sống tại Batu Cave. Mohamudul cùng một vài người bạn quyết định thành lập một trường học không chính thức cho trẻ em Rohingya. Từ năm 2016, Mohamudul làm việc cho Quỹ Geutanyoe, một tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ người tị nạn.

Người Rohingya tị nạn ở Malaysia vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Mohamudul hiện phụ trách dự án xóa mù chữ dành cho phụ nữ tị nạn của Geutanyoe. Với sự nỗ lực của bản thân, chàng trai trẻ đã kiếm đủ tiền để trả hết nợ vào năm 2017. Mohamudul cho biết, anh đã có người yêu. Đó là một cô gái tị nạn Rohingya. Hai người cũng đã có kế hoạch kết hôn vào thời gian tới.

Không lâu sau khi được trả tự do vào năm 2015, Tobarik bắt đầu làm việc tại một tiệm rửa xe với mức lương 286 USD/tháng. "Khi nhận được tiền lương tháng đầu tiên, tôi đã mua một chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình. Bố mẹ tôi đã khóc vì chúng tôi đã mất liên lạc gần ba năm. Bố mẹ nghĩ anh em tôi đã chết. Gia đình tôi hiện vẫn ở bang Rakhine. Em gái không còn sống với tôi sau khi kết hôn vào năm 2017", Tobarik nói.

"Cuộc sống của người Rohingya vẫn gặp nhiều khó khăn. Họ dễ bị lợi dụng. Ví dụ, nhiều người làm việc không được trả lương chẳng hạn", Mohamudul nói. Không nhiều thanh niên tị nạn được tiếp cận hệ thống giáo dục trung học và đại học. Theo thống kê, có hơn 120 trung tâm học tập không chính thức ở Malaysia, nhưng chỉ có khoảng 25 trung tâm cung cấp giáo dục trung học và chỉ có khoảng 60 thanh niên tị nạn hiện đang theo học chương trình giáo dục đại học.

"Mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ đều không an toàn"

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), sau Bangladesh, Malaysia là nơi có số lượng người tị nạn Myanmar lớn nhất. Hầu hết trong số họ là người Rohingya. Người Rohingya cũng là nhóm tị nạn lớn nhất ở Malaysia với khoảng 97.650 trong tổng số 178.010 người xin tị nạn ở nước này.

Theo ông Yante Ismail, người phát ngôn của UNHCR tại Malaysia cho biết, cuộc sống của người tị nạn ở Malaysia vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo luật pháp Malaysia, những người tị nạn bị coi là nhập cư bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là nếu bị cảnh sát bắt, họ có nguy cơ bị giam giữ. Họ ít có cơ hội tìm kiếm công việc hợp pháp và con cái khó tiếp cận hệ thống giáo dục công. "Mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ đều không an toàn và không thể đoán trước", ông Yante Ismail nói.

Thông thường, UNHCR sẽ tiến hành xác minh tình trạng của người tị nạn và cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận này không cung cấp quyền lợi pháp lý cho người tị nạn vì Malaysia không có luật tị nạn nhưng cũng có tác dụng nhất định.

"Trong những năm qua, chúng tôi đã làm việc với chính phủ Malaysia đảm bảo cho người được UNHCR cấp giấy chứng nhận có một quyền lợi nhất định. Chẳng hạn như được giảm 50% giá dịch vụ khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện công. Nếu bị cảnh sát bắt giữ, chúng tôi có thể giúp họ được tự do. Bên cạnh đó, người tị nạn cũng có thể tiếp cận các cơ hội làm việc và học tập không chính thức với các nhà tuyển dụng tư nhân và các trung tâm học tập không chính thức", ông Yante Ismail nói.

Mohamudul cho biết, anh hy vọng Malaysia sẽ có những thay đổi để những người tị nạn như anh được tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội. "Ba điều chúng tôi cần là tài liệu, giáo dục và quyền làm việc. Nếu không có những điều đó, chúng tôi sẽ tồn tại ra sao", Mohamudul nói. Mohamudul chỉ muốn có thể làm những việc mà người bình thường làm. "Tôi muốn lái xe. Tôi muốn có doanh nghiệp của riêng mình. Tôi muốn những đứa con của mình trong tương lai có cơ hội được học tập đầy đủ", Mohamudul nói nói tiếp.

T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.