"Đám cưới hy vọng" trong trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh

Thứ Hai, 15/01/2018, 16:44
Trong những trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh, những đám cưới được gọi là "đám cưới hy vọng" vẫn diễn ra. Dù cuộc sống có khó khăn thì những người tị nạn vẫn luôn hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp cho dù chặng đường phía trước mà họ phải trải qua không mấy tươi sáng.


"Chúng tôi không muốn mất nhau thêm một lần nữa"

Saddam Hussein, 23 tuổi và Shofika Begum, 18 tuổi là hai người tị nạn Rohingya, hiện sống trong trại tị nạn Kutupalong, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Hai người quyết định kết hôn sau một thời gian dài tìm hiểu nhau.

Giống như ngày hạnh phúc của tất cả các cặp đôi trên thế giới, Saddam Hussein và Shofika Begum cố gắng chuẩn bị cho lễ cưới tươm tất nhất trong điều kiện có thể.

Đôi bàn tay của cô dâu được trang trí bằng hoa văn trang henna, chú rể cài hoa trên ngực áo, tiệc chiêu đãi khách và sàn nhảy được thiết kế ngay trong lều đầy màu sắc.

Chú rể Saddam Hussein, 23 tuổi và cô dâu Shofika Begum, 18 tuổi trong lễ cưới.

Sự khác biệt lớn là lễ cưới được tổ chức ngay trong trại tị nạn Kutupalong - một trong những khu định cư bằng tre và tấm bạt nhựa với khoảng 660 nghìn người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar. Hầu hết những người sống ở đây từ cuối tháng 8/2017 và là người không quốc tịch.

Cả cô dâu và chú rể đều đến từ Kha Maung Seik, một ngôi làng ở thị trấn Maungdaw thuộc bang Rakhine của Myanmar. Làng được biết đến với tên gọi bằng tiếng Rohingya là Foira Bazar với khoảng 1.000 cửa hàng. Saddam và Shofika đã dự định kết hôn tại Myanmar trước khi xảy ra sự cố khiến cả hai phải rời bỏ quê hương, xin tị nạn tại Bangladesh.

Gia đình chú rể Saddam có một cửa hàng ở Myanmar. Saddam cho biết, anh và gia đình đã trốn thoát sau khi bị tấn công. Anh đã mất liên lạc với Shofika trong hai tuần lễ nhưng sau đó, hai người đã được đoàn tụ ở trại Kutupalong.

"Khi công tác chuẩn bị lễ cưới ở Myanmar gần như hoàn tất thì sự cố xảy ra khiến chúng tôi phải bỏ trốn. Đã có thời điểm tôi rơi vào tuyệt vọng khi nghĩ rằng sẽ không có cơ hội để gặp lại Shofika. Rất may mắn là chúng tôi đã gặp lại nhau trong trại tị nạn này. Ba tháng sau khi đến Kutupalong chúng tôi quyết định tổ chức lễ cưới vì không muốn mất nhau thêm một lần nào nữa", Saddam nói.

Một giáo sĩ người Hồi giáo chuẩn bị lời cầu nguyện và thực hiện nghi lễ tôn giáo cho cặp vợ chồng trong cái lều nhỏ được trang trí bằng những vỏ chăn rực rỡ sắc màu. Chỉ có nam giới tham dự buổi lễ này.

Shofika dành phần lớn ngày cưới ngồi trong một lều riêng biệt với sự tham gia của những người thân trong gia đình.

"Háo hức chờ đợi sự ra đời của những đứa trẻ"

Sau nghi lễ tôn giáo là tiệc liên hoan. Những món ăn của bữa tiệc đơn giản nhưng không khí thực sự vui vẻ và náo nhiệt. Theo thứ tự, những người đàn ông được phục vụ đầu tiên, sau đó là phụ nữ và cuối cùng là trẻ em. Những đứa trẻ không dự lễ cưới sẽ được cung cấp thức ăn đựng trong túi nilon do người lớn mang về.

Sau khi mọi người ăn xong, bàn dài, ghế bằng nhựa được đưa ra ngoài và một chiếc loa phóng thanh được bật lên. "Đã đến lúc nhảy múa", một người nói lớn. Một vũ công chuyên nghiệp cùng hai trợ lý bước xuống sàn, thực hiện một số động tác vũ đạo đẹp mắt để khấy động không khí.

Ít phút sau, tất cả mọi người có mặt tại bữa tiệc đứng dậy và cùng nhảy múa trên nền nhạc sôi động. Trong khoảnh khắc, dường như tất cả mọi người quên đi những lo toan, mệt mỏi trong cuộc sống thường ngày để hòa mình vào không gian âm nhạc.

Khi phóng viên hỏi cảm thấy thế nào khi kết hôn trong trại tị nạn, Saddam nói rằng, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi được bắt đầu cuộc sống mới với người phụ nữ mà mình yêu thương. Saddam cho biết thêm, để được kết hôn, vợ chồng anh đã phải trả 500.000 kyat (khoảng 370 USD) cho người quản lý trại tị nạn.

Tuy nhiên, niềm vui, hạnh phúc trong ngày lễ trọng đại không khỏa lấp được sự lo lắng về tương lai của cặp vợ chồng trẻ. Saddam và Shofika nói rằng, không có điều gì chắc chắn về tương lai trong trại tị nạn này.

"Chúng tôi hy vọng và háo hức chờ đợi sự ra đời của những đứa trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi không dám nói điều gì chắc chắn về tương lai phía trước. Không biết chúng tôi sẽ tiếp tục sống trong trại tị nạn hay trở lại Myanmar. Chúng tôi chỉ quay trở lại nếu có quốc tịch Myanmar", Saddam nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.