Đại dịch COVID-19: Phát súng cảnh báo từ thiên nhiên

Thứ Hai, 15/06/2020, 15:51
Tới thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 được cho là lây từ động vật hoang dã (ĐVHD) sang người, tuy chưa được xác định chắc chắn là loài nào, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe con người.


Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả như đại dịch. Các trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và nó đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2020, ảnh hưởng đến cư dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tác động đến toàn bộ cộng đồng, xã hội và nền kinh tế.

Tới thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 được cho là lây từ động vật hoang dã (ĐVHD) sang người, tuy chưa được xác định chắc chắn là loài nào, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe con người. Các ca nghi nhiễm đầu tiên xuất hiện tại một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.

Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ dơi - loài đứng hàng đầu trong danh sách những loài mang lượng virus "khủng". Theo tạp chí Science Alert, trung bình mỗi con dơi chứa khoảng 500 - 600 loại virus khác nhau. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà khoa học đưa giả thiết một số người dân Trung Quốc không may mắc virus corona do thói quen ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với dơi. Do không có cơ chế hoàn hảo chống lại virus mới như dơi, người dân đã phát bệnh.

Virus gây ra các trận dịch lớn trước đây, như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2013 đều được cho là có nguồn gốc loài dơi và đã nhảy loài lây sang người qua cầy hương và lạc đà.

Hiểm họa từ loài dơi được nhiều loài ĐVHD "tiếp tay" tạo thành đường trung gian, một trong số đó là tê tê. Không ít người dân Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam vẫn xem thịt và vẩy tê tê là một phương thuốc trị bệnh. Theo tạp chí khoa học Science, do môi trường sống đa dạng, lại được vận chuyển xuyên châu lục từ vùng săn bắn trộm châu Phi đến Đông Nam Á rồi Đông Á tiêu thụ, tê tê thường chứa hơn 50 loại virus là và tiềm ẩn nguy cơ biến đổi qua các môi trường. Theo tạp chí khoa học Nature, chuỗi gen tiến hóa của virus phân lập từ tê tê Malaysia giống 99% với virus corona Vũ Hán.

 Nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức CHANGE nhận định "Ban đầu, từng có phỏng đoán rằng chủng mới của virus corona lần này lây truyền từ vật chủ là loài dơi. Như vậy, không loại trừ khả năng nó cũng có thể bị lây truyền từ một loài ĐVHD khác, sau đó lây qua người tiếp xúc với chúng từ các hoạt động buôn bán, tiêu thụ các ĐVHD, trong đó có loài tê tê".

Ông Steve Osofsky, Giáo sư về Chính sách y tế công và Sức khỏe ĐVHD, Khoa Thú y, Đại  học Cornell cho rằng, các chợ ĐVHD có nguy cơ cao lây lan các mầm bệnh bởi chúng thường bị nhốt lẫn vào trong một chỗ chật hẹp cùng với phân và nước tiểu.

Càn quét toàn cầu với hơn 6 triệu ca lây nhiễm tính đến thời điểm hiện tại nhưng sự khởi đầu của virus corona chủng mới cũng không khác gì các đại dịch bùng phát trước đó: tồn tại bên trong một cá thể động vật.

Tác động của COVID-19 đối với buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu

Việc lây lan bệnh có nguồn gốc động vật gây hậu quả tiêu cực trên phạm vi rộng. Ngoài tác động sức khỏe toàn cầu - hơn năm triệu ca COVID-19 tính đến cuối tháng 5 năm 2020 - tác động kinh tế của COVID-19 có thể dẫn đến thiệt hại tài chính lên tới 2,7 nghìn tỷ đô la Mỹ và lên tới 30% sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Đánh giá kinh tế tạm thời của OECD ước tính rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm một nửa với GDP âm ở các khu vực. 

Điều này sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu trong cả ngắn hạn và dài hạn, với các quần thể dễ bị tổn thương nhất, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động cũng ảnh hưởng tới các cơ quan bảo tồn ĐVHD, đặc biệt là ở các quốc gia có ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu do du lịch tạo ra. 

Đơn vị Phát triển Tình báo thuộc Ủy ban Tư pháp động vật hoang dã (WJC) đã phân tích tác động của các biện pháp toàn cầu được áp dụng kể từ tháng 1/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đối với hoạt động buôn bán ĐVHD. 

Báo cáo này kết luận rằng nạn buôn bán ĐVHD vẫn đang diễn ra. Mặc dù có những hạn chế, quy mô giảm nhưng các mạng lưới tội phạm đang thích nghi để tiếp tục các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Trong khi các hoạt động du lịch trên toàn cầu đang bị ngưng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các chuyên gia đang quan ngại về tình trạng giảm lượng khách du lịch dẫn đến không đủ ngân sách chi trả cho các cán bộ kiểm lâm và sự gia tăng của nạn săn trộm ĐVHD. 

Ví dụ, ở những khu bảo tồn, công viên quốc gia có hoạt động phần lớn dựa vào kinh phí thu được từ ngành du lịch, doanh thu du lịch giảm mạnh gây ảnh hưởng cho quỹ tài trợ và ảnh hưởng đến các cuộc tuần tra chống săn trộm, do đó dễ tạo ra một khoảng trống an ninh. Nạn săn trộm tăng vọt khi cộng đồng nông thôn rơi vào tình trạng đói nghèo do mất đi nguồn thu nhập sống còn.

Ở một số khu vực trọng điểm như châu Phi, nạn săn trộm có chiều hướng gia tăng. Nepal và Botswana là hai khu vực được ghi nhận có sự gia tăng trong nạn săn trộm tê giác.

Những kẻ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tận dụng nỗi lo của người dân về nguy cơ bùng phát của virus corona bằng cách bán các phương thuốc giả có chứa sừng tê giác và các bộ phận động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác. Ở một số quốc gia, các sản phẩm từ ĐVHD được quảng cáo là có thể chữa bệnh COVID-19, đáng chú ý là mật gấu và các loài thực vật khác trong các cửa hàng thuốc y học cổ truyển Trung Hoa.

Các nhà phân tích của WJC cũng đã nhận thấy những thay đổi trong phương thức vận chuyển ĐVHD. Các biện pháp an ninh trên vận tải hàng không đã tác động tới các hoạt động của tội phạm khi những kẻ mua bán trái phép ĐVHD không đảm bảo được rằng lô hàng của mình sẽ đến được sân bay mà chúng lựa chọn. 

Vận tải đường biển và đường bộ vẫn là lựa chọn thay thế. Có những lô hàng sản phẩm ĐVHD đang trên đường đến hoặc sắp đến bằng đường biển do được gửi đi trước khi có lệnh phong tỏa. Những kẻ trung gian đang thích ứng với các hạn chế đi lại và theo sát các di biến động tại biên giới Trung Quốc.

Sự kết hợp với các hình thức tội phạm khác     

Các mạng lưới tội phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD bất hợp pháp có thể kết hợp hoạt động của chúng với tội phạm mạng và lừa đảo, với tiềm năng các mạng lưới mới được hình thành hoặc sáp nhập.

Hơn nữa, có khả năng ranh giới giữa buôn bán ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp sẽ ngày càng mờ đi. Đáng chú ý là các cửa hàng thuốc y học cổ truyền Trung Hoa và các trang trại ĐVHD ở châu Á, nếu không có sự nỗ lực mạnh mẽ để tăng cường kiểm tra và kiểm soát, có thể tiếp tục được sử dụng làm vỏ bọc cho việc vận chuyển sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp.

Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến những kẻ buôn lậu - đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi sự giảm sức mua của người tiêu dùng, cũng như chi phí giao dịch tăng, bên cạnh việc tiếp tục xu hướng giảm giá đối với các sản phẩm ĐVHD.

Xu hướng dự trữ

Thông tin do Ủy ban Tư pháp ĐVHD thu thập nhấn mạnh rằng việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đang có tác động đáng kể đến các hoạt động buôn bán ĐVHD, đặc biệt là ở châu Á, nơi những kẻ buôn bán ĐVHD đang phải đối mặt với những thách thức để tiếp cận thị trường Trung Quốc và bán sản phẩm ĐVHD.

Khó khăn trong việc vận chuyển ngà voi vào Trung Quốc đang dẫn đến sự tăng lên trong dự trữ số lượng lớn ngà voi thô tại một số nước Đông Nam Á từ tháng 01/2020. Tất cả đều có tác động kích thích giá trị chợ đen của ngà voi thô, vốn đã trải qua sự suy giảm kể từ năm 2015. 

Bên cạnh đó, cũng có sự gia tăng trong xu hướng dự trữ vảy tê tê. Với những khó khăn ngày càng tăng và lợi nhuận giảm trong buôn bán ngà voi, vảy tê tê có thể thay thế ngà voi trên thị trường bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Thực trạng buôn bán động vật hoang dã tại một số khu vực trên thế giới

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc tính toán, hàng năm hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trên thế giới chiếm đến 23 tỉ USD, cao thứ 4 sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn vũ khí. Điểm đến của nhiều sản phẩm ĐVHD chủ yếu là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tại Campuchia: Các đặc phái viên của WJC được cử đến Phnom Penh gần đây đã xác minh rằng COVID-19 đang ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ ngà voi của thành phố này. Nếu sự thiếu hụt khách hàng và việc đóng cửa chợ tiếp tục trong một thời gian dài, rất có thể rằng những người bán lẻ sẽ tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến.

Tại Lào: Vào năm 2019 và 2020, đặc phái viên của WJC đã phát hiện rằng hoạt động kinh doanh ngà voi ngoài trời tại Viêng Chăn nay đã hoạt động kín đáo hơn và một số đã được chuyển ra các khu vực ngoài thủ đô. 

Cũng như Campuchia, đặc phái viên của WJC nhận thấy có một sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh doanh ĐVHD và nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Có ít lời chào mời mua sản phẩm có nguồn gốc ĐVHD và chủ các cửa hàng nói rằng khách quen cũng vắng bóng. 

Do dịch COVID-19, việc di chuyển bị hạn chế ở Lào. Những kẻ buôn bán cũng ý thức được các hoạt động kinh doanh đang bị đình trệ giữa Lào và Trung Quốc và cần phải có giấy phép để ra vào khu chợ Sanjian ở Viêng Chăn.

Tại Thái Lan và Malaysia: Từ tháng 8 năm 2017, WJC đã thu được những bằng chứng về sự hoạt động của mạng lưới tội phạm mua bán động vật sống bất hợp pháp để làm thú cảnh. Các tuyến mua bán trải khắp ở 12 quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Băng-la-đét, Ấn Độ, Xri-lan-ca, Pa-ki-xtan, A-rập Xê-út, Gioóc-đan, Ô-man, Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất Ca-ta và có thể có cả U-crai-na và Nga.

Vào tháng 3/2020, một số kẻ trung gian đã chỉ ra rằng chỉ có khó khăn trong vận chuyển ở đoạn từ Kuala Lumpur tới Băng Cốc do an ninh nghiêm ngặt ở sân bay Suvarnabhumi tại Băng Cốc và các chốt chặn kiểm soát đường bộ. Tuy nhiên vào tháng 3/2020, kẻ trung gian cho biết rằng hoạt động mua bán trong toàn bộ khu vực này không thể thực hiện được.

Tại Trung Quốc: Lệnh cấm mua bán ĐVHD và tiêu thụ thịt ĐVHD được ban bố và có hiệu lực vào ngày 24/2/2020. Chính sách này của Trung Quốc chủ yếu hướng đến việc tiêu thụ ĐVHD với mục đích làm thức ăn và không áp dụng với các loại khác với mục đích làm thuốc hoặc làm thú cảnh. 

Các nước khác trong đó có Việt Nam và Gabon sau đó cũng ban bố những chính sách tương tự. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian để xem xét tác động của những chính sách này tới việc tiêu thụ ĐVHD, nhưng không giải quyết được hoạt động của những kẻ buôn bán ĐVHD ở quy mô công nghiệp.

Tại Nam Phi: Những kẻ săn trộm đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động. Vào ngày 8/4/2020, ngày trăng tròn ở Công viên quốc gia Kruger, Nam Phi có 6 nhóm săn trộm đang tìm mọi cách đột nhập vào công viên ở Mô-dăm-bích. 

Anh Jacobs, người sáng lập Rhino 911 - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên chở khẩn cấp những chú tê giác cần được giải cứu tại Nam Phi cho biết: "Những tuần qua là khoảng thời gian không hề dễ dàng và éo le cho loài tê giác. Ngay khi Nam Phi đóng cửa, chúng tôi bắt đầu phải đối mặt với sự tấn công của bọn săn trộm gần như là mỗi ngày. Có ít nhất 9 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại tỉnh Tây Bắc Nam Phi kể từ khi phong tỏa và đó mới chỉ là con số mà chúng tôi biết".

Vào ngày 25/3, anh giải cứu một chú tê giác con màu trắng 2 tháng tuổi bị mất mẹ do rơi vào tay bọn săn trộm. Ngày tiếp sau đó, anh được gọi đến để giải cứu 2 chú tê giác đen đã bị bọn săn trộm lấy mất sừng. Khi anh tìm được đến nơi thì đã quá muộn - cả 2 chú tê giác đều đã chết.

Một chú tê giác con được giải cứu từ vùng Tây Bắc, Nam Phi, đang được băng bó và cho uống thuốc an thần.

Tại quốc gia tiếp giáp Botswana, theo Hội bảo tồn tê giác Botswana, có ít nhất 6 cá thể tê giác đã bị săn bắn kể từ khi nước này đóng cửa biên giới để chống lây lan dịch bệnh COVID-19. Và tuần trước, chính phủ nước này thông báo có 5 kẻ săn trộm nghi đã bị quân đội Botswana giết trong hai vụ săn trộm.

Một chú tê giác con được giải cứu từ vùng Tây Bắc Nam phi đang được băng bó và cho uống thuốc an thần. Ảnh: Nico Jacobs

Ông Map Ives, Giám đốc Khu bảo tồn Tê giác Botswana, cũng chia sẻ nỗi lo lắng: "Chúng tôi e là không chỉ có việc khai thác lậu tê giác, voi và các con thú đại diện khác mà còn dự kiến sẽ có sự tăng vọt trong việc tiêu thụ thịt ĐVHD trên khắp châu lục.- Ông cho biết - Sẽ có rất nhiều người không đủ ăn và họ sẽ quay trở lại thiên nhiên để săn những con thú, bạn không thể đổ lỗi cho họ. Những người này đang đói".

Phản ứng của một số quốc gia và Tổ chức quốc tế

Ngày 24/2/2020, Trung Quốc đã ban lệnh cấm khẩn cấp và toàn diện việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD nhằm xóa bỏ thói quen có hại và bảo vệ sức khỏe người dân trước những rủi ro trong tương lai. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc đã ra quyết định cấm tiêu thụ thịt ĐVHD và chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD không kiểm soát.

Giám đốc điều hành các văn phòng của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF)  Châu Á-Thái Bình Dương cũng kêu gọi Chính phủ các nước ở Đông Á và Đông Nam Á tiếp bước Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán ĐVHD; Chịu trách nhiệm về bảo tồn và quản lý các loài hoang dã và về sức khỏe cộng đồng của các nước, cùng nỗ lực để tăng cường giám sát thị trường, truyền thông cho công chúng và chấm dứt việc mua bán, tiêu thụ thịt ĐVHD và các sản phẩm làm từ ĐVHD.

 Hiện Đông Nam Á vẫn nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài hoang dã và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc. Thịt ĐVHD có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại.

Đồng thời, WWF vừa có thư ngỏ, được ký bởi các nhà khoa học, nhà lãnh đạo trong lĩnh vực bảo tồn, y tế công cộng và chuyên gia về bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, thể hiện mong muốn tới các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu cần có động thái nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát một đại dịch tương tự COVID-19 trong tương lai.

Các hành động bao gồm: Đóng cửa các chợ buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao, ưu tiên đóng cửa các chợ tại những khu vực đô thị tập trung đông dân cư; Khẩn cấp đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt buôn bán bất hợp pháp các loài ĐVHD và dừng ngay lập tức việc buôn bán các nhóm loài động vật có nguy cơ cao; Tăng cường nỗ lực giảm cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm làm từ các loài có nguy cơ cao. 

Thư ngỏ được dịch ra 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, kêu gọi các chuyên gia, tổ chức cùng ký tại địa chỉ www.PreventPandemics.org. Đến sáng 12/5, đã có 225 chuyên gia, nhà khoa học, người ủng hộ tại 43 quốc gia, vùng lãnh thổ ký xác nhận lời kêu gọi toàn cầu này.

Tại Việt Nam, "cuộc chiến" bảo vệ ĐVHD cũng cần có thêm những giải pháp mạnh mẽ để chấm dứt hành vi săn bắt, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, giết thịt ĐVHD. Nếu để nói về một khía cạnh tích cực liên quan đến bảo tồn loài trong đại dịch COVID-19 thì đó là việc Trung Quốc và Việt nam cùng thúc đẩy lệnh cấm sử dụng tiêu thụ ĐVHD. Theo một báo cáo công bố ngày 7/4 của WWF, 90% người Việt Nam ủng hộ đóng cửa thị trường buôn bán ĐVHD. 91% ủng hộ việc đóng cửa những nhà hàng bán ĐVHD phi pháp và không được quản lý.

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã có các thông báo, chỉ thị cho chính quyền địa phương nhằm thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD để ngăn ngừa dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương có biện pháp ngăn chặn hành vi sản xuất video săn bắt, giết thịt ĐVHD trên mạng internet. Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông để tăng cường nhận thức cho cộng đồng với chủ đề "COVID-19: Không tiêu thụ động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng".

Tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAid), Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation) và Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society) vừa thành lập liên minh "Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã" (endthetrade) với quy mô toàn cầu đối với các loài trên cạn để tiêu thụ, đặc biệt là các loài chim và động vật có vú, để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Sau hơn một ngày ra mắt, Liên minh đã thu hút 158 tổ chức bảo tồn tham gia ký kết.

Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta suy nghĩ lại về các tác động toàn cầu, từ đó bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cuối cùng là sức khỏe của hàng tỉ người.

Trần Thu Phương (tổng hợp)
.
.
.