Cuộc sống hạnh phúc của cô gái trẻ với người chồng bại liệt và mẹ chồng mù lòa

Thứ Tư, 15/07/2015, 15:35
Câu chuyện tình yêu cảm động tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích nhưng câu chuyện đó là một câu chuyện có thực. Người phụ nữ đã vượt lên chính mình, vượt qua những định kiến của xã hội, những ngăn cản cấm đoán của gia đình để kết hôn với một người đàn ông nghèo khó lại tật nguyền và viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Yêu thương bất chấp hoàn cảnh

Anh Phạm Châu (SN 1990, ở phường Minh Hòa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị liệt nửa người vì một tai nạn giao thông khi chỉ mới 21 tuổi. Sống trong một căn nhà nhỏ tồi tàn cùng người mẹ già mù lòa và người vợ trẻ nhưng anh vẫn không cảm thấy bi quan hay buồn chán bởi tình yêu vĩ đại mà người vợ trẻ đã dành cho mình.

Mẹ anh Châu bị mù bẩm sinh nên bà đã phải chấp nhận cuộc sống cô độc trong suốt cuộc đời. Năm 30 tuổi, bà quyết định xin một người đàn ông một đứa con để nuôi và nương tựa khi về già và anh Châu đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Biết là cuộc sống quá khó khăn, lại mù lòa, nhưng mẹ anh cũng như những người phụ nữ khác vẫn khao khát được làm mẹ, khao khát được nâng niu bế ẵm đứa con của mình. Mặc dù rất nhiều người đã tỏ ra ái ngại với hoàn cảnh của bà nhưng bà vẫn quyết định sinh ra anh. Anh Châu là niềm vui và sự động viên duy nhất của bà. Hằng ngày, bà nuôi dạy anh Châu khôn lớn bằng tiền công ít ỏi của một người làm công tại trung tâm massage dành cho người mù. Cuộc sống khó khăn nhưng vẫn đẫm tình cảm của hai mẹ con anh Châu khiến nhiều người hàng xóm cảm động. Nỗi lo của mẹ anh Châu không phải là nỗi lo cơm áo gạo tiền, mà bà lo con trai sẽ bị mù giống mình, nhưng thật may mắn là điều đó đã không xảy ra.

Cũng như tất cả những bạn bè cùng trang lứa, anh Châu được mẹ cho đến trường. Mặc dù được sinh ra trong một hoàn cảnh không bình thường nhưng anh Châu đã rất nỗ lực vượt qua. Không được ăn ngon mặc đẹp như các bạn nhưng anh Châu vẫn luôn cố gắng để không phụ công nuôi dưỡng của mẹ. 

Niềm vui lớn nhất anh mang lại cho mẹ đó là thành tích học tập của mình. Ước mơ lớn nhất của anh là học giỏi để sau này trở thành bác sỹ chữa mắt cho mẹ. Uớc mơ đó tuy giản dị nhưng thật khó khăn đối với anh bởi mẹ anh sức khỏe ngày càng yếu, số tiền kiếm được không đủ để anh Châu tiếp tục được đến trường. Nghĩ thương mẹ nên anh quyết định gác lại ước mơ của mình để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ. Mẹ anh thương con chỉ biết ngồi chấm nước mắt bởi bà biết bà không thể làm gì để có thể giúp được cho con. 

Vợ chồng anh Phạm Châu - chị Lê Thị Trang.

Hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng anh Châu chưa bao giờ trách mẹ, anh thương mẹ anh hơn tất cả mọi thứ trên đời. Vì tuổi còn nhỏ, lại không có bằng cấp gì nên anh Châu gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc làm. Cuối cùng anh Châu cũng đã tìm được một công việc ở chợ gần nhà. Hằng ngày, anh đi quét dọn quanh khu chợ kiếm tiền công về nuôi mẹ. 

Cuộc chiến cơm áo gạo tiền đã cuốn anh đi khiến anh chẳng còn thời gian để buồn, để nghĩ về số phận của mình. Anh chỉ luôn nghĩ đến một điều là làm và làm. Khi nhận được tiền công, anh vui mừng khôn tả bởi anh sẽ mua cho mẹ được miếng ăn ngon hơn và no hơn, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh rồi. Nhìn thấy mẹ ăn ngon, mẹ cười mãn nguyện vì con trai đã khiến anh Châu có thêm động lực để sống, để làm việc, cho dù công việc có khó khăn vất vả đến đâu. 

Anh Châu không thể nhớ hết mình đã làm những công việc gì, anh chỉ biết rằng công việc mình làm không phạm pháp là được. Niềm vui của anh là được mua cho mẹ những món ăn ngon và anh được nhìn thấy nụ cười của mẹ, như thế đã quá đủ cho sự tồn tại của anh.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuộc sống dường như đã quá bất công đối với mẹ con anh Châu. Chiều 30 tháng 11 năm 2010, sau khi vừa nhận được 200 nghìn đồng tiền công từ nhà chủ, anh Châu vui mừng nghĩ đến việc đi chợ mua đồ ngon về nấu cho mẹ ăn nhưng tai họa đã ập đến. Anh bất ngờ bị tai nạn giao thông. 

Khi tỉnh dậy thì anh đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện, toàn thân bất động, ê ẩm, nhức nhối. Anh không nghĩ được gì nữa, chỉ nghĩ đến việc mình bị tàn phế thì mẹ anh sẽ sống sao. Không làm được gì, anh Châu chỉ nằm khóc và cầu xin bác sỹ chữa cho mình khỏi bệnh để còn lo cho mẹ già mù lòa. Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn, tiền nong không có để ăn chứ chưa nói đến tiền chữa bệnh.

Hạnh phúc bất ngờ

Trong lúc khốn khó nhất thì hạnh phúc đã đến và mỉm cười với anh. Chị Lê Thị Trang, người phụ nữ đã tình nguyện ở bên cạnh anh chăm sóc và lo cho mẹ con anh. Bệnh tình nặng rồi cũng qua nhưng đã để lại di chứng đó là anh bị liệt nửa người. Anh Châu càng đau buồn bởi sống mà liệt nửa người thì thà chết còn hơn. Anh đau buồn chỉ biết khóc và chị Trang đã đến bên anh, động viên anh để anh có được niềm tin và động lực để sống.

Chị Trang là con gái lớn trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi chị mới 10 tuổi thì cha chị đã bỏ nhà đi, để lại cho mẹ chị đàn con nheo nhóc. Gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên đôi vai của mẹ. Một mình mẹ chị phải gồng mình để nuôi dạy đàn con khôn lớn. 

Trong ký ức, chị vẫn còn nhớ rõ, nhiều tuần liền, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng cũng không được no bụng. Tuổi thơ của chị là những ngày ăn không được no chứ không nói đến ăn ngon và chị luôn mong ước có một ngày cả nhà được ăn ba bữa thật no. Gia cảnh khó khăn thiếu thốn nên chị Trang đã phải lặn lội tìm việc giúp đỡ mẹ nuôi các em. 

Khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi mà được mơ mộng làm đẹp, làm duyên thì chị lại phải chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Đà Nẵng để làm công nhân may. Với đồng lương ít ỏi nhưng công việc ổn định đã giúp gia đình chị vơi đi được phần nào nỗi khổ về kinh tế. Cũng vì cái duyên của số phận mà chị Trang đã gặp và đến với anh Châu khi đặt chân đến Đà Nẵng. 

Chị Trang đã tìm đến gia đình anh Châu xin được ở trọ và từ đó họ quen nhau, chuyện trò rồi thân nhau, chia sẻ cho nhau những câu chuyện đời sống thường ngày rồi họ đã có cảm tình với nhau lúc nào không hay. 

Chị Trang kể lại rằng: “Thuở ấy anh đen và già trước tuổi. Anh giả vờ sinh năm 1985, cũng chẳng ai nghi ngờ. Nhóm bạn gán ghép tôi và anh thành một cặp. Nhưng cả hai chỉ xem nhau là bạn, không có tình ý gì”. 

Lúc anh bị tai nạn, chị về quê thăm gia đình. Ba hôm sau, chị được một người em cùng cha khác mẹ của anh Châu gọi điện thông báo sự việc. Chị bắt xe đến bệnh viện thăm. Lúc ấy, trên cơ thể anh vẫn bình thường, chỉ có một chút xây xát nhẹ ở mặt. Chị không thể ngờ, về sau anh lại bị nặng, phải nằm liệt một chỗ.

Chứng kiến cảnh gia đình anh Châu, mẹ thì mù lòa nên không thể chăm sóc cho con trai nên chị Trang tình nguyện đem hết tình cảm của mình để giúp đỡ anh. Lúc đầu chị Trang là người ở lại bệnh viện để chăm sóc giúp đỡ anh nhưng anh nhất định không đồng ý, bởi anh nghĩ rằng mình sẽ làm khổ chị Trang. Chị Trang thì cứ một mực đòi chăm sóc anh và không còn cách nào khác là anh phải đồng ý. Số tiền chữa trị cho bệnh tình của anh Châu rất lớn nên mẹ anh đã quyết định thế chấp tài sản lớn nhất đó là căn nhà để lấy tiền chữa bệnh cho anh. 

Sau khi ra viện, chị Trang theo về nhà anh để chăm sóc cho anh. Chị vừa trở thành đôi chân, đôi tay của anh Châu, vừa là đôi mắt của mẹ anh, nhưng chị vẫn giấu mọi chuyện với gia đình chị. Suốt 2 năm trời sống và chăm sóc cho mẹ con anh Châu, chị Trang đã nhận phải những lời bàn ra tán vào, rồi những lời độc địa của nhiều người xung quanh, nhưng không vì thế mà chị đầu hàng, chị không bao giờ nghĩ đến việc rời xa mẹ con anh Châu.

Thời gian trôi đi, những lời bàn ra tán vào cũng theo thời gian trôi đi, chị Trang và anh Châu đã gắn bó với nhau như tay với chân. Chị Trang quyết định vượt qua mọi rào cản để xin được kết hôn với anh Châu nhưng nhất định anh Châu không đồng ý. Anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho chị, anh phản ứng rất dữ dội với mong muốn chị tự ái mà bỏ đi. 

Nhưng anh càng phản ứng, chị càng cố gắng thuyết phục và cuối cùng thì anh Châu cũng đã đồng ý. Thuyết phục anh Châu đã khó, thuyết phục gia đình mình lại càng khó hơn gấp bội. Mẹ và các em không ai có thể tin được chị lại chọn con đường khó khăn đến vậy. Mẹ chị còn quỳ xuống chân chị khóc lóc van xin chị hãy từ bỏ ý định điên rồ ấy đi vì mẹ chị quá thương chị, muốn chị tìm được nơi hạnh phúc, nhưng chị nhất định không chịu từ bỏ. 

Hơn nửa năm trời chị Trang phải sống trong cảnh dằn vặt vì bị người thân xa lánh. Chị chịu đựng tất cả chỉ vì tình cảm chân thành dành cho anh Châu. Ngăn cản không được, cuối cùng mẹ chị cũng phải đồng ý để cho con gái bước vào “bụi rậm” và một đám cưới đơn giản đã được diễn ra trước sự chứng kiến của người thân. Đám cưới không có hoa, không váy áo cô dâu hay veston của chú rể, cũng chẳng có chụp hình, quay phim hay lễ rước dâu, thế nhưng đó lại là ngày hạnh phúc nhất của hai anh chị.

Cuộc sống vẫn cứ phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chị Trang luôn mãn nguyện vì chị thấy mình thật hạnh phúc. Chị vừa là đôi mắt của mẹ, vừa là đôi chân của chồng nên chị thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Chị tận tình chăm sóc anh, lo cho mẹ anh từng miếng cơm giấc ngủ và chị đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu của cuộc đời trong suốt bốn năm qua.

Phương Anh
.
.
.