Cuộc sống kỳ lạ của đôi vợ chồng già giữa đại ngàn Xuân Sơn

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:02
Sống giữa đại ngàn hoang vu, bên sườn một ngọn núi cao chót vót, ngôi nhà của hai vợ chồng già nằm đơn độc ở nơi đây trong suốt bao nhiêu năm trời. Căn nhà xơ xác được chắp vá bằng vải bạt, cành cây và những tấm phên lợp cũ nát giúp họ sống bám trụ ở nơi non thiêng này qua những mùa mưa rừng, bão gió. Cuộc sống cơ hàn không có một chút tiện nghi, họ chia nhau từng thìa cơm, từng chút nước nhưng chưa bao giờ họ thiếu thốn tình cảm, sự yêu thương…
Những năm tháng tha hương

Nằm sâu trong rừng quốc gia Xuân Sơn, con đường vào đến bản Cỏi lượn quanh những quả núi cheo leo, một bên là vực sâu hiểm trở, một bên là vách núi dựng đứng như thách thức người đi.

Khi nhắc tới câu chuyện về gia đình cụ Đặng Văn Kênh (89 tuổi) và cụ Đặng Thị Tiến (92 tuổi), người dân ở bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) ai cũng tỏ ra kính phục. Họ không chỉ phục hai cụ vì họ có thể sống được cuộc sống nơi hoang vu, rừng núi ấy, mà còn là tình cảm của hai vợ chồng dù ở cái tuổi gần đất xa trời.

Vượt qua con đường mòn chông chênh đầy sỏi đá chúng tôi mới có thể lên tới nhà của vợ chồng cụ Kênh đang ở hiện giờ. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một túp lều tạm đơn sơ nằm ngay ven rừng, chẳng có đồ đạc gì quý giá ngoài chiếc chõng tre đặt giữa nhà.

Đây là căn nhà được bà con dựng lên để hai cụ tránh mưa nắng, căn nhà cũ nằm đơn độc bên sườn núi đã được dỡ bỏ để chính quyền địa phương chuẩn bị xây dựng lại cho hai vợ chồng già một căn nhà mới vững vàng chắc chắn và đầy đủ tiện nghi hơn. Nói về căn nhà cũ, những người dân bản Cỏi cho biết: "Cái nhà cũ ấy cũng chẳng khá hơn cái lều tạm bây giờ là mấy, nhà còn ở trên cao ngay cửa rừng và hang núi".

Hai vợ chồng cụ Đặng Kênh.

Do các cụ tuổi cao sức yếu, lại nói không sõi tiếng Kinh nên chúng tôi phải nhờ những người dân quanh đó phiên dịch hộ để có thể nói chuyện được với hai cụ. Qua những mảnh kí ức chắp vá từ lời kể của cụ Kênh, cuộc đời của hai vợ chồng như được tái hiện lại, dù không đầy đủ nhưng cũng có thể cảm nhận được những khó khăn vất vả họ đã phải chịu đựng.

Theo như lời kể, hai cụ sinh ra và lớn lên ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, được gia đình mai mối nên hai cụ nên duyên vợ chồng từ rất sớm, dù cụ bà hơn cụ ông ba tuổi. Ngày ấy, cuộc sống vô cùng khó khăn, đôi vợ chồng trẻ không có nghề gì trong tay nên đành tha hương cầu thực. Đặt chân tới đất Hòa Bình để tính kế mưu sinh, họ dựng lán trên một mảnh đất nhỏ ven rừng để tìm chỗ trú chân. Cuộc sống nghèo khó không làm nản lòng hai người, thậm chí khiến họ yêu thương nhau hơn.

Hằng ngày họ đi làm thuê làm mướn cho người dân xung quanh, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, không hề có một lời cãi vã. Chỉ duy nhất một nỗi buồn, đó là sau nhiều năm chung sống, họ vẫn chưa có con. Ngày ấy, do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện chạy chữa thuốc thang, họ cứ ôm nỗi buồn ấy mà sống cho đến hàng chục năm sau.

Cho đến khi cụ bà ngỏ ý muốn nhận một đứa con nuôi, cụ Kênh đồng ý ngay và nhận một cậu bé của gia đình đông con ở xã Minh Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) về nuôi từ khi họ còn mang thai. Còn cô con gái thứ hai thì hai cụ nhận của một người đàn bà chửa hoang có ý định bỏ con (cũng ở xã Minh Đài).

Có thêm nhân khẩu, hai vợ chồng làm việc càng chăm chỉ hơn để kiếm cái ăn. Khi hai người con trưởng thành, có gia đình riêng, hai cụ lại dắt nhau về quê cũ ở vùng Xuân Sơn, Phú Thọ này sinh sống. Do xa quê đã lâu, mảnh đất cắm dùi không có nên hai người dắt díu nhau vào rừng dựng lán, lấy việc hái củi, làm nương để làm kế sinh nhai.

Căn nhà mới bằng gạch sẽ được dựng lên cho hai vợ chồng già.

Sẻ chia từng hạt gạo

Cuộc sống vẫn cứ thế êm đềm trôi qua cho đến đầu năm 2014, trong một lần đi nhặt củi trong rừng, cụ Tiến không may bị ngã. Do không chữa trị kịp thời, vết thương ngày càng nặng khiến hai chân cụ bà bị liệt. Gánh nặng đổ dồn lên vai cụ ông, mỗi ngày cụ Kênh vượt qua quãng đường gồ ghề của rừng núi để lấy nước suối về dùng. Ở cái tuổi 89, thần trí đôi khi lơ đễnh, con đường đi lấy nước với cụ ông quả là rất khó khăn.

Đến bữa cơm, cụ ông lại lụi cụi lấy nửa bát gạo để nấu cơm ở ngay trong góc nhà. Bữa cơm của hai vợ chồng vô cùng đơn giản, chỉ là chút cơm trắng với bát nước mắm và bát nước nóng để dùng thay canh. Cơm chín, cụ Kênh lấy cho vợ ăn trước rồi ngồi ngay dưới nền đất để ăn. Cụ Tiến kể, có những lúc hết gạo, hai vợ chồng nhường nhau bát cơm không ai chịu ăn. Có những lúc, cụ Kênh nói mãi thì cụ Tiến mới ăn vài thìa rồi nhường cho chồng vì lo cho sức khỏe cụ ông.

Hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng già đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Nhà nước và sự giúp đỡ của bà con bản Cỏi. Thỉnh thoảng lại có người thân trong họ, người dân xung quanh lên hỏi thăm sức khỏe hai cụ và đôi khi họ còn mang theo gạo, muối lên cho hai vợ chồng. Cuộc sống nơi non cao này chẳng có đầy đủ tiện nghi nhưng giàu tình người.

Trước đây, đã có nhiều lần, bà con dân bản muốn giúp hai cụ dựng một căn nhà nhỏ ở gần khu nhiều người sinh sống hơn nhưng hai cụ nhất định không chịu, vì đã quen với cuộc sống của rừng và không muốn phiền hà đến người khác. Cho mãi tới gần đây, khi một số nhóm từ thiện phối hợp với chính quyền địa phương ngỏ ý muốn dựng lại cho hai cụ căn nhà để tránh mưa bão, hai vợ chồng già mới đồng ý nhưng căn nhà vẫn được xây trên nền ngôi nhà cũ ở gần cửa rừng.

Khuôn mặt rúm ró vì tuổi già, nhưng trong câu chuyện kể đầy chắp nối ấy, cụ Kênh chốc chốc lại mỉm cười như cuộc đời không hề có chút khổ đau. Ngồi đằng sau lưng chồng, thi thoảng cụ Tiến lại thêm vào câu chuyện một vài chi tiết cụ ông kể thiếu. Vẫn nụ cười và ánh mắt nheo nheo ấy, hai vợ chồng già như đang cùng ôn lại những kỉ niệm mà họ cùng nhau trải qua. Trong ngôi nhà không ra hình dáng một cái nhà mà hai cụ đang ở tạm để chờ nhà mới, chỉ có vài chiếc nồi nhôm, vài chiếc bát mẻ cũ xỉn, họ vẫn sống cùng nhau một cách hạnh phúc.

Chị Lý, người dẫn tôi lên nhà hai cu,å cũng là người "phiên dịch" cho câu chuyện của chúng tôi, cho biết: "Tôi biết hai ông bà lâu rồi nhưng chẳng thấy họ cãi nhau bao giờ, lúc nào cũng chỉ nói chuyện bình thường thôi. Giờ già yếu rồi, không còn đi kiếm củi hay đi làm thuê được. Bà con quanh đây cũng thường xuyên lên giúp đỡ, hỏi thăm sức khỏe...".

Chị Lý cho biết thêm, cách đây chỉ một, hai năm, sức khỏe cụ Kênh còn tốt vẫn lên rừng kiếm củi, hái rau dại bình thường. Nhưng thời điểm hiện tại, cụ Kênh đã yếu đi rất nhiều, đôi khi còn nghễnh ngãng, phải gọi rất to mới biết.

Ngôi nhà lợp tạm bằng vải bạt hiện là nơi ở của hai vợ chồng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, sống đã gần một thế kỷ, liệu không biết hai vợ chồng già có thể chia sẻ với nhau bao năm tháng nữa. Hằâng ngày, hai vợ chồng vẫn ngóng nhìn chồng gạch chất đống ngay bên cạnh căn lán tạm họ đang ở. Ngay tại nền đất đó, căn nhà vững chãi sẽ được dựng lên để họ có thể ngủ một đêm yên giấc vào những ngày mưa rừng, gió rét.

Nhưng cho tới giờ, có lẽ với hai vợ chồng già, sự khắc nghiệt của cuộc sống, những lúc phải chạy ăn từng bữa đã không còn là nỗi lo. Họ đã đi cùng nhau cả cuộc đời, vượt qua bao sóng gió nhưng vẫn luôn giữ được nụ cười hạnh phúc. Điều cả hai vợ chồng già lo lắng nhất, đó là liệu họ có thể cùng nhau đi tới cuối con đường.

Anh Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch xã Xuân Sơn cho biết: "Gia đình cụ Đặng Văn Kênh và Đặng Thị Tiến là một trong những hộ khó khăn trên địa bàn xã. Hằng năm gia đình cụ Kênh vẫn được hưởng mọi trợ cấp cho hộ nghèo và các ban, ngành địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi. Ngoài các khoản trợ cấp ấy thì nhiều nhóm tình nguyện, người dân đi du lịch cũng thường đến thăm hỏi và hỗ trợ hai cụ. Mới đây, một nhóm tình nguyện đã đến xin phép được phối hợp với chính quyền xã để đưa hai cụ ra ngoài khu đông dân cư nhưng hai cụ không chịu, nhất định phải ở lại ngôi nhà cũ. Sau nhiều lần thuyết phục không được, chúng tôi mới cố gắng xây dựng căn nhà ngay nền đất cũ cho hai cụ, dù gặp rất nhiều khó khăn".

Ngọc Minh - Ngọc Mai
.
.
.