Dân Nga thích món ăn Việt Nam

Thứ Tư, 22/03/2017, 10:38
Những món ăn Việt Nam hiện là một trong những nền nghệ thuật ẩm thực quốc tế thời thượng, rất thu hút thực khách Nga ở thủ đô Moscow, theo báo Moscow Times.


Đã gần 20 giờ - một giờ trước khi đóng cửa - nhưng nhiều nam nữ thanh niên trong độ tuổi 20 vẫn còn xếp hàng dài tại một tiệm ăn có tên Bị ở chợ Danilovsky được ghi nhận là quán ăn - cà phê Việt Nam ngon nhất ở Moscow. 

Olga là một nữ thực khách thường xuyên của quán, gọi món chả giò và gỏi xoài, cho biết: “Món ăn ở đây ngon, rẻ, thú vị, nhưng chúng tôi thường phải xếp hàng dài mới có chỗ ngồi”. 

Trên tầng hai, Pavel - một nam thực khách vừa ăn xong tô phở nóng, cho biết bạn anh sang Việt Nam chơi và đã được thưởng thức nhiều món ăn ngon. Tuy chỉ là một tiệm ăn nhỏ, nhưng Bị và chợ Danilovsky là đại diện cho một trong những sự phát triển văn hóa nổi trội trong lịch sử Moscow hiện đại: sự bùng nổ tính sáng tạo và tính quốc tế ở lĩnh vực ẩm thực tại thủ đô nướcNga.

Một sạp bán hàng của người Việt ở chợ Danilovsky.

Trước đây, ẩm thực quốc tế Moscow chỉ có các món ăn Ý hoặc sushi. Một người sành ăn có thể tìm được những món ăn nước ngoài khác nhưng phải trả nhiều tiền. Nói chung, các nhà hàng ăn đều lớn, bán những món ăn đắt tiền, và thường là nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt hiếm hoi. Nhưng vài năm nay, sự phát triển của những món ăn “độc lạ” của thế giới  ở Moscow đã tăng cao, theo bà Anna Maslovskaya, người phụ trách trang mục ẩm thực của báo điện tử Afisha.

Đấy không chỉ là sự giới thiệu những cách nấu nướng mới, mà còn là một sự thay đổi thái độ của người Moscow đối với thức ăn. Trước đây, các đầu bếp được đào tạo bài bản ở các trường nghiệp vụ, trong số đó có nhiều người thi hỏng đại học, theo bà Maslovskaya. Với họ, nấu bếp chỉ là một nghề, tương tự sửa xe hơi hoặc sửa ống nước.

Thế nhưng, gần chục năm trở lại đây, một thế hệ bếp trưởng mới vào nghề. Tuy họ không được đào tạo trường lớp, nhưng họ đem đến một thái độ khác và nhiệt huyết để chuyển thức ăn thành một hình thức nghệ thuật. Các bếp trưởng này đi du lịch nhiều nước, và họ đem kinh nghiệm, kiến thức và đam mê vào bếp. Bà  Maslovskaya khẳng định, đấy là những người rất thích nấu ăn, và họ chỉ quan tâm đến thức ăn. Bà giới thiệu Delicatessen và Ragout là hai tiệm ăn đầu tiên giới thiệu các món ăn chất lượng cao và có tính sáng tạo, như món mì ăn với kim chi Hàn Quốc.

Dòng nghệ thuật ẩm thực này tiếp tục phát triển, và trong mấy năm qua đã tiến thêm một bước mới nữa: những người trẻ thường chỉ là đầu bếp tập sự - nhảy vào nghề, mở ra một văn hóa khởi nghiệp ở lĩnh vực nhà hàng ăn Moscow. Dù nhiều dự án thất bại và đôi lúc làm khách ăn thèm lại được ăn các món của họ, nhưng các tiệm ăn mới này tạo thêm động lực và tính sáng tạo cho Moscow. Ngày nay, thậm chí các nhà hàng ăn đã có tên tuổi và đang trở thành đối tác của các tiệm ăn khởi nghiệp này.

Bà Maslovskaya cho rằng, các tiệm ăn mới song hành với nền văn hóa đang thay đổi của Moscow. Việc tiếp cận internet đã giúp người dân Nga kết nối với thế giới bên ngoài. Bà Maslovskaya nói ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế và việc đồng rúp giảm giá trị cũng không thể đảo ngược những thay đổi kể trên, vì người Nga muốn hiểu biết những nền văn hóa khác, và ẩm thực là một cầu nối trực tiếp với các nền văn hóa khác.

Bà Maslovskaya nói: “Thế hệ trẻ hiện nay xem việc ra ngoài ăn hàng là một phần bình thường của cuộc sống. Họ đến tiệm ăn, chụp ảnh các món ăn rồi giới thiệu trên các trang mạng xã hội, thế nên việc trở thành một đầu bếp đã trở thành chuyện phổ biến”.

Chính trị cũng giữ một vai trò bất ngờ: việc Nga cấm nhập khẩu lương thực nông sản châu Âu hồi tháng 8-2014 - để phản ứng trước việc phương Tây cấm vận Nga với lý do Nga can thiệp vào Ukraine - đã khiến người dân khó thể tiếp cận các món ăn phương Tây nhập về Nga. Điều này dẫn đến việc họ chuyển sang sử dụng các sản phẩm địa phương, dù sự quan tâm ẩm thực nước ngoài đang ngày càng tăng.

Cô Anastasia, một thực khách đang dùng món phở ở chợ Danilovsky, nói: “Trong hai năm qua, chúng tôi chứng kiến một sự chuyển đổi lớn, từ món ăn Ý qua các món ăn của người Việt Nam, người Trung Quốc và Chilê. Khi cấm vận, ngay cả món ăn Nga cũng có được sự chú  ý mới”. Bên cạnh đó, các nhà hàng Nga cũng tăng cường cung cấp các món ăn ngon của quốc tế vốn tìm không khó ở phương Tây.

Chợ Danilovsky là một trong những điểm sáng của văn hóa ẩm thực Nga. Ngôi chợ hình thành từ nhiều thế kỷ nhưng vào năm 2014, chính quyền đã chuyển nó thành một trung tâm mua sắm hiện đại. Các quan chức cho biết nhiệm vụ là tạo nên một khu chợ văn minh, nhưng thực tế thì vẫn là những quầy bán thịt, sữa.

 Đến tháng 3-2015, một nhánh của Công ty nhà hàng Dự án Ginza mua lại ngôi chợ, bắt đầu xây dựng mới và nâng cấp chợ Danilovsky từ một khu kinh doanh trái cây - rau quả bình thường thành chợ nông sản để nông dân bán hàng tươi, cùng các tiệm ăn bán các món ăn nước ngoài.

Ngày nay, ngoài rau quả, chợ Danilovsky còn có cả các món bánh nướng của Dagestan, bánh kẹp Falafel của Israel và món phở của người Việt… Sắp tới, chợ sẽ có hai tiệm ăn mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ăn châu Á của người Moscow: quán 3 Con Vịt (Trung Quốc) do một đầu bếp hạng sao Michelin điều hành và quán K-Town của một người Hàn Quốc.

Chợ  Danilovsky hiện trở thành diễn đàn của những lớp đào tạo đầu bếp, các festival ẩm thực. Khuynh hướng này sẽ còn tiếp tục, và các chợ khác đang muốn làm theo mô hình hoạt động của chợ này.

Một sạp bán hàng của người Việt ở chợ Danilovsky.
Thảo Hương (theo Moscow Times)
.
.
.