Đã đến lúc kiểm duyệt cần nâng cấp

Chủ Nhật, 06/07/2014, 16:52

Gần đây, trên một số ấn phẩm báo chí đang khá ồn ào với một diễn đàn về “rác” ca từ' trong các ca khúc mới của Việt Nam. Ý kiến quyết liệt xoay quanh vấn đề này khá nhiều, và thậm chí còn có cả ý kiến cấm những nghệ sỹ tung các bản ghi âm thuộc diện “rác” này được phép hoạt động nghệ thuật.

Song song đó, cư dân mạng còn ồn ào hơn về việc một bộ phim gắn mác 18+ được lưu hành trên youtube. Xét cho cùng, đó cũng chưa phải là một bộ phim, cũng chẳng đạt đến tầm của một phim ngắn và nó cũng chẳng phải quá tục tĩu, khiêu dâm như người ta nghĩ. Nó đơn thuần chỉ là một tiểu phẩm hài, sử dụng yếu tố khơi gợi tính dục để câu view không hơn không kém. Vậy mà cũng có những ý kiến yêu cầu cơ quan chức năng phải vào cuộc. Song, suy cho cùng, vào cuộc thì cũng chỉ để xử lý những việc đã rồi mà thôi.

Cấm một nhân thân hoạt động công việc chính đáng thực tế là điều không phù hợp tinh thần pháp luật. Nhưng làm cách nào để những người tham gia hoạt động nghệ thuật, giải trí không tung ra các sản phẩm rác văn hóa đây? Đó mới là cái khó.

Thực chất, chúng ta phải nhìn vào một vấn đề rất cụ thể và đã tồn tại từ lâu rồi. Đó chính là năng lực của kiểm duyệt đã không theo kịp được sự phát triển của thời đại và đã đến lúc kiểm duyệt cần nâng cấp chính mình, không để mình lạc hậu so với thực tế sinh động của đời sống. Ở thời hiện đại này, kênh phát hành đã trở nên đa dạng vô cùng và việc phát hành một ấn phẩm đã không còn ở dạng vật thể đơn thuần mà thiên hình vạn trạng ở các định dạng phi vật thể (soft copy). Hơn nữa, một bản gốc được phát hành ra ở một kênh gốc nào đó có thể phát tán trong nháy mắt nhờ vào việc chính những người sử dụng in sao lại và phát hành ở các kênh phụ khác nữa. Chính vì thế, độ phổ cập của những ấn phẩm ấy quá rộng rãi, mạnh mẽ và tốc độ dẫn đến tình trạng chỉ xảy ra sự việc rồi, ta mới giật mình nghĩ đến biện pháp xử lý.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Vì vậy, có lẽ, kiểm duyệt nhà nước đã đến lúc cần phải cập nhật và thay đổi để có thể kiểm soát được một môi trường văn hoá đại chúng đảm bảo lành mạnh. Ở các nước phát triển, kiểm duyệt nhà nước vô cùng hiện đại và do đó, họ vẫn duy trì được sự chặt chẽ của mình. Đơn cử như ở Hàn Quốc, một ấn phẩm có vấn đề chắc chắn sẽ không thể ra mắt dù ở bất kỳ kênh phát hành, phân phối nào và họ vẫn đang làm công việc ấy rất hiệu quả.

Hãy thử hình dung thế này, một ca khúc vốn vẫn được đăng tải lên các trang chia sẻ nhạc một cách tự do, thoải mái mà không qua bất kỳ một khâu kiểm duyệt nào. Hoặc một video cũng vậy, người dùng có thể tải lên youtube dễ dàng và phía youtube chỉ kiểm duyệt đơn thuần theo tiêu chí của họ. Hiện nay, youtube đã tham gia thị trường Việt Nam và chính cơ quan kiểm duyệt nhà nước của Việt Nam cần phải bắt tay chặt chẽ hơn với đối tác đó, cũng như các đối tác chia sẻ, nhạc, video… khác về chuyện cấp phép nội dung trước khi lưu hành. Chắc chắn, các đơn vị trong và ngoài nước như youtube sẽ chấp hành nghiêm quy định kiểm duyệt này bởi chẳng ai muốn xé rào để mất đi cơ hội ở một thị trường vô cùng tiềm năng.

Song, vượt trên hết vẫn phải là ý thức của chính người dùng với công cụ cơ bản nhất chính là kiểm duyệt tự thân. Không phải bất kỳ nội dung nào cũng có thể dễ dàng đăng tải khi bản thân mình không tự khắt khe kiểm duyệt nó trước đó xem nó có nên hay không nên được phát tán. Tuy việc kiểm duyệt tự thân này rất khó, và cần cả một nỗ lực chung, dài hơi của cả xã hội nhưng không phải là không thể thực thi được.

Thực tế cuộc sống bao giờ cũng đi trước các điều luật, quy định. Điều này đòi hỏi các cơ quan kiểm duyệt nhà nước phải luôn cập nhật, song hành, dự báo được các xu hướng phát triển của đời sống để đề ra các biện pháp quản lý phù hợp. Yêu cầu này càng trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật

H.Anh
.
.
.