Đan Mạch xây thêm đảo để có chỗ ở cho người dân

Thứ Ba, 22/10/2019, 10:34
Chính phủ Đan Mạch đã đề xuất xây dựng 9 đảo nhân tạo ngoài khơi Copenhagen để thu hút các công ty công nghệ, với tham vọng trở thành "Thung lũng Silicon của châu Âu".


Thành phố Copenhagen thường đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng cuộc sống. Nhưng sức hút ngày càng tăng của nó đã khiến nguồn cung nhà ở thêm căng thẳng, vì vậy Chính phủ Đan Mạch đã đề xuất xây dựng 9 đảo nhân tạo ngoài khơi Copenhagen để thu hút các công ty công nghệ, với tham vọng trở thành "Thung lũng Silicon của châu Âu".

3 tỷ USD để xây dựng hòn đảo mới

Nguồn nhà ở và khả năng chi trả là một vấn đề lớn ở Đan Mạch. Mỗi gia đình trung bình dành hơn 1/4 thu nhập cho chi phí nhà ở, một trong những tỷ lệ cao nhất trong các nước phương Tây. 

Giá thuê và tiền nhà trả góp đặc biệt cao ở Copenhagen, được đẩy lên cao bởi mỗi năm có hơn 10.000 người chuyển đến thành phố để làm việc hoặc học tập, họ đến cả từ những nơi khác ở Đan Mạch và khắp thế giới. Dân số thành phố hiện tại là khoảng 780.000 người và các dự đoán cho thấy nó sẽ tăng thêm 100.000 người vào năm 2025.

Vì vậy, các nhà quy hoạch đề xuất xây dựng một hòn đảo mới, Lynetteholmen, gần trung tâm thành phố để giải quyết sự thiếu hụt nhà ở. Hòn đảo này sẽ cung cấp 35.000 ngôi nhà mới, với ít nhất 20% được dành riêng làm nhà cho thuê giá rẻ cho sinh viên và người có thu nhập thấp. 

Ngoài diện tích xây dựng nhà ở, còn có đường chạy xe đạp, một tuyến tàu điện ngầm mới và đường cao tốc sẽ kết nối hòn đảo với đất liền. Lynetteholmen cũng sẽ giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. 

Bằng cách tăng thêm nền đất xung quanh Copenhagen và nhờ các bờ biển được thiết kế chiến lược trên đảo, nó sẽ giúp chặn lũ lụt ở trung tâm thành phố. Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2035 sau quá trình quy hoạch công khai kéo dài và sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2070. 

Dự án dự kiến sẽ tiêu tốn 3 tỷ USD (khoảng 20 tỷ kronor Đan Mạch). Nó sẽ được thành phố Copenhagen và Chính phủ Đan Mạch cấp vốn, mặc dù các chính trị gia nói rằng nguồn tiền này sẽ có được bằng cách bán đất và bán nhà, thay vì lấy tiền thuế của người dân.

Lynetteholmen dự kiến trở thành một trong những dự án phát triển đô thị lớn nhất kể từ những năm 1990, nhưng một số người lo ngại về việc dồn quá nhiều cư dân vào trung tâm thành phố và nói rằng vùng ngoại ô cũng cần phải được cải tạo khi dân số Copenhagen ngày càng đông.

Mặc dù Lynetteholmen là dự án kiểu này lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử Đan Mạch, nhưng đây không phải là lần đầu tiên người Đan Mạch tạo ra các đảo nhân tạo để sinh sống và làm việc. 

Một trong những quận thời thượng nhất thành phố, Christianshavn, là một hòn đảo nhân tạo được vua Christian IV ra lệnh xây vào thế kỷ 17. Nó được xây dựng trên hàng ngàn cây cột gỗ.

Nhiều chỗ khác của thủ đô cũng được tạo ra bằng cách xây dựng từ đáy biển lên, bao gồm quần đảo Brygge, một khu vực bến cảng ở trung tâm, Kalvebod Brygge ở quận từng là nơi đóng gói thịt, Vesterbro và phần lớn Nordhavn ở phía bắc Copenhagen.

Gần đây, đảo Peberholm được xây dựng như một điểm băng qua cho một phần của cây cầu Oresund, vốn nối Copenhagen với Malmo ở miền Nam Thụy Điển. 

Giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng của Lynetteholmen sẽ bao gồm việc đặt một chiếc lồng sắt dưới đáy biển để đánh dấu chu vi của hòn đảo và lấp đầy đảo bằng đất cát được đào lên trong các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Copenhagen.

Một góc thủ đô Copenhagen.

Bền vững và đổi mới

Đan Mạch nổi tiếng về kiến trúc sáng tạo và quy hoạch thành phố xanh. Thị trưởng Copenhagen Frank Jensen lập luận rằng các kỹ sư, kiến trúc sư và quan chức thành phố sẽ vẫn tập trung vào sự bền vững trong khi xây dựng dự án Lynetteholmen.

Thủ đô của Đan Mạch đã có 375km đường chạy xe đạp; đèn giao thông được lập trình để hỗ trợ người đi xe đạp trong giờ cao điểm. Các nhà quy hoạch cũng sẽ chuẩn bị cho các loại phương tiện giao thông tương lai như thuyền tự động và xe tự lái. 

"Tất nhiên, bạn phải có một kế hoạch tổng thể, nhưng bạn phải làm cho nó linh hoạt để thích nghi với các yếu tố thay đổi về công nghệ, nguồn năng lượng và tiêu chuẩn sống", Soren Tegen Pedersson, Giám đốc quy hoạch của Hội đồng thành phố Copenhagen, nói.

Bên cạnh là một nơi đến để sống ngày càng có sức hút, Copenhagen còn là nam châm hút khách du lịch, vốn đến thăm các danh thắng như tượng Nàng tiên cá, nhà hát opera và những căn nhà phố sặc sỡ từ Thế kỷ 17 đầy màu sắc dọc theo bờ sông Nyhavn.

Theo số liệu từ hội đồng thành phố, đa số người dân Copenhagen ủng hộ tăng trưởng du lịch và 81% người dân địa phương tin rằng thành phố nên tiếp tục được quảng bá để thu hút nhiều du khách hơn. 

Thị trưởng thành phố nói rằng việc xây dựng Lynetteholmen phù hợp với chiến lược tổng thể nhằm thu hút du khách khám phá các khu vực khác nhau của thủ đô Đan Mạch khi họ đến đây. Ngoài ra, còn có kế hoạch xây dựng 9 hòn đảo khác trong một khu công nghiệp cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Nam. 

Ý tưởng là hình thành thứ mà những người ủng hộ gọi là “Thung lũng Silicon nổi”, nhằm thu hút các công ty trong lĩnh vực công nghệ, dược phẩm và khoa học đời sống. Những hòn đảo này sẽ được đặt một cái tên chung là Holmene.

Dự án chính thức được Chính phủ Đan Mạch khởi động vào tháng 1-2019 và sẽ được chính quyền địa phương, Hvidovre, giám sát chứ không phải Hội đồng thành phố Copenhagen.

Ngọc Trang
.
.
.