Cựu tướng cảnh sát triệu phú !

Thứ Hai, 10/10/2016, 10:09
Cựu tướng Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan Somyot Poompanmoung là một triệu phú, từng quyết tâm “rửa sạch” tai tiếng xấu của lực lượng Cảnh sát Hoàng gia.

Cựu tướng Somyot từng khai báo số tài sản trị giá 11,5 triệu USD, gồm tiền lương lãnh do những công ty tư vấn trả cho ông, tiền lời từ các khoản đầu tư….

Hồi trung tuần tháng 2-2016, vị cựu tướng được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT). Trong 72 phiếu bầu của các quan chức và các câu lạc bộ Thái Lan, ông Somyot nhận được 62 phiếu. Ông là ứng cử viên hàng đầu trong một chiến dịch tranh cử gay gắt vào lúc dân Thái Lan mê bóng đá bất mãn cung cách điều hành của FAT. 

Nhiều CLB lớn ủng hộ ông và ông cũng có được sự ủng hộ của người bạn Vichai Srivaddhanaprabha, vị chủ nhân của CLB Leicester (đương kim giải vô địch Ngoại hạng Anh).

Cuộc bầu cử chức chủ tịch FAT được tổ chức để thay thế ông Worawi Makudi, một cựu quan chức Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) suốt 18 năm và mắc nhiều tai tiếng gian lận và đút lót, bị kiện thưa nhiều và hàng chục ngàn fan hâm mộ bóng đá Thái Lan đã yêu cầu chính quyền quân sự Thái Lan loại ông. 

Worawi khẳng định ông không làm gì sai phạm. Worawi đã bị FIFA cấm tham gia ứng cử vì vi phạm qui định đạo đức của tổ chức cũng lắm điều tiếng này. Có tin ông ủng hộ cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Charnvit Pholchivin làm tân Chủ tịch FIFA, nhưng Charnvit chỉ nhận được 4 phiếu bầu.

Cảnh sát tự nhận tiền thưởng bắt khủng bố

Cựu tướng Somyot nói sau khi trúng cử Chủ tịch FAT: “Chúng tôi sẽ giữ lời hứa và sẽ hoạt động minh bạch”.  Ông được ghi nhận là người vui tính, “thích màu mè”, thích đá bóng và gần đây ông nói với Hãng tin AFP: “Tôi luôn thắng”. 

Ông từng hứa “làm sạch” môn bóng đá, cấp kinh phí công bằng cho các CLB và nâng cao chất lượng trọng tài. Ông cũng muốn lập một học viện bóng đá và kết hợp với CLB Leicester để nâng chất lượng huấn luyện viên và hậu cần cho bóng đá Thái Lan.

Nhưng vị tân Chủ tịch FAT Somyot, 61 tuổi, cũng vướng tai tiếng hồi cuối tháng 8-2015: vụ cảnh sát Thái Lan tự thưởng tiền cho mình sau một vụ bắt nghi can khủng bố mà không có sự giúp đỡ nào của người sân. 

Vụ việc này diễn ra, sau khi chính quyền công bố ảnh 2 người, gồm một người đàn ông nước ngoài và một phụ nữ Thái-và treo khoản tiền thưởng 3 triệu bath (84.000 USD) cho ai cung cấp thông tin dẫn đến vụ bắt 2 nghi can vụ đánh bom Đền Erawan ở thủ đô Bangkok ngày 17-8-2015, khiến 20 người chết trong đó hơn một nửa là khách du lịch nước ngoài, và hơn 120 người bị thương.

Nhưng rồi cảnh sát nói họ đã bắt được người đàn ông bị truy lùng vào ngày 29-8, mà không có sự hỗ trợ của quần chúng, nên cảnh sát sẽ  hưởng số tiền thưởng 3 triệu bath (tiền Thái Lan, tương đương 84.000 USD vào lúc đó). Chỉ vài ngày sau vụ đánh bom, tướng Somyot nói ông treo thưởng 1 triệu bath (28.000 USD) sau đó tăng tiền thưởng lên gấp ba, vì 2 người bạn muốn giấu tên của ông tặng thêm 2 triệu bath (56.000 USD) cho quỹ thưởng.  Không rõ số tiền thưởng này được chia thế nào cho các cảnh sát viên.

Ngày 31-8-2015, Tư lệnh cảnh sát Somyot phát biểu tại cuộc họp báo: “Số tiền này phải thưởng cho các nhân viên hoàn thành nhiệm vụ”. Ông phủ nhận các gợi ý rằng đã có người cung cấp thông tin giúp bắt nghi phạm người nước ngoài: “Vụ bắt này, tôi khẳng định hoàn toàn là nhờ công của cảnh sát”.

Tướng cảnh sát Somyot đã quyết thưởng tiền cho lực lượng bắt khủng bố.

Ông Somyot nói ông có tin mừng, rồi quay qua một trợ lý: “Đưa tôi cái bọc”. Trợ lý vội đem tới một bọc đầy tiền mặt, và tướng Somyot đặt nó lên bục trước mặt ông. Vị Tư lệnh cười, nói: “Đấy là tiền thật. Chuyên môn nghiệp vụ của Cảnh sát Thái đã dẫn đến vụ bắt này”. Ông cũng hy vọng việc thưởng công cảnh sát sẽ giúp họ lên tinh thần, và “chứng minh chỉ huy cấp cao thực sự thưởng tiền cho họ”.

Màn hình kiểm soát an ninh đã ghi được hình ảnh gã nghi phạm để lại một ba-lô trước khi xảy ra vụ nổ. Cảnh sát nói nghi phạm thuộc một mạng lưới lên kế hoạch đánh bom, nhưng họ không công bố nhân thân (tên tuổi, quốc tịch) và động cơ cũng như mối quan hệ của nghi phạm với mạng lưới đánh bom.  Tướng Somyot nói: “Nghi phạm thuộc mạng lưới này.”

Cảnh sát cũng tịch thu nhiều vật liệu chế tạo bom tại một căn hộ khác hôm 30-8, và ngày 31-8, họ công bố thêm ảnh 2 nghi phạm khác:  một phụ nữ Thái Lan 26 tuổi tên Wanna Suansun và bản vẽ phác họa một người đàn ông nước ngoài không rõ quốc tịch.

Cảnh sát xấu là người biết “ép dân đưa hối lộ”

Chính quyền quân sự Thái Lan từng thực hiện cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 5-2014, lật đổ chính quyền dân cử của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Sau đó, ông Somyot được chọn làm Tư lệnh Cảnh sát, đến đầu năm 2016 thì thôi chức. 

 nhận nhiệm vụ, ông Somyot đã thề sẽ thuyên chuyển, bắt giữ và truy tố các sĩ quan cảnh sát tiêu cực, tham nhũng. Và ông giữ lời, bắt nhiều sĩ quan, gồm bỏ tù lãnh đạo của Cục Điều tra Trung ương của Thái Lan) và tay trợ lý hồi đầu năm 2015 vì tội điều hành một đường dây tội phạm ngay trong lực lượng cảnh sát, một hoạt động bị quy là  “bôi bác uy hoàng gia Thái Lan”.

Chuwit Kamolvisit với các nhân viên mát-xa.

Ông nói: “Trong một tổ chức luôn có kẻ xấu người tốt. Mục tiêu của tôi là thay đổi suy nghĩ của người dân đối với lực lượng. Nếu thành công, dù nhỏ, tôi sẽ xem đó là một thành tích lớn”.

Theo báo Japan Times, khi nhận nhiệm vụ, ông Somyot hứa sẽ phục hồi uy tín của cảnh sát vốn bị mang tiếng tham nhũng, tiêu cực và thường thực hiện chuyện ép cung các nghi can. Cảnh sát Thái Lan cũng bị giới truyền thông bản xứ và nước ngoài chê là cung cấp các thông tin  rối rắm về cuộc điều tra vụ đánh bom ở Đền Erawan hồi năm 2015. 

Cảnh sát bị trả lương thấp và có chuyện các sĩ quan cấp thấp thường nhận hối lộ của người dân  để “chung chi” các sĩ quan cấp trên. Người dân thường than phiền cảnh sát chỉ giỏi ”canh me” người vi phạm lỗi giao thông để nhận đút lót hơn là giỏi việc điều tra.

Chính khách Chuwit Kamolvisit, từng là chủ nhiều tiệm mát-xa ghi tên vào sổ rồi tố cáo các cảnh sát “ăn lương bảo kê” cho các tiệm của ông, nói “văn hóa vào làm cảnh sát để kiếm thêm” đã ăn sâu, nên các cảnh sát cấp thấp luôn tìm cách “ép dân đưa hối lộ” hoặc đòi tiền bảo kê các doanh nghiệp mờ ám, nhằm để họ tăng thu nhập, bởi họ chỉ hưởng mức lương 460 USD/tháng hoặc để “chạy”lên chức. 

Chuwit giải thích: “Cấp hàm rất quan trọng ở Thái Lan…khi bạn là một cảnh sát quèn muốn lên chức thì phải biết hiểu ý sếp. Và họ sẽ giàu khi được giao nhiệm vụ ở một “khu vực vàng” là sòng bạc hoặc điểm giải trí”.

Kim Hương (theo Japan Times)
.
.
.