Dân làng nghèo mừng rồi lại lo…

Thứ Ba, 22/11/2016, 11:46
Dân làng Hàn Quốc ở thôn Yeongdeok cách thủ dô Seoul 155 dặm về phía đông nam, đang dấy lên cãi nhau về dự án Nhà máy điện hạt nhân Yeongdeok, theo tờ The New York Times.


Có nhà máy điện hạt nhân về đóng tại địa phương, ban dầu dân làng phấn khởi tự hào, tận tình giúp đỡ nền công nghiệp non trẻ của nước nhà. Năm 2005, khi cần tìm một bãi đất để chôn chất thải phóng xạ cấp độ thấp từ các lò phản ứng hạt nhân, người dân thôn Yeongdeok vui vẻ tình nguyện nhường đất, dù nhiều nơi khác phản ứng mạnh.

Dấy lên tranh cãi

Năm 2010, khi biết chính phủ tìm chỗ xây nhà máy điện hạt nhân, người dân thôn Yeongdeok và cả 7 vị thành viên Hội đồng thôn nhất trí nhường đất cho dự án.  399 cụ già đồng ý thay đổi lối sống, để giao đất cho một dự án nhà máy điện hạt nhân. 

Nhưng rồi, quyết định này làm dấy lên một cuộc tranh cãi, rằng nhà máy này sẽ là vị cứu tinh, hay là hồi chuông báo tử của thần chết. Sự tranh cãi cũng cho thấy chiều sâu tuyệt vọng của vùng nông thôn ngày càng thưa người ở Hàn Quốc, cùng sự nghi ngờ ngày càng tăng về sự lệ thuộc điện hạt nhân của nước này.

Nguồn hải sản đã giảm đi nhiều.

Bác nông dân Lee Wan-seop, 54 tuổi, nói: “Chúng tôi không còn hy vọng nào, không còn lựa chọn nào khác ngoài một nhà máy điện hạt nhân”. Ông cho rằng nhà máy sẽ đem lại “nhiều may mắn”, tạo ra việc làm và nguồn thu nhập, cũng như kết thúc sự xuống cấp lâu nay của cả thôn. Nhưng ông  Shin Wang-ki, 56 tuổi, tin rằng một nhà máy điện hạt nhân chỉ là sự kết thúc một lối sống từ nhiều thế kỷ qua.

Ông nói: “Quên đi! Ai dám mua trái cây hoặc cua từ một vùng gần một nhà máy điện hạt nhân? Tôi thừa hưởng một miếng đất sạch của tổ tiên, nay muốn để nó nguyên vẹn cho con cháu”. Hiện ông đang trồng lê, táo và đào trên mảnh đất nhà. 

Ngư dân Kim Il-kwang, 72 tuổi, nói cụ chẳng ngại rời khỏi Seokri, ngôi làng mà gia đình cụ sống suốt 9 thế hệ, vì thế nào đi nữa thì cụ cũng chết già. Cụ kể khi cụ còn trẻ, làng có 500 người. Nay khoảng 100 người còn sống cũng quá già, nên cụ thuộc “cánh trẻ”. Cụ nói thêm: “Nếu ai phải bỏ làng vì Nhà máy điện hạt nhân Yeongdeok, chúng tôi cũng phải hy sinh làng mình. Khoản đền bù mà chúng tôi hy vọng nhận được sẽ là một cái giá tốt mà chúng tôi có thể kỳ vọng từ nguồn đất của chúng tôi”.

Cấp thôn không thể trưng cầu dân ý

Hàn Quốc không có dầu khí, nên phải nhập hầu hết nguồn năng lượng, phát hiện nhà máy điện là giá rẻ nhất để có điện phục vụ ngành công nghiệp. 24 lò phản ứng cung cấp 1/3 sản lượng điện của nước này. 4 lò khác đang được xây và  6 lò nữa sẽ được xây từ năm 2027, gồm 2 lò ở thôn Yeongdeok.

Năm 2012, Hàn Quốc chọn Yeongdeok và thành phố biển Samcheok làm chỗ xây các lò phản ứng hạt nhân mới. Nhưng sự nghi ngờ và lo sợ thì nhiều: trước tiên là thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011.

Rồi cú sốc khác là nhiều vụ tai tiếng cho biết các nhà máy điện hạt nhân khắp Hàn Quốc sử dụng đồ phụ tùng có giấy kiểm nghiệm an toàn giả. Năm ngoái, tân Thị trưởng Samcheok kêu gọi trưng cầu dân ý, để bỏ phiếu chống quyết định cấp đất cho dự án lò phản ứng của vị tiền nhiệm.

Khi lãnh đạo thôn Yeongdeok không làm theo, người chống lại quyết định cấp đất cho dự án nhà máy điện hạt nhân hồi tháng 11-2015 kêu gọi trưng cầu dân ý. Chính phủ và Korea Hydro & Nuclear Power - công ty điều hành các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc - kêu gọi không tổ chức trưng cầu dân ý, với lý do đó là hoạt động trái pháp luật, vì dự án quốc gia thì không cần cuộc bỏ phiếu của cấp thôn. Họ cũng cáo buộc “người bên ngoài” đưa nhóm chống hạt nhân vào để cản dự án trọng điểm cấp quốc gia.

Thế là dân làng chống hạt nhân tổ chức tuyệt thực, cáo buộc lãnh đạo Korea Hydro & Nuclear Power đã  “hối lộ” các cụ cao tuổi bằng dưa hấu và những loại quà khác. Khoảng 11.000 người dân thôn tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Gần 92% chống dư án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Nhóm hoạt động tuyên bố chiến thắng, nhưng chính phủ bác kết quả trưng cầu và tái khẳng định kế hoạch xây một nhà máy hạt nhân ở Yeongdeok.

Nông dân không phải thành phần dễ bị lừa

Sự bất tuân của dân làng này chỉ là một trong những thách thức mà ngành điện hạt nhân Hàn Quốc phải đối mặt. Ngành này chưa hề gặp phải rắc rối nào, từ khi lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động năm 1978. Một ủy ban chính phủ cảnh báo: năm 2019, các nhà máy cũ sẽ hết chỗ chứa chất thải phóng xạ cấp độ cao, và đất nước rất cần xây một bãi chứa mới.

Nhưng chính phủ cũng không thể làm ngơ: dân làng Miryang (đông nam Hàn Quốc) gần đây tổ chức những cuộc phản đối kéo dài - có cả tuyệt thực, để phản đối một tiềm năng nhiễm xạ cấp độ nhỏ hơn. Đó là những trụ điện cao thế để truyền tải điện từ một nhà máy điện hạt nhân ở cách làng khá xa.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, thôn Yeongdeok trở lại cuộc sống yên tĩnh xưa cũ. Giá đất tăng, nhiều nhà mới mọc lên trên các ngọn đồi ven biển. Nhưng nhà cửa không có người ở, vì giới đầu cơ hy vọng công ty điện hạt nhân sẽ mua lại chúng, theo một luật yêu cầu phải đền bù cho chủ nhà sống gần nhà máy điện hạt nhân.

Dưới sự yên tĩnh là sự căng thẳng sôi sục. Người của hai phe chống đối và đồng ý xây nhà máy hạt nhân đang chờ kết quả bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 - 2017 , khi ứng viên người Yeongdeok sẽ bị yêu cầu “theo phe nào”. 

Kim Eok-nam, 47 tuổi, người cho rằng giấc mơ tiếp thị nông sản hữu cơ của anh sẽ tan vỡ khi nhà máy điện hạt nhân mọc lên, nói: “Đối với dân làng, những gì chính phủ nói đều là theo luật, nhưng về dự án nhà máy điện hạt nhân này, chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng chúng tôi không phải là những nông dân dễ bị lừa”.

Vùng đất nghèo này hồi năm 1974, còn 113.000 người sống ở 3 ngôi làng, nay chỉ còn 38.000 người, trong đó gần 1/3, tức 399 cụ từ 65 tuổi trở lên, sống cô đơn, vì thanh niên đã bỏ quê lên thành phố kiếm việc làm. Tỷ lệ chết cao hơn tỷ lệ sinh ở mức 4-1, và số người chết sẽ càng khiến dân số thôn giảm đi nữa.

Nguồn hải sản đã giảm đi rất nhiều sau nhiều năm đánh bắt tận diệt. Cả thôn chỉ có thể đáp ứng 8,8% ngân sách thôn, chính quyền trung ương phải cấp rất nhiều tiền hỗ trợ.

Khó khăn chồng chất, có nhà máy điện hạt nhân về làng ai cũng mừng. Mừng rồi lại lo hậu họa…

Bích Ngọc (theo New York Times)
.
.
.