Cựu thanh niên xung phong lập nhà thờ Bác Hồ

Thứ Năm, 09/03/2017, 09:20
Ðể tỏ lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã tự xây dựng nhà thờ Bác Hồ ngay trong khuôn viên nhà. Bà đặt tên là Nhà sàn 19-5. Chồng mất sớm, những đứa con sinh ra không được làm người chỉ vì ông bị nhiễm chất độc da cam, bao năm qua bà một mình cần mẫn, chăm nom, quét dọn nhà thờ, coi đó là niềm vui, là chỗ dựa tâm linh khi tuổi già sức yếu.


Nằm ngay ở ngã ba thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Nhà sàn 19-5 của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Đỗ Thị Mến tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng 500m2 rộng rãi, khang trang. Bước vào trong, du khách thực sự cảm nhận được không khí thanh bình, thoáng mát, khiến lòng người thực sự tĩnh tâm, thanh thản. 

Nhà sàn 19-5 được bà Mến lập từ năm 1973 nhưng gần đây nhờ sự hỗ trợ của một nhà hảo tâm bà đã xây dựng lại khang trang, sạch đẹp hơn. Ngôi nhà được làm bằng gỗ với 16 cột trụ vững chãi, thiết kế theo kiểu dáng ngôi nhà sàn trong Khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính giữa ngôi nhà là tấm ảnh Bác đang vẫy tay chào được treo trang trọng, phía dưới là tấm băng đỏ với hàng chữ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trước sân là cột cờ với lá cờ Tổ quốc. 

Nhà sàn được bà Mến sắp xếp, lau dọn gọn gàng sạch sẽ. Bàn thờ Bác được đặt ở vị trí rất trang nghiêm giữa ngôi nhà sàn. Bà dẫn chúng tôi đi thăm quan căn nhà sàn và kho sách, ảnh quý về Bác mà bà đi khắp nơi để sưu tầm. Có tất cả 500 cuốn sách quý và rất nhiều tranh ảnh, tư liệu được bà sắp xếp gọn gàng trong tủ kính. Đến đâu bà cũng thuyết minh cho chúng tôi nghe những kỉ niệm mà bà đã lặn lội khắp nơi để gặp nhiều người đã từng gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ để xin ảnh.

Bà Mến bên bàn thờ Bác Hồ. 

Đặc biệt là câu chuyện về hạt giống mà bà đã đi khắp các tỉnh, thành để đem về đặt dưới bàn thờ Bác mong muốn Bác sẽ phù trợ cho mùa màng khắp nơi tươi tốt, bội thu. Mâm hạt giống chính là lòng biết ơn của nhân dân khắp nơi với sự ấm no mà Bác đã mang lại. Bà tự hào khoe chiếc xe đạp Thống Nhất mà bà đã dành dụm tiền tiết kiệm từ năm 1985 rong ruổi khắp nơi để lấy hạt giống. Và cũng năm ấy, bà đã một mình đạp xe vào tận làng làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An thắp hương cho Bác Hồ sau đó xin hạt lúa của vùng quê này mang về làm kỉ niệm.

Hơn 70 tuổi, sống cô độc một mình, không con cái, bà Mến dồn hết tâm huyết để gìn giữ, hương khói cho ngôi nhà sàn mình xây dựng. Một năm trở lại đây, có người ở làng khác vì cảm động trước tấm lòng của bà mà đến phụ giúp trông nom, quét dọn và hướng dẫn du khách tham quan. 

Cuộc đời bà Mến nhiều thăng trầm, bất hạnh mà bất cứ ai nghe đến cũng phải rơi nước mắt. Sinh ra trong một gia đình bần nông có 5 anh em, cha mẹ đều đi ở đợ, làm thuê từ bé. Tuổi thơ của bà cũng trải qua biết bao cơ cực, nghèo đói. 

Nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của bao người Việt Nam vô tội trong đó có hai người anh trai của bà. Một người anh trai khác tham gia du kích, lên đường nhập ngũ chống Pháp sau đó hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Bất hạnh liên tiếp ập xuống gia đình bà Mến. Chỉ còn lại hai chị em gái nhưng bà Mến và chị gái vẫn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, noi gương người anh đã hi sinh của mình. 

Chị gái bà là bà Đỗ Thị Mượt vốn là người nổi tiếng ở vùng quê lúa Thái Bình khi cùng anh em, đồng đội sáng tạo ra chiếc xe cút kít giúp người nông dân Thái Bình giải phóng đôi vai trong việc vận chuyển  thóc lúa, phân gio. Nhờ đó năng suất lao động của bà con tăng lên rất nhiều. Với thành tích này, bà Mượt đã được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dịp Người về thăm Thái Bình năm 1962.

Năm 1966, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà Mến hăng hái tham gia TNXP lúc đang làm công tác Đoàn tại địa phương. Công tác tại Đội TNXP 766, Tỉnh đoàn Thái Bình, đến năm 1975 thì xuất ngũ, trở về địa phương. Ngày ấy chiến tranh loạn lạc, nhiều người lấy nhau chủ yếu qua mai mối, có khi chưa một lần biết mặt chồng nhưng đã về làm dâu. 

Bà Mến cũng thế. Chồng bà là ông Nguyễn Quang Dòng, người cùng quê nhưng khi ấy ông đang là sỹ quan quân đội, làm nhiệm vụ tuyển quân và huấn luyện quân ở chiến trường Quảng Trị, rồi chuyển vào chiến trường Tây Nam. Trong một lần về phép, qua sự mai mối của người quen và sự đồng ý của hai gia đình, ông bà nên duyên vợ chồng. 

Chỉ vài ngày phép gặp nhau rồi cưới, ông lại lên đường biền biệt theo những chuyến công tác hết ở chiến trường miền Nam, rồi lại sang Lào, Campuchia. Ông bà lại xa nhau, chỉ gửi gắm tâm sự qua những cánh thư. Có những lúc thư thất lạc hay không thể gửi được vì nơi ông đóng quân ở tận nước bạn, hai vợ chồng mất tin tức của nhau cả thời gian dài. 

Chưa kịp tìm hiểu nhau nhưng bà bảo có một điều mà cả hai đều đồng điệu, chung cảm xúc đó là tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế, dù phải ở trong ngôi nhà tranh vách đất nhưng ông bà dành nơi trang trọng nhất trong nhà để lập một bàn thờ Bác Hồ. Bà Mến tâm sự, dù không biết được tin tức của chồng nhưng ngày nào bà cũng thắp hương trên bàn thờ Bác để cầu khấn và luôn tin rằng Bác sẽ phù hộ để ông được trở về bình an.

Năm 1984, chồng bà xuất ngũ trở về địa phương làm cán bộ nông nghiệp rồi cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã. Tưởng rằng khi ông trở về, vợ chồng bà sẽ hạnh phúc trong niềm vui đoàn tụ và sẽ chào đón những đứa con khỏe mạnh ra đời. Thế nhưng cuộc đời ai đoán được chữ ngờ. Bảy lần bà mang thai thì cũng chừng ấy lần những đứa con không thể chào đời. Lúc đó, ông bà mới biết ông bị nhiễm chất độc da cam. 

Nỗi đau ám ảnh hai vợ chồng bởi lúc ấy cả hai đều đã khá lớn tuổi. Biết bao đêm bà khóc cạn nước mắt vì thương chồng, thương con. Chất độc da cam không những không cho những đứa con bà thành người mà còn hành hạ ông Dòng ngày này qua tháng khác. Sức khỏe ông ngày một yếu đi. Những cơn sốt rét liên miên khiến tóc ông rụng hết. Có những lúc ông đau tưởng chừng không gượng dậy được. Năm 1999, ông qua đời để lại người vợ cô độc, đơn côi một mình.

Chồng mất, con cái chỗ dựa tinh thần duy nhất cũng không có, lúc đó bà Mến gần như sụp đổ. Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn dai dẳng quá. Bà Mến đã mất đi biết bao người thân yêu, ngay cả cái hạnh phúc cao cả nhất được làm mẹ cũng không có. Lúc ấy, chính tinh thần, ý chí, nghị lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh để bà vượt qua nỗi đau tột cùng ấy.

Biết đến câu chuyện của bà Đỗ Thị Mến và cảm động trước tấm lòng của bà, năm 2009, bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Xí nghiệp In II, Viện Khoa học - Công nghệ và các nhà hảo tâm cũng như bà con xóm giềng đã giúp bà xây khu nhà sàn thờ Bác Hồ. Bà coi đó như là gia sản lớn nhất của đời mình. Điều bà mong mỏi nhất bây giờ là còn sức khỏe để có thể gìn giữ, trông coi, chăm sóc ngôi nhà sàn đặc biệt này để thế hệ trẻ hôm nay hiểu được, học tập và noi theo gương Hồ Chủ tịch.

Minh Khôi
.
.
.