Dải Gaza, vùng đất bị cách ly nghiệt ngã

Thứ Tư, 15/04/2020, 09:06
Dịch COVID-19 đã đem tới cho thế giới cơ hội trải nghiệm cái cảm giác mà những người dân Dải Gaza đã phải chịu đựng trong hàng thập kỷ qua: bị giam hãm, bị cách ly nghiệt ngã với thế giới bên ngoài.

Tìm mọi cách để ra đi

“Rời khỏi Dải Gaza”, đó là điều duy nhất Randa nghĩ đến trong suốt một năm sau khi tốt nghiệp đại học. Nhiều tháng trời săn lùng việc làm trong vô vọng đã khiến cô gái 23 tuổi, cử nhân ngành văn học Anh này cảm thấy thực sự nản lòng. Chỉ riêng tấm bằng tốt nghiệp phổ thông của cô cũng đã làm khoản tiền tiết kiệm của gia đình hao hụt đáng kể. Cả ngày cô giam mình trong phòng, tìm kiếm một giải pháp để thoát khỏi dải đất đang bị vây hãm tứ phía này.

Dải Gaza, vùng đất bị cách ly nghiệt ngã nhất trên thế giới.

“COVID-19 cuối cùng cũng đưa đến cho thế giới cơ hội để trải nghiệm những cảm giác cay đắng mà chúng tôi, những người dân Dải Gaza trải qua nhiều năm: bị cách ly, bị nhốt trong một thế giới khóa chặt”, Randa giải thích. Giờ đây cô cũng đang tự cách ly trong ngôi nhà mới ở nước Anh trong mùa đại dịch.

Quyết định rời bỏ quê hương luôn là một quyết định không đơn giản. Nhưng đối với Randa và nhiều người trẻ tuổi ở Gaza, được giải thoát khỏi tình trạng “bị cách ly, bị khóa trái” này là ước mơ của cả một đời. Đối mặt với sự tuyệt vọng, với những khó khăn về tài chính, với nỗi lo âu về một tương lai bấp bênh, đi ra nước ngoài giờ đây trở thành một giải pháp tràn đầy hứa hẹn đối với thế hệ trẻ ở Gaza.

“Tôi không thể ăn, không thể ngủ. Tất cả những gì tôi có thể làm là săn lùng các cơ hội ở các trường đại học ngoại quốc, săn lùng học bổng, học bổng... những gì giúp tôi có được tấm visa và rời khỏi Dải Gaza”.

Để được phép đi khỏi dải đất ven biển đang bị khóa kín này (giáp Israel về phía Bắc và phía Đông, giáp Ai Cập về phía Nam), người dân Gaza sẽ phải trải qua hàng loạt các thủ tục phức tạp. Israel đã hạn chế ngặt nghèo quyền tự do đi lại của 1,9 triệu dân Palestin ở Gaza, áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe và việc trao những cơ hội này chỉ giới hạn trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Những hạn chế cứng rắn bắt đầu được áp đặt cho Dải Gaza kể từ khi nổ ra phong trào Intifada đầu tiên (năm 1991). Sau nhiều năm, những hạn chế này càng trở nên nghiệt ngã hơn, nhất là sau khi Israel rút các nông trại khai khẩn và những đội quân đồn trú khỏi Dải Gaza vào năm 2005.

Sự phong tỏa đầy nghiệt ngã của Israel đối với dải đất này được đẩy lên tới cực điểm vào năm 2007 khi Hamas lên nắm quyền lực tại Dải Gaza, mục đích nhằm cắt đứt nguồn nhân lực và làm suy yếu cơ sở vật chất của nhóm này.

Những người Palestin chờ nhận lại hành lý sau khi đi qua cửa khẩu Rafah ngăn cách giữa Ai Cập và Dải Gaza.

Những hạn chế này cho đến nay vẫn chưa hề được dỡ bỏ. Những thanh niên ở Gaza muốn ra nước ngoài học tập phải có được sự đồng ý bằng văn bản của 4 cấp có thẩm quyền: một cơ quan của Israel giám sát các hoạt động chính quyền ở Gaza, Ủy ban Palestin về các hoạt động dân sự, lực lượng Hamas, chính quyền Jordan hoặc Ai Cập (tùy thuộc vào địa điểm được chọn để khởi hành). 

Cảm giác tuyệt vọng của Randa đã chuyển thành tình trạng mất ngủ triền miên: cô thức trắng đêm khi nghĩ tới tương lai bấp bênh của mình, cô nói: “Tôi biết rằng tình trạng bị cách ly này của Gaza sẽ còn kéo dài, tất cả chúng tôi đều biết rõ điều đó, Gaza đã bị kết án rồi”.

Không có một thống kê chính xác nào về con số người Palestin đã thành công trong việc đi khỏi Gaza, nhất là với những người dự định sẽ không quay trở lại, bởi một kế hoạch như vậy luôn được họ giấu kín. Những thanh niên có được cơ hội du học ở nước ngoài chiếm một tỷ lệ càng thấp hơn, bởi Israel chủ trương hạn chế tối đa các visa du học.

“Việc Israel áp đặt một chính sách hạn chế ngặt nghèo và triệt để việc đi lại đối với người Palestin từ hàng thập kỷ nay là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đói nghèo và thất nghiệp ở Dải Gaza, đặc biệt nghiêm trọng đối với những người trẻ tuổi”. Người phát ngôn của Gisha, một tổ chức phi chính phủ, đấu tranh cho nhân quyền tại Gaza nhấn mạnh.

Những người dân Gaza đang chờ đợi được vào thẩm vấn tại cửa khẩu Rafah trên biên giới với Ai Cập. Họ cần phải có được sự cho phép của 4 cơ quan, đại diện cho 4 loại quyền lực khác nhau để có thể rời khỏi đất nước.

Gaza là một trong những vùng đất hiếm hoi trên thế giới mà tấm bằng đại học lại là rào cản thực sự cho việc kiếm được một công việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi ở Gaza (chiếm 70% dân số địa phương) là 69%, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Với những người có bằng cấp, tỷ lệ này còn cao hơn nữa: 78%.

“Tôi đã sống trong một nhà tù lớn. Sự tuyệt vọng có thể dẫn đến những tổn thương to lớn về sức khỏe và tinh thần nếu tôi còn ở lại đó. Đã hai năm trôi qua kể từ ngày tôi rời khỏi Dải Gaza, tận bây giờ tôi vẫn luôn cảm thấy đau đớn, đau đớn vì những cuộc chiến tranh mà tôi đã trải qua, đau đớn vì phải sống xa gia đình, tôi luôn sống trong một trạng thái lơ lửng mất cân bằng”, Sara, nữ nghệ sĩ 25 tuổi đã kể lại những cảm xúc của mình khi được hỏi có cảm thấy hối tiếc khi cô quyết định rời bỏ Gaza.

Là một nghệ sĩ và một nhà báo trẻ đầy triển vọng, Sara hiểu rằng cô cần phải rời khỏi Gaza để thực hiện ước mơ của mình. Cách đây 2 năm, cô được chấp nhận theo học một trường hè ở Mỹ và có được một học bổng cao học tại một trường đại học ở một quốc gia Vùng Vịnh.

Sara nhớ lại trước khi khởi hành cô đã thấy hào hứng và lạc quan như thế nào, những cảm giác bay bổng như thế nào khi nghĩ đến “đất nước của tự do” mà cô sắp đặt chân đến và  rồi tất cả những cảm xúc đó đã bốc hơi nhanh chóng như thế nào sau khi cô định cư ở đó.

Một hành trình khổ ải

Có hai điểm để ra hoặc vào Dải Gaza bằng đường bộ. Cửa khẩu Erez, nối liền Gaza với Israel và cửa khẩu Rafah trên biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza. Những điểm kiểm soát này vận hành theo những cách khác nhau nhưng đều rất phức tạp. Với tình trạng căng thẳng thường xuyên giữa Hamas và Ai Cập, những người muốn rời Gaza thường ưu tiên chọn cửa khẩu Erez xuyên ngang qua Israel để tới thành phố Amman của Jordan, nơi có sân bay gần nhất mà họ được phép khởi hành.

Randa đã kể lại cái hành trình đầy khó khăn mà cô đã trải qua sau khi đã có được một học bổng nghiên cứu tại Anh vào tháng 9 năm ngoái. Với những người chọn cách xuất cảnh qua Jordan, việc đầu tiên là phải xin được một giấy phép nhập cảnh vào Jordan và thị thực quá cảnh ở đó, thiếu một trong hai thứ giấy tờ này quá trình sẽ bị dừng tức khắc.

Quá trình chạy thủ tục đã làm Randa nhập học chậm mất hai tháng. “Khi được biết cuối cùng thì visa cũng đã tới, tôi đã có thể thở nhẹ nhõm sau một chuỗi ngày căng thẳng”. Cô đã mất hằng tháng trời lo lót để có được đủ các loại giấy phép từ phía Israel, Hamas, chính quyền Palestin cũng như visa nhập cảnh từ phía Anh.

Randa nhớ lại: “Tôi đóng gói đồ đạc và vội vã khởi hành ngay sáng hôm sau, đi tới Jordan để khởi hành từ sân bay Amman. Tôi vội vã tới mức không kịp từ biệt những người thân và tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ quay lại nơi này”.

Tại cửa khẩu Erez, Randa phải trải qua một cuộc kiểm tra gắt gao của Hamas. “Họ thẩm vấn rất lâu giống như là đang thẩm vấn một tội phạm. Dường như họ muốn làm tôi cảm thấy nhục nhã khi đã quyết định ra đi.

Hamas nhìn chúng tôi, những thanh niên đi ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội như những kẻ đào ngũ và phản nghịch”. Sau khi được Hamas cho phép, những người xuất cảnh sẽ phải qua chốt kiểm soát của cảnh sát Palestin, sau đó là trạm kiểm tra an ninh của Israel.

Tất cả hành lý bị yêu cầu bỏ lại, những thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động cũng bị cấm mang theo. Đồ ăn và nước uống cũng hoàn toàn bị cấm. Quy trình khám xét này có thể kéo dài suốt cả một ngày trời. “Tôi đã phải bỏ lại gần như toàn bộ đồ dùng cá nhân và phải mua sắm lại hầu hết khi tới Anh, việc này làm cho số tiền mang theo bị hao hụt đáng kể”.

Giờ đây, Randa đang sống tại Anh với một visa dành cho sinh viên trong hai năm. Randa dự định ở lại nước Anh sau khi tốt nghiệp. Cô tràn trề hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp. “Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Gaza, nếu quay lại tôi sẽ bị Hamas thẩm vấn. Họ rất ác cảm với những người như tôi, những người muốn rời bỏ Gaza để đi tìm cơ hội cho mình, họ coi đó là một hành động phản bội”. Với Randa, nỗi lo lớn nhất là bị bắt buộc phải quay trở lại Gaza và đối diện với một tương lai đầy bất trắc.

Với Sara, bức tranh tương lai có phần u ám hơn. Visa sinh viên của cô đã hết hạn và trường đại học nơi cô theo học từ chối gia hạn visa cho cô. Cô đang đứng trước hai lựa chọn: hoặc quay về Gaza hoặc tìm kiếm cơ hội mới ở một nước thứ ba.

“Giờ đây khi visa đã hết hạn, tôi lại phải bắt đầu lại từ con số không.Tôi luôn ghét phải nghĩ tới tương lai, với tôi nó gần như không tồn tại”. Sara nói tiếp: “Ngay cả khi đã rời khỏi Dải Gaza, tôi cũng không bao giờ có khả năng hình dung ra tương lai của mình, bởi ngay từ khi mới sinh ra trên Dải Gaza, chúng tôi đã mang theo mình một số phận bị giam hãm, tù đày...”.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.