Đã tìm thấy khắc tinh của loài gián

Thứ Sáu, 20/04/2018, 16:33
Các nhà khoa học đã phát hiện ra có một chất trong loài giun dây giày Lineus longissimus có thể tiêu diệt loài gián đáng ghét cũng như rất nhiều loài côn trùng chân khớp có hại khác nói chung.

Gián là loài côn trùng có hại và gây khó chịu cho sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe con người vì chúng thường sống ở những nơi bẩn, mất vệ sinh sau đó bò vào thức ăn làm nhiễm khuẩn; đồng thời chúng còn gặm nhấm làm hư hỏng một số vật dụng như quần áo, sách vở. 

Hơn nữa, chúng còn là trung gian phát tán các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ, phong, dịch hạch... 

Do vậy, con người luôn tìm mọi cách để có thể tiêu diệt chúng, làm mọi cách để chúng không xuất hiện trong nhà mình và cách mà mọi người hay sử dụng nhất là sử dụng chất hóa học, bình xịt côn trùng...

Thế nhưng, các nhà khoa học đã phát hiện ra có một chất trong loài giun dây giày Lineus longissimus có thể tiêu diệt loài gián đáng ghét cũng như rất nhiều loài côn trùng chân khớp có hại khác nói chung. 

Loài giun dây giày Lineus longissimus được cho là xấu xí, đáng ghê sợ, tiết nước nhầy nhớp nháp. Nó thuộc danh sách một trong những loài dài nhất thế giới, có thể đạt tới 55 mét. Loài giun này cũng thuộc ngành Nemertea và có những điểm tương đồng lớn với ốc nón (cone snail). “Cả hai loài này đều sử dụng vòi để bắt mồi và tiêm chất độc", một báo cáo khoa học cho biết.

Thay vì nghiên cứu xem chất độc chúng tiêm vào con mồi là gì, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về chất nhầy mà chúng tiết ra. Mặc dù các chất nhầy này đã được nhà khoa học người Thụy Điển, Olaus Magnus, nghiên cứu từ giữa thế kỷ 16 và chỉ ra rằng: các chất nhầy của giun dây giày mang độc tố và có khả năng ảnh hưởng lên con người chẳng hạn như nếu tiếp xúc với loài giun này, da của người tiếp xúc sẽ bị sưng phồng... Nhưng phải đến bây giờ các nhà khoa học mới nghiên cứu những thành phần hóa học có trong chất nhầy của loài giun này.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tiến hành phân tích kỹ loại độc tố thần kinh có gốc protein nhằm tìm ra một cách thức tiêu diệt loài có hại hiệu quả. Kết quả cho thấy họ tìm ra được những peptide độc hoàn toàn mới. Peptide là chuỗi axit amin gồm hai axit amin trở lên. 

Bằng việc tìm ra cách thức 17 loài thuộc ngành Nemertea sản xuất protein, các nhà khoa học đã có được 8 mẫu chất độc khác nhau. Thử nghiệm cho thấy chỉ một lượng nhỏ độc ở những mẫu thử đã khiến con gián hoặc tử vong hoặc bị tê liệt hoàn toàn.

Giun dây giày dài tới 55m, nhớp nháp đáng sợ.

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy chất độc tấn công vào hệ thần kinh của những loài không xương sống, ngăn hệ thần kinh của chúng thực hiện hành động. Tuy nhiên, lượng độc có thể tiêu diệt hoặc làm tê liệt loài không xương sống lại chẳng có tác dụng gì lên loài có vú cả. Vì thế, chất độc mới này có thể được dùng mà không làm hại lên con người hoặc đa số thú nuôi trong nhà.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể có được một bình xịt gián hiệu quả từ giun. Và điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa...

Chiến tranh hạt nhân có thể không ảnh hưởng tới loài vật vừa bẩn thỉu vừa sống dai, vặt cả đầu vẫn có thể sống thêm được vài tuần, nhưng con giun dài 55m tiết chất nhầy kể trên chắc chắn sẽ là khắc tinh của loài gián.

Bảo Ngọc
.
.
.